“Em Lộc nè, em có căn hộ chung cư M ở quận 7 giá chỉ 900 triệu, lợi nhuận cam kết 20%, anh coi mua đầu tư lời lắm, nhà thiết kế 2, 3 phòng ngủ vị trí đẹp… Nếu hấp dẫn, anh gọi lại em nhá”.
Các chủ đầu tư và đơn vị phân phối nghĩ ra nhiều cách để quảng cáo, marketing cho dự án bất động sản của mình. Ảnh: Gia Huy
Đây là một trong rất nhiều tin nhắn quảng cáo căn hộ mà thời gian qua người viết nhận được. Tuy nhiên, dự án này thực sự lại ở huyện Bình Chánh và giá 1,8 tỷ đồng/căn...
Quảng cáo khác xa sự thật
Đánh giá thị trường bất động sản 6 tháng đầu năm 2017, các chủ đầu tư dự án căn hộ đều cho biết, thị trường có chững lại. Đây cũng là thời điểm các chủ đầu tư đau đầu vì nghĩ cách để quảng bá dự án, bởi họ thừa hiểu một điều, khi đẩy mạnh quảng cáo dự án, khách hàng sẽ biết và quan tâm tới dự án nhiều hơn, thì sẽ bán rất nhanh. Còn nếu không đầu tư vào quảng cáo, không đưa thông tin đến được với khách hàng, thì dự án sẽ rất “chật vật” để bán.
Ngoài ra, không chỉ đầu tư sốt ruột, mà cả những đơn vị phân phối cấp 1 cũng bỏ tiền ra để làm quảng cáo và cho những nhân viên kinh doanh àm đủ mọi cách để có thể giới thiệu được cho khách hàng biết tới sản phẩm của mình đang bán. Vậy là, những câu chuyện khóc dở, mếu dở cho khách hàng khi đọc những quảng cáo bất động sản này diễn ra.
Anh Hứa Thanh Tùng, công nhân tại Khu công nghiệp Bình Tân, TP.HCM sau khi nhận được tin nhắn quảng cáo dự án M ở quận 7 với giá 900 triệu, liền liên hệ số điện thoại ghi trong tin nhắn, sau đó anh được hẹn tới thăm nhà mẫu và tiến độ dự án.
“Lúc đó mừng lắm, vì nghĩ nhà ở quận 7 mà giá có 900 triệu, lại 2 phòng ngủ thì quá tốt. Ai ngờ, khi nhân viên công ty dẫn tới nơi thì hóa ra dự án ở tận khu Trung Sơn, huyện Bình Chánh, giá căn hộ lên tới gần 2 tỷ đồng/căn.
Hỏi tại sao căn hộ vậy mà quảng cáo không đúng sự thật, thì nhân viên này xin lỗi và cho biết, phải quảng cáo vậy để hút khách hàng. Ấm ức không nói lên lời, vì để đi coi dự án này tôi phải nghỉ mất nửa buổi làm…”, anh Tùng nói.
Một câu chuyện như đùa ở làng bất động sản nữa đang diễn ra, đó là việc sau khi Bộ Thông tin-Truyền thông siết quảng cáo bằng tin nhắn rác, thì những công ty bất động sản lại có những chiêu mới đó là những cuộc điện thoại mời quảng cáo.
Theo như một nhân viên kinh doanh của sàn giao dịch bất động sản tại quận 7, TP.HCM, để có được số điện thoại “khách hàng tiềm năng”, những công ty bất động sản bỏ tiền mua từ danh sách khách hàng từ các ngân hàng, rồi chia ra cho nhân viên kinh doanh gọi chào.
Chị Nguyễn Cẩm Nhung, ngụ quận 4, TP.HCM kể lại câu chuyện chị đã phải khóc trước nhân viên bất động sản vì khi gọi quảng cáo mời mua dự án đất nền tại quận 9, nhiên viên mô tả chi tiết dự án, với mức thanh toán và giá hấp dẫn…
Tuy nhiên, khi đồng ý đi thăm dự án, chị chạy xe máy từ quận 4 qua, theo hướng dẫn của nhân viên môi giới và cuối cùng chị chạy thẳng xuống huyện Dĩ An, tỉnh Bình Dương, nơi vị trí chính thức của dự án.
“Trời Sài Gòn mùa nắng như đổ lửa, họ hướng dẫn tôi chạy vòng vòng để rồi tới nơi tôi phát hiện là dự án phân lô bán nền… Vì là phụ nữ, lại ở địa điểm vắng bóng người, nên tới nơi, tôi chỉ biết khóc chứ không dám nói nặng lời với nhân viên môi giới, vì sợ họ tức lên hành hung mình”, chị Nhung kể.
Để có được những ý tưởng quảng cáo cũng là điều không hề đơn giản với các công ty bất động sản. Thậm chí, hiện nhiều đơn vị thường thuê luôn một công ty truyền thông phụ trách việc quảng cáo dự án cho mình trên các trang mạng và ngay cả trên gmail…
Đơn cử, câu chuyện trên những tuyến đường Sài Gòn và Hà Nội thời gian qua lên tục xuất hiện những cô gái trẻ mặc đồ mát mẻ, đeo băng rôn dự án và tên chủ đầu tư đạp vòng vòng quanh các con đường ở thành phố.
Thậm chí, để có thể đưa dự án tới khách hàng mà nhiều chủ đầu tư nghĩ ra trò cho nhân viên kinh doanh đứng giữa đường, nơi dự án chuẩn bị mở bán chặn đầu xe người đi đường để phát tờ quảng cáo.
Hay mới đây, tại hẻm 202 đường Nguyễn Xí, quận Bình Thạnh, TP.HCM, cả khu phố láo loạn và cầm gậy gộc bao vây 3 thanh niên vào hẻm buổi trưa. Vì hẻm được lắp camera an ninh phòng kẻ gian, nên khi 3 thanh niên thập thò cổng các nhà dân, thì họ tưởng là kẻ xấu rình mò trộm cắp, nên đã thông báo nhau bao vây bắt. Nhưng rồi hóa ra 3 thanh niên này đi rải tờ rơi quảng cáo bất động sản…
Hậu quả khó lường cho chủ đầu tư
Theo ông Nguyễn Mạnh Hùng, giảng viên Khoa truyền thông Trường đại học Văn Lang (TP.HCM), việc quảng cáo dự án để khách hàng biết đến dự án là việc không xấu, mà các chủ đầu tư phải làm để dễ tiếp cận với khách hàng của mình hơn. Tuy nhiên, cái mà các chủ đầu tư cần nhớ đó là đừng bao giờ quảng cáo sai sự thật, để rồi họ sẽ mất đi lòng tin của khách hàng và gặp rắc rối trong việc phát triển dự án.
“Ví dụ như thời gian qua, tại dự án ở quận 7, TP.HCM, chủ đầu tư dự án đăng thông tin quảng cáo chung cư có 3 thang máy vào tờ quảng cáo rồi phát cho khách hàng, nhưng khi xây dựng xong, bàn giao nhà, thì khách hàng chỉ thấy có 2 thang máy. Vậy là khách hàng tố cáo chủ đầu tư lừa đảo khách hàng, quảng cáo 3 tháng máy, nhưng rồi ăn bớt chỉ làm 2 thang máy. Câu chuyện lên mặt báo, lỗi thuộc về…. người in ấn”, ông Hùng nói.
Một giám đốc sàn giao dịch bất động sản tại quận 2 cho biết, đúng là thời buổi bất động sản chững lại như hiện nay, chủ đầu tư và ngay cả các sàn giao dịch bất động sản phải nghĩ ra mọi cách nhằm mục đích hút khách hàng tới mua dự án. Nếu dự án bán không được thì chủ đầu tư không có tiền phát triển dự án, các công ty mô giới và sàn không có tiền trả lương nhân viên, nên buộc phải nghĩ đủ cách để hút khách hàng.
Ví dụ tại quận 2 sẽ dựa vào hạ tầng tuyến metro, chào giá thấp…, nhưng khi khách hàng tới, thì giải thích căn hộ giá đó hết rồi…
Thậm chí, trong cuộc đua giành giật thị phần, không hiếm các sàn giao dịch bất động sản tự nhận là đơn vị phân phối cấp 1 của các chủ đầu tư lớn để sáng tạo ra các banner quảng cáo hay hình ảnh trên website, facebook, zalo... với nội dung “bá đạo” chưa từng có.
Ông Nguyễn Văn Hậu, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Bất động sản Asian Holding cho rằng, lý do khiến các sàn bất động sản ưa thích các chiêu trò quảng cáo “độc nhất vô nhị” như hiện nay, là bởi cách thức này dễ kích thích sự tò mò của người mua nhà, khiến họ chú ý nhiều hơn đến sản phẩm. Từ đó, tạo ra cơ hội cho người bán mở rộng số lượng khách hàng tiềm năng.
“Tuy nhiên, đứng ở góc độ chủ đầu tư, tôi thấy rằng cách làm này giống như con dao hai lưỡi. Dù có thể bán được nhiều hàng hơn, các dự án được chú ý hơn, nhưng có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín của chính các chủ đầu tư.
Hầu hết các doanh nghiệp có chỗ đứng trên thị trường ít dùng cách quảng cáo “giật tóc, móc mắt” để tiếp cận khách hàng tiềm năng do không phù hợp với tiêu chí sản phẩm, chủ yếu thuộc phân khúc trung và cao cấp mà họ hướng tới.
Tình trạng tràn lan các quảng cáo tự chế, tự phổ cập rộng rãi vào những nội dung giật gân, câu khách chủ yếu do các sàn phân phối tự thống nhất mà không có sự trao đổi với chủ đầu tư. Việc làm này kéo theo sự chối bỏ của khách hàng đối với những dự án được quảng cáo phản cảm là hoàn toàn có khả năngvà khi đõ rõ ràng là tiền mất mà chủ đầu tư phải chịu trận”, ông Hậu nói.
Các bản tin khác
- Phát triển du lịch tâm linh
- Đề xuất bán 1.000 lô đất ở đô thị
- Lễ hưởng ứng Ngày Pháp luật Việt Nam năm 2014 và phát động cuộc thi viết tìm hiểu Hiến pháp
- BẤT ĐỘNG SẢN TP.HCM sẽ cấp sổ hồng các dự án đang bị thế chấp
- Quanh một căn nhà
- Công khai chọn đất tái định cư
- Giao dịch nhà đất: “Chết chìm” vì… biển kiến thức
- Nghịch cảnh bán hàng địa ốc
- Người dân cũng có thể kinh doanh nhà ở xã hội
- Cấp sổ đỏ cho chung cư trong vòng 30 ngày
- Đà Nẵng nỗ lực hoàn thiện môi trường đầu tư
- Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường: “Ngày Pháp luật góp phần tích cực phát huy giá trị hiệu lực, hiệu quả của Hiến pháp”
- Đà Nẵng đặt tên đường theo tên đảo Hoàng Sa
- Mô hình "Chính quyền điện tử Đà Nẵng" được vinh danh quốc tế
- MÒN MỎI CHỜ SỔ HỒNG - KỲ CUỐI: Quyền lợi của khách hàng chưa được bảo vệ
- Bất động sản hay chứng khoán hứa hẹn sinh lời ‘khủng’?
- Việt Nam vào top 20 điểm đến đáng sống nhất thế giới
- Ồ ạt xây nhà giá rẻ ven Sài Gòn
- Bất động sản lại có biểu hiện sốt giá
- Tăng thời hạn sử dụng giấy phép lái xe