Quyết định mới đây của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) về việc giảm một loạt lãi suất điều hành cũng như lãi suất cho vay ngắn hạn đối với các lĩnh vực ưu tiên được xem như là tín hiệu nhằm hỗ trợ tăng trưởng kinh tế theo chủ trương của Chính phủ. Mức độ lan tỏa của quyết định vĩ mô này ra sao có lẽ phải cần có sự kiểm chứng của thời gian.
Tuy nhiên, theo nhận định chung về tình hình kinh tế 6 tháng đầu năm 2017, trong ba biến số lớn nhất của chính sách tiền tệ (lạm phát/ lãi suất/ tỷ giá) thì lãi suất đang là tâm điểm đáng phải bận tâm nhất. Bởi, mục tiêu tăng trưởng kinh tế yêu cầu Chính phủ phải nhanh chóng hành động, gỡ bỏ những cản trở và nút thắt, trong đó vai trò của lãi suất mang ý nghĩa then chốt.
Một câu hỏi lớn đặt ra: Mức giảm lãi suất như đã công bố liệu có hợp lý? Lộ trình giảm lãi suất trong các năm đến sẽ diễn biến như thế nào? Câu trả lời thực ra không hề dễ dàng nhưng chắc chắn không thể thoái thác. Bởi lẽ giảm lãi suất đang là nhu cầu tất yếu, cấp bách của nền kinh tế nhằm hướng đến mục tiêu phát triển bền vững; và trách nhiệm trước hết thuộc về NHNN và sau đó là Chính phủ.
Vai trò của một chính phủ kiến tạo phát triển không cho phép mơ hồ trong việc hoạch định chính sách mang tầm quốc gia, đặc biệt là lãi suất. Theo đó, mục tiêu phấn đấu đến năm 2020 cần đưa mặt bằng lãi suất cho vay sản xuất kinh doanh hạ xuống phổ biến bình quân từ 5-6%/năm đối với ngắn hạn và 7-8%/năm đối với trung, dài hạn. Cần nhất quán với lộ trình giảm lãi suất theo hướng hợp lý, đồng bộ, có bước đi nhanh hơn, giải pháp đột phá hơn, góp phần tạo lòng tin, tâm thế chủ động cho cộng đồng doanh nghiệp. Dĩ nhiên nguyên tắc số một là phải dựa trên nội lực thực sự của nền kinh tế.
Một vấn đề khác cần quan tâm, động thái giảm lãi suất của NHNN hầu như mới chỉ tập trung vào loại hình cho vay ngắn hạn, trước mắt có tác động nhất thời đến hiệu quả tài chính cục bộ cho doanh nghiệp; trong khi tầm nhìn dài hạn phải là giảm lãi suất cho vay trung, dài hạn lại chưa được quan tâm đúng mức. Mà lãi suất trung, dài hạn mới là thước đo chủ yếu đánh giá hiệu quả điều hành chính sách tiền tệ, gắn với chủ trương tái cơ cấu doanh nghiệp và nền kinh tế.
Tuy nhiên, một khi mặt bằng lãi suất đầu vào không giảm thì rất khó duy trì đầu ra ở mức hợp lý và ổn định. Chênh lệch lãi suất tại các ngân hàng thương mại hiện đã ở mức rất thấp so với những năm trước đây, chỉ khoảng 2,5-3%/năm. Áp lực nợ xấu vẫn còn rất lớn và chưa thể giải quyết trong một sớm một chiều. Mặc dù NHNN có hỗ trợ lãi suất từ các khoản tái cấp vốn, chiết khấu nhưng đây không phải là nhân tố có tác động quyết định đối với cung cầu lãi suất trên thị trường hiện nay. Động thái chỉ ép đầu ra mà không có giải pháp cho đầu vào chứng tỏ NHNN vẫn chưa thoát khỏi tình thế tiến thoái lưỡng nan, hoặc chưa đủ tự tin trong điều hành chính sách? Chức năng trung gian tài chính của ngân hàng thương mại đang phải đối mặt với nhiều thử thách lớn. Mâu thuẫn này có khả năng triệt tiêu tính khả thi của chủ trương giảm lãi suất.
Để giải bài toán giảm mặt bằng lãi suất theo hướng đồng bộ thì trước hết cần phải thay đổi tư duy quản lý và kinh doanh tiền tệ. Theo đó, các ngân hàng thương mại cần sớm chuyển hướng từ chiến lược cạnh tranh dựa vào giá, thu hút vốn chủ yếu bằng công cụ lãi suất cao, sang chiến lược nâng cao chất lượng, đa dạng hóa sản phẩm dịch vụ và khách hàng, tiết giảm chi phí để củng cố năng lực tài chính. Kinh doanh ngân hàng ngày nay cần định hướng theo tầm nhìn của thời đại kỷ nguyên số, chất lượng trình độ nhân lực và ưu thế công nghệ cao, chứ chưa phải là vốn liếng, đang ngày càng trở nên có ý nghĩa quyết định.
Về phía cơ quan điều hành, NHNN cần chủ động đưa ra thông điệp điều hành theo hướng giảm mạnh lãi suất không kỳ hạn và các kỳ hạn ngắn, kể cả áp dụng lãi suất không kỳ hạn 0% như thông lệ quốc tế. Tiền gửi ngân hàng phải hướng đến mục tiêu tích lũy, giảm thiểu rủi ro, tạo điều kiện cho khách hàng thụ hưởng các tiện ích dịch vụ hiện đại. Hiện nay, mặc dù thanh khoản thị trường rất ổn định nhưng cạnh tranh lãi suất vẫn diễn ra một cách ngấm ngầm khốc liệt.
Về mặt điều hành chính sách, nhóm cơ cấu vốn lãi suất cao (kể cả huy động/ cho vay) phải được đưa vào diện nhạy cảm, cảnh báo và giám sát chặt chẽ cả về quy mô, tỷ trọng và có định hướng tín hiệu lãi suất thị trường hợp lý. Không để xảy ra hiện tượng phá rào, lách luật, gây rối thị trường như thời gian vừa qua bởi một số ngân hàng tung ra mức lãi suất huy động trung dài hạn hơn 9%/năm, vượt xa lạm phát kỳ vọng, hoặc cho vay tài chính tiêu dùng lên đến 50-60%/năm… Tương tự như vậy, lãi suất khu vực công (trái phiếu kho bạc, trái phiếu chính phủ…) cũng không được phép chèn lấn quá mức lãi suất thị trường.
Cuối cùng, cần thu hẹp và đi đến chấm dứt cung cách điều hành chính sách ưu đãi lãi suất đối với một số lĩnh vực ưu tiên bằng biện pháp hành chính. Với cung cách điều hành như hiện nay, khó tránh khỏi hiện tượng ngân hàng thương mại biến tướng, đối phó tiêu cực với chính sách cấp vốn ưu đãi, xuất hiện tâm lý co cụm, ngại cho vay theo chỉ định, tìm cách cộng thêm phí phẩy vào lãi suất, hoặc bơm vốn quá nhiều vào các lĩnh vực lãi suất cao nhưng tiềm ẩn rủi ro lớn (bất động sản, tiêu dùng…) nhằm bù đắp các khoản dư nợ lãi suất thấp, chạy theo lợi nhuận đơn thuần.
Thay vào đó, cần khuyến khích sử dụng các đòn bẩy kinh tế, tăng cường cạnh tranh, trao quyền tự chủ, tự thỏa thuận theo tín hiệu cung cầu thị trường. Ngân hàng được quyền chủ động lựa chọn, sàng lọc khách hàng tín nhiệm, từ đó uốn nắn phân bổ nguồn lực tín dụng đi vào các lĩnh vực ngành nghề thực sự an toàn, hiệu quả, có triển vọng phát triển lâu dài.
Bài học về thay đổi cơ chế điều hành tỷ giá nên được rút kinh nghiệm và mở rộng ra các lĩnh vực quản lý Nhà nước khác.
PHÚC VINH
Theo Báo Đà Nẵng
Các bản tin khác
- Đà Nẵng: quy hoạch 1/5000 Khu vực phía Tây Nam với 9.955 ha
- Khởi công Khu Công viên Phần mềm Đà Nẵng 15 ha vào tháng 11/2017
- Đầu tư vào bất động sản sẽ tiếp tục gặt hái thành công
- Danh sách các dự án đã thực hiện chuyển quyền theo NĐ11/CP
- Bất động sản Đà Nẵng: Du lịch tạo đà
- Ngỡ ngàng căn nhà tự “biết thở” độc đáo ở Đà Nẵng
- Sớm đưa Làng Đại học Đà Nẵng đi vào hoạt động
- Bất động sản Đà Nẵng và câu chuyện đầu tư "đúng thời điểm"
- Đi lạc vào thánh địa hoa tại Bà Nà Hills
- Minh bạch thông tin dự án bất động sản
- Du lịch đang tạo đòn bẩy cho bất động sản Đà Nẵng
- Công bố 18 dự án được thực hiện mua bán, chuyển quyền sử dụng đất
- Đà Nẵng đang chạy đua cùng APEC
- Chọn môi giới bất động sản còn hơn chọn mặt gửi vàng
- Bất động sản nghỉ dưỡng ven biển thu hút nhà đầu tư
- Phê duyệt đồ án Quy hoạch phân khu khu vực phía đông và bán đảo Sơn Trà
- Trao tay thành công 100% sản phẩm dự án Coco Riverside City giai đoạn 2 đến khách hàng
- Hoà Bình Green Đà Nẵng - Kỷ lục thi công trên thị trường xây dựng Việt Nam
- [HÌNH ẢNH] Đẩy nhanh tiến độ thi công các công trình phục vụ APEC 2017
- Ngỡ ngàng Asia Park thay áo mới xanh mướt