Đứng bên này sông Cẩm Lệ nhìn về phía đông, thấp thoáng những ngôi nhà cao tầng mới mọc. Từ xa, tháp chuông nhà thờ Cồn Dầu vút lên trên nền trời xanh, đẹp tráng lệ. Dòng sông Cẩm Lệ uốn lượn lấp lánh, miên man trong nắng... Nơi ấy, Hòa Xuân đang thực sự trở mình...
Bên kia sông Cẩm Lệ, phố mới Hòa Xuân đang thay đổi từng ngày. Ảnh: D.Hùng |
Những cây cầu như Hòa Xuân, Nguyễn Tri Phương, Cẩm Lệ... đã minh chứng cho cuộc thay chuyển, biến Hòa Xuân từ một vùng trũng, tẻ nhạt trở nên sôi động, thành một “đại công trường”, với hình hài của một khu đô thị sinh thái (ĐTST) ven sông đầu tiên tại Đà Nẵng. Bà Mai Nữ (60 tuổi), người có gần 20 năm bán nước mía, qua nhiều lần di chuyển theo các cuộc chỉnh trang đô thị, nay quyết định “đóng chốt” tại điểm sát chân cầu Nguyễn Tri Phương phía bên này P. Khuê Trung, kể: ngày trước, khi chưa có cầu qua sông Cẩm Lệ, nhiều phụ nữ như bà ngày ngày từ bên kia sông tần tảo, trĩu trên vai những gánh rau, rổ cá vừa thu hoạch, đánh bắt xuống đò đưa qua phố. Còn những người đàn ông, họ tất tả vác qua chuyến đò đầy chiếc xe đạp cà tàng, và còng lưng đạp nhanh về phố cho kịp ca làm sớm, những em học sinh cấp hai cấp ba thì lau nhau theo những chuyến đò sang bên này sông đi học... Hẳn những người từng qua lại trên chuyến đò ngày ấy, và nhiều thế hệ người dân Lỗ Giáng, Trung Lương, Tùng Lâm, Cồn Dầu, Cẩm Chánh trước đó vẫn luôn ấp ủ giấc mơ đổi đời. Không ấp ủ sao được khi mà chỉ cách một con sông nhưng “bên ni - bên nớ” chênh nhau một trời một vực. Những làng quê chỉ cách phố thị một nhánh sông mà cuộc sống trái ngược hẳn. Những con đường đất đá lởm chởm quanh co, những giếng nước nhiễm phèn quanh năm đỏ quạch, những mái nhà đơn sơ lọt thỏm trong cái túi nước ngập đến mái qua mỗi mùa mưa lụt. Cái khoảng cách giữa hiện đại, phố xá sầm uất với làng quê nghèo nàn, lạc hậu sao mà xa thế, trong khi về địa lý chỉ cách nhau một chuyến đò...
Rồi cái gì đến cũng đến. Đến lúc Hòa Xuân phải thay đổi, phải thoát khỏi sự đắm chìm trong bao điều cũ kỹ, thoát khỏi cái nghèo dường như đã ngự trị ở đây lâu lắm rồi... Sau nhiều năm “thai nghén”, Dự án khu ĐTST ven sông Hòa Xuân chính thức ra đời và triển khai thực hiện. Đây là dự án được hy vọng sẽ thay đổi không chỉ diện mạo, đời sống của người dân Hòa Xuân nói chung, khu vực giáo xứ Cồn Dầu nói riêng, mà còn có ý nghĩa rất lớn trong việc mở rộng không gian đô thị Đà Nẵng về hướng đông - đông nam. Toàn P. Hòa Xuân được triển khai 11 dự án với tổng diện tích quy hoạch lên đến 1.100 ha, với 5.168 hộ dân thuộc diện di dời, giải tỏa. Sau khi triển khai, toàn bộ vùng trũng này sẽ được tôn cao. Các ý tưởng về khu biệt thự sinh thái, bệnh viện quốc tế, trường đại học quốc tế, dịch vụ cao cấp... hứa hẹn viễn cảnh chưa từng có ở xứ này.
Những khu phố mới, những căn biệt thự sang trọng đang từng ngày mọc lên |
Ông Lê Văn Sơn-Chủ tịch UBND Q. Cẩm Lệ cho rằng, đi trước, làm đầu, bao giờ cũng khó và gặp không ít những điều kiện khách quan tác động, kể cả tích cực lẫn hệ lụy. Với quy mô hơn 437ha, chiếm gần 1/2 diện tích của phường, Dự án khu ĐTST ven sông Hòa Xuân ngoài việc phải di dời, giải tỏa khoảng 2.100 hộ dân, trải rộng trên 5 khu vực, thì việc phải quy hoạch, nâng cấp 1 nhà thờ Thiên chúa giáo (Cồn Dầu), 2 chùa Phật giáo (Trung Lương và Hòa Xuân), 7 đình làng, 87 nhà thờ Tộc họ chi phái, gần 17.000 ngôi mộ với 5 nghĩa địa nhân dân và 1 nghĩa địa tôn giáo, 1 nghĩa trang liệt sĩ (với hơn 400 ngôi mộ); đồng thời phải xây dựng mới toàn bộ các cơ sở trường học, trạm y tế, trụ sở hành chính... là khối lượng công việc khổng lồ và nặng nề. Nhưng chính sự quyết tâm của lãnh đạo các cấp từ thành phố đến quận, phường và sự đồng thuận của đông đảo người dân, sau 7 năm triển khai, Dự án đã cơ bản hoàn thành các mục tiêu đề ra.
Sự thành công hay không của một dự án phải di dời, giải tỏa hàng ngàn hộ dân trước hết sẽ được phản ánh qua lăng kính cuộc sống người dân nơi ở mới. Và với Hòa Xuân cũng không là ngoại lệ. Ông Đoàn Cảng, một trong những giáo dân Cồn Dầu cho biết, gia đình ông chuyển lên khu tái định cư từ năm 2011. Nếu so sánh giữa khu cũ và khu mới hiện nay thì hoàn toàn khác biệt. Tất cả các mặt của đời sống đều tốt hơn hẳn. Thứ nhất là về học vấn. “Hơn 30 năm sau giải phóng, khu vực Cồn Dầu chỉ có 3 em đậu đại học, nhưng 5 năm sau khi giải tỏa và chuyển lên nơi ở mới, riêng Cồn Dầu đã có hơn 40 em đậu đại học, cao đẳng. Con số đó đã nói lên nhiều điều. Đó là chưa nói đến cơ sở hạ tầng, điện đường trường trạm được đầu tư đồng bộ, hiện đại. Nhà cửa được xây mới, khang trang, bộ mặt đời sống thay đổi hoàn toàn”, ông Cảng nói. Riêng gia đình ông Cảng có 3 đứa con nhưng hồi ở quê cũ, đứa đầu học đến lớp 9 buộc phải nghỉ vì không có điều kiện. “Từ ngày chuyển về nơi ở mới, nói thiệt, cũng mừng vì hai đứa còn lại đều học hành đến nơi đến chốn. Hiện đứa con thứ hai đã ra trường đi làm, còn 1 đứa đang học đại học năm cuối”, ông Cảng vui mừng.
Ông Đoàn Cảng (phải) cho rằng, cuộc sống của bà con nơi ở mới rất ổn định, tình làng nghĩa xóm được gắn kết chặt chẽ hơn nơi ở cũ. Ảnh: D.HÙNG |
Khi hỏi về công ăn việc làm của người dân sau giải tỏa, ông Cảng thành thật: “Lúc đầu khi chuyển về nơi ở mới, nhiều người cũng lo lắng lắm. Nhưng nói thật, ai siêng thì không bao giờ thất nghiệp, chẳng qua không muốn làm thôi, chứ muốn thì không thiếu việc để làm”. Theo ông, mấy năm đầu cũng có những gia đình khá vất vả, nhưng “cái khó ló cái khôn”. Cùng với sự hỗ trợ, tạo điều kiện của chính quyền, những chị em 40-50 tuổi, từ quen với việc đồng áng, nay họ chuyển sang làm công nhân trồng cây xanh cho dự án, còn thanh niên nam giới thì học bằng lái xe, làm tài xế. “Khi lên đây, có chủ trương đi nghĩa vụ quân sự là con em đăng ký đi ào ào chứ không thậm thò thậm thụt như hồi trước”, ông Cảng nói. Ông Cảng nói rằng, hiện cuộc sống của bà con nơi đây rất ổn định, tình làng nghĩa xóm được gắn kết chặt chẽ hơn nơi ở cũ. “Thường người công giáo không có tất niên, ngay cả mấy chục năm dưới quê cũng không có tết nào tổ chức tất niên cả. Nhưng mấy năm lên đây, tết nào bà con cũng tổ chức tất niên xóm, ai nộp tiền cũng được, không cũng không sao, tất cả đều chung vui, không phân biệt, điều mà người dân công giáo từ trước đến nay không thấy ai làm”, ông Cảng cho biết thêm.
Quả thật bây giờ, nếu có dịp qua những khu phố mới Hòa Xuân, chắc chắn ai cũng thấy không còn tình cảnh chạy lũ lầm lũi khổ nhọc như xưa nữa, nhưng những con đường mang tên làng cũ vẫn hiện hữu, những khu nhà thờ tộc, phái được quy hoạch liên hoàn, đình làng được phục dựng. Vẫn còn đó những tên làng trong phố mới cùng với nơi thờ cúng tổ tiên, ông bà của dòng họ. Mà đường sá cao ráo, mà điện đường, trường học khang trang, đó chẳng phải là minh chứng sống động cho sự chuyển mình lắm sao.
(còn nữa)
Ký sự: DOÃN NGUYÊN HƯNG
Theo Báo CA ĐN
Các bản tin khác
- Mua bất động sản, mua luôn tiện ích
- ‘Tù mù’ pháp lý office-tel: Người mua dễ trục lợi?
- Mấy điều lưu ý cho người đang quan tâm Office–tel
- Phú Gia Thịnh chính thức mở bán 2 dự án "vị trí vàng" nam Đà Nẵng
- Đề xuất cho sở hữu officetel lâu dài thay vì 50 năm
- Những lợi thế khi đầu tư căn hộ Hòa Bình Green Đà Nẵng
- Sun Group mở bán biệt thự, condotel hạng sang ở Phú Quốc
- Nhà gần hồ ngày càng được khách mua ưa chuộng
- 5 lí do xuống tiền đầu tư Coco Ocean-Spa Resort
- Từ hôm nay, khách hàng có thể “mặc cả” về lãi suất cho vay
- Vinh danh các dự án bất động sản hấp dẫn nhất Việt Nam
- Bùng nổ đô thị ven sông tại châu Á Thái Bình Dương
- Giới đầu tư địa ốc ráo riết săn đất nền
- Đón sự kiện APEC, lợi nhuận đầu tư bất động sản Đà Nẵng có thể đạt 25%
- Đà Nẵng lần thứ tư liên tiếp chiếm ngôi đầu PCI
- Bất động sản nghỉ dưỡng ở Đà Nẵng tăng trưởng mạnh
- Tập đoàn khách sạn lớn thứ 5 thế giới đầu tư vào Đà Nẵng
- Đà Nẵng: Thông qua nhiều dự án kiến trúc quy hoạch quan trọng
- Cho người nước ngoài mua nhà: “Việt Nam cởi mở nhất khu vực ”
- Thị trường BĐS Đà Nẵng sẽ là lựa chọn của nhiều nhà đầu tư trong thời gian tới