Một dự án chung cư tại quận 7 vừa được chủ đầu tư mở bán tại quận 1 (TP.HCM), thu hút hàng ngàn người tham gia và chỉ sau 3 tiếng mở bán, chủ đầu tư thông báo đã bán được 70%... Giới quan sát cho rằng, chủ đầu tư đang chơi trò sốt ảo để hút người mua.
Lưu ý với người mua nhà dự án, những căn được hưởng nhiều chiết khấu thường ở vị trí rất xấu
Đủ chiêu tại lễ mở bán
Lý do mà chủ đầu tư có dự án ở quận 7, nhưng mở bán ở trung tâm quận 1 được chủ đầu tư giải thích là để tiện cho khách hàng đi lại. Tuy nhiên, giới quan sát cho rằng, thực chất của việc tổ chức như vậy là vì dự án chưa có gì, hoặc dự án khác xa với những gì đã quảng cáo, nên chủ đầu tư sợ khách hàng tới dự án sẽ thất vọng và không mua.
Theo các nhân viên kinh doanh bất động sản, chủ đầu tư và các sàn giao dịch F1, F2… có nhiều chiêu để thu hút khách hàng khi mở bán dự án. Anh Nguyễn Văn Toàn, nhân viên kinh doanh của một sàn giao dịch bất động sản đang bán các dự án An Gia và Creed Group tại quận 7 cho biết, chiêu phổ biến nhất hiện nay được các chủ đầu tư áp dụng tại các buổi mở bán là nhờ sự trợ giúp của người nhà.
Theo đó, tại một dự án mở bán, khi khách hàng đã tới đông đủ, lễ mở bán bắt đầu, nhiều người nhà của chủ đầu tư sẽ mang tiền lên đặt cọc giữ chỗ để tạo sốt ảo. Với sự nhiệt tình đặt mua này, những khách hàng có nhu cầu mua thực nghĩ rằng, không mua ngay sẽ hết hàng…
Một chiêu nữa ở những lễ mở bán, đặc biệt là bán đất nền, là việc bán theo các suất ưu tiên 1, 2, 3. Nghĩa là, khi ưu tiên 1 không mua thì mới tới ưu tiên 2, ưu tiên 3. Nhưng thực chất, khi dự án mở bán ra, những người thuộc ưu tiên 2 và 3 vẫn mua được hàng bình thường.
Lý do được giới kinh doanh bán hàng bật mí là, khi chủ đầu tư thông báo chuẩn bị mở bán, các sàn bất động sản bán dự án sẽ tạo ra cơn sốt bằng việc mời chào khách hàng, nhưng cho biết đã có người mua hết, muốn mua nền đất đó phải đặt cọc giữ chỗ diện suất ưu tiên 2 và 3. Sau khi khách hàng đã “xuống tiền” giữ chỗ, các sàn sẽ lập danh sách gửi chủ đầu tư, từ đó nếu khách mua nhiều thì chủ đầu tư tăng giá bán vì lượng người mua nhiều. Như vậy, đằng sau các suất ưu tiên đó là cái cười thầm của chủ đầu tư và cánh môi giới bất động sản.
Một chiêu nữa mà các chủ đầu tư thường dùng tại các buổi lễ mở bán là sử dụng “chim mồi”. Có hai loại “chim mồi” được chủ đầu tư đưa ra buổi lễ mở bán.
Một là, dùng hình ảnh người nổi tiếng để hút khách hàng bằng việc mời người nổi tiếng tới buổi mở bán và công bố người này đã mua căn hộ tại dự án để ở và kinh doanh.
Hai là, treo giải thưởng lớn như xe hơi… dành cho một số khách hàng mua căn hộ ngay buổi lễ mở bán. Thực chất, khi công bố trúng thưởng, những suất “may mắn” lại toàn là người nhà của chủ đầu tư…
Đằng sau những buổi mở bán
Sau những buổi mở bán hoành tráng, không ít khách hàng rơi vào tình cảnh “cười ra nước mắt”. Nhiều dự án, sau khi chủ đầu tư công bố bán hết, song nhà đầu tư rất khó bán lại căn hộ, bởi thực chất, dự án chưa bán hết hàng.
Ngoài các chiêu trò trên, tại các buổi mở bán, chủ đầu tư thường thông báo chiết khấu cho khách khi mua nhà ngay tại buổi mở bán. Nghe những lời chào mời về phần trăm chiết khấu, nhiều người mua thực sự bị thuyết phục và quyết định "xuống tiền" đặt mua. Tuy nhiên, ít người biết rằng, đó cũng chỉ là chiêu thức của chủ đầu tư, bởi thực tế, những căn được chiết khấu thường ở vị trí rất xấu.
Giới chuyên gia cho rằng, việc chủ đầu tư sử dụng các chiêu trò khi mở bán dự án bất động sản đã có từ lâu và các chiêu trò thay đổi liên tục để thu hút khách hàng.
Ông Dương Văn Thìn, một nhà đầu tư bất động sản chuyên nghiệp tại TP.HCM cho biết, khách hàng dù có chuyên nghiệp đến mấy cũng rất khó phát hiện ra những chiêu bán hàng của chủ đầu tư và dân môi giới bất động sản. Lý do là, chủ đầu tư chi khá nhiều tiền để thực hiện quảng cáo cho việc xây dựng các chiêu mới để hút khách, cũng như đầu tư cho các buổi mở bán.
Các bản tin khác
- Khẩn trương thực hiện tái định cư tại quận Ngũ Hành Sơn
- Phiên họp lần thứ XV của Hội đồng thẩm định Đề xuất quy hoạch phát triển tổ chức hành nghề công chứng của các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương
- Bán rẻ căn hộ cũng khó
- Bắt giam một cò đất lừa đảo, chiếm đoạt tài sản
- Cảnh báo rủi ro trong giao dịch bảo đảm
- BẤT ĐỘNG SẢN ĐÃ CHẠM “ĐÁY”?
- Triển khai bảo đảm tiến độ các dự án tại các quận Sơn Trà, Ngũ Hành Sơn
- Đà Nẵng-Quảng Nam khơi thông sông Cổ Cò
- 1.723 tỷ đồng đầu tư đường Nguyễn Tất Thành nối dài và đường vành dai phía Nam
- Giá đất tái định cư các dự án trên địa bàn thành phố
- 420 tỷ đồng xây dựng hai cây cầu bắc qua sông Cổ Cò
- Thị trường bất động sản khó “tan băng”
- Thành lập Hội Công chứng TP.HCM
- Nhà đang thế chấp vẫn chứng tặng cho!
- Hệ số điều chỉnh giá đất áp dụng từ ngày 7/5/2012
- Giấy tờ giả ám ảnh công chứng viên
- Lãnh đạo thành phố tiếp đoàn công tác Hội đồng công chứng Tòa thượng thẩm Douai (Cộng hòa Pháp)
- Ngân hàng Nhà nước nới lỏng tín dụng: Dòng vốn đã chảy vào BĐS, VLXD?
- Rộ giấy tờ giả qua công chứng - Bài 3: Công an lơ là, bọn làm giả nhơn nhơn
- Rộ giấy tờ giả qua công chứng - Bài 2: Thiệt hại nặng, xử lý nhẹ