Sau hai năm thí điểm chế định thừa phát lại tại TP.HCM, kết quả đạt được ban đầu đã khẳng định việc thí điểm này là chủ trương đúng đắn của Đảng và Nhà nước trong cải cách tư pháp, từng bước xã hội hóa lĩnh vực thi hành án dân sự.
Người dân có nhiều công cụ hỗ trợ đắc lực hơn trong việc thực hiện quyền lợi chính đáng của mình. Nhu cầu của người dân và doanh nghiệp về hoạt động của thừa phát lại cũng ngày càng đa dạng, phong phú. Tuy vậy, hành lang pháp lý cho hoạt động của thừa phát lại đã bộc lộ nhiều vấn đề cần bổ sung, sửa đổi. Đây cũng là nội dung được đặt ra tại Hội nghị tổng kết việc thí điểm thừa phát lại diễn ra hôm nay (3-8) tại TP.HCM.
Ngoài việc thực hiện tống đạt giấy tờ, trực tiếp tổ chức thi hành án (THA), thừa phát lại (TPL) còn ghi điểm trong các hoạt động như lập vi bằng, xác minh điều kiện THA theo yêu cầu của đương sự.
Giải cứu nhiều vụ bất khả thi
Được tòa xử thắng kiện, buộc bị đơn phải trả cho mình khoản nợ hơn 400 triệu đồng, bà Trần Thanh Mai (ngụ trên đường Nguyễn Thị Diệu, quận 3) vui mừng, hối hả đến Chi cục THA quận Bình Thạnh nộp đơn yêu cầu THA, mong sớm nhận lại tiền. Nào ngờ, bà vấp ngay phải thủ tục buộc người được THA phải tự xác minh điều kiện THA của người phải THA thì mới được thụ lý vụ việc. “Quy định khó quá, sao làm nổi. Cả đời có mấy khi kiện tụng, THA gì đâu, sao mà tui biết thủ tục xác minh thế nào để làm. Hơn nữa, tui cũng gần 70 tuổi rồi, sức đâu mà đi tới, đi lui xác minh tài sản của họ” - bà Mai rầu rĩ nói.
Dò hỏi khắp nơi, rốt cuộc bà Mai tìm tới Văn phòng TPL quận 1 nhờ làm giúp “nhiệm vụ bất khả thi” ấy. TPL Nguyễn Thị Hạnh cho biết trường hợp của bà Mai, TPL sẽ gửi văn bản đến các cơ quan chức năng: Phòng TN&MT quận, Chi cục Thuế… để xác minh chủ sở hữu căn nhà và hai cửa hàng mà bà Mai nghi là tài sản của người phải THA. Có kết quả xác minh điều kiện THA của vụ việc, đương sự có thể nhờ THA hay TPL thi hành bản án của tòa.
Quá mệt trong vụ kiện đòi nợ, Công ty TNHH L.H. đã thuê văn phòng TPL xác minh tài sản của đối tác để thăm dò khả năng THA. Kết quả, đối tác sở hữu vài chiếc ô tô, còn tài khoản có đến vài trăm triệu đồng, thừa tiền trả nợ. Hài lòng trước hiệu quả đạt được, dù được tòa gợi ý “hai bên giao nhận dưới sự giám sát của Chi cục THA quận”, giám đốc công ty này vẫn quyết định chuyển hướng qua văn phòng TPL yêu cầu thi hành quyết định công nhận thỏa thuận của tòa.
TPL Đỗ Phi Thường (Văn phòng TPL quận 1) tiến hành lập vi bằng trong lĩnh vực xây dựng. Ảnh: Văn phòng TPL quận 1 (TP.HCM) cung cấp
Phải chi kịp lập vi bằng
Luật sư Nguyễn Thành Long kể lại: Năm 2010, Văn phòng Luật sư (VPLS) Phạm & Liên danh đại diện cho Công ty Interbrand Group của Anh (khá nổi tiếng trên thế giới trong lĩnh vực kinh doanh phát triển thương hiệu) đã khởi kiện hai doanh nghiệp (DN) Việt Nam hoạt động trong cùng lĩnh vực vì sử dụng dấu hiệu “INTERBRAND” có thể gây nhầm lẫn với thương hiệu nổi tiếng Interbrand của Anh. “Kết quả, chúng tôi đã thắng kiện một vụ nhưng vụ kiện còn lại thì lâm vào tình thế khó xử vì bị đơn tìm mọi cách để xóa dấu vết vi phạm. Bây giờ, chúng tôi khá vất vả để chứng minh hành vi vi phạm của DN này. Nếu thời điểm đó, có TPL kịp lập vi bằng những vi phạm này thì giờ đã có chứng cứ quá hữu hiệu, không cần bàn cãi” - luật sư Long nói.
Rút kinh nghiệm, gần đây VPLS Phạm & Liên danh đã nhờ TPL tiến hành lập một số vi bằng trong các vụ tranh chấp thương hiệu. Luật sư Long cho biết: “Hiện chúng tôi đang khiếu nại cơ quan chức năng Trung Quốc để hủy bỏ việc cấp bảo hộ thương hiệu buonmathuot cho một DN kinh doanh cà phê của Trung Quốc. Để bổ sung chứng cứ, chúng tôi đã yêu cầu Văn phòng TPL quận 1 lập hai vi bằng và đã nộp cho cơ quan có thẩm quyền của Trung Quốc. Đó là vi bằng về việc DN ấy sử dụng hình ảnh, thông tin, chữ viết buonmathuot và vi bằng ghi nhận sách Atlat địa lý Việt Nam ghi nhận Buôn Ma Thuột là tên một TP thuộc tỉnh Đắk Lắk, chuyên canh sản xuất cà phê. Chúng tôi chứng minh được về chỉ dẫn địa lý nên rất tự tin, kiên quyết theo đuổi đến cùng”.
Luật sư Long chia sẻ thêm rất nhiều vụ chứng cứ vi phạm dễ bị bôi xóa, thay đổi và người vi phạm chối bỏ trách nhiệm. Trong khi đó, không phải lúc nào cơ quan chức năng cũng kịp thời bắt quả tang để xử lý. Nếu không có vi bằng làm chứng cứ thì đôi bên sẽ mất thời gian tranh cãi mà cơ quan có thẩm quyền thêm rối, khó phân xử.
“Sao”, VIP bắt giò đối thủ
Chuyện nhờ TPL bắt quả tang vi phạm trên mạng để đòi lại danh dự đang dần phổ biến. Mới đây, ca sĩ, diễn viên Ngân Khánh đã khởi kiện trang điện tử http://kenh14.vn vì đăng thông tin thiếu kiểm chứng, ám chỉ cô tham gia trong một đường dây bán dâm dù bài viết này đã được gỡ xuống. Chứng cứ khởi kiện là vi bằng được lập khi bài viết này còn đăng trên trang web ấy. Hai tờ báo điện tử khác sau khi gỡ bài viết không chính xác cũng phải có văn bản xin lỗi và cải chính.
Năm trước, giới showbiz khá ồn ào về tranh chấp quyền điều hành hoạt động công ty giữa ca sĩ TT và người cộng sự TV. Hai bên “tố khổ” nhau trên các phương tiện truyền thông và bắn tin… có bằng chứng. Trong quá trình tranh chấp, TPL đã được mời tới lập vi bằng để làm chứng cứ thủ thân sau này. Sự kiện này cũng mở màn xu hướng giới showbiz mời TPL đi cùng để làm chứng trong một số tranh chấp, thỏa thuận nhằm phòng ngừa rủi ro và bắt quả tang nếu ai đó chơi xấu mình. Điều này cũng giúp hai bên thận trọng giải quyết theo pháp luật, tránh bớt căng thẳng cá nhân, không dùng những lời lẽ công kích nặng nề vì ngại TPL ghi lại.
TPL Lê Mạnh Hùng (Văn phòng TPL quận Bình Thạnh) cười bí hiểm: “Đâu phải chỉ giới showbiz, nhiều đại gia, người nổi tiếng, có địa vị xã hội cũng là khách quen của một số văn phòng TPL. Họ là những khách “VIP” bí mật, vì nếu lộ thông tin thì có thể gây thiệt hại rất lớn cho sự nghiệp của họ. Càng nổi tiếng, họ càng muốn giữ bí mật liên quan đến đời tư, tài sản. Những chuyện thỏa thuận ly thân, phân chia tài sản trong khi chưa ly hôn, hay thỏa thuận hùn hạp trong làm ăn, tranh chấp quyền lợi giữa các đại gia, “sao”, bầu show, nhà quản lý… mà chưa đến mức nhờ pháp luật phân xử thì họ thường tìm đến TPL nhờ lập vi bằng. Vì tất cả vi bằng đều phải giữ bí mật nội dung, thông tin nhân thân đương sự”.
Tạo cạnh tranh lành mạnh
Sự hiện diện của TPL bên cạnh hệ thống THA dân sự của Nhà nước tạo điều kiện cho người dân được quyền lựa chọn tổ chức THA thích hợp và hiệu quả nhất. Đồng thời, tạo ra môi trường cạnh tranh lành mạnh, thúc đẩy các cơ quan THA dân sự của Nhà nước đổi mới phương thức hoạt động nhằm phục vụ tốt hơn cho người dân. Người dân không còn tâm lý xin-cho, e dè công chức quan liêu, cửa quyền. Nếu không phục vụ tốt, dân sẽ chuyển hồ sơ qua TPL.
Hiện THA dân sự TP.HCM đã thực hiện công bố niêm yết năng lực, kinh nghiệm, thành tích của mỗi chấp hành viên để người dân được quyền lựa chọn khi yêu cầu THA. Đó cũng có thể xem là bước đầu quảng bá, cạnh tranh lành mạnh trong việc phục vụ người dân. Ngoài ra, qua số lượng hơn 103.000 văn bản mà các văn phòng TPL tống đạt cho tòa án và THA dân sự cho thấy TPL đã góp phần giảm tải đáng kể trong hoạt động tố tụng của các cơ quan này.
Bà UNG THỊ XUÂN HƯƠNG, Giám đốc Sở Tư pháp TP.HCM
Dân cần nhưng luật còn trống
Một số khách hàng đến nhờ THA những vụ việc cũ đã được chi cục THA thụ lý từ mấy năm trước nhưng chưa hoàn tất. Một số trường hợp bản án ở tỉnh khác nhưng tài sản đang có tại TP.HCM có thể truy quyền sở hữu, xác minh điều kiện THA của vụ việc nhưng vì ngoài vùng thí điểm của TPL nên không thể thực hiện.
Chưa kể nhu cầu người dân cần xác minh tài sản, điều kiện THA trong thời điểm tiền tố tụng để áp dụng biện pháp ngăn chặn nhưng hiện chưa có quy định để thực hiện mà chỉ có quyền xác minh sau khi có bản án. Lúc này rủi ro rất cao vì có khi đương sự nhắm chừng thua kiện đã nhanh tay tẩu tán tài sản. Thậm chí một số ngân hàng có đề nghị nhờ TPL tống đạt những văn bản thông báo thu hồi nợ, phát mại tài sản, thanh lý hợp đồng… nhưng văn phòng TPL cũng không thể làm vì chỉ được phép tống đạt văn bản cho tòa án và THA.
TPL NGUYỄN THỊ HẠNH, Văn phòng TPL quận 1 (TP.HCM)
|
BÌNH MINH
Theo PLTPHCM
Các bản tin khác
- Vay gói 30.000 tỷ: Không đọc hợp đồng đổ hết cho môi giới là quá trễ
- 4 lợi thế của bất động sản Việt trong mắt sếp ngoại
- Quy hoạch đầu tư bệnh viện quốc tế phục vụ APEC 2017
- Thị trường bất động sản phục hồi
- Thông tư 36 không tác động mạnh đến dòng vốn tín dụng vào bất động sản
- Năm 2016, tâm điểm của thị trường bất động sản là phân khúc nghỉ dưỡng?
- Triển khai Đề án đơn giản hóa giấy tờ công dân năm 2016
- Thành lập Tổ công tác điều hành nghiên cứu tiền khả thi dự án Di dời ga đường sắt Đà Nẵng và Tái phát triển đô thị
- Được phép mua bán chỗ để ô tô trong chung cư
- Đà Nẵng: Sợ áp lực hạ tầng, dự án nhỏ khu trung tâm được giá!
- Lịch sử ngày Quốc tế Phụ nữ 8/3
- THƠ 8/3 HÀI HƯỚC, NHỮNG BÀI THƠ CHÚC MỪNG 8/3 HÀI HƯỚC NHẤT
- Nhiều hoạt động chào mừng ngày Quốc tế Phụ nữ 8-3
- Đường Lý Tự Trọng – Những sắc màu bình yên
- 243 tỉ đồng cải tạo, chỉnh trang 33 tuyến đường phục vụ APEC 2017
- Quy định mới về quản lý, sử dụng nhà chung cư
- Người “nghèo đô thị” ngày càng khó mua nhà?
- Nhà đẹp: Nhà phố 42 m2 thông thoáng
- 7 điều cần biết trước khi đầu tư nhà trong hẻm cụt
- Nhà giá rẻ sẽ "nóng" trở lại?