Việc cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở cho loại hình căn hộ khách sạn (condotel) sẽ là tấm giấy thông hành cho sản phẩm này vào thị trường.
Dự án Ariyana Beach Resort & Suite Đà Nẵng, một dự án condotel đang rất hút khách.
Nở rộ dự án condotel
Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) vừa kiến nghị Chính phủ, Bộ Xây dựng một số giải pháp phát triển thị trường bất động sản du lịch - nghỉ dưỡng, trong đó có việc cấp “sổ đỏ” cho condotel. Theo HoREA, với nguồn cung hiện tại khoảng 16.000 căn và sẽ tăng lên 30.000 căn vào năm 2020, cơ quan quản lý cần có gói giải pháp để cứu thị trường này tránh nguy cơ vỡ trận.
Trong số các đề xuất của HoREA, đề xuất đầu tiên và quan trọng nhất là cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở với condotel và quyền sử dụng đất có thời hạn theo thời hạn sử dụng đất của dự án (50-70 năm) cho nhà đầu tư. Khi hết hạn sử dụng đất thì được gia hạn nếu có nhu cầu theo quy định của pháp luật.
Tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, địa phương có nhiều dự án condotel do các doanh nghiệptrong nước và nhà đầu tư nước ngoài phát triển cũng vừa tổ chức buổi hội thảo về vấn đề này. Theo ông Trịnh Hàng, Giám đốc Sở Du lịch, condotel đang trở thành xu hướng đầu tư bất động sản nghỉ dưỡng. Các dự án condotel góp phần phát triển sản phẩm du lịch cao cấp, tạo nguồn thu của địa phương.
“Việc đầu tư condotel không chỉ hấp dẫn các dòng vốn nội địa, mà còn là phân khúc sản phẩm thu hút sự quan tâm của các nhà đầu tư quốc tế. Nếu được đầu tư và quản lý một cách bài bản thì condotel sẽ là một sản phẩm du lịch cao cấp, đáp ứng được yêu cầu ngày càng cao của du khách trong và ngoài nước”, ông Hàng nói.
Trên địa bàn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu hiện có 160 dự án đầu tư du lịch, trong đó có hơn 20 dự án kinh doanh loại hình condotel như Dự án căn hộ cao cấp The Imperial Complex của Công ty cổ phần Lạc Việt, Dự án Tổ hợp căn hộ nghỉ dưỡng cao cấp của Công ty cổ phần địa ốc Hưng Thịnh, Dự án condotel của Công ty cổ phần Đầu tư xây dựng dầu khí IDICO... Một địa phương khác là Đà Nẵng cũng có nhiều dự án condotel đang triển khai, điển hình như dự án Ariyana Beach & Suite Đà Nẵng. Tất cả đều mong muốn một chính sách rõ ràng cho loại hình sản phẩm này.
Tư duy lại việc quản lý đất đai
Theo luật sư Phạm Văn Hùng (Đoàn Luật sư TP.HCM), việc cấp giấy chứng nhận đang được thực hiện theo Thông tư 23/2014/TT-BTNMT ngày 19/5/2014. Tuy nhiên, không phải condotel nào cũng được bán cho người mua, do vậy, người mua chỉ được cấp giấy chứng nhận đối với dự án có nội dung (toàn bộ công trình hoặc một phần công trình) mà chủ đầu tư được kinh doanh theo Luật Kinh doanh bất động sản. Riêng với condotel là dự án khách sạn đơn thuần theo Luật Du lịch thì chủ đầu tư không được bán, nếu người mua vẫn ký hợp đồng thì không thể có giấy chứng nhận.
Trong khi đó, ông Nguyễn Mạnh Hà, Phó chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam cho rằng, đây là vấn đề mới phát sinh, luật pháp cần có sự điều chỉnh cho phù hợp với tiến trình phát triển của thị trường.
“Đầu năm 2017, Hiệp hội Bất động sản Việt Nam đã kiến nghị 8 vấn đề liên quan đến quy hoạch, quy chuẩn kỹ thuật, cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu, quản lý vận hành, cho phép người nước ngoài sở hữu, thời hạn sở hữu, chuyển nhượng hợp đồng và thế chấp căn hộ khách sạn”, ông Hà nhấn mạnh.
Còn ông Đoàn Văn Bình, Chủ tịch Tập đoàn CEO Group cho rằng, các quy định pháp luật liên quan tới bất động sản nghỉ dưỡng nói chung và condotel ven biển nói riêng chưa đầy đủ, còn có những cách hiểu khác nhau, áp dụng chính sách khác biệt giữa các địa phương, gây không ít khó khăn cho nhà đầu tư.
Về quy hoạch, theo ông Bình, thông thường, đất tại các khu vực ven biển được quy hoạch là đất thương mại - dịch vụ. Với đề xuất, condotel ven biển được xây dựng trên đất ở không hình thành đơn vị ở, Chủ tịch CEO Group đề nghị đưa nội dung “đất ở không hình thành đơn vị ở” của condotel ven biển vào quy hoạch chi tiết 1/500 của dự án, trên cơ sở phù hợp với quy hoạch chung của bãi biển khu vực dự án với một tỷ lệ nhất định thành đất ở.
“Điều này sẽ tạo thuận lợi, chủ động cho doanh nghiệp ngay từ khi triển khai dự án, xác định cụ thể nguồn thu ngân sách nhà nước đối với từng loại đất trong dự án”, Chủ tịch CEO Group nhấn mạnh.
Với góc nhìn của một nhà khoa học, GS - TSKH Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường cho rằng, vấn đề là chúng ta đã không rõ ràng khi gọi tên và cho phép xây dựng nhà ở trên “đất ở không hình thành đơn vị ở”. Sự không rõ ràng về mặt khái niệm dẫn đến bế tắc khi triển khai thực tế.
Cách giải quyết, theo ông Đặng Hùng Võ, là cần tư duy lại về việc quản lý đất đai. Đó là, bất cứ đất nào có công trình xây dựng để con người cư trú trên đó, ngắn hạn hay dài hạn, thì đều xếp vào đất ở, dù công trình xây dựng đó là nhà chung cư cao tầng, biệt thự thấp tầng, condotel, hay nhà thương mại - dịch vụ… thì xét về bản chất cũng đều để con người cư trú trên đó.
Các bản tin khác
- Bộ Xây dựng: Thị trường bất động sản đang được kiểm soát tốt
- Shophouse vị trí vàng vẫn là lựa chọn hàng đầu
- Phê duyệt quy hoạch cụm công nghiệp Hòa Khánh Nam
- Lãi suất quay đầu giảm, thời cơ cho địa ốc đã tới?
- Hiệp hội công chứng Việt Nam chính thức được thành lập
- Kế hoạch 2019 đầy tham vọng của “ông lớn” địa ốc
- Vicoland bàn giao sổ hồng đợt cuối cho khách hàng mua nhà thu nhập thấp
- Thị trường bất động sản 2018 những con số biết nói
- Doanh nghiệp địa ốc ráo riết lên kế hoạch năm 2019
- Cơ hội cho tuyến đường biển Nguyễn Tất Thành
- Báo Đầu tư chính thức phát hành ấn phẩm Toàn cảnh thị trường bất động sản Việt Nam
- Không phân lô bán nền dọc đường vành đai phía Nam
- Hình dung đô thị Đà Nẵng vào năm 2030
- Chủ đầu tư tính kế "vợt" dòng kiều hối cuối năm
- Việt Nam và những lợi thế phát triển bất động sản nghỉ dưỡng ven biển
- Năm 2019 nhà đầu tư nên lựa chọn kênh đầu tư nào?
- Không gian du lịch sinh thái dưới chân Sơn Trà
- Xu hướng bất động sản năm 2019: Phân khúc condotel tiếp tục khó khăn
- Chính phủ giao thành phố Đà Nẵng đầu tư cảng Liên Chiểu
- [Infographic] Tổng quan thị trường bất động sản năm 2018