Nhiều chiêu lừa mới đã diễn ra trên địa bàn thành phố Đà Nẵng thời gian gần đây, từ việc mua hàng, chuyển hàng đến lừa đảo qua Yahoo chat... Không ít người “sập bẫy” với những kiểu lừa này.
Anh Huỳnh Đình D. (SN 1970, trú phường Hòa Phát, quận Cẩm Lệ), chủ garage D.T. ở khu vực tổ 12, phường Hòa An (quận Cẩm Lệ) vẫn chưa quên được mình bị lừa. Khoảng 7 giờ ngày 26-3-2012, có một thanh niên điện vào số di động của anh, giới thiệu đang ở Gia Lai, cần mua hộp số ô-tô với giá 18 triệu đồng. Theo yêu cầu của khách, anh D. phải cho người mang hàng đến lắp đặt tận nơi. Thấy giá cả hợp lý, anh D. đồng ý.
Khoảng 12 giờ cùng ngày, khách lại gọi cho anh D., thông báo đặt mua hộp đen ô-tô tại Đà Nẵng, nhờ anh nhận giúp và chuyển kèm hộp số đặt mua trước đó. Khách nhờ anh D. trả cho người mang hộp đen đến số tiền 4,2 triệu đồng và hứa sẽ thanh toán lại sau khi nhận được hàng tại Gia Lai. 17 giờ, một thanh niên mang một hộp giấy dán kín, bên ngoài có ghi đầy đủ thông tin người nhận và nói anh D. chuyển lên cho khách ở Gia Lai. Được thông báo trước nên anh D. không mảy may nghi ngờ, nhận hàng và đưa cho người thanh niên này 4,2 triệu đồng. Ngày hôm sau, anh D. cho người mang hộp số cùng hộp đen lên Gia Lai nhưng không thể tìm được địa chỉ khách cần mua hàng. Gọi vào số di động liên lạc trước đó thì không có tín hiệu. Mở gói hàng khách bảo là hộp đen ra xem thì phát hiện bên trong có 2 ổ cứng và một bộ nguồn máy vi tính cũ. Lúc đó, anh D. mới biết mình đã bị lừa. Cùng thời gian này, trên địa bàn thành phố Đà Nẵng đã có gần 15 nạn nhân “sập bẫy” theo cách lừa đảo này.
Mới đây nhất, vào giữa tháng 7-2012, khi anh T. đỗ xe trên địa bàn quận Thanh Khê thì một người tự giới thiệu là tài xế xe tải bị hỏng máy trên đèo Hải Vân và nhờ anh T. lên chở hàng giúp. Thấy giá cả hợp lý và là đồng nghiệp nên anh đồng ý. Tuy nhiên sau đó, anh T. tiếp tục nhận điện thoại của tài xế này báo sẽ có xe thồ chở đến một bao nilon và nhờ anh chở kèm theo giúp. Tuy nhiên, tài xế của chiếc xe bị hỏng máy này không quên nhờ anh gửi cho xe thồ 4.350.000 đồng, sau đó lên đèo sẽ thanh toán luôn. Khi anh T. điều khiển xe lên đèo Hải Vân thì không thấy xe nào hư hỏng, điện thoại thì số máy không liên lạc được. Biết mình bị lừa, anh trình báo sự việc với Công an quận Thanh Khê và Võ Thành Đạt (SN 1957, trú tổ 28, phường An Khê, quận Thanh Khê) đã bị bắt giữ.
Trao đổi với chúng tôi, Trung tá Kiều Văn Vương, Đội phó phụ trách Đội Cảnh sát hình sự Công an quận Thanh Khê, cho biết thời gian qua, một số hình thức lừa đảo như vậy đã bị lực lượng Công an bắt giữ nên những đối tượng như Võ Thành Đạt đã dùng thủ đoạn mới hơn nhằm đánh vào lòng tin của tài xế xe tải. Chỉ trong thời gian ngắn, hàng chục trường hợp tài xế xe tải rơi vào bẫy của Đạt.
Một hình thức lừa đảo khác là thông qua yahoo chat. Chị T. (trú quận Thanh Khê) khi đăng nhập vào yahoo chat của mình thì một người bạn thân trò chuyện với chị. Người này bảo điện thoại hết tiền nên nhờ chị T. mua card nạp giúp và sẽ thanh toán lại. Chị T. không mảy may nghi ngờ nên mua card mệnh giá 200.000 đồng để nạp cho bạn. Nhiều lần như vậy, chị T. nạp cho bạn chat của mình các card điện thoại từ 200.000-500.000 đồng với tổng số tiền lên đến 20 triệu đồng. Rồi chị T. liên lạc điện thoại với bạn thân có nick mà mình thường chat thì hóa ra người chat không phải là bạn thân của mình.
Tương tự, chị H. (trú quận Hải Châu) quen một người bạn ở nước ngoài và thường trò chuyện qua mạng. Thông qua chat, người bạn đó cho biết chuẩn bị về Việt Nam nên nhờ chị H. mua card để nạp điện thoại. Khi số tiền mua card lên đến 15 triệu đồng, chị H. nóng lòng liên lạc với người bạn của mình thì mới biết người bạn này lâu nay không có ý định về Việt Nam và cũng không nhờ chị nạp card điện thoại. Biết bị lừa, chị H. đã trình báo sự việc với cơ quan Công an.
Trung tá Kiều Văn Vương và Đại úy Trần Văn Quang - Đội trưởng Đội Cảnh sát hình sự Công an quận Sơn Trà cho biết, thời gian gần đây, nhiều đối tượng đã lợi dụng yahoo chat để bẻ khóa mật mã, sau đó chat, tạo niềm tin cho bạn chat rồi thực hiện hành vi lừa đảo bằng hình thức nạp card. Có những người nạp số tiền lên đến hàng chục triệu đồng. Tuy nhiên, đấu tranh với loại tội phạm này không đơn giản bởi không có thông tin về đối tượng lừa đảo. Khi giao dịch nạp card, kẻ lừa đảo chỉ dùng sim rác, sau đó bắn đi cho nhiều sim, hoặc dùng mã thẻ rồi đến tiệm điện thoại để bán lại. Vì vậy, với loại tội phạm này chủ yếu là phòng ngừa, điều quan trọng nhất là người sử dụng nick chat phải thay đổi mật khẩu thường xuyên, khi online với người thân cũng cần phải cảnh giác.
Bài và ảnh: TRƯỜNG SƠN
Theo Báo Đà Nẵng
Các bản tin khác
- Ngân hàng cảnh báo nhiều thủ đoạn lừa đảo giao dịch mới
- Đất vi phạm vẫn có cơ hội được cấp Sổ đỏ
- Thủ tục làm Sổ đỏ 2019 - Toàn bộ hướng dẫn mới nhất
- Diện tích cấp Sổ đỏ và tách thửa 63 tỉnh thành mới nhất
- Thống đốc NHNN lưu ý việc cấp tín dụng bất động sản, đặc biệt ở các nơi xảy ra sốt đất
- Siết giải ngân trực tiếp cho vay tiêu dùng, cần xem xét con số "khống chế" hợp lý hơn và lộ trình phù hợp
- Bảo đảm tiến độ thi công trạm xử lý nước thải và bãi đỗ xe thông minh
- Từ ngày 1-4-2019, áp dụng Thông tư 132 về chế độ kế toán đối với doanh nghiệp siêu nhỏ
- Đà Nẵng có thêm 3 đường bay nội địa mới
- Đà Nẵng đang tiến tới thành phố thông minh
- Trưởng VPCC Bảo Nguyệt nhận bằng khen của chủ tịch VCCI
- Đề xuất giảm thuế thu nhập doanh nghiệp: Tín hiệu mừng
- Đà Nẵng tụt hạng chỉ số PCI do cán bộ quá thận trọng?
- “Trào lưu dọn rác” của hàng trăm bạn trẻ Đà Nẵng tại bãi đá đen
- Đà Nẵng muốn xây dựng dự án khu công nghệ thông tin tập trung 341ha tại Hòa Liên, trình Thủ tướng phê duyệt
- Đà Nẵng: Đề xuất đầu tư 7,5 tỷ đồng cải tạo nút giao thông phía bắc cầu Hòa Xuân
- Đà Nẵng: Điều chỉnh mở rộng lối xuống biển, thúc tiến độ nhiều dự án
- Động thổ và khánh thành nhiều công trình lớn tại Tây Bắc Đà Nẵng
- Thủ tướng chỉ đạo ổn định thị trường đất đai tại Đà Nẵng và Quảng Nam
- Đà Nẵng: Kêu gọi đầu tư 10 dự án hạ tầng giao thông