Công viên tượng APEC đang được xây dựng bên cạnh Bảo tàng Điêu khắc Chăm (Đà Nẵng) là nơi hội tụ nhiều tác phẩm tượng đá với giá trị nghệ thuật độc đáo, hứa hẹn sẽ là điểm tham quan mới đầy cuốn hút với người dân, du khách.
Mẫu tượng của chủ nhà Việt Nam. |
Đà Nẵng có làng đá Non Nước nổi tiếng hơn 300 năm tuổi đã chế tác ra hàng ngàn tác phẩm nghệ thuật từ đá, trưng bày nhiều nơi trong và ngoài nước. Tuy nhiên, ngay tại quê hương Đà Nẵng vẫn chưa có một công viên tượng đá công cộng đúng nghĩa phục vụ người dân, du khách thập phương. Một số bức tượng đá nghệ thuật đặt trên vỉa hè đường Bạch Đằng ven sông Hàn lâu nay không tạo ra hấp lực bởi không gian chật chội, thiếu cây xanh, thảm cỏ và các hạng mục phụ trợ để tôn vinh... Sự kiện Tuần lễ Cấp cao APEC 2017 diễn ra tại Đà Nẵng được coi là cơ duyên để ý tưởng, khát vọng về một công viên tượng đá quy mô của Việt Nam thành hiện thực. Ông Huỳnh Văn Hùng-Giám đốc Sở Văn hóa Thể thao TP Đà Nẵng nói, APEC là sự kiện quốc tế trọng đại diễn ra tại TP với rất nhiều hoạt động sôi nổi, rầm rộ. Nhưng chỉ một thời gian ngắn, các hoạt động đó sẽ trôi qua. Điều còn đọng lại hàng trăm năm sau để người dân, du khách biết rằng nơi đây từng diễn ra APEC, nơi hội tụ nguyên thủ của 21 nền kinh tế thế giới, chính là công viên tượng đá. Vì lẽ đó, công viên tượng APEC rất có ý nghĩa với TP, thực tế nó đã được quan tâm, chăm chút rất công phu.
Công viên tượng APEC được xây dựng trên diện tích hơn 3 ngàn m2 theo hình thức xã hội hóa. Trong đó, phần đất dành cho cây xanh, thảm cỏ chiếm gần 2,3 ngàn m2. Hiện tại, phần hạ tầng đã cơ bản hoàn thành chỉ còn chờ lắp đặt tượng của các nền kinh tế. Có 3 nền kinh tế đã gửi tượng đến Đà Nẵng gồm Brunei, Đài Bắc (Trung Hoa), New Zealand; 11 nền kinh tế xác nhận đang hoàn thiện tác phẩm và sẽ gửi đến Đà Nẵng gồm Australia, Indonesia, Nhật Bản, Hồng Kông, Malaysia, Mexico, Peru, Singapore, Hàn Quốc, Thái Lan, Mỹ; 4 nền kinh tế đang tiếp tục trao đổi gồm Canada, Trung Quốc, Nga, Philippines.
Bức tượng của chủ nhà Việt Nam được sáng tác bởi tác giả Lê Lạng Lương (Đại học Mỹ thuật Hà Nội) có tên "Khởi nguyên", được lựa chọn sau khi vượt qua nhiều mẫu tượng khác. Lê Lạng Lương chia sẻ, tác phẩm được ông lấy cảm hứng từ sự hội tụ của những khối cây cổ thụ. Những khối cây này biểu tượng cho sự cộng hưởng sức mạnh với muôn vàn các cột rễ xuất phát từ lòng đất, đan cài, tương hợp với nhau tạo nên một khối sức mạnh khổng lồ đang vươn lên kiêu hãnh và giãn nở trong không gian mới. Nhìn tổng thể, bức tượng có bệ đỡ từ sức mạnh truyền thống dân tộc, từ văn hóa quần cư lâu đời. Năng lượng của văn hóa truyền thống đó đã, đang nuôi dưỡng và truyền đến những thế hệ mới sức mạnh, sự tự tin trong thế giới đương đại với tầm vóc cao lớn, rộng mở hơn.
Nghệ nhân nhân dân Nguyễn Long Bửu (Làng đá Non Nước) được lựa chọn để tạc bức tượng "Khởi nguyên". Nguyễn Long Bửu cho biết, vì bức tượng làm bằng đá Granite nguyên khối, cao 3m nên việc tìm kiếm nguyên liệu rất khó khăn. Bản thân ông phải lăn lộn nhiều nơi, cuối cùng tìm được khối đá ở vùng núi cao phía tây cách TP Thanh Hóa gần 300km. Quá trình vận chuyển khối đá về Đà Nẵng cũng gặp không ít khó khăn. Năm 2006, khi APEC diễn ra tại Hà Nội, ông Bửu cũng vinh dự được lựa chọn sáng tạo vườn tượng APEC tại thủ đô. Tuy vậy, khi được chọn tạc tượng của Việt Nam trưng bày ngay trên quê hương mình, ông cho biết rất tự hào và đầy cảm xúc.
|
Hạ tầng kỹ thuật công viên đang được hoàn thiện để chờ lắp đặt tượng. |
Theo kế hoạch, công viên tượng APEC không chỉ là nơi tham quan mà còn là nơi để phu nhân, phu quân lãnh đạo các nền kinh tế trồng cây lưu niệm trong thời gian diễn ra Tuần lễ cấp cao APEC 2017. Khác với vườn tượng APEC 2006 được Nghệ nhân nhân dân Nguyễn Long Bửu sáng tạo, lắp đặt ở Trung tâm hội nghị Quốc gia gồm 33 tác phẩm với nhiều chủ đề, Công viên tượng APEC 2017 là sáng tạo của nhiều nghệ nhân trên thế giới.
Mỗi nền kinh tế sẽ tự thi công tượng và gửi đến, chủ nhà Việt Nam chỉ lắp đặt. Bức tượng của mỗi nền kinh tế mang đặc trưng tiêu biểu, ý tưởng nghệ thuật đặc sắc gắn với văn hóa của nền kinh tế đó. Ông Hùng nói, giá trị nghệ thuật và giá trị quốc tế của Công viên tượng APEC 2017 rất cao vì đã quy tụ được đa dạng các trường phái nghệ thuật trên thế giới. Sau khi kết thúc APEC, công viên tượng APEC sẽ được giữ lại phục vụ người dân, du khách. Sở Văn hóa Thể thao Đà Nẵng sẽ trao đổi thu thập thông tin, ý tưởng bức tượng của các nền kinh tế để có thể thuyết minh phục vụ người dân, du khách. Ông Hùng tin tưởng, công viên tượng APEC sẽ là một địa điểm văn hóa nghệ thuật, điểm du lịch mới thu hút du khách. Bởi lẽ vị trí của công viên tượng rất thuận lợi, một bên là Bảo tàng Điêu khắc Chăm, một bên là sông Hàn, lại nằm ngay phía nam đuôi cầu Rồng, khu vực vui chơi, giải trí nhộn nhịp cuối tuần của Đà Nẵng.
HẢI HẬU
Theo Báo CA ĐN
Các bản tin khác
- Chọn 4 địa điểm xây quảng trường kết hợp công viên biển dọc đường Nguyễn Tất Thành
- Đà Nẵng đạt danh hiệu Thành phố xanh quốc gia
- Đà Nẵng: Xuất hiện doanh nghiệp bất động sản đầu tiên mua lại sản phẩm do mình bán ra
- Condotel, resort, shophouse… phải vào khuôn khổ
- Quyết liệt đẩy nhanh tiến độ cảng Liên Chiểu, ga Đà Nẵng
- Thương hiệu khách sạn Four Points by Sheraton có mặt tại Đà Nẵng
- Đà Nẵng phê duyệt lối xuống biển công cộng tại khu vực dự án The Song
- Nhà đầu tư nước ngoài "sốt sắng" đổ vốn vào bất động sản Việt Nam
- Chuyên gia nói gì về bất động sản nửa cuối năm 2018?
- Công bố 2 dự án khách sạn tại 75 Nguyễn Bỉnh Khiêm, Quận 1 và 178 Trần Phú, Đà Nẵng
- Xây khu phức hợp khách sạn 40 triệu USD bên Sông Hàn
- PGT Group mở bán khu đô thị PGT City vào ngày 8/7
- Có hay không dự án "vướng đất quốc phòng" nên chậm tiến độ?
- UBND THÀNH PHỐ TRẢ LỜI Ý KIẾN CỬ TRI Quy hoạch Quảng trường trung tâm, tinh giản biên chế
- Mở lối xuống biển, thu hồi đất các dự án không triển khai
- Nhất Nam Land được vinh danh top 20 sàn giao dịch bất động sản (BĐS) tiêu biểu Việt Nam 2017
- Vay tiêu dùng tại công ty tài chính - những sản phẩm nổi bật
- 8 sàn giao dịch bất động sản dừng hoạt động
- Ngừng thí điểm mô hình Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất một cấp ở Đà Nẵng
- Bất động sản giao dịch chậm