Trong khoảng 20 năm trở lại đây, Nhà nước không đóng vai trò chủ thể duy nhất xây dựng và cung cấp nhà ở cho người dân mà chỉ ban hành khung pháp lý để các thành phần kinh tế cùng tham gia và cho cả người dân tự xây dựng.
Tỷ lệ bình quân đầu người diện tích nhà ở đã tăng từ 4m2/người trước thời kỳ đổi mới lên 12m2/người, tuy nhiên, cuộc trò chuyện của TS Dương Chí Thiện, Trưởng phòng Xã hội học đô thị (Viện Xã hội học) với Báo Hànộimới cho thấy còn không ít vấn đề trong tiến trình đô thị hóa ở Thủ đô.
Thiếu quy hoạch đồng bộ cùng với tình trạng đầu cơ, lũng đoạn khiến việc mua nhà ở vượt quá khả năng của nhiều người. Ảnh: Phan Anh |
Nhìn vào tốc độ đô thị hóa và xây dựng nhà ở Hà Nội, ai cũng nghĩ rằng nơi ăn ở, sinh hoạt của người dân Thủ đô đã được cải thiện rất nhiều. Là người nghiên cứu về vấn đề này, ông có nghĩ như vậy?
- Chúng ta xây nhà rất nhiều nhưng thực tế nhiều người có nhu cầu vẫn không có nhà ở. Nguyên do là các phân khúc nhà biệt thự, cao cấp rất nhiều trong khi nhà ở dành cho nhóm người thu nhập thấp thì ít. Người ta chỉ tập trung xây các căn hộ cao cấp với diện tích rộng trên trăm mét vuông trong khi nhu cầu và khả năng của người nghèo chỉ là 50-70m2. Trong khoảng hai năm gần đây, Nhà nước đã có những điều chỉnh nhằm phát triển nhà ở cho người thu nhập thấp nhưng thực ra nhiều người trong đối tượng này chưa có cơ hội mua nhà. Một vấn đề khác, ngay cả trong các khu đô thị cao cấp, do quy hoạch không tốt nên những nhà đầu tư kinh doanh bất động sản chỉ tập trung vào xây nhà để ở chứ không xây dựng hệ thống cơ sở hạ tầng như trường học, bệnh viện, đường giao thông, bãi để xe... Họ rất quan tâm tới hệ thống tiêu thoát nước trong dự án của mình nhưng lại đùn nước thải ra khu vực xung quanh và cộng đồng người bản địa phải hứng chịu.
Sau một thời gian phát triển ồ ạt, các khu nhà cao cấp bỏ không rất nhiều, trong khi đó người có thu nhập thấp vẫn phải đi thuê nhà, hay mua lại nhà ở tại các khu chung cư cũ. Tình trạng này dẫn đến hậu quả gì về mặt xã hội, thưa ông?
- Người nghèo đô thị vẫn phải sống ở các khu ven đê, ven sông với điều kiện vệ sinh môi trường kém. Đối nghịch với nó là những khu cao tầng đẹp, thoáng mát hơn, cơ sở hạ tầng tốt. Những hình ảnh đó đập trực tiếp vào mắt người dân và gây ra bức xúc giữa người nghèo và người giàu. Bên cạnh đó, sự phát triển và quy hoạch đô thị của Hà Nội còn nảy sinh một vấn đề. Đó là sự chia cắt không gian giữa người dân bản địa với người mới đến. Sự thiếu hòa nhập giữa khu đô thị mới với vùng xung quanh đã tạo ra những vấn đề xã hội phức tạp. Cũng tại những khu mới được đô thị hóa, sự phân hóa giàu nghèo rất rõ.
Đô thị hóa là quá trình tất yếu của tất cả quốc gia trên thế giới và luôn mang lại những vấn đề xã hội. Với Hà Nội, đô thị hóa gây sức ép thế nào đối với vấn đề nhà ở?
- Hà Nội là một thành phố có tốc độ đô thị hóa lớn nhất cả nước. Đô thị hóa phản ánh hai chỉ báo cơ bản nhất là diện tích đô thị và dân số tăng nhanh. Hà Nội năm 1990 có 1 triệu dân, năm 2000 lên 1,5 triệu dân. Hiện nay, mở rộng địa giới hành chính, diện tích tăng lên 3.324km2, dân số 7 triệu người. Sức ép của đô thị hóa có cả hai mặt, tích cực và tiêu cực. Khi Hà Nội mở rộng, quỹ đất để xây dựng nhà ở tăng lên, định hướng phát triển đô thị Hà Nội cũng dễ dàng hơn. Nhưng cũng gây nên những vấn đề tiêu cực về quản lý đô thị. Bản thân đô thị cũ quản lý đã không tốt, bây giờ mở rộng ra, chúng ta cứ nghĩ là quỹ đất rộng sẽ giải quyết được những vấn đề nhà ở của đô thị cũ, nhưng thực tế không phải như vậy. Tôi lấy ví dụ việc di dân phố cổ ra khỏi trung tâm. Người dân sống nhiều đời ở khu phố cổ, dù nhà ở ọp ẹp, cấp thoát nước kém nhưng người ta vẫn muốn sống ở đó vì sinh kế của họ là buôn bán nhỏ, gắn với việc bám mặt đường. Nếu đến một nơi ở khác thoáng mát hơn nhưng công ăn việc làm không thỏa đáng thì chắc chắn họ không muốn. Rõ ràng, giải quyết vấn đề này không dễ chút nào.
Ở những vùng nông thôn được đô thị hóa, người dân có một số tiền đền bù giải phóng mặt bằng lớn nhưng ít người biết quản lý đồng tiền. Khi có tiền, người ta xây nhà, mua đồ dùng đắt tiền… Hậu quả xã hội là không những không tái đầu tư vào sản xuất, vào học nghề mà còn tạo điều kiện làm tăng tâm lý tiêu dùng dễ dẫn đến tệ nạn xã hội. Sau vài ba năm, tiền hết, sinh kế lâu dài không có sẽ tạo nên sự thiếu bền vững trong đời sống xã hội.
Dưới góc nhìn của một nhà xã hội học, theo ông đâu là giải pháp để giải quyết triệt để tình trạng trên?
- Nhà nước phải có chính sách để thị trường bất động sản minh bạch, hoạt động theo cơ chế thị trường, không bị đầu cơ, lũng đoạn. Bên cạnh đó, hiện chưa có một nghiên cứu mang tính toàn diện về nhà ở nên thị trường nhà đất chao đảo, định hướng không rõ ràng. Chính vì vậy cần có một nghiên cứu tốt để làm cơ sở cho hoạch định chính sách. Có như vậy thì hoạt động quản lý của Nhà nước mới hiệu quả.
Các bản tin khác
- Người thuê nhà cần biết 5 thay đổi lớn từ 01/7/2021
- Cách tính tiền Bảo hiểm xã hội một lần năm 2021
- Nhiều quy định về nâng lương cán bộ, công chức sắp thay đổi?
- Đà Nẵng điều chỉnh giảm 10% giá đất so với hiện nay
- Từ 01/7/2021, đăng ký thường trú, tạm trú có thể bị thu hồi Sổ hộ khẩu
- Vì sao Chứng minh nhân dân không nên ép dẻo?
- Thủ tục sang tên xe máy mới nhất: Kinh nghiệm thực hiện từ A đến Z
- Cách ghi số và ký hiệu văn bản đúng chuẩn Nghị định 30
- Hướng dẫn mới nhất về cấp Giấy xác nhận số CMND từ 18/11/2019
- Từ 22/5, chính thức cấp bản sao điện tử cho người dân
- Trường hợp nào gây thiệt hại mà không phải bồi thường?
- Một năm, người lao động được nghỉ việc riêng mấy lần?
- Đất không có Sổ đỏ có được chia thừa kế không?
- Hôm nay (15/5), nhiều chính sách mới bắt đầu có hiệu lực
- Từ 20/4/2020: Giấy ủy quyền chỉ được chứng thực trong 4 trường hợp
- 6 giao dịch về nhà ở không cần đến Sổ đỏ
- Các Văn phòng Công chứng tuân thủ nghiêm chỉnh các quy định về phòng chống dịch Covid 19
- Đà Nẵng: Mức giá đất ở cao nhất là 98,8 triệu đồng/m2
- Có Sổ đỏ trong tay, người dân được hưởng lợi thế nào?
- Thủ tục cấp Sổ đỏ khi mua bán nhà đất bằng giấy viết tay