Ngày 9-10, Chủ tịch UBND TP Huỳnh Đức Thơ và Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Ngọc Tuấn chủ trì cuộc họp bàn các phương án tối ưu nhằm cải tạo và đầu tư một số nút giao thông trên địa bàn thành phố.
Chủ tịch UBND TP Huỳnh Đức Thơ phát biểu tại cuộc họp. |
Tại cuộc họp, lãnh đạo thành phố đã xem xét 3 phương án tư vấn thiết kế cải tạo nút giao thông phía Tây cầu Rồng (đoạn Bảo tàng Điêu khắc Chăm). Các phương án tư vấn thiết kế đều thống nhất loại trừ giải pháp thi công cầu vượt qua nút để đảm bảo không gian cảnh quan đô thị; tập trung vào giải pháp hầm ngầm hoặc mở rộng nút giao đồng mức. Về giải pháp hầm ngầm cũng có 2 phương án với việc thi công 1 hầm nút giao và 2 hầm ngầm qua nút giao.
Đại diện Cty Tư vấn EEC đưa ra phương án xây dựng 2 hầm đơn, 1 hầm (một hầm qua nút giao theo trục đường Trần Phú và một hầm trên đường Bạch Đằng). Ngoài mục đích đảm bảo an toàn giao thông, giải quyết tình trạng ùn tắc giao thông vừa đảm bảo không gian cảnh quan với việc mở rộng sàn cảnh quan ven sông, tận dụng các khu đất công viên đường 2-9 để đầu tư các bãi đỗ xe ngầm lẫn nổi. EEC cũng đề xuất mở đường Hoàng Văn Thụ nối đường Bạch Đằng để tổ chức giao thông qua hầm theo hướng giao thông 2 chiều nhằm giải quyết tình trạng ùn tắc giao thông tại khu vực nút giao Trần Phú- Nguyễn Văn Linh.
Liên danh Cty CP Tư vấn Công trình giao thông 5 - Tổng Cty Tư vấn thiết kế Giao thông vận tải và chuyên gia tư vấn quốc tế James Tinion đề nghị xây dựng 2 hầm chui theo các trục đường 2-9 đến đường Trần Phú và hầm từ đường Bạch Đằng nối dài- Bạch Đằng.
Phối cảnh hầm chui tại nút giao thông phía Tây cầu Trần Thị Lý. |
Tuy nhiên, không đồng tình với việc xây cầu vượt và hầm chui tại phía Tây cầu Rồng, kỹ sư Trần Thị Nam Phương (Hội Khoa học Kỹ thuật cầu đường Đà Nẵng) cho rằng, khu vực phía Tây cầu Rồng phải được xác định là khu không gian cảnh quan, khu lễ hội và điểm đến du lịch đặc biệt nên cần được bảo vệ, giữ gìn. Giải pháp công trình hầm ngầm dù tối ưu hóa trong giải quyết vấn đề ùn tắc giao thông nhưng chia cắt không gian cảnh quan đô thị, tác động đến các điểm nhấn kiến trúc khu vực do đó chỉ nên thiết kế nút giao thông đồng mức. Theo đó, phương án nút giao thông đồng mức bao gồm một vòng tròn giao thông có đường kính lớn đi qua các điểm giao đầu cầu Rồng, ngã rẽ từ đường Trần Phú đi Nguyễn Văn Linh, ngã ba Lê Đình Dương- Nguyễn Văn Linh, ngã ba đường Trưng Nữ Vương và đường kiệt phía sau chùa An Long và ngã ba đường kiệt sau chùa An Long – đường 2-9. Tuy nhiên, hạn chế của phương án này là diện tích giải tỏa lên đến hơn 21.000m2 đất thổ cư. Thậm chí bà Phương còn cho rằng phải giải tỏa để làm khu đô thị ngay trong đảo giao thông...
Đối với nút giao thông đầu cầu Trần Thị Lý, theo Cty Tư vấn Giao thông 5 có 2 phương án: phương án 1 đầu tư hầm chui theo trục đường 2-9 kết hợp bố trí đèn tín hiệu các nút giao xung quanh; phương án 2 đầu tư nút giao thông khác mức 3 tầng. Đơn vị tư vấn chọn phương án 2 với nội dung tại nút giao đường 2-9 bố trí 3 tầng gồm cầu thép vượt trên cao theo trục đường 2-9; tầng mặt đất bố trí đảo giao thông hình tròn và tầng dưới lòng đất bố trí hầm chui trên đường Duy Tân qua nút giao Duy Tân- Núi Thành, Duy Tân- 2-9- Trần Thị Lý, Trần Thị Lý- Bạch Đăng nối dài.
Phối cảnh nút giao thông 3 tầng phía tây cầu Trần Thị Lý. |
Theo ông Lê Văn Trung- Giám đốc Sở GTVT việc nghiên cứu cải tạo các nút giao thông khu vực trung tâm thành phố đã được tiến hành gần 2 năm qua. Bước đầu tiên đã thực hiện đối với nút giao phía Tây cầu sông Hàn, nút giao Nguyễn Tri Phương- Điện Biên Phủ và cải tạo tạm nút giao Nguyễn Tri Phương- Nguyễn Văn Linh cơ bản giải quyết được bài toán ách tắc giao thông. Đối với nút giao thông phía Tây cầu Rồng hiện có 3 đơn vị tư vấn thiết kế. Nút giao thông đường Trần Thị Lý- 2-9- Duy Tân có 1 đơn vị tư vấn thiết kế. Các phương án thiết kế đã được các sở ngành đóng góp ý kiến và có sự tham gia phản biện của hội chuyên ngành. Sở GTVT cũng giới thiệu các phương án thiết kế trên trang thông tin của sở để tiếp tục lấy ý kiến của các chuyên gia và người dân thành phố.
Cũng theo ông Trung, tất cả các ý kiến từ các sở ngành của thành phố, các nội dung tham gia phản biện các phương án tư vấn thiết kế đều khẳng định sự cần thiết phải cải tạo các nút giao thông phía Tây cầu Rồng và đường Trần Thị Lý- 2-9- Duy Tân bằng phương án hầm chui. Việc cải tạo các nút giao thông này để giải quyết tình trạng ùn tắt giao thông; hoàn thiện tổng thể mạng lưới giao thông đô thị và đáp ứng yêu cầu phát triển đô thị bền vững trong tương lai.
Đại tá Lê Ngọc- Trưởng phòng CSGT CATP Đà Nẵng cho biết, dự báo đến năm 2020 trên địa bàn thành phố có khoảng 100 ngàn ô-tô. Bên cạnh đó, lượng xe du lịch hơn 45 chỗ ngồi trong thời gian qua tăng nhanh mà tập trung lưu thông qua cầu Rồng, cầu Trần Thị Lý đến khu vực ven biển nên ảnh hưởng rất lớn đến lưu lượng xe lưu thông qua đây. Theo Đại tá Lê Ngọc, trước mắt phải tổ chức lại nút giao thông phía Tây cầu Rồng, đường Trưng Nữ Vương chuyển thành 1 chiều và nhanh chóng mở thêm tuyến đường từ đường Trưng Nữ Vương (sau chùa An Long) đến đường 2-9.
Theo Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Ngọc Tuấn, để giải bài toán ách tắc giao thông cần có quy hoạch giao thông phân luồng, đối với phương tiện xe tải, xe khách không được tham gia lưu thông tại một số điểm thường xuyên xảy ra ùn tắc. Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Ngọc Tuấn cũng cho rằng nút giao thông phía Tây cầu Rồng là điểm nhấn cảnh quan của thành phố nên mời thêm kiến trúc sư về cảnh quan góp ý. Đối với nút giao thông khác mức tại Duy Tân – 2-9 là cần thiết, tuy nhiên làm hầm chui từ đường Duy Tân băng qua Núi Thành và đường 2-9 lên cầu Trần Thị Lý.
Sau khi nghe ý kiến đóng góp của các đơn vị có liên quan, Chủ tịch UBND TP Huỳnh Đức Thơ yêu cầu Sở GTVT từ nay đến cuối năm đưa ra những biện pháp quy hoạch mạng lưới giao thông để giảm bớt áp lực các nút giao thông trên địa bàn thành phố. Trước mắt tập trung cải tạo, phân luồng giao thông từ xa để hạn chế phương tiện giao thông tập trung vào 2 nút này.
Chủ tịch UBND TP Huỳnh Đức Thơ yêu cầu các đơn vị tư vấn tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện các phương án tổng thể và chi tiết, cuối tháng 11 sẽ có cuộc họp để chốt về phương án, trình Hội đồng nhân dân phê duyệt để có thể đầu tư vào cuối năm 2018. “Đây là 2 nút giao thông đang làm đau đầu lãnh đạo thành phố, các sở, ngành và người dân vì vậy cần phải quyết liệt “giải phẫu” ra để lưu thông “mạch máu” tại 2 vị trí này”, Chủ tịch UBND TP Huỳnh Đức Thơ nói.
Ngoài ra, để giảm tải lưu lượng giao thông cho trục đường 2-9, Chủ tịch UBND TP Huỳnh Đức Thơ đề nghị Sở GTVT nghiên cứu mở tuyến đường Bạch Đằng nối dài băng qua đường dẫn lên cầu Trần Thị Lý đến khu vực nhà hàng công nghệ cưới; quy hoạch mạng lưới giao thông từ đường dẫn cầu Trần Thị Lý vào khu đảo xanh nối dọc đường ven sông đến khu vực Công viên Châu Á, qua cầu Tuyên Sơn...
XUÂN ĐƯƠNG
Theo Báo CAĐN
Các bản tin khác
- Gỡ khó để triển khai dự án Đa Phước và Khu dân cư Tuyên Sơn
- Đất nền Khu Đô thị Phước Lý tiếp tục hút khách
- Sóng ngầm vốn ngoại đổ vào BĐS Việt Nam
- Hiệp hội Nữ doanh nhân thành phố Đà Nẵng tổng kết hoạt động năm 2013 và Vui xuân Giáp Ngọ cùng cựu nữ thanh niên xung phong
- Thủ tục giao đất và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất tái định cư (1/2/2014 9:34:42 AM)
- Quyết liệt xử lý tình trạng nợ đất tái định cư
- Hiệp hội nữ doanh nhân TP Đà Nẵng tổng kết hoạt động 2013
- Đà Nẵng điều chỉnh, thẩm định một số đồ án kiến trúc quy hoạch
- Gần Tết, giao dịch căn hộ “nhấp nhổm” tăng
- Tiếp tục hỗ trợ người dân cải thiện nhà ở
- Triển khai thi hành Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam
- Bộ Tư pháp công bố 10 sự kiện nổi bật của ngành Tư pháp năm 2013
- “Mở cửa” bất động sản!
- Chào tuổi mười bảy
- Hoàn thiện hướng dẫn thi hành Luật đất đai vào 2014
- Dấu ấn ôtô Việt Nam 2013: Vui trước bạ, lo lắp ráp
- Thủ tướng Campuchia Hun Sen thăm Đà Nẵng
- Nhìn lại thị trường bất động sản 2013: Đáy hay chưa đáy?
- Cho người nước ngoài mua nhà?
- Hiến pháp và 6 luật có hiệu lực thi hành từ năm 2014