Tự giới thiệu là chủ đầu tư dự án, tự ý bán dự án khi chưa được phép bán, bán theo hình thức đa cấp…, là những gì mà giới môi giới bất động sản đang thực hiện để lừa người mua nhà hiện nay.
Nhiều chiêu thức của môi giới bất động sản, người mua cần cảnh giác. Ảnh: Gia Huy |
Bắt bài lừa của môi giới
Chị Trần Thị Thúy, ngụ quận 9 (TP.HCM) kể lại câu chuyện mình bị môi giới bất động sản lừa bán dự án, nhưng sau thời gian dài, dự án không có, mà công ty môi giới cũng “bốc hơi”.
Chị Thúy kể, cuối năm 2016, khi chị dừng trước đèn đỏ tại đường Đặng Văn Bi (quận Thủ Đức) thì nhận được một tờ rơi quảng cáo dự án bất động sản đất nền tại đường Đỗ Xuân Hợp (quận 9), với giá chỉ 480 triệu đồng/nền 60 m2 nếu như mua hai nền đất trở lên và cam kết sổ đỏ trong vòng 6 tháng sau khi mua đất…
“Trên tờ quảng cáo có số điện thoại và địa chỉ công ty nên tôi đã liên hệ và qua công ty gặp giám đốc công ty, rồi được đưa xuống dự án coi đất, thấy đất nền được phân rõ ràng từng lô, hạ tầng cũng ổn định nên quyết định trả đủ số tiền giá trị đất và làm giấy tờ mua bán. Tới thời điểm mà doanh nghiệp cam kết giao sổ đỏ, mãi không thấy phía công ty liên hệ, nên tôi tìm qua công ty thì người dân tại đây cho biết, công ty này đã đóng cửa…”, chị Thúy nói.
Theo giới đầu tư, đây là chiêu lừa của dân môi giới, giảm giá khi mua sỉ để đánh vào lòng tham của khách hàng, rồi ôm tiền lặn mất tăm. Chiêu này chủ yếu do những doanh nghiệp ma, không có dự án nhưng lại luôn quảng cáo là có. Dự án khách hàng được xem thực chất không phải của họ.
Một chiêu thức mới là dân môi giới bán đất theo hình thức đa cấp, chỉ áp dụng vào thời điểm bất động sản đang nóng, nhiều người quan tâm. Sản phẩm chủ yếu được các đơn vị này chào bán nằm ở phân khúc bất động sản du lịch, nghỉ dưỡng và thường ở những địa bàn chưa có đủ hạ tầng, tiện ích. Chủ đầu tư cũng rất ít tiếng tăm, giá bán rất thấp, trong khi lợi nhuận cam kết rất cao, gấp đôi thị trường.
Bên cạnh đó, thông qua các khóa học, nếu các học viên giới thiệu, bán được hàng cho các nhà đầu tư khác thì sẽ được chiết khấu ngay khoảng 6 - 7% giá trị sản phẩm. Nếu học viên không có tiền thì có thể cùng góp vốn vào một sản phẩm cùng rất nhiều người khác. Chính vì đánh vào tâm lý chung của những người không có tiềm lực về tài chính, nhưng muốn làm giàu nhanh từ bất động sản, nên chiêu thức này đã khiến rất nhiều học viên "ham hố: tham gia.
Chủ đầu tư cũng chào thua
Khi phát triển dự án mới, chủ đầu tư thường ký kết với các công ty môi giới bán hàng cho mình và chi phần trăm cho môi giới. Để lấy lòng chủ đầu tư cũng như có doanh số, nhiều môi giới tìm mọi cách để bán được hàng. Trong khi đó, khách hàng thường mua căn hộ qua môi giới và tất cả những gì về dự án cũng đều qua môi giới, mà ít khi được gặp trực tiếp được chủ đầu tư để hỏi rõ ngọn ngành từng vấn đề pháp lý, cũng như giá trị căn hộ mà mình định mua.
Từ đây, nhiều chuyện không hay đã diễn ra. Đơn cử như trường hợp anh Đặng Văn Dũng, ngụ quận 2 (TP.HCM) gặp phải khi mua một dự án tại quận 7 qua công ty môi giới. Để bán được hàng, môi giới hứa chọn cho căn góc đẹp, view thoáng để giới thiệu cho anh, nhưng khi chốt hợp đồng, anh Dũng mới tá hỏa theo quy hoạch giai đoạn 2, chủ đầu tư sẽ xây thêm một tòa nữa án ngữ trước mặt, chắn hết tầm nhìn của căn hộ này.
Cũng có nhiều trường hợp, khách hàng ký hợp đồng đặt chỗ mua căn hộ dự án cho biết, dù mua căn hộ không thuộc trường hợp được vay gói lãi suất ưu đãi 30.000 tỷ đồng, nhưng vẫn được môi giới hứa sau này nhất định sẽ vay được bằng cách tách hợp đồng. Tuy nhiên, đến lúc ký hợp đồng, thì khách hàng mới biết đấy chỉ là lời dụ dỗ đường mật của môi giới…
Theo Luật sư Trần Đức Phượng, Đoàn Luật sư TP.HCM, thông thường, chủ đầu tư chỉ cam kết với những thông tin chính thống về pháp lý dự án, công trình dự án, tiện ích. Tuy nhiên, các môi giới đôi khi thêm thắt các thông tin về tiện ích của dự án nhằm mục đích dụ người mua chốt hợp đồng. Vấn đề này, chủ đầu tư luôn có quy định bên môi giới không được đưa thông tin không đúng về dự án, nhưng do nhân viên môi giới đưa ra bằng lời nói, nên chủ đầu tư cũng khó xử lý.
“Người mua nhà cần tỉnh táo trước những lời có cánh, mang tính chất thổi phồng, gắn thêm tiện ích..., thậm chí nhiều môi giới diễn giải sai quy định pháp luật về điều kiện giao dịch, thế chấp dự án, bảo lãnh ngân hàng... Điểm chung của những thông tin này là được quảng bá bằng miệng tờ rơi quảng cáo dự án do môi giới tự in, gửi đến từng nhà.
Nếu những thông tin đó không được kiểm chứng bằng văn bản pháp lý, thì người mua cả tin sẽ rơi vào tình trạng mù mờ. Đến khi ký hợp đồng mới biết thì lại đổ hết tức giận lên đầu chủ đầu tư. Còn nếu chủ đầu tư nói rõ lỗi của môi giới, thì bị khách hàng coi là "chối tội", "trốn tránh nhiệm”, Luật sư Phượng khuyến cáo.
Các bản tin khác
- Sôi động thị trường bất động sản
- Sắp khởi công tổ hợp du lịch, giải trí đẳng cấp tại Đà Nẵng
- Triển khai quy hoạch tổng thể khu vực phía Tây thành phố
- Sửa Thông tư 36 và giải pháp với “tổ kiến lửa”
- Tăng giá trị bồi thường đất thu hồi xây dựng hầm chui đường Trần Phú
- Thu nhập thấp mua nhà thế nào khi hết gói 30.000 tỷ?
- Gói tín dụng 30.000 tỷ đồng tiếp tục được giải ngân từ ngày 1-6
- Được tháo ‘vòng kim cô’, địa ốc thở phào
- Hoàn thành phần thô toà tháp thứ nhất Dự án Blooming Tower Đà Nẵng
- Cho vay gói 30.000 tỷ đồng: Tạm dừng giải ngân, chờ thông tư hướng dẫn
- Đường Phạm Cự Lượng - Con đường bằng lăng tím
- Nhà tái định cư: Mua khổ, bán cũng khổ
- Nhà phố thương mại lên cơn sốt: Xuất hiện hiện tượng ăn theo, đẩy giá
- Đà Nẵng: Cho phép chuyển nhượng dự án trong các KCN
- Xây dựng phố kinh doanh kiểu mẫu Phan Châu Trinh
- KĐT sinh thái Han River Village: Sống xanh giữa lòng Đà Nẵng
- Tiếp tục xây dựng cơ sở dữ liệu về địa giới hành chính
- Phòng làm việc: Những điều nên và không nên làm
- BĐS Đà Nẵng "sốt" với khu đô thị sinh thái đẳng cấp quốc tế
- Nghỉ dưỡng giữa lòng thành phố