Đại diện Công ty nghiên cứu thị trường bất động sản Cushman & Wakefield cho biết, hiện có nhiều nhà đầu tư nước ngoài muốn thông qua Cushman & Wakefield để tìm kiếm cơ hội đổ vốn vào thị trường bất động sản Việt Nam.
Tấp nập nhà đầu tư ngoại
Theo Bộ Xây dựng, từ đầu năm đến nay, thị thường bất động sản có những bước phát triển tích cực. Trong đó, hàng loạt doanh nghiệp nước ngoài rót vốn vào thị trường bất động sản Việt Nam trong 3 quý của năm 2017.
Theo thống kê, vốn FDI vào Việt Nam trong 9 tháng là 14,6 tỷ USD, trong đó FDI vào bất động sản chiếm 5% tổng vốn FDI, đứng thứ tư sau sản xuất công nghiệp, điện, sản xuất AC và phân phối cùng với khai thác mỏ và khoáng sản.
Doanh nghiệp ngoại đã bắt đầu quan tâm đến việc M&A với các doanh nghiệp nội có quỹ đất tiềm năng |
Đặc biệt, nghiên cứu từ CBRE Việt Nam còn cho thấy, dòng vốn ngoại đổ bộ vào thị trường bất động sản năm 2017 đã có những tín hiệu mới. Thay vì trước kia doanh nghiệp ngoại chỉ rót vốn vào phát triển dự án, thì nay đã xoay trục rót vốn vào những doanh nghiệp bất động sản đã lên sàn.
Đơn cử, Shinhan hợp tác với Vinacapital đầu tư 100 triệu USD vào Novaland. Samsung Securities cùng với Caldera Pacific, một quỹ đầu tư từ Hồng Kông đã mua 40% cổ phần của Dragon Capital và trở thành cổ đông lớn thứ hai. Keppel Land đã mua 20% cổ phần của Quốc Lộc Phát, chủ đầu tư của khu phức hợp Sóng Việt tại Thủ Thiêm (quận 2, TP.HCM)...
Mới đây nhất, hồi giữa tháng 9, Quỹ đầu tư quốc tế KEY SICAV SIF đến từ Luxembourg đã ra mắt Công ty EZ Land tại Việt Nam với ngành nghề kinh doanh chính là phát triển dự án bất động sản. Ông Oliver Brazier, Giám đốc điều hành của EZ Land Việt Nam tiết lộ, hiện Công ty đã có kế hoạch xây dựng 1.000 - 1.500 căn hộ mỗi năm trong vòng 5-8 năm tới.
Ông Alex Crane, Tổng giám đốc Cushman & Wakefield Việt Nam cho biết, hiện công ty ông đang có nhiều đơn đặt hàng nghiên cứu và giới thiệu dự án bất động sản tại Việt Nam cho các chủ đầu tư nước ngoài, trong đó nhiều nhất vẫn là nhà đầu tư tới từ Mỹ.
Cơ hội hồi sinh dự án “chết”
Giới quan sát thị trường bất động Việt Nam đánh giá, đây là tín hiệu tốt cho những dự án bất động sản “chết” hồi sinh. Nhận định này có vẻ đúng, bởi qua tìm hiểu của phóng viên, các nhà đầu tư ngoại chủ yếu thực hiện những thương vụ M&A vào doanh nghiệp có quỹ đất tốt bỏ hoang, hoặc những doanh nghiệp địa ốc có quỹ đất làm dự án nhưng thiếu tiền phát triển.
Đơn cử, Công ty EZ Land cho biết, có kế hoạch mua lại những dự án chưa hoàn thành để tiết kiệm chi phí, thời gian giải tỏa mặt bằng. Trong thời gian tới, Công ty sẽ tiếp tục theo đuổi mục tiêu M&A.
Ông Nguyễn Đình Trung, Chủ tịch HĐQT, kiêm Tổng giám đốc Hung Thinh Corp cho rằng, việc công ty ngoại đổ vốn vào thị trường bất động sản Việt Nam là việc tốt, nhưng đây cũng là thách thức với doanh nghiệp trong nước, bởi lợi thế của doanh nghiệp ngoại là vốn mạnh, có thể săn quỹ đất theo hình thức M&A. Trong khi đó, quỹ đất tại các thành phố lớn như Hà Nội, TP.HCM đang dần cạn kiệt, doanh nghiệp Việt còn phải chia sẻ quỹ đất cho doanh nghiệp ngoại, như vậy sẽ tạo ra sức cạnh tranh lớn, đòi hỏi doanh nghiệp trong nước phải tìm hướng đi cụ thể hơn.
“Từ năm ngoái, doanh nghiệp của tôi đã thực hiện những thương vụ M&A quỹ đất, trong đó có những thương vụ phải cạnh tranh với doanh nghiệp ngoại, nên hiểu rõ sự khốc liệt. Nếu doanh nghiệp trong nước không thay đổi, sẽ bị doanh nghiệp ngoại chiếm lĩnh thị trường”, ông Trung nói.
Cùng quan điểm, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM cho rằng, nhiều doanh nghiệp bất động sản Việt Nam đã thực hiện chiến lược "đi tắt đón đầu" bằng việc mua lại những quỹ đất sạch, rồi bán lại cho các nhà đầu tư khác. Điều này đã làm cho thị trường bất động sản thời gian qua diễn ra những con sóng ngầm về M&A dự án. Hầu hết, các thương vụ này đều rơi vào tay các doanh nghiệp có lợi thế về tài chính và năng lực triển khai như Tập đoàn Novaland, Tập đoàn Hưng Thịnh, CTCP Địa ốc Đất Xanh, Him Lam Land… Giờ đây, sân chơi M&A dự án bất động sản sẽ phải chia cho cả những doanh nghiệp ngoại có dòng vốn mạnh.
Các bản tin khác
- Đà Nẵng sẽ đầu tư thêm một số khu đô thị mới
- Thị trường đất nền: Miếng bánh có còn ngon?
- Những số liệu thống kê thú vị về thị trường bất động sản nửa đầu 2017
- Tháng 11 sẽ khởi công dự án Công viên phần mềm số 2
- Mở bán đất nền biệt thự ven sông Cổ Cò
- Nhà đầu tư Đà Nẵng đang làm giàu từ đâu?
- Nhận đất xây nhà tại Nam Đà Nẵng với 150 triệu đồng
- Sau khai trương, sản phẩm của Cocobay Đà Nẵng thêm hút khách
- Sun River City - "mới không cần phải khác biệt"
- Trao sổ đỏ đợt đầu cho cư dân mua nhà ở xã hội thuộc sở hữu Nhà nước
- Quy định quản lý nguồn đất rẻo sau chỉnh trang đô thị
- Có gì ở Sun World khiến du khách “mê” đến thế?
- Cấp quyền sử dụng từ chương trình bán thí điểm nhà chung cư
- Phải nêu tên dự án nhà ở tại Tp.HCM cấm người nước ngoài mua
- Hơn 605 tỷ đồng đầu tư dự án Khu đô thị xanh Bàu Tràm Lakeside
- Sun River City – làn gió mới trên thị trường bất động sản Đà Nẵng
- Đầu tư sinh lợi với dự án Coco Skyline Resort tại Đà Nẵng
- Nguồn cung lớn, chủ đầu tư địa ốc ra “chiêu độc” bán hàng
- Kêu gọi đầu tư Công viên Văn hóa lịch sử Ngũ Hành Sơn
- Nét khác biệt tạo nên sức hút của Khu đô thị Mỹ Gia