Khi dự án Làng đại học Đà Nẵng (LĐH) được phê duyệt vào năm 1997, nơi đây được kỳ vọng sẽ trở thành môi trường lý tưởng cho việc học tập, nghiên cứu khoa học của 30.000 sinh viên. Thế nhưng, 20 năm trôi qua, đến nay, quy mô đào tạo của Đại học Đà Nẵng đã lên đến hơn 47.000 sinh viên, vượt qua cả quy hoạch 20 năm về trước.
20 năm trôi qua, LĐH mới chỉ có 2 trường cao đẳng và nỗi buồn, nỗi khổ cứ dai dẳng, gặm nhấm người dân nơi đây. Không khổ sao được khi người dân cứ phải sống bấp bênh trong những căn nhà đã xuống cấp nghiêm trọng mà không thể sửa chữa hay làm mới.
Không khổ sao được khi thiếu điện, nước, những thứ tối thiểu cần cho cuộc sống của họ chỉ vì họ đang ở trong vùng quy hoạch.Những người dân lần lượt rời làng ly hương để lại nỗi lo, nỗi ngóng chờ đã trở thành niềm khao khát về một LĐH sẽ được xây dựng.
Thế nhưng, khao khát của sinh viên và người dân vẫn chỉ là khát khao thôi khi bao dự định vẫn ở... trên giấy với lý do thiếu vốn. Con số 8.000 tỷ đồng để có thể triển khai dự án này hiện vẫn đang chờ các cấp bộ, ngành phê duyệt. Trong khi đó, quy mô đào tạo của Đại học Đà Nẵng với hơn 47.000 sinh viên đang tạo nên áp lực quá lớn đối với các cơ sở giáo dục hiện có, gây sức ép về nơi học tập, sinh hoạt, vui chơi giải trí cho số lượng sinh viên này.
Trường đại học Y dược đang thành hình trong LĐN. |
Mảnh đất miền Trung, nơi gánh chịu nhiều đau thương, mất mát trong chiến tranh, nơi người dân dẫu còn nghèo khó vẫn khát khao học tập trong khi điều kiện học tập vẫn chưa được đáp ứng. Có lẽ, những sinh viên ở Đà Nẵng hiện nay chỉ mới có chỗ để “ngồi học” chứ chưa thực sự có không gian học, chưa có môi trường học tập đúng nghĩa.
Có lẽ, việc đào tạo đang vẫn dừng ở việc cung cấp khối lượng kiến thức chứ vẫn chưa thể đào tạo ra một con người phát triển toàn diện cả về thể lực, trí lực. Việc học bây giờ đã khác rất nhiều so với 20 năm trước. Học giờ đây không là việc thầy cô giáo truyền thụ kiến thức trong sách. Học không đóng khung trong các trang giáo trình. Học không dừng lại ở việc học môn gì mà là học như thế nào và học trong môi trường ra sao. Giờ đây, người học và người dạy phải cân bằng giữa lĩnh hội kiến thức với thực hành, với trau dồi kỹ năng sống, cách làm việc nhóm nhưng vẫn suy nghĩ độc lập, sáng tạo và có trách nhiệm với xã hội.
“Tất cả những điều này cần một sự thay đổi lớn, mà đầu tiên phải là thay đổi môi trường học, thay đổi cơ sở vật chất đang kìm hãm sự phát triển của cả sinh viên, giảng viên và từng trường thành viên”, một lãnh đạo Đại học Đà Nẵng đã từng nói.
Giáo dục - đào tạo đại học Việt Nam nói chung và Đà Nẵng đang hội nhập sâu với thế giới. Trong đó, việc xây dựng LĐH với mô hình những giảng đường khang trang cùng với thư viện, phòng lab, các khu vực giao lưu sinh hoạt và hợp tác nghiên cứu chung cho tất cả các phân khoa là những tiền đề cần thiết để có thể nâng tầm giáo dục đại học ở Việt nam.
Chỉ một khi quy hoạch các trường đại học tập trung thì mới phát huy hết giá trị cơ sở vật chất, đáp ứng nhu cầu đào tạo. Trong đó các trường thành viên của làng đại học phải được quản lý và tổ chức như một thể thống nhất, phục vụ công tác giảng dạy và nghiên cứu của toàn bộ giảng viên và sinh viên chứ không chỉ cho sinh viên của từng trường riêng lẻ.
Phát biểu tại Diễn đàn Đầu tư Đà Nẵng 2017 ngày 15-10, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, một trong những việc cần triển khai, cần đầu tư thực hiện là làng đại học. Tại Hội nghị Thành ủy lần thứ 10 (mở rộng) ngày 17-10, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Trương Quang Nghĩa cũng yêu cầu các đơn vị liên quan đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn, đôn đốc tiến độ công tác chuẩn bị đầu tư để sớm hiện thực hóa làng đại học. Về vấn đề vốn, lãnh đạo Đại học Đà Nẵng cho rằng thực tế trong 8.000 tỷ đồng ấy, chỉ cần được bố trí sớm 3.000 tỷ đồng là có thể khởi động dự án này, phần còn lại là 5.000 tỷ đồng thì có thể kêu gọi đầu tư.
Đầu tư cho giáo dục - đào tạo là đầu tư cho tương lai, đầu tư để phát triển lâu dài, bền vững. Chi phí xây dựng làng đại học là khoảng 8.000 tỷ đồng, đây là con số lớn. Tuy nhiên, nếu quyết tâm xây dựng và đi vào hoạt động từ hôm nay, Đà Nẵng, miền Trung và cả Việt Nam sẽ thu về những giá trị không chỉ tính bằng tiền.
MAI TRANG - PHƯƠNG TRÀ
Theo Báo Đà Nẵng
Các bản tin khác
- Đơn giản hóa TTHC 15 lĩnh vực ngành tư pháp
- Kỳ họp thứ 4 HĐND thành phố khóa IX: Phát triển đô thị, tạo động lực đột phá
- Giá đất một số khu tái định cư mới
- Vì sao chấm dứt chuyển nhượng chung cư diện giải tỏa?
- Thị trường bất động sản: Đủ chiêu "câu khách"
- Vì sao giải ngân vốn đầu tư xây dựng cơ bản chậm?
- Tổ hợp giải trí 11.000 tỷ tại Đà Nẵng sắp vận hành
- 9,5 tỷ đồng cải tạo nút giao thông Nguyễn Hữu Thọ-Lê Đại Hành-Trịnh Đình Thảo
- Xây dựng đường hầm chui qua đường Trường Sa kết nối dự án The Empire
- “Giải mã” sức hút của Coco Ocean-Spa Resort
- Khu nghỉ dưỡng 3.500 tỷ đồng hướng biển tại Quảng Nam
- Làm giàu từ bất động sản, không dễ như quảng cáo
- Ưu tiên, hỗ trợ cho các hộ dân Cồn Dầu chấp thuận giải tỏa, bàn giao mặt bằng sớm
- Rủi ro khi mua bán đất còn nợ thổ cư
- Bất động sản nghỉ dưỡng đối mặt thách thức chưa từng có
- Bất động sản nghỉ dưỡng: Cơ hội lớn, rủi ro lớn
- Đà Nẵng: Khách du lịch tăng cao, bất động sản hưởng lợi
- VNE chuyển nhượng dự án VNECO Plaza tại Đà Nẵng
- Đà Nẵng điều chỉnh và thông qua một số dự án kiến trúc quy hoạch quan trọng
- Cân bằng, hài hòa giữa bảo tồn và phát triển Sơn Trà