Định hình rõ những động lực chính thúc đẩy lợi nhuận bùng nổ tại nhiều ngân hàng thương mại...
Với kết quả sau 9 tháng, cùng triển vọng bùng nổ cả năm nói trên, dự kiến ngay cuối năm nay thị trường chứng khoán sẽ tiếp tục đón thêm những kế hoạch chào hàng từ những điển hình khởi sắc lợi nhuận.
Thảng còn một số không có thói quen cập nhật báo cáo tài chính quý, thảng một số còn sa sút, ngoại trừ khó khăn ở những "trường hợp 0 đồng", nhiều ngân hàng thương mại đã có kết quả lợi nhuận cao quý 3 và hứa hẹn một năm bùng nổ.
Hứa hẹn bùng nổ đó sẽ sớm thể hiện ở nhiều thành viên bằng những kỷ lục lợi nhuận cao nhất từ trước tới nay. Trong đó, "của để dành" tiếp tục lên tiếng, cùng hướng đi đã lôi kéo mạnh cả những thành viên tưởng như bảo thủ.
Nợ xấu không chỉ… xấu
Đến thời điểm này có thể sớm đoán định Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) sẽ nắm chắc vị trí số 1 về lợi nhuận của hệ thống các ngân hàng thương mại Việt Nam, theo con số giá trị tuyệt đối.
Từ giữa năm, quy mô 10.000 tỷ đồng đã được lãnh đạo Vietcombank ước tính khả năng đạt được. Chưa dừng lại, mức độ lợi nhuận trước thuế có thể vọt lên 10.500 tỷ, thậm chí 11.000 tỷ nếu buộc phải hiện thực hóa kế hoạch riêng.
Theo định hướng, Vietcombank đang đứng trước yêu cầu/kế hoạch thoái vốn tại Eximbank và MBBank. Như từng trả lời cổ đông trước đây, khoản lãi liên quan khá lớn, là của để dành từ nhiều năm trước, có thể sớm cụ thể hóa.
Vietcombank cũng là trường hợp đầu tiên mua lại toàn bộ nợ xấu đã bán sang Công ty Quản lý tài sản các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) từ trong năm 2016. Lợi nhuận hoàn nhập từ xử lý nợ xấu đã được dự báo trước. Ba năm gần đây, mỗi năm ngân hàng này đều đặn thu hồi được 1.500 - 2.000 tỷ đồng nợ ngoại bảng; riêng 9 tháng đầu năm nay thu được 1.554 tỷ đồng.
Ở những thành viên tầm trung như Ngân hàng tiên Phong (TPBank), sự lên tiếng từ "của để dành" trong nợ xấu cũng cho thấy mức độ đáng chú ý trong 9 tháng đầu năm nay. Trong tổng hơn 189 tỷ đồng nợ xấu TPBank xử lý được trong kỳ thì có tới 135,3 tỷ đồng từ khách hàng trả nợ. Đây là một trong những động lực cụ thể để TPBank có thêm điều kiện sớm vượt kế hoạch lợi nhuận cả năm chỉ sau 9 tháng (807 tỷ so với kế hoạch 780 tỷ).
Với những trường hợp như trên, nợ xấu không có nghĩa tiền bị mất đi. Nó trở thành "của để dành" đối với các ngân hàng thương mại, mỗi kết quả xử lý đều mang lại triển vọng hoàn nhập dự phòng và bù lại lợi nhuận, và cũng là một động lực chính tại nhiều nhà băng năm nay.
Chưa có số liệu cập nhật đầy đủ công bố, còn theo Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia, trong 7 tháng đầu năm 2017, toàn hệ thống đã xử lý được khoảng 45 nghìn tỷ nợ xấu, trong đó nợ xấu thu hồi từ khách hàng chiếm khoảng 33,6%, một tỷ trọng đáng kể gắn liền với lợi nhuận.
Nhưng ngược lại, có vẻ chính nợ xấu vẫn là trở ngại lớn đối với lợi nhuận tại một số thành viên, khi quy mô theo con số tuyệt đối tăng mạnh kỳ báo cáo quý 3/2017. Tuy nhiên, có những nguyên do chủ động.
Thứ nhất, cơ hội được cơ cấu lại nợ mà không phải chuyển nhóm khép lại, đến nay các ngân hàng phải lần lượt nhận về những khoản đã cơ cấu những năm trước mà vẫn không thể hồi sinh theo cơ hội đã có.
Thứ hai, từ năm 2017, lượng nợ xấu "gửi sang" VAMC đã rất hạn chế, theo đó việc ghi nhận cụ thể trên báo cáo tài chính bớt bị phân tán đi, thậm chí tăng lên tại nhiều thành viên.
Số liệu thống kê cũng cho thấy, từ 2013 đến thời điểm 15/9/2017, VAMC đã mua tổng dư nợ gốc nội bảng là 296.550 tỷ đồng, trong đó phần 2017 chỉ chiếm rất nhỏ với 20.995 tỷ đồng.
Thứ ba, một loạt thành viên bước vào kế hoạch thí điểm xử lý nợ xấu theo cơ chế từ nghị quyết của Quốc hội, việc ghi nhận đúng đủ có phần động lực hơn để tập trung áp dụng các cơ chế hỗ trợ.
Dịch chuyển đã rõ nét
Vẫn phải dẫn lại Vietcombank. Ngân hàng này vừa chốt xong các bước triển khai đề án tái cơ cấu, trong đó có một trục trọng tâm được nhấn mạnh: bán lẻ.
Không phải đến nay, mà từ 2016 tại đây đã thể hiện rõ sự dịch chuyển cơ cấu thu sang phân khúc bán lẻ, trong đó tín dụng với khách hàng cá nhân được đẩy mạnh. Dịch chuyển này tiếp tục mạnh lên trong 2017.
Và không chỉ riêng Vietcombank, các thành viên nhóm "Big 4" (cùng Agribank, VietinBank và BIDV) đều nằm trong xu hướng này. Một trong những lý do chính: hệ số an toàn vốn (CAR) của họ đã khai thác đến giới hạn (ở gần mức 9% - mức tối thiểu quy định, do không tăng được vốn), tài sản cần dịch chuyển sang các khu vực có hệ số rủi ro thấp hơn (để bớt ảnh hưởng tiêu cực đến CAR), hoặc có tỷ lệ sinh lời cao hơn.
Đặt trong yêu cầu thường trực từ đầu năm đến nay là giảm lãi suất cho vay, biên lợi nhuận từ cho vay bán lẻ, cho vay khách hàng cá nhân trở nên hấp dẫn và thu hút hơn. Không chỉ Vietcombank, báo cáo cập nhật định kỳ của BIDV cũng thể hiện rõ hướng dịch chuyển, gia tăng tỷ trọng.
Tuy nhiên, nhóm "Big 4" hiện vẫn đang ngoài cuộc ở phân khúc lớn và mới: tín dụng tiêu dùng, cho vay cá nhân những món nhỏ. Một lý giải nằm ở khẩu vị rủi ro, nhưng về kỹ thuật thì nhóm này còn vướng ở sự tồn tại của các công ty cho thuê tài chính…
Theo đó, tín dụng tiêu dùng hiện thời và trước mắt vẫn chủ yếu là khoảng sân tiềm năng của một số ngân hàng thương mại cổ phần tư nhân, đã có công ty tài chính tiêu dùng chuyên trách như VPBank, HDBank, MBBank…, và tới đây là SHB. Đây cũng chính là một nhân tố mạnh trong động lực tạo bùng nổ lợi nhuận của họ năm nay.
Ngay cả khi chưa lấn sân vào tín dụng tiêu dùng với công ty chuyên trách, nhiều ngân hàng thương mại cổ phần tư nhân cũng đã đặt trọng tâm ở tín dụng bán lẻ, tập trung ở khối khách hàng cá nhân.
Như trên, TPBank đang hứa hẹn có năm bùng nổ lợi nhuận, triển vọng có thể đạt 1.000 tỷ trên quy mô vốn 5.000 tỷ, mà ở nguồn tín dụng, nhóm khách hàng cá nhân đã chiếm tỷ trọng lên tới gần 39%. Quy mô tỷ trọng này cũng có thể thấy ở Techcombank, trong 2016 và cả 2017, dù 9 tháng đầu năm nay tín dụng có dấu hiệu giảm.
Qua 9 tháng đầu 2017, tín dụng giảm là hạn hữu ở số ít thành viên. Còn tựu trung, mức tăng trưởng tín dụng cao hơn cùng kỳ, chỉ tiêu chung cả năm được nới cao hơn những năm gần đây cũng góp thêm một phần động lực cho lợi nhuận hệ thống.
Và như VnEconomy đề cập ở bài viết gần đây, 2017 lợi nhuận nhiều ngân hàng thương mại còn ghi nhận thêm "mùa vàng" hợp tác với bảo hiểm - một điểm nổi bật trong xu hướng gia tăng tỷ trọng nguồn thu dịch vụ.
Với kết quả sau 9 tháng, cùng triển vọng bùng nổ cả năm nói trên, dự kiến ngay cuối năm nay thị trường chứng khoán sẽ tiếp tục đón thêm những kế hoạch chào hàng từ những điển hình khởi sắc lợi nhuận như HDBank và TPBank, sau khi VIB, VPBank và LienVietPostBank lần lượt thực hiện vừa qua.
Theo Thời báo Kinh tế VN
Các bản tin khác
- Quy hoạch đô thị: Gian nan!
- Tránh mắc bẫy khi vay tiêu dùng trả góp
- Đà Nẵng sắp tổ chức đấu giá 158 lô đất khu vực Cẩm Lệ - Hoà Vang
- Đấu giá chuyển quyền đất ở tái định cư
- Năm 2016, xu hướng BĐS xanh lên ngôi
- Phương án đấu giá quyền sử dụng đất đối với 158 lô đất địa bàn phường Hoà Xuân và xã Hoà Châu
- Giá 11 lô đất thuộc Khu thương mại dịch vụ đường Trường Sa
- Trong 10 năm tới bất động sản ven biển có thể tăng giá gấp đôi
- Rộng cửa đón người mua nhà ở xã hội
- Bất động sản Đà Nẵng: Phân khúc đất nền hồi sinh
- InterContinental Đà Nẵng có nhà hàng lọt top "10 nhà hàng tuyệt nhất thế giới" của CNN
- Tổng thu thuế nội địa năm 2015 đạt trên 12.000 tỷ đồng
- Ô tô giảm giá 2018: Tàn giấc mộng
- Liên kết sàn giao dịch bất động sản liệu có bền vững?
- Những tư vấn trước khi mua nhà
- Ra mắt BCH Hội Môi giới BĐS Việt Nam tại miền Trung
- Khéo ăn thì no, khéo co thì ấm!
- Ra mắt Hiệp hội Bất động sản khu vực miền Trung
- Đà Nẵng triển khai 7 sản phẩm du lịch mới trong năm 2016
- Đẩy nhanh quá trình đô thị hóa