Không cớ gì chờ đến ngày 20-11 mới là ngày các trò tri ân thầy cô, nhất là khi người Việt có câu: “mồng một Tết cha, mồng hai Tết mẹ, mồng ba Tết thầy”.
Đôi khi những cuộc viếng thăm bất ngờ từ một em học trò đã mươi năm không gặp, hay những thành công của trò trên đường đời luôn được trò báo tin cho thầy trở thành những ngày đặc biệt trong lòng những người chọn phấn trắng, bảng đen làm nghiệp trong đời.
Thầy Nguyễn Đình Hòa và các em học sinh lớp 12D20 niên khóa 2014-2017. (Ảnh nhân vật cung cấp)
Năm ngoái, sau một bài viết về Vũ Khương Duy, cậu học trò Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn đoạt giải nhất quốc gia cuộc thi Tin học trẻ, và được gặp thầy giáo của em, thầy Lê Quốc Hưng, giáo viên bộ môn Tin học Trường THCS Nguyễn Khuyến, tôi càng tin hơn việc những người thầy cô truyền cảm hứng, thậm chí định hình luôn con đường đi và sự nghiệp sau này của bao thế hệ học trò.
Vũ Khương Duy kể mình được chơi với máy tính từ bé, rồi lên lớp 6 mới được học căn bản môn Tin học, cũng chưa thấy yêu thích gì. Sang năm lớp 7, gặp một bài toán tin khó hiểu, Duy cầm bài về hỏi anh trai là một “chuyên gia” Tin học trong mắt cậu bé mới lớn. Anh trai giảng nhưng Duy chẳng hiểu gì. Rồi suốt cả năm học lớp 7, hầu như ngày nào anh trai cũng “bắt” Duy lên phòng, đưa bài cho làm, giảng đủ kiểu.
Thời gian đó Duy sợ môn Tin học, cũng đồng nghĩa với sợ anh hai. Mỗi lần anh kêu dò bài là cậu viện đủ cớ trốn tránh và luôn học trong tâm trạng miễn cưỡng. Nhưng khi học thêm với thầy Lê Quốc Hưng thì Duy “khoái” thầy ra mặt vì thầy “cực kỳ tâm lý, tận tâm, không giống như anh trai lúc nào cũng la”, nhưng thực sự thì Duy vẫn chưa thiết tha lắm với máy tính và những bài lập trình.
Thầy Hưng kể: Cậu anh trai hơn Duy 15 tuổi, đang làm tiến sĩ ở Mỹ và là chuyên gia lập trình cho một hãng máy tính lớn từng là học trò của mình, đã gọi điện về nhờ thầy kèm cặp Duy. Thế là thầy vừa dạy vừa chỉ cho Duy sự hấp dẫn của những bài toán Tin, đã mở ra cho Duy một thế giới rộng lớn của những khát khao và đam mê. Để khi sang phổ thông, Duy chọn học chuyên môn Tin học và định hình luôn con đường đi cho mình sau này.
Học trò của thầy Lê Quốc Hưng hiện có nhiều em là chuyên gia lập trình giỏi của nhiều công ty lớn trên thế giới như Huỳnh Anh Huy, Huỳnh Anh Vũ, Huỳnh Lý Thanh Trung, Nguyễn Hữu Thành… Thầy bảo “tôi dạy THCS, lúc nào dạy hết chữ tôi sẽ giới thiệu người khác để các em theo học”. Dù nhiều trò chỉ đi cùng thầy một đoạn đường ngắn nhưng để lại trong lòng thầy nhiều kỷ niệm sâu sắc.
“Tôi nghĩ trò yêu thầy sẽ thích học môn đó. Nhiều đứa bây giờ sống ở các nước, trưởng thành và thành đạt, tụi nó về Đà Nẵng là chạy tới, có đứa lái xe chở thầy đi quanh phố. Có lẽ tấm lòng mình, công sức mình dốc lòng dạy ngày xưa giờ được báo đáp. Tôi thấy vui trong lòng vì mình đã hoàn thành nhiệm vụ”, thầy Hưng trải lòng.
36 năm trong nghề, trong đó có 19 năm đảm nhiệm dạy môn Tin học, với thầy Hưng, những cô cậu học trò kính thầy hết mực, được thầy yêu như con, có thể gọi điện cho thầy từ nửa bên kia trái đất chỉ để kể với thầy con được nhận vào làm ở một công ty toàn cầu; ngày cưới cũng mong thầy có mặt; gia đình thầy có chuyện đại sự trò không thể đến thì nhờ bố mẹ đến giúp thầy… Chừng đó thôi cũng khiến lòng thầy rưng rưng.
Thầy Nguyễn Đình Hòa, giáo viên môn Văn của Trường THPT Trần Phú, bảo rằng sau khi thầy làm chủ nhiệm một lớp có 39 học sinh năm các em học lớp 11, thì cuối năm đó toàn thể phụ huynh đề nghị thầy tiếp tục chủ nhiệm các em năm lớp 12. Và hai năm học đó cũng để lại bao kỷ niệm đẹp trong lòng 39 cô cậu học trò, được các em thể hiện qua những bài viết đầy xúc động trên mạng xã hội, và cả trong những bài báo do một cô học trò chấp bút.
Quan niệm của thầy Hòa là các em vừa học vừa chơi, từ sách vở có thể liên hệ đến thực tế. Học và vận dụng vào cuộc sống để cuộc sống tốt đẹp hơn. Qua cách thầy tập cho học sinh quan tâm đến những người gần gũi nhất, là ba mẹ, người thân, bạn bè. Cách đây 3 năm thầy phát động trong học sinh của lớp có 39 gương mặt đó, giúp đỡ một bạn có hoàn cảnh khó khăn.
Hiểu được tấm lòng của thầy, nhiều phụ huynh cùng chung tay góp sức. Tết năm đó lớp hỗ trợ gia đình bạn được số tiền 7,5 triệu đồng. Và cũng thật xúc động là vào ngày sát Tết, bạn đó được ba mẹ chở đến nhà thầy, mang tặng thầy một cặp bánh chưng do gia đình tự gói.
Cũng trong hai năm học đó, thầy trò nhiều lần đi đến các nhà mở, các trung tâm trẻ em khuyết tật để thăm và giúp đỡ các em. “Mình nghĩ các em đều là con cưng của gia đình, chưa hề chịu khổ, có thể các em khó hòa đồng, vậy mà các em đã chơi, đã giúp đỡ các em nhỏ rất nhiệt tình. Ngày hôm đó có hai em là học sinh “cá biệt” của lớp tự nhiên bỏ đi đâu không rõ, mình đã nghĩ là các em trốn đi chơi.
Nhưng sau đó hai em quay lại với một túi bánh kẹo để tặng cho các em nhỏ. Mình rất xúc động. Mình đã nói điều đó cho cả lớp biết. Thực tế là những bài học, những chuyến đi giúp các em xích lại gần nhau, yêu thương nhau và biết quan tâm đến người khác”, thầy Hòa nói.
17 năm đứng trên bục giảng, những thông điệp yêu thương được truyền qua mỗi bài học, truyền qua những câu nói thật nồng ấm của thầy Nguyễn Đình Hòa với nhiều thế hệ học trò có lẽ đã được ươm mầm và bật thành cây. Trong 17 năm đó có 7 năm thầy Hòa dạy ở Trường THPT tư thục Quang Trung, nơi có nhiều em học giỏi nhưng không có điều kiện vào đại học, nơi có nhiều em có thể quậy nhưng rất cá tính, biết yêu thương thực lòng, các em lấy vợ lấy chồng hay sinh con cũng gọi điện khoe thầy.
Ngày 20-11 thì kéo nhau đi thành một đoàn đến nhà thăm thầy; những cậu trai thỉnh thoảng kéo thầy ra quán “lai rai”… Có thể bây giờ không nhớ, sẽ quên, nhưng sau khi ra trường vài năm, các em sẽ quay lại, nhất là khi các em chín chắn hơn, trưởng thành hơn.
Thầy Hòa vẫn còn cảm kích trước tấm chân tình của gia đình một phụ huynh vào ngày Tết năm trước. Học trò cùng cha mẹ đến thăm thầy nhưng không gặp, trở đi rồi vẫn trở lại vào ngày hôm sau. Thầy bảo rằng khi cha mẹ quý mến, tôn trọng thầy bằng một cuộc viếng thăm, đó sẽ là tấm gương cho con mà họ chú tâm giáo dục.
Những ngày 20 tháng 11 cứ thế tràn trề trong tâm tưởng thầy cô, những người chọn làm bạn, làm thầy, làm người dẫn đường trong một vài năm với bao cô cậu học trò. Như thầy Hòa ghi nhận “mỗi thế hệ học trò giúp mình có nhiều cảm xúc để bài giảng luôn mới”.
Dòng chảy yêu thương mà thầy cô truyền cho học trò sẽ được các em tưới tắm mỗi ngày trên bước đường đời, để chừng mươi năm sau ngày ra trường, các em sẽ nhận ra những giá trị lớn lao trong câu chuyện thầy dẫn dắt ở bài học, ở buổi đi dã ngoại. Cây có cội, nước có nguồn, những cuộc trở về, những cuộc viếng thăm lúc đó mới thực sự có ý nghĩa lớn lao, mà không phụ thuộc vào một ngày 20 trong một tháng có bấc mưa phùn hằng năm, nó có thể vào “ngày 3 Tết thầy” hay một cuộc điện thoại từ nửa vòng trái đất.
Hoàng Nhung
Theo Báo Đà Nẵng
Các bản tin khác
- Thị trường nhà ở phát triển lệch pha
- Về một thành phố ven sông Cổ Cò
- Nhà đầu tư condotel đối mặt với nhiều rủi ro
- Bán thí điểm 330 căn hộ nhà ở xã hội thuộc khu dân cư Phong Bắc
- Áp dụng mức lãi suất 4,8% khi vay mua nhà ở xã hội
- Golden Hills hấp dẫn từ quy hoạch
- Thận trọng với sốt đất
- Doanh nghiệp Hoa Kỳ tìm kiếm cơ hội đầu tư vào bất động sản Đà Nẵng
- Ngôi nhà tuyệt đẹp ở Đà Nẵng được báo nước ngoài ca ngợi
- Nhiều bất ngờ, thú vị về "Huyền thoại những cây cầu"
- Những chính sách nổi bật có hiệu lực từ tháng 4
- BIDV tung 20.000 tỷ đồng cho vay ưu đãi
- Đô thị biển - hướng mở cho không gian du lịch Đà Nẵng
- “Bỏng tay” với đất biển Đà Nẵng
- Giao dịch bất động sản vẫn sôi động trước chính sách thắt chặt vốn vay
- Khánh thành tuyến đường Nguyễn Tất Thành nối dài
- Quảng Nam-Đà Nẵng: Phối hợp quy hoạch, khai thác sông Cổ Cò, xúc tiến dự án Làng Đại học Đà Nẵng
- Cải thiện giao thông, phát triển đô thị
- Thị trường bất động sản Đà Nẵng: Câu chuyện về sự phát triển bền vững
- Dấu ấn đô thị