Nhiều người dân mua đất tái định cư (TĐC) bằng phiếu bố trí đất TĐC trước đây hiện đang lâm vào cảnh éo le do không làm được giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ - gọi tắt là “sổ đỏ”), không xây được nhà, thậm chí có nguy cơ mất tiền oan.
Hậu quả này xuất phát từ chính sách cho phép chuyển nhượng quyền sử dụng đất TĐC bằng phiếu bố trí đất TĐC trước đây, nay không còn phù hợp với quy định của pháp luật.
Căn nhà vợ chồng chị Lê Thị Công, số 369 đường Khúc Hạo, phường Nại Hiên Đông chưa được làm “sổ đỏ”. |
Đất tái định cư nhưng không làm được “sổ đỏ”
Chị Lê Thị Công (số nhà 369 Khúc Hạo, phường Nại Hiên Đông, quận Sơn Trà) mua lại lô đất TĐC của người thân từ năm 2005. Tại thời điểm đó, theo chính sách của thành phố, việc giao dịch chuyển QSDĐ được thực hiện khi người dân được phép giao dịch bằng phiếu bố trí đất TĐC.
Giao dịch này được UBND phường xác nhận. Sau khi làm nhà ở, đến tháng 10-2015, chị Công đi làm thủ tục đề nghị cấp GCNQSDĐ thì được hướng dẫn yêu cầu người chủ đất cũ làm thủ tục cấp “sổ đỏ” rồi mới tiếp tục làm thủ tục chuyển nhượng QSDĐ.
Tuy nhiên, chủ lô đất cũ từ trần từ năm 2011. Chị Công tiếp tục được hướng dẫn yêu cầu các con của chủ đất làm thủ tục thừa kế lô đất, làm “sổ đỏ” rồi mới chuyển nhượng sang cho chị. Tình thế khó khăn là các con của chủ đất cũ đang định cư ở nước ngoài, không thể liên lạc được nên chị Công “bó tay”.
Hỏi lại Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai quận Sơn Trà, chị được giải thích chính sách chuyển nhượng QSDĐ bằng phiếu bố trí đất TĐC đã hết hiệu lực từ ngày 1-7-2014. Sau thời điểm này, việc chuyển nhượng QSDĐ phải thực hiện theo quy định của pháp luật.
Người được bố trí đất TĐC phải làm thủ tục cấp “sổ đỏ” rồi mới được chuyển QSDĐ. Với quy định này, chị Công không biết phải làm sao để có GCNQSDĐ tại căn nhà mình đang ở (?!).
Một trường hợp khác là chị Nguyễn Thị Bé (khu tái định cư Hòa Liên 3, xã Hòa Liên, huyện Hòa Vang) có nguy cơ mất tiền vì mua phiếu bố trí đất TĐC. Chị Bé từ ngoài Bắc vào Đà Nẵng làm công nhân tại khu công nghiệp trên địa bàn quận Liên Chiểu.
Sau nhiều năm dành dụm, năm 2012, vợ chồng chị mua một lô đất TĐC đường 5,5m tại khu tái định cư Hòa Liên 3 (do Ban giải tỏa đền bù số 2 thành phố Đà Nẵng bố trí). Tuy nhiên, đến nay khi đó điều kiện xây nhà, vợ chồng chị Bé đi nộp hết số tiền sử dụng đất mà chủ cũ được nợ để làm “sổ đỏ” nhưng Trung tâm Phát triển quỹ đất hướng dẫn yêu cầu chủ cũ trực tiếp làm thủ tục đề nghị cấp “sổ đỏ” rồi mới chuyển nhượng QSDĐ sang cho vợ chồng chị.
Thế nhưng người chủ đất đã chết, chị Bé được hướng dẫn yêu cầu các con của người chủ đất làm thủ tục thừa kế lô đất này, tiếp tục làm thủ tục cấp “sổ đỏ” rồi mới chuyển nhượng QSDĐ. Những người con của chủ đất thay đổi ý định không đồng ý chuyển nhượng QSDĐ khiến vợ chồng chị không thể làm “sổ đỏ”, không thể làm nhà nên phải tiếp tục thuê nhà ở và có nguy cơ mất tiền oan.
Nhiều người dân mua đất bằng phiếu bố trí tái định cư không nắm được quy định mới của Luật Đất đai (sửa đổi) có hiệu lực từ 1-7-2014, đến nay gặp khó khăn khi làm thủ tục yêu cầu cấp “sổ đỏ”. Trong ảnh: Khu tái định cư Hòa Liên 3, xã Hòa Liên, huyện Hòa Vang. (Ảnh mang tính minh họa) Ảnh: HOÀNG HIỆP |
Cần tháo gỡ khó khăn
Đó chỉ là hai trong số rất nhiều trường hợp không thể làm được GCNQSDĐ do vướng những quy định mới. Bởi hiện không có thống kê chính xác còn bao nhiêu trường hợp mua đất TĐC bằng phiếu đất TĐC, nhưng theo Ban Pháp chế - HĐND thành phố cho biết, qua tiếp dân, giải quyết đơn thư của công dân cho thấy nhiều trường hợp người dân mua phiếu đất TĐC nhưng nay không làm được “sổ đỏ”.
Phó ban Pháp chế - HĐND thành phố Huỳnh Bá Cử cho biết, trước đây, nhằm tạo thuận lợi cho người dân, thành phố có chính sách cho phép người dân chuyển nhượng QSDĐ bằng phiếu bố trí đất TĐC. Giao dịch này được UBND phường, xã xác nhận.
Đến ngày 1-7-2014, Luật Đất đai (sửa đổi) có hiệu lực, thành phố thông báo gia hạn giải quyết làm “sổ đỏ” cho những trường hợp này đến 30-9-2015 thì chấm dứt thực hiện chính sách này. Tuy nhiên rất nhiều người dân không biết thời hạn này, đến nay mới đi làm “sổ đỏ” lại gặp khó khăn. Khó nhất là những trường hợp chủ các lô đất đã chết hoặc đi khỏi nơi cư trú, không tìm được nơi cư trú, không thể liên lạc được.
Tại kỳ họp thứ 6 HĐND thành phố khóa IX mới đây, ông Huỳnh Bá Cử đề nghị Thường trực HĐND thành phố yêu cầu UBND thành phố xem xét giải quyết cấp “sổ đỏ” đối với 2 trường hợp bất khả kháng là chủ đất cũ đã chết hoặc không tìm được địa chỉ nêu ở trên.
Phó Giám đốc Trung tâm Phát triển quỹ đất thành phố Trần Nam Hưng cũng đồng tình ý kiến cần gỡ khó cho người dân, nhất là đối với trường hợp chủ đất đã chết hoặc không tìm được địa chỉ, còn các trường hợp khác phải thực hiện theo đúng quy định pháp luật. Hiện nay, Trung tâm Phát triển quỹ đất thành phố đã tham mưu Sở Tài nguyên-Môi trường và UBND thành phố giải quyết 10 trường hợp chủ đất cũ đã chết hoặc không tìm được địa chỉ.
Bài và ảnh: ĐOÀN SƠN
Theo Báo Đà Nẵng
Các bản tin khác
- Căn hộ tầm trung sẽ chiếm tỷ trọng cao trong nửa cuối năm
- "Khẩu vị mới" của nhà đầu tư tại bất động sản Đà Nẵng
- Tổng cục quản lý đất đai siết chặt việc quản lý phôi giấy chứng nhận QSDĐ
- Chuẩn hóa môi giới bất động sản: Nhiệm vụ cấp bách
- Những cuộc “tháo chạy” của giới đầu cơ đất nền năm 2018
- Còn nhiều yếu tố nâng đỡ, chưa thể xảy ra "bong bóng" bất động sản
- Thúc đẩy tiến độ các dự án "treo", thương thảo lấy lại SVĐ Chi Lăng
- Thị trường bất động sản có rơi vào chu kỳ khủng hoảng?
- Tỷ phú ngoại tranh phần bất động sản
- Thương thảo lấy lại sân vận động Chi Lăng
- Điều thú vị chỉ có tại chương trình ưu đãi "Đêm Bà Nà"
- Dòng đầu tư đổ dồn về Gami Eco Charm "dồn dập" ngay sau ngày ra mắt
- Điểm đến Sơn Trà Hoang sơ Bãi Rạng
- Đà Nẵng: Phúc Hoàng Ngọc công bố và bàn giao dự án Green Home
- Đà Nẵng: Mỗi năm tăng 86 cơ sở lưu trú/6.000 phòng
- Kinh nghiệm quý khi mua chung cư giá rẻ để không ‘tiền mất tật mang’
- Bất động sản nghỉ dưỡng: "Vẫn là kênh đầu tư hiệu quả"
- Biệt thự biển cho thuê mang về thu nhập bền vững cho nhà đầu tư
- Hàn Quốc hỗ trợ Đà Nẵng nghiên cứu đường sắt đô thị
- Vệt đô thị mới ven sông Hàn có tòa tháp cao 29 tầng