10 sự kiện kinh tế - xã hội nổi bật năm 2017 do Thời báo Kinh tế Việt Nam bình chọn...
10 sự kiện kinh tế - xã hội nổi bật năm 2017 do Thời báo Kinh tế Việt Nam bình chọn.
1. APEC 2017 thành công cả về nội dung và tổ chức
Trong vai trò nền kinh tế chủ nhà, Việt Nam đã tổ chức một năm APEC 2017 thành công ngoài mong đợi cả về nội dung và tổ chức, được ghi nhận bởi các nền kinh tế thành viên tham dự.
Trong năm 2017, Việt Nam đã đón khoảng 21.000 đại biểu tới tham dự các Hội nghị APEC tại các tỉnh thành của Việt Nam và riêng Tuần lễ cấp cao APEC tại Đà Nẵng là 11.000 người, gồm lãnh đạo cấp cao, các quan chức, cũng như doanh nghiệp trong khu vực và trên thế giới.
Với vai trò là nền kinh tế chủ nhà, Việt Nam đã thành công khi tạo được sự quan tâm chung của các nền kinh tế thành viên với chủ đề "Tạo động lực mới cùng vun đắp tương lai chung" cùng 4 ưu tiên được các thành viên quan tâm và ủng hộ: tăng trưởng bền vững sáng tạo và bao trùm; đẩy mạnh liên kết kinh tế khu vực sâu rộng; nâng cao năng lực cạnh tranh và sáng tạo của các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa; tăng cường an ninh lương thực và nông nghiệp bền vững ứng phó với biến đổi khí hậu.
Thành công lớn nhất là duy trì được mục tiêu của APEC trong bối cảnh phức tạp của tình hình thế giới, kinh tế, có chiều hướng khác nhau trong vấn đề kinh tế, thương mại, đầu tư và những lĩnh vực mới.
Trong thời gian diễn ra Tuần lễ cấp cao APEC, Việt Nam cũng đã có 4 chuyến thăm cấp nhà nước của Trung Quốc, Mỹ, Chile và Canada, cùng 50 cuộc trao đổi lãnh đạo cấp cao với các nước. Điều này khẳng định vai trò vị thế của Việt Nam cũng như tăng cường quan hệ với các đối tác lớn. Việc ký 121 thỏa thuận với giá trị hơn 20 tỷ USD cũng là cơ hội lớn đối với các doanh nghiệp Việt Nam.
2. Lần đầu tiên có nghị quyết về kinh tế tư nhân
Sau hơn 30 năm đổi mới của đất nước, kinh tế tư nhân lần đầu tiên được khẳng định là "một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa".
Quan điểm chỉ đạo tại Nghị quyết này là phát triển kinh tế tư nhân lành mạnh theo cơ chế thị trường là một yêu cầu khách quan, vừa cấp thiết, vừa lâu dài trong quá trình hoàn thiện thể chế, phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở nước ta; là một phương sách quan trọng để giải phóng sức sản xuất; huy động, phân bổ và sử dụng hiệu quả các nguồn lực phát triển.
Đồng thời, kinh tế tư nhân là một động lực quan trọng để phát triển kinh tế. Kinh tế nhà nước, kinh tế tập thể cùng với kinh tế tư nhân là nòng cốt để phát triển nền kinh tế độc lập, tự chủ. Xóa bỏ mọi rào cản, định kiến, tạo mọi điều kiện thuận lợi để phát triển kinh tế tư nhân lành mạnh và đúng định hướng. Kinh tế tư nhân được phát triển ở tất cả các ngành, lĩnh vực mà pháp luật không cấm.
3. Bước ngoặt mới trong chống tham nhũng
Năm 2017, Đảng liên tục thi hành kỷ luật với phạm vi rộng chưa từng có đối với hàng loạt cán bộ từ Trung ương đến địa phương, tạo ra bước ngoặt mới cho cuộc chiến chống tham nhũng khi cả tần suất và mức độ chiến đấu đều dồn dập hơn, quyết liệt hơn, dữ dội hơn gấp bội so với những năm trước.
Đỉnh điểm của năm là vào tháng 12/2017, với việc Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội quyết định đưa bị cáo Đinh La Thăng và 21 đồng phạm trong vụ án xảy ra tại Tổng công ty cổ phần xây lắp dầu khí Việt Nam (PVC) ra xét xử vào ngày 8/1/2018, đã là minh chứng rõ nhất cho cuộc chiến chống tham nhũng hoàn toàn "không có vùng cấm", đúng như tuyên bố của Tổng Bí thư.
Hàng loạt cán bộ cao cấp khác cũng đã bị xử lý kỷ luật như Nguyễn Xuân Anh, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng; Vũ Huy Hoàng, nguyên Bộ trưởng Công Thương; Nguyễn Minh Quang, nguyên Bộ trưởng Tài nguyên và Môi trường; Hồ Thị Kim Thoa, nguyên Thứ trưởng Bộ Công Thương, Phạm Văn Vọng, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Phúc, Phùng Quang Hùng, nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc, Phạm Thế Dũng, nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai, Nguyễn Văn Thiện, nguyên Bí thư Tỉnh uỷ Bình Định...
4. Tăng trưởng GDP đạt 6,81%, vượt kế hoạch
Năm 2017 là một năm đặc biệt khi lần đầu tiên sau nhiều năm chúng ta hoàn thành vượt mức 13 chỉ tiêu phát triển kinh tế-xã hội, trong đó tăng trưởng GDP đạt 6,81%, vượt mục tiêu 6,7% được đề ra trước đó và trở thành mức tăng trưởng cao nhất trong nhiều năm trở lại đây.
Điều đáng nói, GDP liên tục tăng trưởng đều đặn qua các quý, cho thấy hiệu quả của những giải pháp được Chính phủ ban hành. Cùng với đó, kinh tế vĩ mô tiếp tục ổn định, lạm phát được kiểm soát; xuất khẩu tăng mạnh và xuất siêu 2,7 tỷ USD, khu vực công nghiệp phục hồi rõ nét, trở thành động lực quan trọng của tăng trưởng kinh tế.
Niềm tin, sự hứng khởi và tinh thần đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp đang lan tỏa sâu rộng trong toàn xã hội. Số doanh nghiệp thành lập mới năm nay đạt mức kỷ lục trên 126,85 nghìn doanh nghiệp với số vốn đăng ký mới và bổ sung trên 3,16 triệu tỷ đồng; đồng thời có trên 26,45 nghìn doanh nghiệp hoạt động trở lại.
Khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) có đóng góp ngày càng quan trọng vào phát triển kinh tế, xã hội. Số vốn FDI đăng ký đạt mức kỷ lục, trên 35,88 tỷ USD, số vốn thực hiện đạt 17,5 tỷ USD, cao nhất trong vòng 30 năm trở lại đây.
5. Xuất nhập khẩu đạt 424,87 tỷ USD
Kết thúc năm 2017, xuất nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam chính thức xác lập kỷ lục mới khi đạt mốc 424,87 tỷ USD.
Bước vào đầu thập niên của thế kỷ 21 (năm 2001), tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam mới chỉ ở con số là hơn 30 tỷ USD.
Sau 6 năm (năm 2007) tổng kim ngạch xuất nhập khẩu cả nước đã đạt con số 100 tỷ USD, sau khi Việt Nam trở thành thành viên chính thức của WTO.
Bốn năm sau (năm 2011) quy mô xuất nhập khẩu đã tăng gấp đôi đạt con số 200 tỷ USD. Con số 300 tỷ USD tiếp tục đạt được với khoảng thời gian tương tự sau 4 năm (năm 2015).
Rút ngắn một nửa thời gian, chỉ cần 2 năm tiếp theo (năm 2017), tổng kim ngạch xuất nhập khẩu đã chinh phục mức 424,87 tỷ USD.Trong đó, khối DN có vốn FDI đạt kim ngạch xuất nhập khẩu 265,85 tỷ USD, tăng 23,2% so cùng kỳ 2016, chiếm 65,6% tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa của cả nước.
Nhìn lại chặng đường xuất nhập khẩu của Việt Nam trong những năm qua cho thấy bước tiến mạnh mẽ của hoạt động xuất nhập khẩu.
Như vậy, tính từ năm Việt Nam chính thức gia nhập WTO đến nay (sau 10 năm), tổng kim ngạch xuất nhập khẩu đã tăng gấp 4 lần. Xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam tăng từ vị trí 50 trong năm 2007 lên vị trí 26 năm 2016. Trong khi đó, nhập khẩu của Việt Nam cũng tăng lên từ vị trí thứ 41 trong năm 2007 lên vị trí 25 trong năm 2016 và chắc chắn sẽ tiếp tục tăng bậc trong năm 2017.
6. Thu hút vốn FDI cao nhất trong 9 năm
Vốn FDI đăng ký mới và tăng thêm lập đỉnh mới, phá vỡ kỷ lục được thiết lập năm 2016. Với 29,69 tỷ USD vốn đăng ký mới và tăng thêm và 6,19 tỷ USD phần góp vốn, mua cổ phần, tổng vốn FDI chảy vào nền kinh tế trong năm 2017 đã lên con số 35,88 tỷ USD, trở thành mức cao nhất trong vòng 9 năm trở lại đây.
Sự gia tăng ngoạn mục của dòng vốn ngoại trong năm này có sự đóng góp rất lớn của hàng loạt dự án tỷ USD. Đó là 3 dự án điện BOT, bao gồm dự án đầu tư xây dựng Nhà máy nhiệt điện BOT Nghi Sơn 2 (2,79 tỷ USD), dự án Nhà máy nhiệt điện BOT Vân Phong 1 (2,58 tỷ USD) và dự án Nhà máy nhiệt điện BOT Nam Định 1 (2,07 tỷ USD).
Ngoài ra, còn có dự án Samsung Display tăng vốn thêm 2,5 tỷ USD ở Bắc Ninh và dự án đường ống dẫn khí Lô B - Ô Môn, vốn đầu tư 1,27 tỷ USD tại Kiên Giang. Chưa kể, còn có dự án Khu phức hợp thông minh tại Khu chức năng số 2A trong Khu đô thị mới Thủ Thiêm, vốn đăng ký 885,85 triệu USD, tại Tp.HCM. Chỉ tính riêng 5 dự án tỷ USD và dự án quy mô lớn ở Tp.HCM đã đóng góp tới trên 12 tỷ USD, chiếm trên 40% tổng vốn FDI đăng ký vào Việt Nam trong năm 2017.
7. VN-Index đạt 970 điểm, tăng 46% so cùng kỳ
Ngày 4/12/2017, chỉ số VN-Index đạt mốc 970 điểm (tăng gần 46% so với ngày 30/12/2016), chính thức lấy lại toàn bộ điểm số đã mất kể từ cuối năm 2007 do chịu tác động trực tiếp từ khủng hoảng tài chính toàn cầu. Mức vốn hóa thị trường đến cuối năm 2017 đạt gần 3.360 nghìn tỷ đồng, tương đương 74,6% GDP, vượt chỉ tiêu đặt ra cho năm 2020 theo chiến lược phát triển thị trường chứng khoán năm 2020 đã được phê duyệt.
Năm 2017, các nhà đầu tư nước ngoài đã thực hiện mua ròng gần 26 nghìn tỷ đồng cổ phiếu, trái ngược hẳn so với thực tế của năm 2016 khi khối ngoại bán ròng 6.821 tỷ đồng. Đây là lượng giao dịch ròng trực tiếp thông qua giao dịch hàng ngày lớn nhất lịch sử, vượt xa cả thời kỳ bùng nổ 2007. Tính đến cuối tháng 11/2017, tổng giá trị danh mục của nhà đầu tư nước ngoài tăng mạnh, đạt hơn 31,4 tỷ USD, tăng 81,3% so với cuối năm 2016.
Dấu ấn ngoại còn được ghi dấu ở những thương vụ thoái vốn nhà nước kỷ lục và thành công. Ngày 18/12, gần hơn 343 triệu cổ phần nhà nước tại Tổng công ty rượu - bia - nước giải khát Sài Gòn (Sabeco), tương đương 53,59% cổ phần đã được hai nhà đầu tư mua toàn bộ, trong đó có Công ty TNHH Vietnam Beverage, đơn vị có 49% cổ phần của ThaiBev của Thái Lan. Thương vụ này đã giúp Nhà nước thu về gần 110.000 tỷ đồng.
Trước đó, 3,33% vốn điều lệ tại CTCP sữa Việt Nam (Vinamilk) cũng đã được đấu giá thành công khi một tập đoàn của Singapore chi ra 8.990 tỷ đồng để mua trọn lô đấu giá này.
Hai phiên đấu giá thành công nêu trên đã chuyển đi một thông điệp: nhà đầu tư nước ngoài đang rất mong chờ những phiên thoái vốn nhà nước tại nhiều doanh nghiệp lớn trong 2018. Những cái tên sắp tới sẽ là MobiFone, PV Oil, PV Power, Tổng công ty thuốc lá Việt Nam, Công ty TNHH MTV lọc hoá dầu Bình Sơn...
8. 12,9 triệu lượt khách quốc tế đến Việt Nam
Đây có thể coi là kỳ tích tăng trưởng kỷ lục về tổng số khách quốc tế và mức tăng trưởng tuyệt đối trong một năm, tăng thêm 3 triệu lượt so với năm 2016.
Trong năm qua, ngành du lịch còn phục vụ 73,2 triệu lượt khách nội địa. Tổng thu từ khách du lịch ước đạt trên 510.000 tỷ đồng, đóng góp tích cực cho mục tiêu tăng trưởng kinh tế của đất nước.
Như Phó thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam đã nhận xét, trong năm 2017 ngành du lịch Việt Nam đã có những điểm nổi bật được thế giới ghi nhận, như Việt Nam được Tổ chức Du lịch thế giới xếp thứ 6/10 điểm đến du lịch có tốc độ tăng trưởng du lịch cao nhất thế giới, InterContinental Danang Sun Penisula Resort được bình chọn lần thứ 3 với danh hiệu "Khu nghỉ dưỡng sang trọng bậc nhất thế giới", Khu nghỉ dưỡng JW Marriot Phu Quoc Emeral Bay được bình chọn là "Khu nghỉ dưỡng mới đẳng cấp nhất thế giới", Vietravel được bình chọn là "Nhà điều hành tour du lịch trọn gói hàng đầu thế giới", Vietnam Airlines được bình chọn là "Hãng hàng không hàng đầu thế giới về bản sắc văn hóa" và "Hãng hàng không hàng đầu thế giới về hạng phổ thông đặc biệt"...
9. Những bất cập tại một số dự án BOT
Liệu việc "vỡ" trạm BOT Cai Lậy có là tiền lệ tạo nên sự phản đối các BOT, khi người dân bức xúc vì tuyến đường họ không đi, nhưng vẫn phải trả tiền, hoặc đường cũ thảm lại nhưng thu phí cả 2 tuyến (cũ và mới). Đó là những BOT "không lối thoát" đang tiềm ẩn nhiều nguy cơ về nợ xấu.
Theo thống kê từ Bộ Giao thông Vận tải, trong 10 năm, cả nước hiện có 71 dự án BOT do Nhà nước và tư nhân cùng đầu tư. Tính riêng trong 5 năm (2011-2016), Bộ Giao thông Vận tải đã huy động được khoảng 171.251 tỉ đồng để đầu tư 58 dự án theo hình thức BOT.
Nhưng đáng lo ngại, số vốn góp của tư nhân không phải số tiền nhàn rỗi trong dân mà chủ yếu là vốn đi vay ngân hàng. Trong một báo cáo của Ngân hàng Nhà nước gửi Kiểm toán Nhà nước cuối năm 2016 cho thấy, có 80-90% số vốn đầu tư cơ sở hạ tầng giao thông là vốn của các ngân hàng. Với tỷ lệ trên, giai đoạn 2011-2016, ngành ngân hàng đã cho các dự án BOT giao thông vay 146.000-154.000 tỉ đồng.
Không những thế, 100% các dự án BOT về giao thông trên cả nước là chỉ định thầu, dẫn đến năng lực nhà thầu yếu về tài chính và chuyên môn. Các quy trình từ ra quyết định, xây dựng, vận hành các dự án BOT đều thiếu công khai dẫn đến dân không có sự lựa chọn tuyến đường miễn phí, gây "làn sóng" phản đối BOT.
Ví thử nếu BOT Cai Lậy và một số dự án BOT khác trả lại dự án cho Nhà nước, hoặc vỡ nợ thì rõ ràng một hình ảnh nợ xấu đang bao trùm mạng lưới BOT, các ngân hàng, tạo áp lực cho nợ công quốc gia.
Vì vậy, bên cạnh việc góp phần thay đổi đáng kể diện mạo hạ tầng giao thông trên nhiều vùng đất nước, BOT đang là vấn đề nan giải.
10. Kỷ lục về bão lũ và thiệt hại thiên tai
Năm 2017 ghi nhận là năm kỷ lục về số lượng cơn bão và áp thấp nhiệt đới với 16 cơn bão và 4 áp thấp nhiệt đới hoạt động trên Biển Đông. Trước đây, thời kỳ mưa bão thường tập trung vào tháng 7-9, hãn hữu lắm mới có cơn bão rơi vào tháng 11. Nhưng năm nay, có 2 cơn bão hoành hành trên Biển Đông vào cuối tháng 12 - đây cũng là điều chưa từng có trong lịch sử.
Trong năm 2017, thiên tai đã khiến 386 người thiệt mạng, ước tính thiệt hại vật chất lên đến 60.000 tỷ đồng. Trong đó, thiên tai ở khu vực miền Trung đã làm 196 người chết và mất tích, thiệt hại vật chất ước tính lên tới 45.080 tỷ đồng (tương đương khoảng hai tỷ USD) trên tổng số 60.000 tỷ đồng thiệt hại cả nước.
Riêng cơn bão Damrey (bão số 12) đổ bộ vào các tỉnh Nam Trung Bộ trong tháng 11 đã làm 123 người chết và mất tích, hơn 165.000 ngôi nhà bị ảnh hưởng, trong đó 3.500 nhà bị thiệt hại hoàn toàn, hơn 11.000 ha diện tích gieo trồng bị thiệt hại, hơn 650.000 động vật gia súc, gia cầm bị chết.
Năm 2017, thiên tai khốc liệt, cực đoan và trái với quy luật. Các đợt bão, mưa gây lũ ống, lũ quét đã tàn phá nền hạ tầng thủy lợi, nông nghiệp, hạ tầng kinh tế, kỹ thuật.
Từ Trung ương, Chính phủ, các bộ ngành cơ quan đoàn thể và cộng đồng đã chung tay ứng phó khắc phục hậu quả thiên tai, để giảm thiệt hại về người và của, nhanh chóng ổn định cuộc sống người dân và khôi phục sản xuất kinh doanh.
Theo Thời báo Kinh tế VN
Các bản tin khác
- Người thuê nhà cần biết 5 thay đổi lớn từ 01/7/2021
- Cách tính tiền Bảo hiểm xã hội một lần năm 2021
- Nhiều quy định về nâng lương cán bộ, công chức sắp thay đổi?
- Đà Nẵng điều chỉnh giảm 10% giá đất so với hiện nay
- Từ 01/7/2021, đăng ký thường trú, tạm trú có thể bị thu hồi Sổ hộ khẩu
- Vì sao Chứng minh nhân dân không nên ép dẻo?
- Thủ tục sang tên xe máy mới nhất: Kinh nghiệm thực hiện từ A đến Z
- Cách ghi số và ký hiệu văn bản đúng chuẩn Nghị định 30
- Hướng dẫn mới nhất về cấp Giấy xác nhận số CMND từ 18/11/2019
- Từ 22/5, chính thức cấp bản sao điện tử cho người dân
- Trường hợp nào gây thiệt hại mà không phải bồi thường?
- Một năm, người lao động được nghỉ việc riêng mấy lần?
- Đất không có Sổ đỏ có được chia thừa kế không?
- Hôm nay (15/5), nhiều chính sách mới bắt đầu có hiệu lực
- Từ 20/4/2020: Giấy ủy quyền chỉ được chứng thực trong 4 trường hợp
- 6 giao dịch về nhà ở không cần đến Sổ đỏ
- Các Văn phòng Công chứng tuân thủ nghiêm chỉnh các quy định về phòng chống dịch Covid 19
- Đà Nẵng: Mức giá đất ở cao nhất là 98,8 triệu đồng/m2
- Có Sổ đỏ trong tay, người dân được hưởng lợi thế nào?
- Thủ tục cấp Sổ đỏ khi mua bán nhà đất bằng giấy viết tay