Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đất đai, ban soạn thảo đề xuất giải pháp bỏ hạn mức nhận chuyển quyền sử dụng đất nông nghiệp.
Luật Đất đai năm 2013 được Quốc hội thông qua ngày 29/11/2013 tại kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XIII và có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2014.
Trong hơn 3 năm tổ chức thi hành Luật Đất đai 2013, công tác quản lý đất đai đã đạt được những hiệu quả nhất định. Tuy nhiên thực tiễn triển khai thi hành Luật Đất đai vẫn còn những tồn tại, bất cập là lý do mà Bộ Tài nguyên và Môi trường đang đề nghị Chính phủ xây dựng dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đất đai.
Ảnh minh họa
Luật Đất đai năm 2013 đã nâng thời hạn sử dụng đất lên 50 năm đối với các loại đất nông nghiệp, mở rộng hạn mức giao đất cho các hộ nông dân, cho phép chuyển đổi cơ cấu sản xuất… tạo điều kiện cho người sử dụng đất nông nghiệp mở rộng sản xuất và yên tâm đầu tư lâu dài.
Tuy vậy, theo khảo sát quy định về hạn mức nhận chuyển quyền sử dụng đất chưa khuyến khích, tích tụ đất đai quy mô lớn. Nhất là quy định hạn mức nhận chuyển quyền sử dụng đất trồng cây hàng năm đối với hộ gia đình không được quá 10 lần hạn mức giao đất, gây khó khăn cho người nhận chuyển quyền vượt quá hạn mức quy định, phải nhờ người khác đứng tên trên giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, phần diện tích vượt hạn mức bị từ chối khi thế chấp vay vốn ngân hàng.
Người không trực tiếp sản xuất, mặc dù có vốn, công nghệ, thị trường, không được nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất nông nghiệp cũng đang là một quy định gây cản trở đầu tư vào nông nghiệp.
Chính vì vậy, trong dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đất đai, ban soạn thảo đề xuất giải pháp bỏ hạn mức nhận chuyển quyền sử dụng đất nông nghiệp. Việc này giải quyết được việc đảm bảo cho hộ gia đình, cá nhân có quyền nhận chuyển quyền sử dụng đất nông nghiệp theo nhu cầu và năng lực của mình mà không lo bị giới hạn hạn mức sử dụng đất.
Luật Đất đai quy định (điều 191) tổ chức kinh tế; hộ gia đình, cá nhân không trực tiếp sản xuất nông nghiệp không được nhận chuyển nhượng, nhận tặng cho quyền sử dụng đất trồng lúa.
Tuy nhiên, thực tế hiện nay có rất nhiều trường hợp hộ gia đình, cá nhân là các cán bộ, công chức, công nhân, người lao động tại các tỉnh, thành mà sản xuất nông nghiệp trồng lúa xuất khẩu gạo vẫn là chủ đạo thì những hộ gia đình, cá nhân này họ vẫn có nhu cầu tích tụ đất trồng lúa để trực tiếp canh tác hoặc thuê người canh tác và nguồn thu nhập chính của họ cũng chủ yếu từ sản xuất nông nghiệp trồng lúa.
Hay như các tổ chức kinh tế họ có nhu cầu đầu tư máy móc để sản xuất trồng lúa với công nghệ cao nhằm mục đích nâng cao chất lượng lúa gạo của Việt Nam nhưng lại bị vướng mắc với quy định của luật vì không được quyền nhận chuyển nhượng, tặng cho đất trồng lúa để sản xuất trồng lúa.
Vì vậy để khuyến khích được nhà đầu tư là tổ chức kinh tế, hộ gia đình, cá nhân mặc dù không trực tiếp sản xuất nông nghiệp nhưng vẫn đầu tư tích tụ đất trồng lúa để sản xuất trồng lúa nhằm nâng cao năng suất và chất lượng gạo của Việt Nam, bộ đề xuất giải pháp cho phép hộ gia đình, cá nhân không trực tiếp sản xuất nông nghiệp; tổ chức kinh tế được quyền nhận chuyển nhượng, tặng cho quyền sử dụng đất trồng lúa nhưng với điều kiện là phải sử dụng đúng mục đích.
Đối với các dự án để thực hiện dự án nhằm phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng nhưng lại không được quy định trong luật dẫn đến công tác thu hồi đất gặp nhiều khó khăn về tính pháp lý vừa qua, bộ cũng đã đưa ra đề xuất bổ sung một khoản của Điều 62 quy định cụ thể về thu hồi đất theo quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất để tạo quỹ đất.
Trong đó quy định cụ thể về các trường hợp thu hồi đất theo quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất để khai thác quỹ đất trong đó bao gồm cả các trường hợp: thu hồi đất của cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp và DNNN trong trường hợp rà soát, sắp xếp đất đai, đặc biệt là tại các vị trí có lợi thế và khả năng sinh lợi cao; thu hồi đất theo phương án di dời các cơ sở sản xuất, kinh doanh, các trụ sở cơ quan ra khỏi đô thị.
Điều 62 sửa đổi, bổ sung một số trường hợp thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng như: thu hồi đất để thực hiện dự án khu đô thị mới, khu nhà ở; sử dụng đất của dự án có vốn đầu tư nước ngoài, dự án phát triển nông nghiệp tập trung, nông nghiệp công nghệ cao.
Đồng thời bổ sung thêm quy định về việc đối với các trường hợp thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng thực hiện giao đất, cho thuê đất không thông qua hình thức đấu giá quyền sử dụng đất, đấu thầu dự án có sử dụng, nếu có nhu cầu thì được thực hiện theo cơ chế tự thỏa thuận với người sử dụng đất.
Cũng tại dự thảo lần này, bộ đề xuất bổ sung quy định người sử dụng đất là cá nhân nước ngoài thuộc trường hợp được sở hữu nhà ở tại Việt Nam và chứng nhận quyền sở hữu nhà ở theo quy định của Luật Nhà ở.
Các bản tin khác
- Vốn ngoại đổ vào địa ốc
- Trên 96% diện tích đất đã được cấp GCN quyền sử dụng đất
- Kinh doanh BĐS: Phục vụ "thượng đế" còn lắm gian nan
- Khó có 'bong bóng' nhà đất
- Bất động sản cao cấp và nhân tố không gian xanh
- Sếp lớn bất động sản nói gì về triển vọng thị trường?
- Xã hội hóa đầu tư khu Liên hợp thể thao
- Chưa vội định đoạt số phận sân Chi Lăng trong 5 năm tới
- Đà Nẵng mới chỉ bán được 24 căn hộ chung cư 12 tầng Nại Hiên Đông
- Ôtô Toyota, Honda chỉ còn 300 triệu?
- Bồi thường thu hồi đất: Khác gì so với trước?
- Giá đất tái định cư một số khu dân cư trên địa bàn 2 quận Ngũ Hành Sơn và Liên Chiểu
- Giao dịch bất động sản giảm nhẹ trong tháng 9
- Thấp thỏm chờ di dời ga Đà Nẵng (2)
- Những chính sách có hiệu lực từ tháng 10-2015
- Sở Xây dựng TP.HCM thống nhất giảm nhiều thủ tục cho Việt kiều mua nhà
- Lý do người Đà Nẵng thích mua đất nền
- Ngũ Hành Sơn - Sự chuyển mình mạnh mẽ
- Hoà Xuân, “điểm nóng” mới của bất động sản Đà Nẵng
- Giá đất tái định cư tại dự án Khu dân cư Bàu Mạc