Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đất đai, ban soạn thảo đề xuất giải pháp bỏ hạn mức nhận chuyển quyền sử dụng đất nông nghiệp.
Luật Đất đai năm 2013 được Quốc hội thông qua ngày 29/11/2013 tại kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XIII và có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2014.
Trong hơn 3 năm tổ chức thi hành Luật Đất đai 2013, công tác quản lý đất đai đã đạt được những hiệu quả nhất định. Tuy nhiên thực tiễn triển khai thi hành Luật Đất đai vẫn còn những tồn tại, bất cập là lý do mà Bộ Tài nguyên và Môi trường đang đề nghị Chính phủ xây dựng dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đất đai.
Ảnh minh họa
Luật Đất đai năm 2013 đã nâng thời hạn sử dụng đất lên 50 năm đối với các loại đất nông nghiệp, mở rộng hạn mức giao đất cho các hộ nông dân, cho phép chuyển đổi cơ cấu sản xuất… tạo điều kiện cho người sử dụng đất nông nghiệp mở rộng sản xuất và yên tâm đầu tư lâu dài.
Tuy vậy, theo khảo sát quy định về hạn mức nhận chuyển quyền sử dụng đất chưa khuyến khích, tích tụ đất đai quy mô lớn. Nhất là quy định hạn mức nhận chuyển quyền sử dụng đất trồng cây hàng năm đối với hộ gia đình không được quá 10 lần hạn mức giao đất, gây khó khăn cho người nhận chuyển quyền vượt quá hạn mức quy định, phải nhờ người khác đứng tên trên giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, phần diện tích vượt hạn mức bị từ chối khi thế chấp vay vốn ngân hàng.
Người không trực tiếp sản xuất, mặc dù có vốn, công nghệ, thị trường, không được nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất nông nghiệp cũng đang là một quy định gây cản trở đầu tư vào nông nghiệp.
Chính vì vậy, trong dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đất đai, ban soạn thảo đề xuất giải pháp bỏ hạn mức nhận chuyển quyền sử dụng đất nông nghiệp. Việc này giải quyết được việc đảm bảo cho hộ gia đình, cá nhân có quyền nhận chuyển quyền sử dụng đất nông nghiệp theo nhu cầu và năng lực của mình mà không lo bị giới hạn hạn mức sử dụng đất.
Luật Đất đai quy định (điều 191) tổ chức kinh tế; hộ gia đình, cá nhân không trực tiếp sản xuất nông nghiệp không được nhận chuyển nhượng, nhận tặng cho quyền sử dụng đất trồng lúa.
Tuy nhiên, thực tế hiện nay có rất nhiều trường hợp hộ gia đình, cá nhân là các cán bộ, công chức, công nhân, người lao động tại các tỉnh, thành mà sản xuất nông nghiệp trồng lúa xuất khẩu gạo vẫn là chủ đạo thì những hộ gia đình, cá nhân này họ vẫn có nhu cầu tích tụ đất trồng lúa để trực tiếp canh tác hoặc thuê người canh tác và nguồn thu nhập chính của họ cũng chủ yếu từ sản xuất nông nghiệp trồng lúa.
Hay như các tổ chức kinh tế họ có nhu cầu đầu tư máy móc để sản xuất trồng lúa với công nghệ cao nhằm mục đích nâng cao chất lượng lúa gạo của Việt Nam nhưng lại bị vướng mắc với quy định của luật vì không được quyền nhận chuyển nhượng, tặng cho đất trồng lúa để sản xuất trồng lúa.
Vì vậy để khuyến khích được nhà đầu tư là tổ chức kinh tế, hộ gia đình, cá nhân mặc dù không trực tiếp sản xuất nông nghiệp nhưng vẫn đầu tư tích tụ đất trồng lúa để sản xuất trồng lúa nhằm nâng cao năng suất và chất lượng gạo của Việt Nam, bộ đề xuất giải pháp cho phép hộ gia đình, cá nhân không trực tiếp sản xuất nông nghiệp; tổ chức kinh tế được quyền nhận chuyển nhượng, tặng cho quyền sử dụng đất trồng lúa nhưng với điều kiện là phải sử dụng đúng mục đích.
Đối với các dự án để thực hiện dự án nhằm phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng nhưng lại không được quy định trong luật dẫn đến công tác thu hồi đất gặp nhiều khó khăn về tính pháp lý vừa qua, bộ cũng đã đưa ra đề xuất bổ sung một khoản của Điều 62 quy định cụ thể về thu hồi đất theo quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất để tạo quỹ đất.
Trong đó quy định cụ thể về các trường hợp thu hồi đất theo quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất để khai thác quỹ đất trong đó bao gồm cả các trường hợp: thu hồi đất của cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp và DNNN trong trường hợp rà soát, sắp xếp đất đai, đặc biệt là tại các vị trí có lợi thế và khả năng sinh lợi cao; thu hồi đất theo phương án di dời các cơ sở sản xuất, kinh doanh, các trụ sở cơ quan ra khỏi đô thị.
Điều 62 sửa đổi, bổ sung một số trường hợp thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng như: thu hồi đất để thực hiện dự án khu đô thị mới, khu nhà ở; sử dụng đất của dự án có vốn đầu tư nước ngoài, dự án phát triển nông nghiệp tập trung, nông nghiệp công nghệ cao.
Đồng thời bổ sung thêm quy định về việc đối với các trường hợp thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng thực hiện giao đất, cho thuê đất không thông qua hình thức đấu giá quyền sử dụng đất, đấu thầu dự án có sử dụng, nếu có nhu cầu thì được thực hiện theo cơ chế tự thỏa thuận với người sử dụng đất.
Cũng tại dự thảo lần này, bộ đề xuất bổ sung quy định người sử dụng đất là cá nhân nước ngoài thuộc trường hợp được sở hữu nhà ở tại Việt Nam và chứng nhận quyền sở hữu nhà ở theo quy định của Luật Nhà ở.
Các bản tin khác
- Cuối năm, thị trường bất động sản sẽ ra sao?
- Rắc rối từ CMND mới
- Đà Nẵng đề nghị xây dựng nút giao thông khác mức ngã ba Huế theo hình thức BT
- Vay tiền mua nhà: Thận trọng khi ngân hàng "đại hạ giá"
- Đấu giá 17 khu đất mặt tiền
- Giá đất kêu gọi đầu tư mặt tiền đường Nguyễn Văn Linh nối dài: 45,3 - 49,1 triệu đồng/m2
- LỐI RA CHO THỊ TRƯỜNG BẤT ĐỘNG SẢN
- Làm quy hoạch đô thị: "Không để hậu thế trách giận tiền nhân"
- Điều chỉnh quy hoạch Đà Nẵng đến 2030, tầm nhìn 2050: Chọn hình mẫu Singapore
- GIÁ TRỊ THỰC TÒA NHÀ HOÀNG ANH GIA LAI ĐÀ NẴNG
- Xây cầu đi bộ qua sông Hàn
- Khởi công Dự án Nhà ở xã hội liên doanh nước ngoài đầu tiên tại Đà Nẵng
- Thẩm định 8 đồ án quy hoạch, kiến trúc
- Giá đất tái định cư khu dân cư An Cư 5
- Bất động sản chiếm 70% vốn FDI tại Đà Nẵng
- Chiêu câu khách của môi giới thời địa ốc ế ẩm
- Thống nhất chọn 05 địa điểm tái định cư thuộc Dự án Phát triển bền vững TP Đà Nẵng
- PHÁT HIỆN NHIỀU TRƯỜNG HỢP GIẢ BÚT PHÊ, CHỮ KÝ CỦA BÍ THƯ THÀNH ỦY HÒNG TRỤC LỢI
- Phó thống đốc ngân hàng và lãnh đạo thành phố Đà Nẵng đối thoại với doanh nghiệp: Sẽ bảo lãnh tín chấp đến 5.000 tỷ để doanh nghiệp được vay vốn ngân hàng
- Chính phủ sẽ ra tay "cứu" BĐS, chứng khoán