“Đất ngân hàng thanh lý”, “đi nước ngoài cần bán gấp đất nền”, “chỉ cần 105 triệu đồng có ngay 100 m2 đất”… là những câu quảng cáo nhan nhản mọi nơi tại TP.HCM. Nhưng giới kinh doanh địa ốc khuyến cáo, đây có thể là “bẫy” của các cò nhà đất.
Muôn kiểu dụ khách
“Anh ơi, bên em đang có loạt đất nền do Ngân hàng VPBank thanh lý, giá chỉ bằng một nửa giá thị trường, nằm ở quận 7, quận 9, quận 2… nếu anh có nhu cầu chỉ cần đặt cọc 100 triệu đồng, 1 tháng sau sẽ có ngay sổ”. Một nhân viên môi giới bất động sản gọi cho ông Nguyễn Thanh Hùng (quận Bình Thạnh), để chào ông Hùng mua đất.
. |
Tuy nhiên, khi ông Hùng đi coi đất thì vỡ lẽ, đó chỉ là chiêu “dụ” khách hàng mua đất nền phân lô của dân môi giới. Ông Hùng kể, họ nói đất đường Nguyễn Duy Trinh, quận 2 chỉ 18 triệu đồng/m2, nhưng đất tại đây đang giao dịch tới 100 triệu đồng/m2. Khi xuống coi đất thì hóa ra đất này cũng nằm ở đường Nguyễn Duy Trinh, nhưng tận cuối đường, giáp tỉnh Đồng Nai. Đây là đất nền mà giới đầu tưphân lô bán ra thời điểm sốt đất nền đầu năm 2017, nhưng giờ không ai mua.
Hay mới đây, người dân liên tục nhận được những tờ rơi quảng cáo đất nền khu Him Lam 2 (quận 7) với giá chỉ hơn 300 triệu đồng/nền, được phát tại các ngã tư trung tâm TP.HCM. Liên hệ với số điện thoại của nhân viên môi giới ghi trên tờ quảng cáo, họ đặt lịch cho khách hàng đi coi đất, nhưng rồi khi tới dự án thì khách hàng “ngã ngửa”, bởi không phải đất ở quận 7, mà tận TP. Tân An (tỉnh Long An).
Chị Nhung, một người đi mua đất kể, sau khi nhân viên tên Hằng mời mua đất nền, chị được hẹn sáng thứ Bảy đi coi đất. “Công ty môi giới này chuẩn bị sẵn xe đưa khách đi. Nhưng khi tới thì hóa ra nơi họ đưa chúng tôi đến là Long An và dự án cũng chỉ là phân lô bán nền. Họ liên tục dụ chúng tôi đặt cọc 50 triệu đồng để mua đất nền và cam kết sẽ có lời sau 3 tháng mua đất. Tuy nhiên, quá thất vọng nên chúng tôi bắt ta xi bỏ về”, chị Nhung nói.
Một chiêu nữa mà giới bán đất nền đang thực hiện là rao bán đất để đi nước ngoài. Mới đây, cả tuyến đường Huỳnh Văn Bánh (quận Phú Nhuận) nhận được tờ rơi trước cửa nhà với nội dung: “Đi định cư Mỹ, cần bán gấp đất nền”.
Anh Phong, một người có nhu cầu mua đất, liền gọi cho số điện thoại ghi trên tờ quảng cáo để hỏi về chuyện mua đất nền. Đầu dây bên kia là một nam giới bắt máy cho biết, đang có lô đất rộng 45 m2 tại Củ Chi muốn bán, giá là 350 triệu đồng. “Tôi hỏi sao quảng cáo giá 199 triệu đồng, người thanh niên kia nói, giá đó là đất nông nghiệp, đã bán hết rồi, còn đây là đất phân lô trong quy hoạch 1/500. Hỏi về việc có phải đi Mỹ nên bán đất, thì người thanh niên kia nói, chỉ quảng cáo cho vui, tại lỡ mua mấy lô đất nền cách đây mấy tháng, giờ đất xuống giá, nên phải tìm cách bán”, anh Phong kể.
Ngoài ra, dân môi giới còn dùng chiêu đến tận nhà dân, hay tới khu trọ của công nhân để quảng cáo mua đất nền tặng vàng, xe máy, điện thoại iPhone X…
Cảnh giác trước những thông tin về đất nền
Liên hệ với phía Ngân hàng VPBank để hỏi, bà Trần Thu Cúc, đại diện ngân hàng này cho biết, ngân hàng không có thanh lý đất nền nào. Ngoài ra, bà Cúc cho rằng, đất nền không có sổ, không có giấy tờ pháp lý thì làm sao ngân hàng cầm cố được. Đây chỉ là chiêu dụ khách hàng của dân môi giới bất động sản mà thôi.
Theo ông Vũ Bảo Hoàng, Phó chủ tịch Hiệp hội Môi giới bất động sản Việt Nam, những quảng cáo bán đất sai sự thật trên chủ yếu là từ nhân viên các công ty môi giới nhỏ, ít khách. Dễ nhận ra đối tượng này ở việc, họ không hẹn khách hàng giao dịch tại trụ sở công ty, mà chỉ hẹn giao dịch tại quán cà phê. Khi hỏi về dự án, họ luôn quảng cáo lòng vòng và không nói rõ về tính pháp lý của dự án, họ chỉ liên tục hối thúc khách hàng xuống tiền đặt cọc giữ chỗ.
“Đây là mặt trái của thị trường, làm méo mó nghề môi giới bất động sản. Để có thể lừa khách hàng mua đất nền, những người này có thể làm đủ mọi thứ, nghĩ ra đủ chiêu, miễn là bán được hàng. Nếu khách hàng kiện, họ sẵn sàng đóng cửa công ty, lập ra một công ty môi giới mới”, ông Hoàng nói.
Luật sư Trần Đức Phượng, Đoàn luật sư TP.HCM khuyến cáo, người dân phải cảnh giác trước những thông tin về đất nền. Khi có ý định mua đất, cần kiểm tra thông tin dự án, thông tin doanh nghiệp môi giới, cũng như kiểm tra về quy hoạch khu vực dự án trước khi xuống tiền.
Các bản tin khác
- “Ông hoàng Resort” Bill Bensley bật mí về những công trình huyền thoại
- Tránh rủi ro khi mua nhà đã hình thành
- Đất Đà Nẵng tăng 7-8 lần từ 2012
- Sun River City - "tâm bão" của miền đất hứa
- Đà Nẵng đẹp lạ trong sương mù
- Quy định pháp luật tác động đến thị trường bất động sản 2018
- Người nước ngoài có được mua nhà phố riêng lẻ ở Việt Nam?
- Cuộc đua BĐS ‘vừa túi’ ở Đà Nẵng
- Bất động sản 2018 sẽ tăng giá đồng loạt các phân khúc?
- Nam Đà Nẵng - Bắc Hội An đón thêm 2 dự án mới
- Phó thủ tướng chỉ đạo về việc "sổ đỏ ghi tên cả nhà"
- Nghị quyết về việc thông qua Chương trình phát triển nhà ở thành phố Đà Nẵng
- Đà Nẵng có cơ hội để sánh ngang Bali hay Phuket?
- Bất động sản Nam Đà Nẵng: "Cơn sốt" chưa có hồi kết
- Vấn đề bạn đọc quan tâm: Giải tỏa chợ tạm An Trung 2
- Quy định giá đất ở tái định cư tại một số khu dân cư
- Thuế bằng 0%, thị trường ô tô bùng nổ
- Tây Bắc Đà Nẵng: Sôi động những dự án động lực
- Đà Nẵng tưng bừng chào đón năm mới 2018
- Chùm ảnh đón năm mới 2018 trên thế giới