Theo kiến nghị của cử tri, những năm gần đây mô hình bất động sản nghỉ dưỡng dạng biệt thự, condotel đã xuất hiện nhiều nhưng chưa được quy định, điều chỉnh cụ thể trong văn bản quy phạm pháp luật. Trong khi đó, theo Bộ Xây dựng, tại một số địa phương đã cấp phép xây dựng các căn hộ loại này theo hình thức căn hộ lưu trú.
Phát triển nở rộ nhưng chưa được quy định, điều chỉnh cụ thể
Gửi kiến nghị tới kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XIV, cử tri tỉnh Quảng Ninh nêu lên một số vấn đề liên quan đến công trình xây dựng không phải là nhà ở (căn hộ khách sạn condotel, biệt thự nghỉ dưỡng).
Cử tri tỉnh Quảng Ninh cho rằng, những năm gần đây mô hình bất động sản nghỉ dưỡng dạng biệt thự, căn hộ khách sạn condotel đã xuất hiện nhiều nhưng chưa được quy định, điều chỉnh cụ thể trong văn bản quy phạm pháp luật về xây dựng, pháp luật về nhà ở, pháp luật về kinh doanh bất động sản, pháp luật về đất đai, pháp luật về đầu tư và quy chuẩn kỹ thuật quốc gia đối với công trình xây dựng.
Cử tri đề nghị, xem xét trình, sửa đổi bổ sung Luật Kinh doanh bất động sản đối với trường hợp chuyển nhượng hợp đồng mua bán đối với loại công trình xây dựng này.
Ảnh minh họa |
Ngoài ra, các cử tri tỉnh này đề nghị ban hành hướng dẫn cụ thể đối với việc chuyển nhượng hợp đồng mua bán công trình xây dựng không phải nhà ở: căn hộ khách sạn condotel, biệt thự nghỉ dưỡng; ban hành quy chuẩn, tiêu chuẩn cho các căn hộ khách sạn condotel, biệt thự nghỉ dưỡng.
Đồng thời đề nghị Bộ Xây dựng phối hợp với Bộ TN-MT xem xét hướng dẫn việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khắc gắn liền với đất đối với bất động sản là căn hộ khách sạn condotel, biệt thự nghỉ dưỡng; xem xét, bổ sung quy định về thu tiền sử dụng đất đối với đất hỗn hợp để phù hợp với các loại hình bất động sản kiểu căn hộ khách sạn condotel, biệt thự nghỉ dưỡng.
Về vấn đề cử tri nêu, Bộ Xây dựng cho biết vài năm trở lại đây có xuất hiện loại hình bất động sản mới là căn hộ du lịch (condotel) và văn phòng kết hợp lưu trú (officetel). Một số địa phương đã cấp phép xây dựng các căn hộ loại này theo hình thức căn hộ lưu trú.
Ngày 27/9/2017, Bộ Xây dựng đã có báo cáo Thủ tướng Chính phủ về tình hình đầu tư kinh doanh các công trình xây dựng đa năng có kết hợp chức năng để ở. Bộ Xây dựng cũng đồng thời đề xuất giao Bộ Xây dựng chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành có liên quan nghiên cứu, đề xuất hoàn thiện các quy định của pháp luật liên quan đến quy chuẩn, tiêu chuẩn, phương thức kinh doanh, quản lý vận hành đối với loại hình công trình căn hộ văn phòng (officetel).
Đề nghị giao Bộ Tài nguyên & Môi trường (TN&MT) nghiên cứu, đề xuất hoàn thiện các quy định của pháp luật đất đai về chế độ quản lý, sử dụng, cấp Giấy chứng nhận đối với đất xây dựng, kinh doanh các loại cơ sở lưu trú du lịch (theo quy định của luật Du lịch số 09/2017/QH14) và văn phòng kết hợp lưu trú (officetel).
Bộ Tài chính nghiên cứu, đề xuất hoàn thiện các quy định liên quan đến chính sách tài chính đất đai đối với các dự án có loại hình cơ sở lưu trú (theo quy định của luật Du lịch 2017) và văn phòng kết hợp lưu trú (officetel).
Bộ Xây dựng cũng đề xuất Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch nghiên cứu ban hành theo thẩm quyền hoặc trình cơ quan có thẩm quyền ban hành và tổ chức thực hiện văn bản quy phạm pháp luật, quy chuẩn, tiêu chuẩn liên quan đến phát triển và quản lý hoạt động kinh doanh các loại cơ sở lưu trú du lịch (khách sạn, biệt thự du lịch, căn hộ du lịch, nhà nghỉ du lịch, nhà ở có phòng cho khách du lịch thuê,...) theo quy định của Luật Du lịch 2017.
Bộ Xây dựng cho biết, sau khi có ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ sẽ phối hợp với các Bộ, ngành nghiên cứu sửa đổi, bổ sung và hướng dẫn các quy định pháp luật có liên quan theo thẩm quyền để tăng cường công tác quản lý Nhà nước, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp và tránh rủi ro cho người dân khi mua bán, chuyển nhượng những loại hình bất động sản này.
Bộ TN&MT đề xuất giải cứu, HoREA lên tiếng bất cập, không hợp lý
Liên quan đến vấn đề này, Bộ TN&MT vừa có tờ trình Chính phủ sửa đổi một số điều của Luật Đất đai 2013, trong đó có nhiều nội dung làm rõ tính pháp lý cho condotel và officetel.
Theo đó, Bộ TN&MT nêu ra 2 giải pháp. Giải pháp thứ nhất là, các công trình này nếu có chức năng để ở thì xác định là đất ở, thời hạn sử dụng đất của chủ dự án là 50-70 năm theo quy định. Chủ đầu tư được chuyển nhượng quyền sử dụng đất trong thời hạn hoạt động của dự án và người nhận quyền được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất ổn định lâu dài.
Giải pháp thứ hai là, vẫn giữ nguyên theo quy định của Luật Đất đai xác định là loại đất thương mại dịch vụ. Thời hạn sử dụng đất của dự án là 50-70 năm theo quy định. Chủ đầu tư được chuyển nhượng quyền sử dụng đất trong thời hạn hoạt động của dự án và người nhận quyền được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất trong thời hạn dự án.
Bộ TN&MT đã chọn giải pháp thứ nhất, cho rằng việc quy định chế độ sử dụng đất hỗn hợp condotel và officetel sẽ phá vỡ tiêu chuẩn về loại hình tiêu chuẩn các căn hộ để sử dụng vào mục đích để ở hoặc để kinh doanh làm văn phòng làm việc. Tuy nhiên, giải pháp này sẽ giải quyết được các vấn đề phát sinh trong thực tiễn.
Về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đất đai 2013, Hiệp hội Bất động sản TP Hồ Chí Minh (HoREA) cũng đã có văn bản gửi Bộ Tư pháp, Bộ TN&MT. Nêu tại văn bản này, Hiệp hội cho rằng, cả hai giải pháp nêu trên của Bộ TN&MT đều bất cập và không hợp lý.
Theo HoREA, giải pháp thứ nhất mà Bộ Tài nguyên đề xuất lựa chọn thực chất là giữ nguyên quy định hiện nay của Luật Đất đai 2013, vì Nghị định 43/2014/NĐ-CP và Nghị định 01/2017/NĐ-CP của Chính phủ đã giải quyết được vấn đề cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (sổ đỏ) cho các loại sản phẩm này; thậm chí nếu căn officetel nằm trong cùng một tòa nhà chung cư căn hộ bình thường thì cũng đã được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ổn định lâu dài.
Giải pháp 1 đã không giải quyết được yêu cầu được đặt ra từ thực tế cuộc sống là phải có cơ chế quản lý nhà nước về quyền sử dụng đất một cách hiệu quả, minh bạch, và không làm thất thoát nguồn thu ngân sách nhà nước đối với loại hình bất động sản mới là officetel, serviced apartment, shophouse; condotel, nhà phố, biệt thự trong resort – HoREA cho biết.
Trong vài năm trở lại đây, loại hình condotel, officetel phát triển nở rộ tại Việt Nam nhưng vẫn còn vướng mắc rào cản về pháp lý. Liên quan đến vấn đề này, Thủ tướng cũng đã giao cho 3 bộ: Bộ Bộ Xây dựng, Tài nguyên và Môi trường và Bộ Tài chính chuẩn bị khung pháp lý cho loại hình bất động sản này.
Hồng Khanh
Theo Vietnamnet
Các bản tin khác
- Doanh nghiệp bất động sản trước áp lực nguồn vốn ngày càng thắt chặt
- Kỳ thú bãi Đa Sơn Trà
- Thắp lên tình yêu Sơn Trà
- Đầu tư shophouse hiệu quả đến đâu?
- Premier Village Danang Resort - “Khu nghỉ dưỡng biển sang trọng nhất thế giới dành cho gia đình”
- 6 tác phẩm đoạt giải cuộc thi "Tuyệt vời Đà Nẵng ơi" - mùa 2
- Hoàng Gia Phát ra mắt Siêu dự án Shophouse VIP nhất ngay trung tâm thành phố Đà Nẵng
- Đà Nẵng tái thiết không gian công cộng (Kỳ 2: Thu hồi, hoán đổi đất vàng để làm công viên)
- Giữ bản sắc đô thị Đà Nẵng
- Các loại hợp đồng bắt buộc phải công chứng năm 2018
- ĐƯA NGHỊ QUYẾT CỦA ĐẢNG VÀO CUỘC SỐNG Triển khai hiệu quả chương trình "Có nhà ở"
- Kinh doanh địa ốc xoay vốn thời tín dụng bị thắt nguồn
- Những khu vực nào ở Đà Nẵng chỉ được xây tối đa 9 tầng?
- Thiếu đất tái định cư
- Ba Na Hills Golf Club được vinh danh "Sân golf tốt nhất châu Á 2018"
- Mùa lau trắng tinh khôi ở Đà Nẵng
- Dòng vốn bất động sản đổ vào khu vực Tây Bắc Đà Nẵng
- Đà Nẵng sẽ có phố đi bộ, chợ đêm rộng hơn 3ha
- Đất nền nam Đà Nẵng: Mất dấu trên thị trường ?
- Cần sớm bố trí vốn để khởi công dự án cảng Liên Chiểu