Theo nhận định của nhiều chuyên gia, năm 2018, dòng vốn đổ vào thị trường bất động sản sẽ còn tăng mạnh do Việt Nam đang thu hút sự chú ý mạnh mẽ từ các nhà đầu tư trong khu vực. Trong thời gian tới, sẽ có hàng tỷ USD đang chờ đợi để đổ vào thị trường trong nước, ở hầu hết các phân khúc.
Nhà đầu tư châu Á tăng tốc
Theo bà Dương Thùy Dung, Giám đốc cấp cao CBRE Việt Nam, năm 2017, dòng vốn nước ngoài vào bất động sản đứng đầu trong các ngành thu hút vốn FDI tại TP.HCM.
Bước qua năm nay, bà Dung dự báo bất động sản sẽ tiếp tục thu hút lượng lớn vốn đầu tư nước ngoài. Trong đó, các nhà đầu tư đến từ khu vực châu Á, đặc biệt là Nhật Bản vẫn chiếm đa số. Từ đây sẽ tạo cho thị trường những dòng sản phẩm chất lượng cao.
“Trong năm 2018, dòng vốn từ nước ngoài đổ vào thị trường bất động sản sẽ bắt đầu thu được thành quả, khi các dự án được hoàn thành và bàn giao cho khách hàng. Tuy nhiên, nhìn tổng thể, doanh nghiệp nội vẫn là yếu tố dẫn dắt thị trường. Điều này thể hiện ở cả tổng số vốn đầu tư vào thị trường bất động sản, tổng số sản phẩm chào bán ra thị trường… của các doanh nghiệp trong nước.
Tỷ USD vốn ngoại chờ đổ vào bất động sản Việt Nam |
Năm 2018, dòng vốn đầu tư của các đại gia địa ốc đến từ các nền kinh tế châu Á như Hàn Quốc, Singapore, Trung Quốc, Thái Lan và đặc biệt là Nhật Bản sẽ còn tăng mạnh. Điều này cho thấy thị trường sắp bùng nổ một cuộc cạnh tranh khá gay gắt từ những dòng sản phẩm mang phong cách và chất lượng ngoại. Trong cuộc cạnh tranh này, người tiêu dùng sẽ là bên hưởng lợi nhất.
Đặc biệt, các hoạt động mua bán - sáp nhập (M&A) bất động sản vẫn sẽ sôi nổi nhờ các yếu tố như tính minh bạch thị trường cải thiện hơn, quy trình, thủ tục tiếp tục được đơn giản hoá... Trong tương lai, M&A vẫn là xu hướng chính trên thị trường bất động sản Việt Nam”, bà Dung dự báo.
Đồng quan điểm, ông Stephen Wyatt, Tổng giám đốc của JLL Việt Nam nhận định, Việt Nam đang là quốc gia có sức hấp dẫn lớn đối với các nhà đầu tư nước ngoài bởi tiềm năng thị trường rộng lớn. Trong năm 2017, bất động sản đứng trong top 5 các ngành thu hút vốn FDI nhiều nhất Việt Nam. Nguồn vốn FDI này được các doanh nghiệp ngoại đầu tư vào thị trường bất động sản theo nhiều con đường khác nhau.
“Trong năm 2018 và vài năm tiếp theo, các nhà đầu tư nước ngoài sẽ tiếp tục đổ tiền vào thị trường bất động sản Việt Nam, nhất là trong các thương vụ M&A.
Việc các thủ tục pháp lý để xin cấp phép một dự án thường kéo dài với nhiều thủ tục rắc rối, cho nên các nhà đầu tư ngoại thường ưu tiên mua đất sạch hoặc các dự án đã được cấp phép nhằm tránh rủi ro và tính toán được dòng tiền. Vì vậy, M&A là ưu tiên hàng đầu. Điều này khiến cho một số doanh nghiệp, dù mới chỉ vào thị trường Việt Nam được vài năm, nhưng đã sở hữu rất nhiều dự án”, ông Stephen Wyatt thông tin.
M&A sẽ diễn ra rất sôi nổi
Tiến sĩ Sử Ngọc Khương, Giám đốc Đầu tư Savills Việt Nam cho rằng, trong bối cảnh kinh tế thế giới còn nhiều bất ổn và thiếu các cơ hội đầu tư an toàn, thị trường bất động sản Việt Nam trở thành một trong những điểm đến thu hút dòng tiền của các nhà đầu tư thế giới, nhờ vào sự tăng trưởng kinh tế vĩ mô tích cực và ổn định.
Các yếu tố hỗ trợ về chính sách và pháp lý, sự phát triển của du lịch đã hỗ trợ rất nhiều trong việc nâng tầm Việt Nam trong mắt các nhà đầu tư, giúp tiếp tục thu hút dòng vốn FDI vào thị trường bất động sản. Trong đó, M&A sẽ còn tiếp tục đóng vai trò là một trong các kênh đầu tư quan trọng của các doanh nghiệp kinh doanh bất động sản.
“Hoạt động M&A tại thị trường bất động sản Việt Nam được kỳ vọng sẽ diễn ra sôi nổi trong năm 2018. Các doanh nghiệp nước ngoài, đặc biệt là Nhật Bản, Hồng Kông, Hàn Quốc và Singapore sẽ tiếp tục chọn Việt Nam là thị trường tiềm năng để đầu tư vốn cũng như hợp tác phát triển nhiều dự án.
Các nhà đầu tư trong nước là các tập đoàn lớn, bằng sự am hiểu và kinh nghiệm lâu năm trên thị trường cũng sẽ không kém cạnh khi mua lại những dự án hay khu đất tiềm năng để phát triển sản phẩm của mình. Điều này có thể thấy được qua tình hình hiện tại của thị trường văn phòng tại trung tâm TP.HCM, Hà Nội hay thị trường khách sạn tại các địa điểm thu hút nhiều khách du lịch như Nha Trang, Đà Nẵng, Hội An…”, ông Khương cho biết.
Ông Nguyễn Hoàng, Giám đốc bộ phận Nghiên cứu và Phát triển Công ty cổ phần DKRA Việt Nam cũng cho hay, M&A bất động sản sẽ luôn chiếm tỉ lệ lớn trong M&A nói chung. Những thương vụ giá trị lớn, các dự án có vị trí tốt, tiềm năng hoặc quy mô lớn sẽ đủ sức tác động thị trường.
Nhận định thêm về vấn đề này, bà Nguyễn Thị Vân Khanh, Giám đốc Đầu tư JLL Việt Nam đánh giá, M&A trong lĩnh vực bất động sản nhiều khả năng sẽ đạt kỷ lục trong năm nay. Thị trường dự kiến sẽ tiếp tục sôi động, thu hút mạnh các nhà đầu tư nước ngoài. Hiện tại, lĩnh vực bất động sản đang có hàng tỷ USD đang chờ đợi để đổ vào thị trường trong nước ở hầu hết các phân khúc.
Quốc Tuấn - Diệu Thủy
Theo Vietnamnet
Các bản tin khác
- Thị trường căn hộ tháng 11: Chạy đua cuối năm
- Thị trường bất động sản Việt Nam phát triển chưa bền vững
- Bế mạc kỳ họp HĐND TP Đà Nẵng khóa VIII, nhiệm kỳ 2011-2016: Phát huy sức mạnh đồng thuận, xây dựng TP phát triển bền vững
- Đường Lê Hồng Phong: Yêu Đà Nẵng từ những con phố nhỏ
- College Town Đà Nẵng: Vùng tri thức - Vùng đầu tư tiềm năng
- Danh tính "Top 10 khu đô thị đáng sống nhất Việt Nam"
- Người Việt mua ô tô tăng cao 'chóng mặt'
- Quy hoạch kiến trúc cảnh quan bờ sông Hàn: cần cân nhắc kỹ lưỡng
- TP.HCM: Kiến nghị cho quận huyện được cấp giấy chứng nhận
- Giao lưu trực tuyến về việc cấp giấy CMND 12 số
- Ngân hàng phải sớm có quy trình cấp bảo lãnh bất động sản
- Ngập tràn quảng cáo nhà đất sai sự thật
- UBND TP Đà Nẵng trả lời một số ý kiến bức xúc của cử tri trước kỳ họp thứ 15 HĐND TP Khóa VIII
- Nhà đất Đà Nẵng “sốt” do quỹ đất nội đô khan hiếm
- Bất động sản 'xả hàng'
- Ghi diện tích trên sổ đỏ chung cư thế nào?
- Đô thị sinh thái làm nóng bất động sản Đà Nẵng
- TP.HCM: Từ 7-12-2015 sẽ không còn cấp CMND 9 số cũ
- Đường Lê Hồng Phong: Yêu Đà Nẵng từ những con phố nhỏ
- Văn phòng dịch vụ cho thuê - xu hướng mới đón đầu TPP