Thị trường nhà ở vẫn là tâm điểm của bức tranh bất động sản trong năm 2018, đặc biệt là khi có nhiều nguồn cung vừa túi tiền được đưa ra chào bán.
Thị trường căn hộ phát triển cả về chất lượng và số lượng
Nếu năm 2014 được coi là cột mốc để thị trường căn hộ chuyển mình từ giai đoạn trầm lắng sau khủng hoảng sang giai đoạn phục hồi và tăng trưởng thần tốc về số lượng, thì cho đến thời điểm này, có thể khẳng định năm 2017 là năm bản lề để thị trường đi vào giai đoạn ổn định và cân bằng hơn cả về số lượng cũng như chất lượng.
Dương Thùy Dung, Giám đốc cấp cao CBRE Việt Nam. |
Thị phần các căn hộ trung cấp và bình dân tiếp tục được mở rộng. Tại TP.HCM, căn hộ trung cấp với mức giá chào bán từ 18 triệu tới 34 triệu đồng/m2 chiếm tới gần 40% tổng nguồn cung của toàn bộ thị trường và chiếm tới 56% tổng số căn hộ được tiêu thụ trong 9 tháng đầu năm 2017. Đây là một diễn biến có thể nói là được mong chờ nhất trên thị trường, bởi với nhiều sản phẩm có mức giá bán vừa túi tiền của người dân hơn, thị trường căn hộ đang dần dịch chuyển về điểm cân bằng và bền vững hơn.
Đã có rất nhiều lo ngại khi chỉ trong hai năm trước đó (2015-2016), thị trường TP.HCM đón nhận hơn 80.000 căn hộ chào bán ra thị trường, chiếm 44% tổng số căn hộ được chào bán tích lũy kể từ năm 1999 và thị trường Hà Nội đón nhận 64.000 căn hộ, chiếm 33% tổng số căn tích lũy. Về phân khúc chào bán, số lượng căn hộ cao cấp và hạng sang cũng tăng cao đột biến trong hai năm này, đặc biệt tại TP.HCM.
Mặc dù khả năng hấp thụ trong hai năm này là rất khả quan (hơn 80%), nhưng các bên tham gia thị trường đều dè dặt vì với thu nhập bình quân của người Việt Nam ở mức trung bình thấp, nếu thị trường tiếp tục đón nhận một lượng căn hộ cao cấp nhiều như vậy, thì những lo ngại về việc dư thừa nguồn cung căn hộ cao cấp dẫn tới nguy cơ bong bóng bất động sản như đã từng xảy ra cách đây 8 năm là hoàn toàn có thể xảy ra.
Rõ ràng, các chủ đầu tư cũng đã nhìn thấy khả năng này, nên bước vào năm 2017, họ đã rất thận trọng khi không chào bán ồ ạt các căn hộ với quy mô lớn, đặc biệt là các căn hộ cao cấp và hạng sang. Ước tính toàn bộ năm 2017, thị trường đón nhận 39.000 căn hộ, tương đương năm 2016, tuy nhiên số lượng căn hộ cao cấp và hạng sang chỉ chiếm 25%, thay vì 30% như năm 2016.
Thay vì đầu tư đại trà, các chủ đầu tư phát triển các sản phẩm với quy mô nhỏ hơn và đầu tư nhiều hơn vào chất lượng và thiết kế tạo sự khác biệt. Thị trường bắt đầu đón nhận những dự án với các điểm độc đáo “đầu tiên”: như lần đầu tiên có thang máy đi lên trực tiếp từng căn hộ, người mua được phép tùy chọn vật liệu hoàn thiện, hồ bơi riêng cho từng căn hộ, căn hộ với các tiêu chuẩn xanh.
Tiện nghi, tiện ích cũng là yếu tố mà các chủ đầu tư hướng tới nhằm thu hút người mua để ở, đặc biệt tại các dự án nằm xa trung tâm. Nếu như trước kia chỉ các căn hộ cao cấp trở lên mới có đầy đủ các dịch vụ, tiện nghi, tiện ích đi kèm, thì bắt đầu từ cuối năm 2016, thị trường chứng kiến một loạt dự án trung cấp được phát triển tại quận 2, quận 9 (TP.HCM) và quận Nam Từ Liêm, Hà Đông (Hà Nội) với quy mô về tiện nghi và tiện ích không kém các dự án cao cấp.
Xu hướng phát triển dự án ra vùng ven sẽ mạnh lên với sự hỗ trợ từ các dự án hạ tầng quan trọng. |
Một số lượng lớn các căn hộ cao cấp được chào bán trong 2015-2016 đang dần được hoàn thiện và bàn giao, trong đó có rất nhiều căn đã và đang được chào thuê ra thị trường, khiến mức giá cho thuê tại những khu vực có nguồn cung lớn như quận Bình Thạnh và quận 2 (TP.HCM) có xu hướng giảm để chủ nhà có thể cho thuê nhanh chóng hơn.
Lợi nhuận cho thuê tại TP.HCM do đó cũng giảm đi. Theo thống kê của CBRE, mức lợi nhuận cho thuê căn hộ cao cấp tại quận 2 (khu vực Thảo Điền, An Phú - An Khánh) trong năm 2017 giảm 0,5 điểm phần trăm so với năm 2016, dao động từ 5 - 7%. Tuy nhiên, lưu ý là, nếu nhìn vào từng dự án cụ thể tại địa bàn này, những dự án có vị trí đẹp, hướng nhìn ra sông và chất lượng tốt thì lợi nhuận cho thuê vẫn được giữ ở mức 7,5%, thậm chí lên tới 8% trong năm 2017.
Trong khi đó, tại thị trường Hà Nội, do nguồn cung căn hộ cao cấp không quá nhiều và mức lợi nhuận cho thuê đã khá thấp (từ 4,5 - 6%), nên mức lợi nhuận này không ghi nhận sự thay đổi đáng kể nào.
Giá bất động sản đã trồi sụt nhiều trong vòng 12 năm qua và thể hiện rõ nhất tại các dự án bất động sản dọc theo Xa lộ Hà Nội (quận 2, TP.HCM). Mức giá trung bình của các dự án tại vị trí này vào năm 2005 là khoảng 1.300 USD/m2, tăng lên đỉnh điểm 2.600 USD/m2 vào năm 2007 và sau đó bị giảm sâu xuống còn 1.200 USD/m2 vào năm 2010, trước khi tăng lại mức 1.800 USD/m2 tại thời điểm hiện tại.
Tính chung trên toàn thị trường, kể từ năm 2013, mức giá bán trên thị trường sơ cấp tại tất cả các phân khúc đều có mức tăng trưởng dương theo năm, trung bình từ 3-5% mỗi năm. Đáng chú ý hơn, tại TP.HCM, hầu hết các dự án cao cấp đều tăng giá ít nhất 5-10% tại các thời điểm mở bán sau hoặc giai đoạn sau. Do nguồn cung chào bán sơ cấp dồi dào, mức giá bán lại trên thị trường thứ cấp hầu như ổn định.
Về địa bàn tập trung các nguồn cung lớn, thì tại TP.HCM vẫn tiếp tục là hướng Đông và hướng Nam và tại Hà Nội là hướng Tây và Tây Nam. Ngôi vương của Phú Mỹ Hưng khi là một khu đô thị kiểu mẫu của cả nước, hiện vẫn chưa có dự án đô thị nào sánh bằng. Nhưng trong 5 năm tới, bức tranh thị trường sẽ phong phú hơn rất nhiều với hàng loạt khu đô thị và thành phố mới đang được xây dựng hoặc lên kế hoạch triển khai như Khu đô thị mới Thủ Thiêm, Sport City (quận 2), VinCity (quận 9) và GS Nhà Bè tại TP.HCM hay The Manor Central Park (quận Hoàng Mai), Vinhomes Smart City (quận Thanh Xuân), Starlake (quận Tây Hồ) tại Hà Nội.
. |
Sau hơn hai năm thực hiện chính sách nới rộng các điều kiện mua nhà đối với người nước ngoài, năm 2017 chưa ghi nhận những diễn biến đột phá liên quan tới việc người nước ngoài mua nhà tại Việt Nam, mặc dù thị trường vẫn tiếp tục ghi nhận một vài dự án đã bán hết hạn mức 30% số căn hộ cho người nước ngoài. Người nước ngoài chắc chắn sẽ không phải là nhân tố then chốt tác động trực tiếp đến sự phục hồi của bất động sản xét trên góc độ nguồn cầu, có chăng sẽ tạo một sân chơi công bằng hơn cho họ.
Mặt bằng thương mại có tỷ lệ cho thuê cao
Đối với thị trường văn phòng, tăng trưởng về số lượng doanh nghiệp và sự mở rộng của những doanh nghiệp hiện hữu đã có ảnh hưởng tích cực đến thị trường tại cả 2 thành phố Hà Nội và TP.HCM. Tại TP.HCM, mặc dù có thêm hai tòa nhà văn phòng hạng A và ba tòa nhà hạng B, tỷ lệ trống vẫn được duy trì ở mức rất thấp, trung bình là 8,2% cho hạng A và 2,8% cho hạng B trong năm 2017.
Tại Hà Nội, áp lực thị trường có phần giảm bớt do không có nguồn cung mới, tỷ lệ mặt bằng trống của thị trường văn phòng hạng A và B giảm mạnh xuống 13%, từ mức trung bình 18% trong năm 2016 và 22% trong năm 2015. Tỷ lệ trống trên đà giảm khiến các chủ tòa nhà mạnh dạn giữ giá thuê và thậm chí có sự tăng nhẹ 3-5% đối với các dự án ở khu vực trung tâm.
Đối với thị trường bán lẻ, các nhà bán lẻ trong và ngoài nước đều đang tăng cường sự hiện diện tại thị trường bán lẻ Việt Nam. Trung tâm thương mại Vincom Centre Đồng Khởi tại TP.HCM chào mừng cửa hàng H&M đầu tiên, một thương hiệu quốc tế về thời trang cho giới trẻ, gia nhập thị trường vào tháng 9/2017 sau sự kiện cửa hàng đầu tiên của Zara, một thương hiệu thời trang nổi tiếng khác, cũng được mở ở đây trong năm 2016.
Thị trường nhà ở tiếp tục được tiếp sức bởi nhu cầu tăng mạnh. |
Tại khu vực ngoài trung tâm, khối đế bán lẻ The Garden Mall của Thuận Kiều Plaza đã được làm mới hoàn toàn và đi vào hoạt động trong quý IV/2017. Trong bối cảnh tăng trưởng kinh tế nhanh chóng của Việt Nam trong những năm qua giúp nâng cao mức sống và gia tăng thu nhập, Vincom Retail, chủ đầu tư mặt bằng bán lẻ lớn nhất Việt Nam, với 60% thị phần của cả nước, tiến hành niêm yết cổ phiếu trên sàn chứng khoán và được giao dịch 713 triệu USD ngay sau niêm yết - được coi là thương vụ đầu tư vốn cổ phần thành công nhất ở Việt Nam trong 10 năm qua.
Triển vọng thị trường
Thị trường nhà ở tiếp tục là tâm điểm của bức tranh bất động sản trong năm 2018, đặc biệt khi có nhiều nguồn cung vừa túi tiền được đưa ra chào bán. Vài năm trước đây, việc mua một căn nhà để ở có thể là một giấc mơ khá xa vời với những hộ gia đình thu nhập trung bình, thì ngày nay, với sự trợ giúp cho vay của ngân hàng và những điều khoản thanh toán ưu đãi của các chủ đầu tư, các gia đình và những người trẻ thành đạt có thể lựa chọn mua một căn nhà mình mong muốn. Và lựa chọn đó không còn ràng buộc trong các tiêu chí nhu cầu, ngân sách, mà còn mở rộng ra với một ngôi nhà phù hợp phong cách sống.
Năm 2007, những người này nằm ngoài cuộc chơi, ngắm nhìn sự bùng nổ của thị trường với một ước mơ khát khao sở hữu một căn nhà. 10 năm sau, sự tích lũy sau 10 năm này đã giúp họ trở thành thế hệ kế tiếp dẫn dắt thị trường bất động sản trong chu kỳ mới.
Tuy nhiên, thị trường nhà ở có thể không phải là các sản phẩm chính cho các thương vụ mua bán, sáp nhập diễn ra trong năm 2018. Không dễ để các nhà đầu tư thuyết phục chủ đầu tư bán dự án đang trong quá trình triển khai. Hiện tại, các chủ đầu tư đã tự tin hơn nhiều, sau khi đã trải qua 5 năm khủng hoảng. Họ thấy rõ giá bình quân thị trường đang tăng tại các dự án ở các quận 2, quận 7 ở TP.HCM hay các dự án ở Hà Nội. Điều này càng khiến các chủ đầu tư thêm động lực để giữ dự án lại triển khai và bán lẻ. Do đó, các hoạt động mua bán, sáp nhập trên thị trường nhà ở có thể không thực sự sôi động trong năm tới. Thay vào đó, việc lập liên doanh, liên kết hay đầu tư vào vốn chủ sở hữu lại là một hình thức được nhiều nhà đầu tư nước ngoài ưa chuộng
Về triển vọng tương lai của thị trường bán lẻ, các trung tâm thương mại mới mở muốn thành công, cần phải tạo sự khác biệt, không chỉ tập trung vào dịch vụ mua sắm, mà còn cần phát triển thêm các dịch vụ ăn uống, vui chơi giải trí, nhấn mạnh đến trải nghiệm của người tiêu dùng.
Ngoài việc mở rộng mạnh mẽ của các nhà bán lẻ trong và ngoài nước trong năm 2017, một trong những xu hướng nổi bật khác nữa là “bình dân hóa”. Việc các cửa hàng bình dân, giảm giá, siêu thị đang ngày càng trở nên phổ biến đã chứng minh rằng, người tiêu dùng rất nhấn mạnh đến giá trị và giá cả. Các cửa hàng ẩm thực tăng trưởng mạnh mẽ trong năm 2017 và có xu hướng sẽ tiếp tục dẫn đầu thị trường trong năm 2017. Trong số các khách hỏi thuê của CBRE Việt Nam, gần 50% hoạt động trong lĩnh vực ẩm thực và chủ yếu là các cửa hàng trung cấp hơn là các nhà hàng cao cấp.
Cơ sở hạ tầng tiếp tục là một trở ngại đối với sự phát triển và mở rộng của thị trường. Trong khi quỹ đất tại các khu vực trung tâm và liền kề trung tâm đang dần khan hiếm, nhu cầu mở rộng thị trường ra các vùng ven đang rất cao, đòi hỏi một sự phát triển đồng bộ của cơ sở hạ tầng cũng như các phương tiện kết nối thuận tiện.
Trong 10 năm qua, chính quyền đã có những nỗ lực rất lớn để hoàn thành một loạt tuyến đường vành đai ở cả Hà Nội và TP.HCM, xây mới các cây cầu, giới thiệu tuyến buýt nhanh, nhưng dường như cơ sở hạ tầng vẫn chưa thể phát triển kịp với sự phát triển của đô thị hóa. Hệ thống tàu điện ngầm đã được khởi công xây dựng, đem lại kỳ vọng lớn lao cho không chỉ thị trường nhà ở, mà cả thị trường văn phòng, bán lẻ, nhưng có lẽ phải ít nhất 5 năm nữa thị trường mới được hưởng lợi từ công trình này.
Các bản tin khác
- Thị trường đất nền: giao dịch giảm, giá không giảm
- 19/06/2018 10:02 AM Ngày 29/6: Hội thảo “Sốt bất động sản – cơ hội và rủi ro”
- Phía sau chiến lược “khác biệt” của dòng bất động sản “đại chúng” của First Real
- 8.600 tỷ đồng đầu tư dự án đô thị đại học Đà Nẵng
- Đẩy nhanh tiến độ lập đồ án quy hoạch phân khu Khu đô thị ĐH Đà Nẵng
- Lập quy hoạch một số dự án quan trọng
- Hoa Kỳ và Ý vào chung kết Pháo hoa Quốc tế Đà Nẵng 2018
- Cung hội nghị quốc tế Ariyana Đà Nẵng - khơi nguồn cảm hứng từ đại dương
- 14/06/2018 7:47 AM 5 điểm nhấn của thị trường bất động sản 5 tháng đầu năm 2018
- Chững cung bất động sản, thị trường xuất hiện đầu cơ thổi giá
- Homeland Central Park – Khu đô thị đẳng cấp bên hồ
- Bùng nổ condotel, thách thức lớn đang ở phía trước
- Giải mã bài toán “ăn tiền” của bất động sản công nghiệp
- Đã đến thời lên ngôi của bất động sản miền Trung?
- Đà Nẵng đến năm 2030 sẽ thế nào?
- Vốn ngoại tiếp tục đổ mạnh vào bất động sản
- 3 lựa chọn đầu tư khi đất nền chững lại
- Tám kiến nghị “cởi trói” phân khúc condotel
- Làm thế nào để đầu tư bất động sản đạt lãi cao?
- Đất nền vùng ven: “Sóng” đi cùng với rủi ro