Hai tháng đầu năm, dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) tiếp tục đổ bộ vào thị trường bất động sản Việt Nam khiến nhiều người kỳ vọng, dòng vốn này sẽ thiết lập kỷ lục mới trong năm 2018.
FDI tiếp tục hướng vào bất động sản
Số liệu từ Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho thấy, dòng vốn FDI trong tháng đầu năm 2018 tiếp tục chảy mạnh vào Việt Nam. Tổng vốn đăng ký cấp mới, tăng thêm và góp vốn mua cổ phần của nhà đầu tư ngoại là 1,255 tỷ USD, vốn thực hiện của dự án FDI ước đạt 1,05 tỷ USD.
Dòng vốn “xông đất” năm 2018 của doanh nghiệp ngoại chủ yếu hướng vào lĩnh vực bất động sản. Trong đó, riêng tháng 1, đã có 77,6 triệu USD được các doanh nghiệp ngoại rót vào thị trường bất động sản Việt Nam. Xu hướng này đã diễn ra từ năm 2017, khi lĩnh vực bất động sản chiếm tới 8,5% tổng vốn FDI đăng ký vào Việt Nam, với 3,05 tỷ USD.
Hai tháng đầu năm 2018, dòng vốn FDI đang chảy mạnh vào thị trường bất động sản Việt Nam. Ảnh: Lê Toàn |
Đặc biệt, vốn FDI đầu năm 2018 không chỉ mở rộng ở phân khúc nhà ở, mà có sự chuyển dịch mạnh mẽ sang bất động sản công nghiệp. Đơn cử, theo Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Đồng Nai, 2 tháng đầu năm, đã có 62,2 triệu USD vốn FDI đổ vào phân khúc bất động sản công nghiệp của tỉnh, tăng 50% so với cùng kỳ năm trước.
Ông Nguyễn Hoàng, Giám đốc Bộ phận Nghiên cứu và Phát triển Công ty cổ phần DKRA Việt Nam cho rằng, thị trường bất động sản Việt Nam thu hút mạnh nhà đầu tư nước ngoài trong tháng đầu năm chủ yếu thông qua hoạt động mua bán và sáp nhập (M&A). Hình thức này ngày càng trở nên phổ biến, khi kết hợp được thế mạnh của nhà đầu tư nước ngoài có khả năng tài chính mạnh, giàu kinh nghiệm kinh doanh và doanh nghiệp địa phương nắm giữ quỹ đất lớn, am hiểu về trình tự thủ tục đầu tư.
Năm 2018 cũng là thời điểm các nhà đầu tư sẽ triển khai một loạt dự án đã mua lại trong năm 2017, như dự án khách sạn Future Otis tại Nha Trang do P.H Group (Đài Loan) thâu tóm vào tháng 5/2017; dự án căn hộ tại TP.HCM mà CapitaLand mua lại trong quý IV/2017…
Kỳ vọng kỷ lục mới
Bà Nguyễn Thị Vân Khanh, Giám đốc Đầu tư JLL Việt Nam đánh giá, dòng vốn FDI trong lĩnh vực bất động sản nhiều khả năng sẽ đạt kỷ lục mới trong năm nay. Dòng vốn ngoại không chỉ có ở phân khúc nhà ở, mà còn vươn ra xa hơn, khi các nhà đầu tư có xu hướng chuyển sang mảng thị trường bất động sản thương mại, đặc biệt là các dự án văn phòng hạng A có vị trí đắc địa, tiềm năng tăng trưởng về giá trị vốn và lợi suất đầu tư (7-8%).
Công ty Nishi Nippon và Hankyu (Nhật Bản) hợp tác cùng Nam Long triển khai Dự án Khu dân cư Mizuki Park (TP.HCM).
Sơn Kim Land kêu gọi thành công số vốn 100 triệu USD từ nhà đầu tư Nhật Bản để phát triển dự án tại TP.HCM.
Keppel Land (Singapore) rót 297 triệu USD thâu tóm 2 dự án tại TP.HCM.
Liên doanh Maeda (Nhật Bản) và Công ty Thiên Đức hợp tác phát triển Dự án Waterina tại quận 2 (TP.HCM).
CapitaLand ký thỏa thuận có điều kiện để mua một khu đất thương mại tại trung tâm kinh doanh của TP.HCM với mục tiêu phát triển tòa tháp văn phòng hạng A quốc tế đầu tiên ở Việt Nam.
CII và Hongkong Land đã ký kết hợp đồng hợp tác phát triển Dự án Thủ Thiêm River Park. Nguồn: JLL Việt Nam
Ngoài ra, theo bà Khanh, các nhà đầu tư ngoại cũng thể hiện sự quan tâm đặc biệt với những dự án khách sạn. Đối với các dự án nhà ở và bất động sản thương mại, họ thường tìm kiếm những khu đất “sạch”, đã hoàn thành thủ tục bồi thường, giải phóng mặt bằng, hoàn tất thanh toán chi phí sử dụng đất, có quyền sử dụng đất và kế hoạch phát triển tốt.
TS. Sử Ngọc Khương, Giám đốc đầu tư Công ty Nghiên cứu thị trường Savills Việt Nam cho rằng, dòng vốn ngoại đổ vào Việt Nam sẽ đem đến nhiều lợi ích. Trong đó, việc hợp tác, liên kết với các nhà đầu tư nước ngoài sẽ làm giảm áp lực lệ thuộc vào ngân hàngcủa doanh nghiệp bất động sản.
Tuy nhiên, theo một số chuyên gia kinh tế, cần xem lại tính bền vững và hiệu quả của các dự án được rót vốn ngoại. Thời gian qua, một số doanh nghiệp đã ồ ạt thu hút vốn ngoại, đầu tư dàn trải, trong khi thiếu chiến lược bài bản, thiếu nghiên cứu kỹ lưỡng, dẫn đến rủi ro tài chính, khiến dự án bị “đắp chiếu” trong thời gian dài.
Còn theo ông Sử Ngọc Anh, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư TP.HCM, thị trường bất động sản TP.HCM đón một lượng kỷ lục các nhà đầu tư tài chính nước ngoài, chủ yếu là các quỹ đầu tư tư nhân muốn triển khai vốn nhanh và hiệu quả. Giao dịch đáng chú ý đầu năm 2018 có thể kể đến sự thành lập liên doanh và hợp tác chiến lược giữa Warburg Pincus và Becamex IDC để phát triển các kho hậu cần tiêu chuẩn quốc tế.
Các bản tin khác
- “Chiến lược đại dương xanh” đã lấn sang thị trường bất động sản
- Cuộc đối đầu kỳ thú giữa shophouse và thương mại điện tử
- Tháo gỡ vướng mắc về tách thửa đất, cấp sổ hồng
- CEO Sun Group và những câu chuyện bây giờ mới kể
- "Bom tấn" Golden Bridge khiến du khách quốc tế khao khát check-in Đà Nẵng
- Cách thức xác định đối tượng mua nhà ở xã hội do doanh nghiệp đầu tư
- Bất động sản: Thời của trải nghiệm khách hàng lên ngôi
- "Cách mạng 4.0 đang tác động mạnh mẽ đến bất động sản Việt Nam"
- Yên bình bãi Tiên Sa
- Chờ khung pháp lý, "đứa con lai" condotel dần hạ nhiệt
- Đẩy nhanh tiến độ các dự án đầu tư xây dựng tại quận Liên Chiểu
- Đà Nẵng: Đấu thầu dự án khu đô thị 50ha từ việc chuyển đổi KCN Đà Nẵng
- Thị trường bất động sản: "Sẽ không biến động lớn đến 2019"
- Đề xuất phương án thu hồi dự án sân vận động Chi Lăng
- Chuyển đổi Khu công nghiệp Đà Nẵng thành đất ở đô thị: Cần đúng quy định pháp luật và phù hợp điều kiện cụ thể
- 15 NĂM THỰC HIỆN NGHỊ QUYẾT SỐ 33-NQ/TW CỦA BỘ CHÍNH TRỊ (KHÓA IX) Đà Nẵng - thành phố động lực của sự phát triển
- Đấu thầu xây dựng bãi đỗ xe công cộng nhiều tầng tại 18 vị trí khu vực trung tâm thành phố
- Khai thác thị trường bất động sản công nghiệp
- Cuối năm nay sẽ có văn bản pháp lý cho condotel
- Pháp lý cho condotel chưa rõ ràng