Các cảng biển, sân bay ở Đà Nẵng đang quá tải, nếu không khẩn trương mở rộng, xây mới sẽ cản trở sự phát triển của TP. Mà muốn làm việc này, vấn đề mấu chốt là kinh phí từ đâu? Buổi làm việc giữa Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải với lãnh đạo TP Đà Nẵng hôm 2-3 đã đưa ra nhiều gợi mở.
Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Trương Quang Nghĩa nói rằng, nếu ông về Bộ GTVT sớm hơn sẽ không đồng ý xây dựng giai đoạn 2 cảng Tiên Sa. Giá có từng đó tiền sẽ để chuẩn bị sớm cho đầu tư cảng Liên Chiểu. Bởi lẽ, cảng Liên Chiểu rất quan trọng với Đà Nẵng và cả miền Trung. Nơi đây tập trung các hình thức giao thông, từ đường bộ kết nối với các cao tốc, đường sắt Bắc - Nam, không quá xa cảng hàng không quốc tế Đà Nẵng, quan trọng hơn phía sau lưng là hàng loạt khu công nghiệp, công nghệ. Việc chậm chễ đầu tư cảng Liên Chiểu đã gây khó khăn cho Đà Nẵng trong thu hút đầu tư vào các khu công nghiệp. Hiện tại cảng Tiên Sa đạt trên 7 triệu tấn và sẽ quá tải sau 2 năm nữa, đặc biệt là vượt khả năng đáp ứng của tuyến đường bộ giao thông kết nối cảng đi qua nội đô TP, gây ùn tắc, tai nạn, ô nhiễm... Do đó, việc đầu tư cảng Liên Chiểu trở nên cấp bách. Cái vướng ở chỗ nguồn vốn. Nhưng nếu trông chờ vào nguồn vốn ngân sách càng khó. Chỉ có cách là kêu gọi vốn nhà đầu tư. Mà muốn kêu gọi được vốn nhà đầu tư cần có báo cáo tiền khả thi. Vì thế Đà Nẵng đề nghị Bộ GTVT sớm thẩm định, trình Thủ tướng phê duyệt Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án cảng Liên Chiểu giai đoạn 1. Trước mắt, Đà Nẵng sẽ tiến hành quy hoạch mặt bằng kho bãi để đưa hàng hóa từ cảng Tiên Sa về phía Liên Chiểu nhằm cắt giảm luồng hàng hóa qua tuyến giao thông vào nội đô. Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể cho biết, Bộ sẽ khẩn trương thẩm định, trong khoảng 15 ngày sẽ hoàn thành để sớm kiến nghị Thủ tướng phê duyệt báo cáo tiền khả thi dự án cảng Liên Chiểu. Riêng với đề xuất giao cho Đà Nẵng làm chủ đầu tư dự án cảng Liên Chiểu, ông Thể hoàn toàn tán thành. “Bộ không việc gì phải làm chủ đầu tư dự án. Vì bộ làm xong có vận hành đâu, giao cho Đà Nẵng là hợp lý”- ông Thể nói.
Hiện tại sân bay Đà Nẵng đón khoảng 12 triệu khách/năm, sau 2 năm nữa cũng quá tải, vì thế Đà Nẵng kiến nghị cho mở rộng về phía tây, vì quỹ đất ở đây vẫn còn. Bí thư Thành ủy Trương Quang Nghĩa nói, khách du lịch đường hàng không tới Đà Nẵng tăng trung bình 38-40%/năm, đặc biệt khách nội địa tăng rất nhanh, ga hàng không nội địa rất căng thẳng. Tương tự là tuyến đường sắt đoạn ngắn Đà Nẵng – Huế, ông Nghĩa cho rằng Bộ nên quan tâm đầu tư. Bởi lẽ việc cạnh tranh đường sắt Bắc - Nam hiện nay bỏ, nên quan tâm đầu tư, cạnh tranh các đoạn ngắn rất phù hợp. Nếu đường sắt từ Đà Nẵng- Huế dừng ít, chỉ dừng 2 điểm thì sẽ không chậm hơn đường bộ, sẽ có sức cạnh tranh cao. Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể nói, việc mở rộng sân bay Đà Nẵng về phía tây để đáp ứng yêu cầu thực tế là phù hợp. “Nhiều ý kiến, cả Thủ tướng cũng nói quy hoạch hàng không cứ xây dựng 1-2 năm lại lấp đầy, trông cứ như dãy nhà tập thể”- ông Thể thẳng thắn nhìn nhận, và nói Bộ rút kinh nghiệm, sẽ có nghiên cứu quy hoạch dài hơi hơn.
Với dự án di dời ga đường sắt Đà Nẵng, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cho biết suốt 15 năm nay chưa làm được bản chất là không có tiền. “Việc nghiên cứu đã mười mấy năm rồi, di dời cái ga có gì mà nghiên cứu, cơ bản là không có tiền”- ông Thể nói. Vì thế, với dự án này, ông Thể cho biết sẽ phải tính toán để gắn với tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam sẽ xây dựng, để tránh chồng chéo lên nhau. “Tháng 10 này sẽ báo cáo Trung ương về đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam. Thủ tướng nói không còn đường lùi. Làm sao cố gắng năm 2025 có thể triển khai. Có thể triển khai từng đoạn ngắn. Cố gắng trong vòng 40-50 năm chúng ta có tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam”- ông Thể cho biết.
Ngoài ra tại buổi làm việc, Bộ trưởng Bộ GTVT xem xét một số kiến nghị khác của Đà Nẵng như hoàn vốn đường gom dân sinh từ cầu vượt Ngã ba Huế đến Hòa Cầm, trả nợ chủ đầu tư dự án cầu Ngã ba Huế, hoàn trả kinh phí đường DT601... Trước đó, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể đã đi kiểm tra thực tế tiến độ dự án cao tốc Đà Nẵng- Quảng Ngãi.
HẢI QUỲNH
Theo Báo CA ĐN
Các bản tin khác
- Trung tâm Hội nghị Ariyana: Nóng từng ngày cùng APEC 2017
- Đầu tư sinh lời từ Coco Wonderland Resort
- Phát triển Vịnh Đà Nẵng thành Khu đô thị cảng biển
- Đà Nẵng, nguồn thu từ bất động sản tăng
- Mở bán khu shophouse nối tuyến du lịch Bà Nà tại New Da Nang City
- Cocobay ra mắt dòng sản phẩm condotel hướng đến trẻ em
- Cận cảnh loạt dự án phía Nam Đà Nẵng
- Công viên tượng APEC có gì đặc biệt?
- Nhà phát triển condotel mòn mỏi chờ chính danh
- Tăng tốc để bảo đảm tiến độ Hầm chui Điện Biên Phủ-Nguyễn Tri Phương
- Giá đất tái định cư một số dự án trên địa bàn thành phố
- Nhận quà đến 500 triệu đồng khi mua Sun Premier Village Kem Beach Resort
- Đà Nẵng: Điểm đến của những dự án lớn
- Thị trường bất động sản đến năm 2020 diễn tiến ra sao?
- Giảm quy mô 16 dự án tại Sơn Trà
- Đẩy mạnh xúc tiến các dự án ODA và vốn vay ưu đãi của TP Đà Nẵng
- Bigstarland phân phối sản phẩm Pan Pacific Danang Resort
- Cách nhận biết căn hộ sai phép khi mua nhà
- Sở hữu đất nền New Đa Nang City giai đoạn hai với 220 triệu
- Sắp vận hành hệ thống thông tin về nhà ở và thị trường bất động sản