Ngày 9/3, trong khuôn khổ diễn đàn “Phát huy vai trò doanh nghiệp bất động sản triển khai thực hiện đề án phát triển thị trường bất động sản TP.HCM”, Giáo sư Richard Peiser, Trường Đại học Kiến trúc Harvard, đã đưa ra nhiều nhận định đáng chú ý về bất động sản Việt Nam.
Giáo sư Harvard “bắt mạch” địa ốc Việt
Tại diễn đàn, Giáo sư Richard Peiser đã có bài tham luận về các nhân tố cơ bản để tạo ra và duy trì ngành bất động sản cạnh tranh. Trong đó, ông đề cập nhiều đến thị trường bất động sản Việt Nam.
Theo Giáo sư Richard Peiser, hiện nay, Việt Nam nằm trong nhóm có chỉ số minh bạch trong lĩnh vực bất động sản thấp trên thế giới khi chỉ xếp thứ 68. Việc này dẫn đến tình trạng tại một số đô thị lớn như TP.HCM, Hà Nội xuất hiện nhiều nhà đầu tư mua nhà để đầu cơ thay cho mục đích ở thực. Thực tế này đã góp phần đẩy giá nhà đất lên cao hơn nhiều so với nhu cầu thực của nhiều dân, khiến những người có thu nhập thấp khó mua nhà để ở.
Cạnh đó, Việt Nam hiện chưa có trung tâm lưu trữ cơ sở dữ liệu về nguồn gốc đất đai nên phát sinh nhiều mâu thuẫn. “Tại Mỹ, nếu người dân muốn mua nhà thì chỉ cần tra cứu và biết đất đó có tranh chấp hoặc lịch sử căn nhà đó ra sao. Tuy nhiên, ở Việt Nam chưa có trung tâm để lưu trữ những thông tin này nên người dân gặp nhiều khó khăn khi mua nhà đất”, ông Richard Peiser nhận định.
Giáo sư Richard Peiser cũng chỉ ra quy trình trái ngược tại Việt Nam, khi để xảy ra tình trạng xây dựng nhà ở trước, trong khi hạ tầng lại chưa được đầu tư mà chờ có tiền mới làm. Theo ông, để tránh kẹt xe, quá tải hạ tầng thì bắt buộc trước khi cho xây dựng cao ốc, nhà cửa thì chính quyền hoặc tư nhân phải làm đường, cầu theo phê duyệt. Để thực hiện việc này, Nhà nước cần có công cụ tài chính công để hỗ trợ cho cơ sở hạ tầng cũng như khuyến khích đầu tư tư nhân nhiều hơn.
Trong khi đó, nói về việc triển khai các dự án bất động sản, giáo sư của Harvard cho rằng tại Việt Nam, nhiều chủ đầu tư thường nghĩ đầu tư vào không gian công cộng, mảnh xanh gây ra tốn kém. Thế nhưng suy nghĩ này sai lầm, bởi trên thực tế, việc chủ đầu tư đổ vốn nhiều để làm các tiện ích, hạ tầng đi lại sẽ làm tăng thêm thêm giá trị căn hộ, nhà ở.
“Không gian công cộng và không gian mở mang lại giá trị cho tất cả, lý tưởng là 25 – 30% hoặc hơn diện tích đất để tự nhiên hoặc dành cho công viên giải trí", giáo sư này nhận định.
Đặc biệt, chu kỳ thị trường là không thể tránh khỏi nhưng chu kỳ bất động sản trở nên nghiêm trọng khi nguồn cung bất ổn. Do đó, để bảo đảm thị trường bất động sản ổn định, cơ quan quản lý cần kiểm soát việc vay nợ quá mức và xây dựng dư thừa. Bởi lẽ, nếu dễ dàng tiếp cận vốn, nhà phát triển dự án sẽ tiếp tục xây hàng loạt căn hộ ngay cả khi thị trường đã bão hòa. Từ đó, dẫn đến việc cung vượt cầu.
“Theo tôi, nhà đầu tư khôn ngoan không phải là người xây trên đỉnh chu kỳ, mà là xây dựng và bung hàng ở dưới chu kỳ đó”, giáo sư nói thêm.
Đáng chú ý, nói về quy trình phê duyệt và cấp phép dự án bất động sản, ông Richard Peiser cho hay, thời gian lý tưởng chỉ nên kéo dài từ 6 - 12 tháng. Nếu để quy trình phê duyệt càng lâu thì tính cạnh tranh càng giảm và giá nhà càng đắt đỏ.
Nhà nước không nên “vừa đá bóng vừa thổi còi”
Cũng tham luận tại diễn đàn, Tiến sĩ Huỳnh Thế Du, Giám đốc chương trình MPP Đại học Fulbright Việt Nam nói rằng, từ 1975 đến nay, tại Việt Nam, Nhà nước muốn làm tất cả để kiểm soát thị trường bất động sản. Thế nhưng, thực tế đã chứng minh có rất ít doanh nghiệp Nhà nước hoạt động hiệu quả do năng lực có hạn.
“Để kiểm soát thị trường bất động sản, Nhà nước nên là người nhà nắm dòng và hạn chế tham gia vào hoạt động kinh doanh, bởi làm như vậy tức là vừa đá bóng vừa thổi còi. Nhà nước cũng cần phải thừa nhận quyền năng của nhà đầu tư phát triển bất động sản, từ đó đưa ra giới hạn trong chính sách để dễ dàng quản lý”, TS Du khẳng định.
TS Huỳnh Thế Du cũng chỉ ra rằng, đô thị Việt Nam đang có nhiều trục trặc do không có sự ăn khớp giữa kỹ thuật và chính trị trong việc quy hoạch và thực thi các bản quy hoạch.
“Chúng ta dự báo dân số và phân bổ dân số thường khác xa thực tế, làm cho các quy hoạch trở nên lạc hậu. Chưa kể, việc hoạch định các mức vốn đầu tư cũng phi thực tế, thiếu những đánh giá phương án sử dụng đất hay hạ tầng giao thông khác nhau. Đồng thời, có sự mâu thuẫn giữa các bản kế hoạch và thiếu hợp tác giữa cơ quan nhà nước. Quy hoạch cũng trục trặc do ảnh hưởng của các nhà đầu tư tư nhân làm các kế hoạch thường xuyên bị thay đổi và thực hiện một cách manh mún, cũng như thiếu vắng sự tham gia thực chất của người dân.
Ngoài ra, Việt Nam đang ngộ nhận vai trò quy hoạch đô thị là vai trò của Nhà nước, chưa nhìn nhận đúng về vai trò và tác động của các nhà phát triển bất động sản”, ông nói thêm.
Diệu Thủy – Quốc Tuấn
Theo Vietnamnet
Các bản tin khác
- Đà Nẵng có "Thung lũng Silicon" lớn nhất cả nước: Tổng vốn đầu tư 121 triệu USD, xác định mức doanh thu 3 tỷ USD/năm
- Sự thật sốc giao dịch đất nền Vân Đồn, Đà Nẵng
- Đà Nẵng: Đề nghị hoàn trả 1.200 tỷ đồng để lấy lại sân vận động Chi Lăng
- Đà Nẵng sắp có lễ hội Ẩm thực quốc tế
- Nhà đầu tư Nhật Bản quan tâm bất động sản nghỉ dưỡng
- Nhiều cơ hội cho nhà đầu tư Canada tại Đà Nẵng
- Giá đất nền tại Đà Nẵng bớt nóng
- Sở Xây dựng cảnh báo người dân trong giao dịch bất động sản
- Chuyện về những Nữ Doanh nhân
- Lưỡng thổ thành sơn, bất động sản có sóng trong năm Kỷ Hợi 2019
- Đẩy nhanh tiến độ các dự án ở Ngũ Hành Sơn và Sơn Trà
- Đầu tư 1.800 tỷ đồng vào dự án Khu đô thị Thủy Tú
- Ba thị trường địa ốc tâm điểm trong 2019
- Người nước ngoài được mua nhà tại 17 dự án ở Đà Nẵng
- Công bố danh sách các dự án nhà ở thương mại trên địa bàn thành phố Đà Nẵng cho phép và không cho phép tổ chức, cá nhân nước ngoài được quyền sở hữu nhà ở - Đợt 01.
- Đà Nẵng công bố giá đất năm 2019
- Cảnh báo trong mua bán nhà đất, chuyển nhượng chung cư
- Sôi nổi thi công xây dựng đầu năm mới
- Năm 2019, giá đất ở cao nhất 98,8 triệu đồng/m2
- Nhiệm vụ điều chỉnh quy hoạch chung thành phố Đà Nẵng