Dự án di dời ga Đà Nẵng đã được Bộ Chính trị (khóa IX) đồng ý, thống nhất chủ trương cho di dời ra khỏi nội thành từ 15 năm trước (Nghị quyết số 33-NQ/TW ngày 16-10-2003 của Bộ Chính trị) và được chính quyền thành phố tích cực triển khai. Tuy nhiên, từ đó đến nay, dự án vẫn giẫm chân tại chỗ, để lại không ít hệ lụy.
Đầu máy xe lửa trước ga Đà Nẵng - một biểu tượng gắn liền với lịch sử văn hóa thành phố. |
Bài 1: Vì sao phải di dời?
Sau hơn 20 năm Đà Nẵng trực thuộc Trung ương, sự phát triển nhanh chóng của thành phố khiến nhu cầu đi lại, vận chuyển hàng hóa bằng đường sắt vào sâu trong nội thị bộc lộ nhiều bất cập. Cơ sở hạ tầng đường sắt xuống cấp, các hạng mục không còn đáp ứng yêu cầu thực tế.
Những bất cập
Từ chỗ nhà ga được thiết kế để đón, chở vài trăm khách, nay nhu cầu lên đến gần 2.500 lượt người mỗi ngày. Đặc biệt, những năm gần đây, Đà Nẵng trở thành điểm đến du lịch hấp dẫn nên lượng khách tăng đột biến. Bên cạnh đó, tai nạn giao thông đường bộ thường xảy ra, khiến nhu cầu đi tàu hỏa tăng cao.
Ông Nguyễn Nhân, Trưởng ga Đà Nẵng cho biết, ga này thuộc loại lớn cả nước với lịch sử 116 năm. Trước đây, tuyến đường sắt vào Đà Nẵng được xây dựng với quy mô đô thị của thành phố còn rất nhỏ.
Hiện tại, ga Đà Nẵng nằm lọt trong nội thành với diện tích hơn 44.000m2, tuyến đường sắt cũng giao cắt với hơn 25 điểm giao đường bộ, gây không ít trở ngại, tiềm ẩn ùn tắc giao thông vào giờ cao điểm, đồng thời không bảo đảm hành lang an toàn giao thông đường sắt. Thực tế đã có nhiều vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng tại các đường ngang dân sinh.
Theo TS. KTS Tô Văn Hùng, Trưởng ban Đô thị - HĐND thành phố, ga Đà Nẵng được tổ chức theo mô hình nhà ga cụt, có ưu điểm là khả năng tiếp cận của hành khách thuận lợi, nhưng chỉ phù hợp khi tuyến đường dẫn vào trung tâm là những tuyến xây dựng ngầm hoặc nổi để không tạo ra các điểm giao cắt cùng cao độ với mạng lưới giao thông đường phố.
Thực tế, với hệ thống giao thông đô thị hiện nay, việc duy trì một nhà ga nằm ngay trung tâm thành phố không còn phù hợp. Việc quy hoạch tổ chức một nhà ga kiểu ga xuyên ở vị trí ngoại vi đô thị rất phù hợp đối với các đô thị có quy mô lớn và nhiều thành phố khác đã thực hiện việc này.
“Theo tôi, Đà Nẵng triển khai xây dựng nhà ga đường sắt mới ở khu vực ngoại đô là rất cần thiết. Việc này cần sớm được triển khai với nhiều ý nghĩa quan trọng nhằm khắc phục những bất cập trong tổ chức giao thông hiện nay.
Hơn nữa, dành quỹ đất khu vực nhà ga cũ phục vụ tái thiết đô thị, bổ sung quỹ đất công cộng khu vực trung tâm thành phố cũ. Ngoài ra, vị trí nhà ga mới sẽ góp phần thúc đẩy sự phát triển đô thị phía tây thành phố, kết nối thuận tiện các đầu mối giao thông - ga đường sắt, cảng Liên Chiểu, cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi...”, TS.KTS Tô Văn Hùng chia sẻ.
Ga Đà Nẵng là ga chính của thành phố, hằng ngày nhiều chuyến tàu ra Bắc vào Nam đều dừng tại đây. Ảnh: THÀNH LÂN |
Dự án “treo” 15 năm
Dự án di dời ga Đà Nẵng là một trong những dự án “treo” lâu nhất, 15 năm vẫn chưa được triển khai. Đã có 4 lần (các năm 2004, 2008, 2012 và 2016-2017) công bố quy hoạch khu vực quận Liên Chiểu để phục vụ việc di dời ga đường sắt nhưng đến nay dự án vẫn “treo” và người dân sẽ còn phải chờ đợi...
Ông Trần Văn Phi (trú phường Hòa Khánh Nam, quận Liên Chiểu) bày tỏ: “Dự án di dời đường sắt đã nói từ lâu mà chưa thực hiện, làm cuộc sống của người dân gặp khó khăn vì vướng thủ tục nhà đất, xây dựng, đường sá, cống rãnh xuống cấp không thể sửa chữa.
Bao năm nay, người dân chúng tôi sống khổ và chịu nhiều thiệt thòi. Nhà đông con, muốn tách thửa đất cho con cũng không được, bởi chính quyền bảo đất đó trong quy hoạch đường sắt. Nhà xuống cấp chỉ được sửa chữa hiện trạng, có chật cũng không được nới rộng, không được làm nhà tầng kiên cố, không được tách nhà, tách hộ khẩu riêng cho con…”.
Qua phản ánh của người dân, trong vòng 15 năm qua, cứ mỗi lần rộ lên thông tin chuẩn bị di dời nhà ga ra phía tây thành phố và quy hoạch nhà ga mới trên địa bàn quận Liên Chiểu, người dân lại lén đua nhau cơi nới, xây nhà không phép để “đón” đền bù giải tỏa.
Đã có không ít các căn nhà được xây hoàn thiện trong đêm, không ai ở. Tình trạng xây nhà cấp tốc diễn ra nhiều năm nay trên diện tích quy hoạch dự án nhà ga mới. Đặc biệt, khi thành phố công bố chủ trương phê duyệt kết quả nghiên cứu khả thi dự án, việc thi công nhà “đón” quy hoạch, giải phóng mặt bằng càng gia tăng.
Trao đổi với phóng viên, lãnh đạo UBND quận Liên Chiểu thừa nhận, kể từ khi có công bố quy hoạch nhà ga đường sắt mới, trên địa bàn có hiện tượng xây nhà, cơi nới trên diện tích quy hoạch. Tuy nhiên, bên cạnh việc cố tình vi phạm, cũng có những trường hợp cơi nới xuất phát từ nhu cầu thực tế cuộc sống.
Dự án hơn 15 năm vẫn chưa triển khai, nhiều gia đình trong quy hoạch có 2-3 thế hệ sống chung, đông người nên họ xây thêm phòng hay xây nhà vệ sinh. Được biết, riêng trong năm 2016, trong khu vực quy hoạch dự án nhà ga mới, Đội kiểm tra quy tắc đô thị quận Liên Chiểu đã xử lý 41 trường hợp cơi nới, xây nhà mới. Năm 2017 cũng có hàng chục trường hợp bị xử lý.
Di dời ga đường sắt Đà Nẵng và các công trình liên quan ra khỏi trung tâm thành phố là một trong những dự án quan trọng về phát triển cơ sở hạ tầng, kinh tế-xã hội và quốc phòng-an ninh của địa phương, được xác định tại Nghị quyết 33 NQ/TW ngày 16-10-2003 của Bộ Chính trị khóa IX và Kết luận số 75-KL/TW ngày 12-11-2013 của Bộ Chính trị (khóa XI). Gần đây, Văn phòng Chính phủ có Thông báo số 363/TB-VPCP do Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc ký ngày 4-11-2016 về kết luận tại buổi làm việc với lãnh đạo thành phố Đà Nẵng. Theo đó, dự án di dời ga đường sắt được triển khai theo hình thức PPP (hợp tác công - tư), ga đường sắt mới phải đáp ứng quy hoạch phát triển thành phố về lâu dài, nhà ga văn minh, hiện đại… |
Bài và ảnh: THÀNH LÂN
Theo Báo Đà Nẵng
Các bản tin khác
- Nguy cơ ế vốn tín dụng hỗ trợ bất động sản
- Công bố thành lập Ban Tiếp công dân thành phố
- Xác định tiền sử dụng đất phải nộp khi chuyển mục đích sử dụng
- Đoàn công tác liên ngành khảo sát mô hình liên thông thủ tục công chứng, đăng ký quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất và thuế tại Cộng hòa Algerie dân chủ và nhân dân
- Đề án Phát triển dịch vụ TP Đà Nẵng đến năm 2015, tầm nhìn đến 2020: Phải rà soát và hoàn thiện các tiểu đề án
- Tiếp tục sử dụng sân Vận động Chi Lăng đến tháng 4/2015
- Dân mong sớm có đất tái định cư
- Dân công sở lại bắt đầu lướt sóng bất động sản
- “Nếu luật sửa như vậy, không ai dám giao nhà”
- 6 tồn tại của pháp luật về bất động sản
- Làm rõ cơ chế bảo vệ người mua nhà
- Ngân hàng đồng loạt hạ lãi suất cho vay
- Nên mở rộng cửa cho người nước ngoài mua nhà
- Gỡ khó khăn về thuế cho doanh nghiệp
- Sẽ xây dựng chợ Hàn, chợ Cồn thành trung tâm thương mại lớn
- Đà Nẵng: Trên 80% hàng hóa tiêu thụ là hàng Việt
- Rủi ro khi mua nhà bằng giấy viết tay
- Luật Đất đai vào cuộc sống
- Xây sân bay Long Thành: Thiên thời - địa lợi - nhân hòa
- 5 lưu ý hữu ích khi mua nhà