Đại diện các bộ cho rằng, cần quy định rõ thời hạn sử dụng, quyền sử dụng đất, cách thức chuyển nhượng... cho condotel.
Đại diện 4 Bộ Xây dựng, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Tư pháp, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch cùng 500 khách mời đã chia sẻ quan điểm tại hội thảo “Condotel: Thực tế, triển vọng và giải pháp”. Sự kiện tổ chức ngày 16/3 tại Trung tâm Hội nghị Quốc tế FLC Quy Nhơn, thu hút nhiều chuyên gia, doanh nghiệp, chủ đầu tư và lãnh đạo gần 10 địa phương tham dự.
Phát biểu tại hội thảo, Tổng Cục Du lịch Nguyễn Văn Tuấn cho biết, năm 2017, gần 23.000 căn condotel (căn hộ khách sạn) và biệt thự nghỉ dưỡng được chào bán. Ông nhận định, sự xuất hiện của condotel đã đáp ứng nhu cầu tăng trưởng nóng về du lịch tại Việt Nam những năm gần đây.
"Năm 2018, Việt Nam dự kiến đón hơn 16 triệu lượt khách quốc tế, tăng gấp đôi sau 3 năm. Khách nội địa cũng bùng nổ, khoảng 60-70 triệu lượt người đi du lịch hàng năm. Xu hướng sử dụng condotel 4-5 sao tăng cao, bởi theo thống kê, có khoảng 555.000 phòng lưu trú, nhưng chỉ 20-25% đạt chuẩn 4-5 sao. Cả 2 xu hướng này đang tạo ra sự bùng nổ về nhu cầu condotel", ông Tuấn nói.
Ông Nguyễn Văn Tuấn - Tổng Cục Du lịch chia sẻ xoay quanh con số tăng vọt 23.000 căn condotel được chào bán trong năm qua. |
Đồng tình với quan điểm này, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Nguyễn Trần Nam cho biết thêm: "Hoạt động du lịch của cả nước tính đến năm 2017 đã đạt xấp xỉ, thậm chí khách nội địa còn vượt qua mốc năm 2025. Hệ số sử dụng phòng khách sạn tại Hà Nội, TP HCM và các khu du lịch nghỉ dưỡng đạt mức cao (trên 90%), đặc biệt đặt phòng vào các dịp nghỉ lễ rất khó khăn".
Theo ông Nam, Việt Nam cần có thêm hàng trăm nghìn buồng phòng nhằm đáp ứng nhu cầu của khách du lịch trong thời gian tới. Đây cũng là tiềm năng để loại hình bất động sản mới condotel tiếp tục phát triển mạnh mẽ trong tương lai.
Condotel đã phát triển rất nhanh kể từ khi xuất hiện năm 2015. Đa số khách hàng mua bất động sản nghỉ dưỡng đều mong muốn được sở hữu lâu dài, vừa cho mục đích kinh doanh khai thác hiện tại, vừa làm tài sản để lại cho con cháu. Tuy nhiên, nhiều nhà đầu tư còn e ngại vì khung pháp lý cho condotel vẫn chưa được quy định thống nhất.
Ông Nguyễn Trần Nam - Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam nhận định về tiềm năng phát triển của condotel. |
Dự thảo sửa Luật Đất đai 2013 Bộ Tài nguyên và Môi trường trình Chính phủ mới đây đã có nhiều nội dung làm rõ tính pháp lý cho condotel. Phát biểu tại hội thảo, ông Mai Văn Phấn - Phó Cục Đăng ký đất đai nhắc lại, condotel phục vụ mục đích kinh doanh, nên thời gian giao đất là 50 hoặc 70 năm. Song để đáp ứng du lịch, pháp luật sẽ có thêm hướng mở là khi hết thời hạn giao đất thì được phép gia hạn.
Liên quan đến vấn đề này, ông Paul Mason - Chủ tịch Keller William cho rằng, Việt Nam nên học hỏi các nước trong khu vực như Thái Lan, Indonesia… để hoạch định chiến lược tốt hơn với condontel. Một số nước như Hongkong, Singapore đã giao đất 99 năm cho condotel.
Trong nước, một số địa phương đã cho phép chuyển đổi mục đích sử dụng đất thương mại dịch vụ thành "đất ở không hình thành đơn vị ở" cho condotel. Ông Nguyễn Trần Nam đánh giá, đây là giải pháp tạo cơ sở để người mua bất động sản nghỉ dưỡng tại các trọng điểm du lịch được sở hữu lâu dài.
Đánh giá cao chính sách linh hoạt của địa phương, Chủ tịch Tập đoàn FLC Trịnh Văn Quyết cho biết, đã có gần 10 tỉnh áp dụng giải pháp này. Trong đó, có dự án của FLC tại Bình Định, Quảng Ninh.
Chủ tịch Tập đoàn FLC Trịnh Văn Quyết đưa ra kiến nghị ngắn và dài hạn cho condotel trước đại diện 4 bộ. |
Theo ông Quyết, condotel mang lại hiệu quả du lịch, kinh tế và thực tế là phân khúc này đang giao dịch sôi động suốt thời gian qua. Lãnh đạo FLC đưa ra đề xuất ngắn và dài hạn trước đại diện 4 bộ. Trong dài hạn cần làm luật và sửa luật, nhưng kiến nghị này tốn kém và chưa nhất thiết phải làm ngay. Còn với giải pháp ngắn hạn trong hiện tại, ông cho rằng nên ban hành một thông tư liên bộ hướng dẫn về condotel để các địa phương thống nhất triển khai.
"Theo đó, thông tư hướng dẫn cụ thể về condotel là dự án được nhà nước giao đất theo hình thức đất ở không hình thành đơn vị ở. Người mua căn hộ condotel được cấp giấy chứng nhận quyền sử đất ở không hình thành đơn vị ở và quyền sở hữu căn hộ lâu dài. Giải pháp này mang lại lợi ích cho tất cả các bên: nhà đầu tư condotel, chủ đầu tư và địa phương", ông Quyết nhấn mạnh.
Thứ trưởng Bộ Tư pháp Phan Chí Hiếu cũng bày tỏ ý kiến cần có giải pháp trước mắt để tránh cảnh nhà đầu tư vừa làm, vừa lo. Bộ Tư pháp đã yêu cầu Bộ Xây dựng định danh condotel trong luật, đồng thời thẩm định dự thảo sửa Luật Đất đai 2013 của Bộ Tài nguyên và Môi trường; đồng thời đề xuất các bộ ngành sớm ban hành thông tư về thủ tục, trình tự, điều kiện cấp giấy chứng nhận cho loại bất động sản nghỉ dưỡng này.
An San
Theo Vnexpress
Các bản tin khác
- Quỹ BĐS ngoại mới thành lập đang “nhòm ngó” thị trường Việt Nam
- Ngân hàng hạ lãi suất, tiền sẽ chảy về BĐS?
- Chính phủ: Sẽ không thu hồi đất đai để chia lại
- ĐÀ NẴNG: "SẮC MÀU THÁNG BA"
- Sẽ công khai số xêri phôi giấy chủ quyền nhà đất bị mất
- Hàng trăm phôi sổ đỏ biến mất
- QUY ĐỊNH XỬ LÝ TÀI SẢN BẢO ĐẢM LÀ NHÀ, ĐẤT
- Loạn "sổ đỏ" giả: Bỏ tiền tỷ mua đất "ảo"
- Bất động sản sẽ khởi sắc vào cuối năm
- Nỗ lực "phá băng" bất động sản
- Tăng lệ phí trước bạ ô-tô
- Đà Nẵng: Kêu gọi đầu tư 4 dự án thương mại
- Không giải quyết hồ sơ tách thửa, chuyển mục đích sử dụng đất thuộc dự án Khu đô thị mới Hòa Vang
- Thị trường BĐS và bài toán cơ cấu
- HÙNG “CÒ” VÀ NHỮNG TRÒ MA THUẬT
- Bắt nữ giám đốc lừa đảo hàng trăm tỷ đồng
- ĐƯA ĐÀ NẴNG TRỞ THÀNH ĐỊA PHƯƠNG ĐỨNG ĐẦU VỀ CHẤT LƯỢNG CCHC VÀ DỊCH VỤ CÔNG
- Hai xu hướng cho doanh nghiệp BĐS thời khó khăn
- Tạm trú tại Việt Nam trên 90 ngày phải có bảo lãnh
- Thị trường BĐS năm 2012: Khó khăn và cơ hội