Sáng 19-3, UBND thành phố Đà Nẵng tổ chức hội thảo khoa học “Định hướng phát triển kinh tế - xã hội thành phố Đà Nẵng đến năm 2035” nhằm thu thập ý kiến của các chuyên gia, nhà khoa học thuộc nhóm Tư vấn hợp tác phát triển vùng duyên hải miền Trung.
Đà Nẵng phấn đấu trở thành thành phố hiện đại, có bản sắc và đáng sống. Ảnh: ĐẶNG NỞ |
Tham dự hội thảo có Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Võ Công Trí, Chủ tịch UBND thành phố Huỳnh Đức Thơ, Phó Chủ tịch HĐND thành phố Nguyễn Nho Trung. Phó Chủ tịch UBND thành phố Hồ Kỳ Minh; TS. Trần Du Lịch - thành viên Tổ tư vấn kinh tế Thủ tướng Chính phủ, Trưởng nhóm tư vấn hợp tác phát triển vùng duyên hải miền Trung và Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Trần Văn Sơn chủ trì hội thảo.
Quy hoạch đô thị chưa đồng bộ
Báo cáo sơ khởi “Định hướng phát triển kinh tế - xã hội thành phố Đà Nẵng đến năm 2035”, TS. Trần Du Lịch cho biết, trong tầm nhìn phát triển Đà Nẵng phấn đấu trở thành thành phố hiện đại, thông minh, toàn cầu, có bản sắc và đáng sống, thành phố định hướng trở thành trung tâm hội nhập, hội tụ phát triển quốc tế - trung tâm logistics; đồng thời là trung tâm du lịch biển quốc tế, trung tâm đổi mới, sáng tạo và khởi nghiệp.
Bên cạnh đó, chú trọng giữ gìn, phát triển bản sắc văn hóa, tính nhân văn, hòa hợp với môi trường thiên nhiên; dân cư đô thị có phong cách sống văn minh, văn hóa.
Tuy nhiên thực tế, quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội Đà Nẵng đến năm 2020 tại Quyết định số 1866/2010/QĐ-TTg có nhiều nội dung không phù hợp với thực trạng phát triển hiện tại. Đó là cơ cấu kinh tế của Đà Nẵng đã dịch chuyển mạnh, gắn với tỷ lệ đô thị hóa cao, song hạn chế của các khu vực kinh tế là năng suất lao động thấp, kể cả các ngành dịch vụ quan trọng.
Hạ tầng kinh tế - kỹ thuật được chú trọng đầu tư, nhưng một số ngành như logistics, công nghệ thông tin (CNTT) chưa đảm bảo nhu cầu và quy mô phát triển. Bên cạnh đó, mức độ liên kết giữa các ngành chưa đủ mạnh để lan tỏa tầm ảnh hưởng đến các địa phương khác trong vùng kinh tế trọng điểm miền Trung.
Đối với vấn đề quy hoạch và phát triển đô thị, Đà Nẵng đã có quy hoạch hoàn chỉnh cho 7 phân khu chức năng; đồng thời, khởi động một số dự án trọng điểm như cảng Liên Chiểu, quy hoạch tuyến đường vành đai phía tây kết nối với khu vực phía nam thành phố…
Song, theo nhận định của các chuyên gia, quy hoạch đô thị vẫn chưa đồng bộ, chưa theo trình tự của các quy trình các loại quy hoạch. Đặc biệt, hạ tầng giao thông Đà Nẵng cũng đặt ra nhiều vấn đề như không đồng bộ với quy hoạch dân cư, hệ thống giao thông tĩnh không thực hiện được theo quy hoạch do bất cập trong sử dụng đất, giao thông công cộng phát triển chậm, trong khi giao thông cá nhân gia tăng nhanh chóng…
Chủ tịch UBND thành phố Huỳnh Đức Thơ cho rằng, việc khai thác tài nguyên đất trong thời gian qua đã giải phóng lượng lớn đất đai để tạo không gian phát triển đô thị, làm tiền đề cho các phát triển kinh tế - xã hội. |
Cơ hội để định hướng chiến lược bền vững
Theo các đại biểu, Đà Nẵng là địa phương hàng đầu trong việc huy động nguồn lực từ đất đai và các nguồn khác cho phát triển cơ sở hạ tầng, nhưng cũng thẳng thắn nhìn nhận: “Động lực tăng trưởng của Đà Nẵng ở những giai đoạn về sau đang ít dần, cả về đất đai lẫn thể chế”. Thành phố vẫn có những trói buộc như diện tích đất đai ít, cơ chế quản lý chưa phát huy được lợi thế của cơ sở hạ tầng, vị trí chiến lược và thương hiệu thành phố.
Theo KTS. Ngô Viết Nam Sơn, Chủ tịch Công ty tư vấn thiết kế Ngô Viết, trước đây, Đà Nẵng phát triển rất nóng, đôi khi buộc phải có quy hoạch 1/500 trước khi có quy hoạch 1/2000 hay 1/5000. Hiện tốc độ phát triển tại thành phố chậm lại, đây là cơ hội để chính quyền định hướng một chiến lược bền vững hơn, có thể thành bước tiến nhanh và mạnh hơn trước.
“Đà Nẵng đã tận dụng được quy luật đất đô thị hóa để biến thành “con gà đẻ trứng vàng”, nhưng trong tương lai, điều này sẽ không còn nữa”, TS. Trần Du Lịch nói.
Dưới góc nhìn của nguyên Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh, đất đai không phải là để chia lô, bán nền, mà là để quy hoạch để phát triển. Ông nêu ví dụ, nếu thành phố quyết tâm làm con đường ven biển phục vụ người dân và khách du lịch, sẽ tạo ra được khu vực thương mại - dịch vụ rất năng động và có giá trị.
“Làm sao để từng mét vuông đất còn lại phải tạo ra động lực mới, có giá trị thu nhập, có giá trị sinh lời”, ông Vinh nhấn mạnh.
Đi tìm động lực mới
Ngoài những động lực cũ, Đà Nẵng cần phải đi tìm những động lực mới, trong đó đặc biệt chú trọng du lịch, công nghệ cao, CNTT, logistics. Thực tế, dù du lịch là ngành kinh tế chủ đạo của Đà Nẵng trong 10-15 năm qua nhưng đóng góp của ngành cho thu nhập thành phố chỉ ở mức gần 25%.
GS.TS Nguyễn Đức Khương, thành viên Tổ tư vấn Kinh tế Thủ tướng Chính phủ cho rằng, trong thời gian tới, Đà Nẵng cần đặt ra câu hỏi làm sao tạo bứt phá trong ngành du lịch. Trong tương lai, khách du lịch không dừng lại ở việc đến một thành phố để nghỉ ngơi mà còn để kết hợp làm việc.
Đà Nẵng cần xây dựng các dịch vụ bổ trợ để đón đầu xu hướng này; đồng thời, kết nối với chuỗi giá trị du lịch các thành phố lân cận như Huế, Hội An. Không cần phải hợp tác trên quy mô quá lớn, chỉ cần tạo mối quan hệ giữa các tỉnh, thành có lợi thế bổ trợ cho nhau, đôi bên cùng có lợi.
KTS. Ngô Viết Nam Sơn đặt vấn đề nếu Đà Nẵng đặt ra mục tiêu trở thành đô thị toàn cầu, cần nắm lấy vai trò kết nối với quốc gia và quốc tế; trong đó, có thể lựa chọn chiến lược trở thành trung tâm logistics, mở rộng hệ thống đường hàng không, xe lửa, tàu thủy…
Hiện thành phố vẫn chưa đầu tư nhiều cho đường vành đai quanh sân bay, hay cho việc phát triển khu vực đô thị xung quanh thành khu vực logistics hàng không. Bài học kinh nghiệm từ sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất (TP. Hồ Chí Minh) cho thấy, nếu không giải quyết sớm vấn đề này sẽ tạo những xung lực đối kháng, cản trở sự phát triển trong tương lai. Đà Nẵng có thể học hỏi mô hình của sân bay quốc tế Changi (Singapore) hay Amsterdam (Hà Lan).
Một số đại biểu có chung nhận định, để tạo đột phá phát triển, Đà Nẵng không thể không tính đến vị thế của mình trong tương quan với các tỉnh, thành thuộc khu vực. Trong khi đó, có ý kiến cho rằng, Đà Nẵng sẽ không thể phát triển nhanh nếu các đô thị xung quanh không bắt kịp nhịp độ, bởi dân cư sẽ dồn về chỗ trũng, gây tình trạng quá tải đô thị - xã hội.
Ngoài ra, trong tương lai, Đà Nẵng còn có thể là điểm đến của các cộng đồng dân cư nước ngoài (Bắc Mỹ, châu Âu, châu Á) chứ không chỉ trong nước. Ông Kenneth Atkinson, Chủ tịch tập đoàn Grant Thornton (Việt Nam) nhận xét: “Đà Nẵng nên có định hướng trở thành một thành phố mang tính khu vực, thậm chí quốc tế. Muốn vậy, cần tập trung phát triển cơ sở hạ tầng có tính kết nối ra bên ngoài, thu hút thêm các trường đại học quốc tế, đầu tư cho hệ thống chăm sóc y tế”.
Phát biểu kết luận hội nghị, Chủ tịch UBND thành phố Huỳnh Đức Thơ đề cập khát vọng bứt phá đi lên của Đà Nẵng để thành đô thị hiện đại, trong đó quyết tâm chính trị đóng vai trò đặc biệt quan trọng. Đối với các động lực cũ, Chủ tịch Huỳnh Đức Thơ cho rằng, việc khai thác tài nguyên đất trong thời gian qua đã giải phóng lượng lớn đất đai để tạo không gian phát triển đô thị, làm tiền đề cho các phát triển kinh tế - xã hội. Đà Nẵng có đủ tiềm năng, lợi thế so với các tỉnh, thành khác của miền Trung.
Nếu biết cách khai thác, Huế và Hội An cũng có thể trở thành “tài sản” của du lịch Đà Nẵng. Đặc biệt, thành phố còn mong muốn có những kế sách để biến thành trung tâm dịch vụ y tế, giáo dục - đào tạo, phát triển nhân lực.
Khẳng định CNTT và công nghệ cao là lựa chọn duy nhất về công nghiệp của Đà Nẵng, Chủ tịch Huỳnh Đức Thơ đề nghị các chuyên gia đóng góp ý kiến để biến thành phố thành trung tâm CNTT. Song, đối với công nghệ cao, nếu đặt tiêu chuẩn quá cao thì không thực tế. Vì vậy, cần nghiên cứu nên chọn ngành nào có hàm lượng giá trị gia tăng lớn, cách thức thu hút và phát triển như thế nào.
* TS. Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam: Trong 10-15 năm qua, Đà Nẵng phát triển xuất sắc vượt trội so với cả nước. Song, khi vào nhịp phát triển mới, Đà Nẵng cần phải thay đổi cách tiếp cận, bởi các chuẩn mực cạnh tranh không còn như xưa. Trong giai đoạn tới, Đà Nẵng phải phát triển với tư cách trung tâm động lực của vùng. Ngoài ra, tài nguyên đất cũng không còn nhiều, Đà Nẵng phải dựa vào công nghệ, nhân lực và phải có thêm những động lực mới. * Ông Ken Atkinson, Chủ tịch tập đoàn Grant Thornton (Việt Nam): Tôi nghĩ rằng, nếu muốn trở thành một trung tâm đổi mới sáng tạo, Đà Nẵng cần phối hợp chặt chẽ với các trung tâm nghiên cứu, các trường đại học. Trọng tâm chính của Đà Nẵng là nên xây dựng nguồn nhân lực, bởi chính điều này sẽ là nền tảng để phát triển cho mọi ngành. * GS.TS Nguyễn Hồng Sơn, Phó Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội: Đà Nẵng muốn trở thành thành phố toàn cầu, cần định vị so với các tỉnh, thành khác trong khu vực và trên thế giới, dựa trên các yêu cầu từ bối cảnh mới đối với Đà Nẵng; trong đó, chú trọng các tiêu chí: nguồn lực sẵn có tại địa phương, năng lực cạnh tranh so với các địa phương khác và chính sách, thể chế. Trên cơ sở này, Đà Nẵng sẽ lựa chọn được cụm ngành đầu tư trọng điểm, tương thích với vị trí trong khu vực. |
Bài và ảnh: KHANG NINH
Theo Báo Đà Nẵng
Các bản tin khác
- Người nước ngoài mua nhà: Sốt ruột chờ hướng dẫn
- 12 đại dự án của Sun Group tại Việt Nam
- Premier Village: Sổ đỏ trao tay - Lời ngay 9%/năm
- Nhà đầu tư nước ngoài quan tâm gì khi vào Việt Nam?
- “Săn” bất động sản cao cấp gần trung tâm
- Tạm dừng đấu giá đất ưu đãi cho cán bộ, công chức, viên chức
- Đất Xanh Miền Trung giới thiệu bất động sản Đà Nẵng tại Hà Nội
- Thị trường bất động sản Việt Nam: Khó khăn đã qua
- Không gian độc đáo trên đỉnh Bà Nà
- Nhập cảnh vào Việt Nam là được quyền sở hữu nhà
- Giá đất tái định cư tại một số khu dân cư trên địa bàn thành phố
- Hàng loạt chính sách mới có hiệu lực từ tháng 8/2015
- Phê duyệt Biểu trưng Ngành Tư pháp Việt Nam
- Vốn ngoại “đổ” vào bất động sản
- Không gian spa phủ cây xanh tại Naman Retreat
- Giới thiệu Premier Village Đà Nẵng Resort - Tuyệt tác bên bờ Biển Đông
- Giao lưu trực tuyến về Công chứng hợp đồng nhà, đất (tiếp theo)
- Quỹ ngoại “dòm ngó” thị trường bất động sản Việt Nam
- Tiền đổ vào bất động sản chiếm gần 20% vốn FDI
- Bộ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Thái Bình: Đà Nẵng là hình mẫu về cải cách hành chính trong cả nước