Do giá đất biến động tăng liên tục trong thời gian qua, nhiều nhà đầu tư thỏa thuận đặt cọc từ 100 đến 300 triệu đồng để mua lô đất đến ngày hẹn ký hợp đồng ra công chứng sang tên thì chủ đất khất lần này lượt khác rồi chấp nhận hủy cọc và đền gấp đôi số tiền cọc, không bán nữa hoặc bán cho người khác với giá cao hơn.
|
Khách hàng tấp nập mua BĐS Nam Đà Nẵng. |
Ngày 9-3, ông Cường, nhà đầu tư BĐS khu vực Hòa Xuân bức xúc cho biết, ngày 2-3, sau khi thỏa thuận với khách hàng tôi đặt cọc 100 triệu đồng mua lô đất Nam Hòa Xuân với giá 1,4 tỷ đồng, hai bên tiến hành ký hợp đồng đặt cọc hẹn 7 ngày ra ký hợp đồng sang tên chồng hết tiền, nhưng giá đất cứ nhích lên từng ngày nên đến ngày 9- 3 nhận được thông báo hủy kèo và chấp nhận đền bù gấp đôi tiền cọc. Mặc dù, được đền 100 triệu đồng nhưng ông Cường vẫn ấm ức cho hay, nếu thời điểm mua giá thị trường chỉ khoảng 1,4 tỷ đồng nhưng chỉ sau 7 ngày lô đất này đã bị “thổi lên” 1,65 tỷ đồng, tăng thêm 250 triệu đồng và bán được ngay thì chủ đất bẻ cọc đền thêm 100 triệu vẫn còn lời 150 triệu đồng. Trong khi đó, thỏa thuận đền cọc theo quy định chỉ đền gấp đôi nên không thể có cách nào khác đành phải chấp nhận.
Tại những vị trí giá đất nhảy múa từng ngày, thậm chí từng giờ, người mua luôn bị “bẻ cọc” mặc dù đã cọc với số tiền khá lớn như khu vực biển Xuân Thiều, Tây Bắc, Nam Hòa Xuân, Golden Hills,... anh Nguyễn Thái Úy, ngày 21-2, đặt cọc 200 triệu đồng để mua lô đất khu vực Xuân Thiều hẹn 5 ngày sang tên công chứng thì giá đất tăng vùn vụt, bên bán chấp nhận đền cọc thêm cho anh 200 triệu đồng và bẻ cọc.
Tương tự nhiều nhà đầu tư mua đất quá bức xúc vì người bán bội tín bẻ cọc lên chia sẻ trên mạng xã hội. Điển hình, anh Nguyễn Văn G. lên facebook với dòng tâm sự bị bẻ cọc khi thỏa thuận mua đất được 2 ngày... Theo anh G. thấy đất khu vực Tây Bắc sốt xình xịch, nên 9-3, sau khi lùng sục được một lô ưng ý trị giá 950 triệu đồng tại dự án Golden Hills và thỏa thuận đặt cọc 50 triệu đồng, sau 5 ngày xuống tiền đến ngày 14-3 mang tiền đủ hẹn ra công chứng thì chủ đất viện lý do không bán nữa do chồng không đồng ý. Tuy nhiên, khi tôi nhận xong tiền cọc thì sau lưng chủ đất đã “âm thầm” bán lô đất trên cho người khác với giá chênh lệch lên đến 100 triệu đồng!
Cùng tâm trạng, chị T. lên facebook đưa cả hình ảnh hợp đồng đặt cọc, hợp đồng ủy quyền với dòng chia sẻ, ngày 16-2, ký hợp đồng đặt cọc 2 tỷ đồng để mua lô đất gần 500m2 khu A vệt biệt thự biển Xuân Thiều với giá 37 tỷ đồng của anh Tr. (trú Q. Hải Châu) hẹn 20 ngày xuống tiền hết sang tên công chứng. Tuy nhiên, khi đến hạn anh T. bẻ cọc và chấp nhận đề bù gấp đôi tiền cọc (tức anh Tr. phải bồi thường thêm 2 tỷ đồng theo thỏa thuận trong hợp đồng). Cũng theo chia sẻ của chị T. lô đất đó đã được anh T. bán cho người khác với giá cao hơn 4 tỷ đồng nên việc bẻ cọc là không sai luật nhưng bội ước trong kinh doanh...
|
Giá đất ven biển Nguyễn Tất Thành khu vực Xuân Thiều đang tăng rất nhanh. |
Cũng chính giá đất tăng phi mã mà không những cá nhân “bẻ cọc” mà ngay cả một số chủ đầu tư dự án BĐS lớn cũng bẻ kèo. Thực tế, hiện nay trên địa bàn thành phố, khu vực Tây Bắc thành phố có dự án khu đô thị đã và đang hoàn tất thủ tục bán lại cho nhà đầu tư lớn khác, mặc dù, đối tác đã chuyển hàng ngàn tỷ đồng vào đầu tư hạ tầng nhưng vì giá đất tăng cộng với sự chèo kéo của các đối tác khác dẫn tới “bẻ kèo” và đang trong giai đoạn tranh chấp...
Việc thị trường BĐS Đà Nẵng đang trong giai đoạn tăng nhiệt phi mã, nhiều nhà quản lý, nhà đầu tư đang đặt câu hỏi khi nào BĐS Đà Nẵng hạ nhiệt, liệu có hiện tượng “bong bóng” xảy ra như những năm trước?
Nhiều nhà đầu tư đang kỳ vọng vào một “bước ngoặt mới” của thị trường BĐS Đà Nẵng, đặc biệt là sau sự kiện Tuần lễ cấp cao APEC 2017 và gần hơn là sự kiện Lễ hội pháo hoa Quốc tế Đà Nẵng 2018. Hiện nay, nhiều tập đoàn lớn đã và đang đổ hàng ngàn tỷ đồng vào thị trường BĐS Đà Nẵng như tập đoàn Mikazuki (Nhật Bản) đầu tư 110 triệu USD vào dự án Xuân Thiều, tập đoàn T & T rót hơn 4.000 tỷ đồng vào dự án khu đô thị Đa Phước, tập đoàn FLC đầu tư khu đô thị Eco Charm (Liên Chiểu),... Với sự góp mặt của các tập đoàn uy tín hy vọng thị trường BĐS Đà Nẵng sẽ phát triển bền vững hơn.
Theo ông Nguyễn Đình Giáp, Tổng giám đốc Lancorp, lường trước được những cơn “sốt ảo” đã diễn ra, nhiều chủ đầu tư đã sử dụng các chiêu thức bán hàng như đặt cọc với số tiền lớn, thời hạn thanh toán nhanh nhằm hạn chế bớt trung gian môi giới đầu cơ trục lợi. Ngoài ra, dòng vốn ngoại đang đổ mạnh vào thị trường BĐS Đà Nẵng cũng là những tín hiệu tích cực đối với thị trường BĐS, vì vậy trong ngắn hạn khó xảy ra tình trạng “bong bóng” như những năm trước đây.
Bên cạnh đó, thị trường BĐS luôn phụ thuộc vào vốn tín dụng ngân hàng, tuy nhiên hiện nay, theo NHNN chi nhánh Đà Nẵng, đến cuối tháng 2-2018, tổng nguồn vốn huy động của các tổ chức tín dụng trên địa bàn thực hiện là 117.000 tỷ đồng, tăng 1% so với tháng 1-2018. Trong đó, tiền gửi tiền Đồng ước đạt 112.300 tỷ đồng, tăng 0,96%; tiền gửi ngoại tệ ước đạt 4.700 tỷ đồng, tăng 1,86% so với tháng trước. Huy động từ dân cư ước đạt 80.200 tỷ đồng, tăng 0,89%; huy động từ tổ chức kinh tế ước đạt 36.800 tỷ đồng, tăng 1,22% so với tháng trước. Điều này chứng tỏ lượng tiền mặt trong dân vẫn khá nhiều hay nói cách khác người dân chưa biết đầu tư ở đâu nên vẫn gửi ngân hàng để bảo toàn vốn vừa có lãi. Đáng chú ý, tính đến nay dư nợ cho vay kinh doanh BĐS đạt 7.667 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ 6,48% trên tổng dư nợ. Trong khi đó cả nước dư nợ BĐS chiếm 6%/tổng dư nợ nền kinh tế (tương đương 450 ngàn tỷ đồng) vẫn nằm trong ngưỡng cho phép (tỷ trọng cho vay lĩnh vực BĐS ở mức an toàn là 8 - 10% theo quy định của NHNN).
Tuy vậy, theo chúng tôi, thị trường BĐS Đà Nẵng đã và đang xuất hiện những cơn sốt “giá ảo” ở một số phân khúc và một số khu vực vùng ven như Hòa Vang, Liên Chiểu, Cẩm Lệ, Ngũ Hành Sơn do môi giới tìm cách “thổi giá”, đầu cơ kiếm lời, vì vậy, khách hàng nên thận trọng sẽ dẫn đến rủi ro. Các cơ quan chức năng, đặc biệt là Sở Xây dựng cũng cần tăng cường kiểm tra, kiểm soát tính pháp lý của dự án, các điều kiện cần và đủ để dự án được phép tung hô, mở bán vừa đảm bảo thị trường phát triển lành mạnh, vừa bảo vệ quyền lợi của khách hàng.
XUÂN ĐƯƠNG
Theo Báo CA ĐN
Các bản tin khác
- 'Mua' lại Phòng công chứng nhà nước với giá 1,8 tỉ đồng
- Thị trường BĐS tháng 11/2015 khá ổn định, giá cả ít biến động
- Chính phủ yêu cầu xây dựng hệ thống thông tin bất động sản
- Đà Nẵng hạ giá bán căn hộ chung cư nhà nước
- Cấm thông tin “ảo”, thị trường bất động sản liệu có minh bạch?
- Chính sách mới có hiệu lực từ tháng 12/2015
- Thị trường bất động sản: Thẩm thấu tốt, không lo bong bóng
- Khu đô thị FPT Đà Nẵng: 1,6 tỷ đồng sở hữu một căn nhà phố thông minh
- Sẽ lập hệ thống thông tin nhà ở thống nhất trên toàn quốc
- Thay đổi quan điểm trong sở hữu bất động sản
- Kiến nghị kéo dài thời gian “giải cứu” bất động sản
- Thi công công viên tại bãi đỗ xe ngầm đường Hùng Vương
- Quốc hội thông qua nhiều luật quan trọng
- 3 lưu ý khi chọn mua căn hộ cao cấp
- Dấu ấn cá nhân của nhà đầu tư bất động sản
- Cầu chưa xây, đất đã bị “thổi giá lên trời”
- Địa ốc đón TPP: Cơ hội mới, nhu cầu mới
- Ngân hàng ‘kết hôn’ chặt với địa ốc
- Giá đất Đà Nẵng tăng mạnh
- Hướng dẫn thẩm quyền về công chứng, chứng thực hợp đồng, văn bản thực hiện các quyền của người SDĐ, nhà ở