QĐND - Chuyện như huyền thoại: Mới 14 tuổi, một người con gái đã là Xã đội phó ở “đất lửa” Quảng Nam trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.
Trên cơ sở nhiều lần gặp gỡ nhân vật, nhân chứng và hồ sơ đề nghị phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân của chị, nhà thơ Bùi Quang Thanh, nguyên Trưởng cơ quan đại diện Báo Bảo vệ pháp luật tại Đà Nẵng gửi cho Nguyệt san Sự kiện và Nhân chứng bài viết này.
Nguyễn Vũ Minh Nguyệt sinh năm 1952 tại xã Sơn Thọ, huyện Quế Sơn (nay là xã Sơn Viên, huyện Nông Sơn), tỉnh Quảng Nam trong một gia đình cách mạng. Mồ côi cha khi chưa lọt lòng, lớn lên trong nghèo khó xác xơ, mẹ bị giặc tù đày tra tấn, mấy chị em còm cõi nuôi nhau. Rồi, từ bản năng sinh tồn, từ những tác động xã hội, cô bé biết căm thù giặc, xuống đường cùng phong trào học sinh, sinh viên chống Mỹ ở Sài Gòn khi chưa tròn 10 tuổi.
Nữ chỉ huy du kích Nguyễn Vũ Minh Nguyệt thời đánh Mỹ. Ảnh tư liệu |
Tháng 2-1965, đang học ở Sài Gòn thì Minh Nguyệt trở về quê xin gia nhập đội quân du kích. Xã đội trưởng xã Sơn Thọ Lê Minh nhìn cô gái nhỏ yếu, gầy gò đã nhíu mày lắc đầu. Nhưng rồi với sự kiên trì và quyết tâm cao của cô bé, cuối cùng anh cũng đồng ý cho cô gia nhập trung đội du kích gồm 30 người, bám đánh địch tại địa phương. Hai tháng sau, Minh Nguyệt được Phó ban Binh địch vận tỉnh Quảng Nam là Lê Hữu tìm gặp, động viên tham gia công tác giao liên mật. Dưới vỏ bọc là người dân miền núi ra thành thị buôn bán và tìm việc làm, cô đã nhiều lần chuyển tài liệu từ Quế Sơn ra Đà Nẵng bằng con đường “hợp pháp”: Lúc đi bộ, lúc đi xe đò, xe lam... vượt qua nhiều trạm gác của địch và cả bọn mật thám chỉ điểm luôn rình rập. Gần một năm sau, đường dây bị lộ, Minh Nguyệt lại trở về đội du kích xã, cùng tham gia củng cố hệ thống làng chiến đấu, xây dựng các trận địa đón lõng quân địch đổ bộ đường không, rào làng, cắm chông, đào chiến hào, lên các phương án tác chiến phù hợp...
Thời kỳ này, chiến trường miền Nam nảy sinh cục diện mới: Ngụy quân thua đau trên các chiến trường, Mỹ đưa quân viễn chinh vào trực tiếp tham chiến. Tháng 3-1965, tiểu đoàn tên lửa thủy quân lục chiến (TQLC) Hawk đổ bộ vào cảng Đà Nẵng; ngày 8-3-1965, lữ đoàn 9 TQLC Mỹ đổ bộ lên bãi biển Phú Lộc, huyện Hòa Vang; ngày 7-5-1965, lữ đoàn 3 TQLC Mỹ đổ bộ vào vùng cửa biển An Hòa, chiếm đóng khu vực Chu Lai… Quân và dân Quảng Nam từ đây trực tiếp đương đầu với quân viễn chinh Mỹ.
Năm 1966, Nguyễn Vũ Minh Nguyệt đã là Xã đội phó phụ trách tác chiến của du kích xã Sơn Thọ. Dù mới 14 tuổi nhưng đã có “thâm niên” tham gia cầm súng đánh giặc, lại nổi tiếng gan dạ, thông minh nên Minh Nguyệt được các cô chú và anh chị yêu mến, tin tưởng.
Lúc này, đế quốc Mỹ đổ bộ chiếm các ngọn đồi hiểm trở trên địa bàn xã như: Bà Dung, đồi Máy Gạo, dốc Chùi (núi Chúa), cấm Ông Non… Sau khi đổ bộ, bọn lính càn quét đốt phá nhà cửa, phá hoại tài sản của dân làng. Minh Nguyệt cùng đồng chí Lê Liên, Xã đội trưởng xã Sơn Phúc trực tiếp chỉ huy các du kích: Phan Nên, Ngô A, Phan Toản, Đỗ Thị Dần, Dương Văn Thanh, Phan Có… bám sát địch, tổ chức phục kích trung đội biệt kích đi càn quét tiêu diệt 13 tên, thu 6 súng. Những tên còn lại hoang mang co cụm, không dám liều lĩnh như trước. Tháng 9-1966, đánh địch càn quét lấn chiếm vào vùng giải phóng xã Sơn Thọ, Minh Nguyệt tổ chức phục kích tại Cầu Chức tiêu diệt 17 ngụy quân, làm bị thương nhiều tên khác, thu 11 súng; trung tuần tháng 11-1966, Minh Nguyệt chỉ huy du kích phối hợp với bộ đội huyện, đón đầu quân Mỹ khi chúng đổ bộ xuống dốc Chùi càn quét, tiêu diệt 15 tên; tháng 5-1967 phối hợp với bộ đội chủ lực tấn công địch đổ bộ bằng trực thăng xuống đồng Khe Canh, tiêu diệt 95 tên, thu 27 súng các loại…
Chị Minh Nguyệt nhận cúp Thánh Gióng tại Chương trình “Vinh quang Việt Nam” năm 2015. Ảnh: Thanh Quang |
Tháng 8-1967, địch điều động một tiểu đoàn TQLC Mỹ càn quét vùng giải phóng Tây Quế Sơn, trong đó có xã Sơn Viên (gồm xã Sơn Thọ và Sơn Khương cũ) nhằm chiếm đóng lập căn cứ và chặn đường hành quân của các đơn vị bộ đội chủ lực của ta. Cùng với chủ lực Trung đoàn 31 (Sư đoàn 2, Quân khu 5), du kích xã Sơn Viên do Minh Nguyệt chỉ huy đã liên tục bám địch, tổ chức bắn tỉa, gây cho địch nhiều tổn thất. Trận phục kích địch tại làng Máy Nước-Đồng Dỏ, quân ta đã tiêu diệt gần 200 tên, thu nhiều vũ khí, quân trang, quân dụng, buộc chúng phải tháo chạy. Trong trận đánh này, Minh Nguyệt bị thương phải điều trị một thời gian.
Mỹ-ngụy khiếp sợ Đội du kích Sơn Viên và người nữ chỉ huy “nhí” này. Chúng vô cùng cay cú, treo giải thưởng 20.000USD cho ai bắt hoặc giết được Nguyễn Vũ Minh Nguyệt. Tuy nhiên, giữa lòng dân và đồng đội, giữa làng xóm và núi rừng quê hương, Minh Nguyệt vẫn vào sinh ra tử cùng đồng đội diệt thù; cùng nhân dân tăng gia sản xuất; đưa bộ đội luồn qua vùng địch kiểm soát để trinh sát, hiệp đồng tác chiến.
Trận gài bom núi Chúa là một trận đánh thể hiện trí thông minh, sáng tạo, lòng quả cảm của Minh Nguyệt và du kích xã Sơn Viên. Hồi ấy, quân Mỹ dùng trực thăng cẩu những khẩu pháo lên các ngọn Bằng Thùng, Bằng Gia, Núi Vú, Bằng Trĩ, bắn phá làng xóm nằm dưới thung lũng. Để quan sát chỉ điểm các hoạt động của ta trong vùng, bọn Mỹ-ngụy cho trực thăng đổ biệt kích lên núi Chúa, lùng sục khu vực núi Trắng Bụng, xung quanh núi Chúa, Pháo Cốc… để khống chế hoạt động của ta và chỉ điểm cho máy bay, pháo binh bắn phá gây cho ta nhiều thiệt hại.
Được Ban chỉ huy xã đội đồng ý, Minh Nguyệt tìm cách gài bẫy chúng. Cô cùng các đồng đội của mình đi tìm các loại bom, pháo của địch thả xuống mà chưa nổ đem về cải tiến thành mìn. Bốn quả đạn pháo 105mm của Mỹ được những chiến sĩ du kích mới 15-17 tuổi chưa am hiểu về kỹ thuật tháo gỡ bom mìn mày mò cải tiến. Công việc này hết sức nguy hiểm, chỉ một sơ suất là mất sinh mạng. Vậy mà gần một tháng sau, 4 quả mìn tự tạo đã hoàn thành. Nguyệt và anh em du kích tìm cách cõng “mìn pháo” lên đỉnh núi Chúa.
Núi Chúa-ngọn núi “mẹ” ở xứ Quảng Nam, nơi xuất xứ của những câu chuyện thần tiên bởi ngọn núi cao ngất trong mây sương, ít dấu chân người bước tới. Anh em du kích thay nhau khiêng, đẩy những quả đạn nặng gần trăm ký nhích từng quãng một trong đêm tối. Minh Nguyệt nghĩ ra cách buộc dây dù vào quả đạn rồi người kéo trên, người dùng đà chống bẩy phía dưới nhích lên từng đoạn, đưa được cả 4 quả đạn vào vị trí phục kích trên đỉnh Hầm Vung-núi Chúa. Tháng 3-1968, một máy bay trực thăng chở quân và một trung đội biệt kích vừa đặt chân xuống đỉnh Hầm Vung đã bị những quả mìn tự tạo của du kích diệt gọn.
Lịch sử Đảng bộ xã Quế Lộc, huyện Nông Sơn ghi: “Trong năm 1968, lực lượng vũ trang xã Sơn Viên đã đánh hàng chục trận, tiêu diệt hơn 60 tên, làm bị thương nhiều tên khác, thu 19 súng, 2 máy truyền tin PRC10, bắn cháy 3 máy bay. Trong các trận đánh này đã nổi lên tấm gương chiến đấu mưu trí, gan dạ, dũng cảm như Phan Dậu, Nguyễn Vũ Minh Nguyệt…”.
Đầu năm 1969, Nguyễn Vũ Minh Nguyệt được điều động về đơn vị pháo binh của huyện Quế Sơn, tham gia nhiều trận đánh của đơn vị. Bị thương lần thứ hai và sức khỏe giảm sút do sốt rét, chị được ra miền Bắc điều trị và học văn hóa. Chị tốt nghiệp Trường Cao đẳng Kiểm sát, phát triển lên Phó viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân tỉnh Quảng Nam-Đà Nẵng. Từ năm 1997, khi Quảng Nam và Đà Nẵng tách riêng, Nguyễn Vũ Minh Nguyệt được điều động làm Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân quận Hải Châu, Đà Nẵng. Suốt 31 năm học tập và công tác trong ngành kiểm sát, chị vẫn giữ tính cách người chiến sĩ: Thẳng thắn, tận tụy, chính trực, công minh, hết lòng vì công việc, vì nhân dân. Sau này, khi về nghỉ hưu, chị thành lập Văn phòng công chứng Bảo Nguyệt, mô hình văn phòng công chứng tư đầu tiên trên địa bàn thành phố Đà Nẵng. Chị đã đưa đơn vị thành một doanh nghiệp xuất sắc trong ngành tư pháp, là doanh nhân tiêu biểu của thành phố; được tôn vinh “Doanh nhân văn hóa thời đại Hồ Chí Minh” năm 2013; Nữ doanh nhân Việt Nam thế kỷ 21 năm 2016...
Để tôn vinh những chiến công của người nữ du kích năm xưa, chính quyền huyện Nông Sơn và tỉnh Quảng Nam đã lập hồ sơ đề nghị Đảng, Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân cho nữ du kích Nguyễn Vũ Minh Nguyệt.
BÙI QUANG THANH
Theo Sự kiện và Nhân chứng- Nguyệt sang của Báo Quân đội nhân dân
Các bản tin khác
- KỈ NIỆM 79 NĂM NGÀY THÀNH LẬP QUÂN ĐỘI NHÂN DÂN VIỆT NAM CỦA ANH HÙNG LỰC LƯỢNG VŨ TRANG NHÂN DÂN NGUYỄN VŨ MINH NGUYỆT
- ANH HÙNG LỰC LƯỢNG VŨ TRANG NHÂN DÂN NGUYỄN VŨ MINH NGUYỆT
- NỮ ANH HÙNG NGUYỄN VŨ MINH NGUYỆT DÂNG HƯƠNG LIỆT SĨ NÔNG SƠN
- BÔNG HỒNG THEP
- NHÂN NGÀY 8-3: ĐÓA HOA CAN TRƯỜNG
- ĐOÀN XÃ SƠN VIÊN HUYỆN NÔNG SƠN VIẾNG HƯƠNG, THAY HOA PHẦN MỘ NGHĨA TRANG LIỆT SĨ XÃ SƠN VIÊN
- Người cựu binh nặng lòng với quê hương
- "BÔNG HỒNG THÉP" HĂNG SAY LÀM VIỆC THIỆN
- Thơ em Quang Nhẫn gửi chị Minh Nguyệt
- Thắp sáng chiến trường xưa
- Hai nửa cuộc đời của “Hoa hồng thép”
- Gặp “bông hồng thép” miền Tây xứ Quảng
- Phượng hoàng lửa: Nguyễn Vũ Minh Nguyệt
- Có một Anh hùng thầm lặng…
- Chuyện xúc động về nữ Anh hùng LLVTND trong ngành Kiểm sát
- Văn phòng công chứng Bảo Nguyệt trao quà tết cho người nghèo nhân dịp Xuân Canh Tý
- Đoàn xã Sơn Viên tổ chức chương trình “Trái tim đồng đội”
- Văn phòng công chứng Bảo Nguyệt trao quà tết cho người nghèo nhân dịp Xuân Ất Hợi
- Trưởng VPCC Bảo Nguyệt tham gia thành lập Hiệp hội công chứng Việt Nam
- HÃY VỀ VỚI MẸ NHƯ MỘT NGƯỜI CON!