Một dự án bất động sản “được” 8 luật, hàng chục nghị định, thông tư cùng điều chỉnh đã khiến chủ đầu tư, nhà thầu như rơi vào “ma trận” khi nội dung nhiều văn bản chồng chéo, mâu thuẫn…
Mất 6 tháng cho một thủ tục
“Các văn bản quy phạm pháp luật điều chỉnh lĩnh vực đầu tư, xây dựng bất động sản hiện nay chồng chéo, mâu thuẫn, làm trói chân, trói tay các chủ đầu tư thực hiện dự án”, ông Nguyễn Quốc Hiệp, Chủ tịch Hiệp hội Các nhà thầu xây dựng Việt Nam (VACC) chia sẻ và cho rằng, cần có sự điều chỉnh, sửa đổi kịp thời để các chủ đầu tư sớm được cởi trói, đẩy nhanh tiến độ đầu tư, xây dựng dự án.
Một dự án bất động sản phải qua rất nhiều thủ tục, làm chậm tiến độ đầu tư (ảnh chỉ mang tính minh họa). Ảnh: Đ.T |
Chỉ lấy ví dụ trong một công đoạn nhỏ là xin chấp thuận dự án đầu tư. Nhà đầu tư phải nộp hồ sơ tại Sở Kế hoạch và Đầu tư. Sau khi xem xét hồ sơ hợp lệ, Sở Kế hoạch và Đầu tư sẽ có văn bản gửi các sở, ban, ngành của Thành phố (ít nhất là 5 sở, ngành) xin ý kiến về các lĩnh vực quản lý của mình. Trong văn bản, Sở Kế hoạch và Đầu tư ghi rất rõ thời hạn trả lời và sau thời hạn đó nếu không có văn bản thì coi như đồng ý. Tuy nhiên, một số sở, ban, ngành không trả lời đúng hạn, Sở Kế hoạch và Đầu tư lại yêu cầu nhà đầu tư phải liên hệ để có văn bản tham gia ý kiến thì mới được tiếp tục thực hiện. Có những nơi khó khăn quá, nhà đầu tư phải lên xin Sở Kế hoạch và Đầu tư có văn bản tiếp theo đôn đốc thì mới có văn bản tham gia ý kiến.
“Như vậy sẽ mất rất nhiều thời gian của nhà đầu tư, cũng như không đúng với quy trình thời gian giải quyết thủ tục hành chính, gây phiền toái cho các nhà đầu tư. Tiến độ sẽ rất chậm, có thủ tục kéo dài tới 6-7 tháng ở một đơn vị”, VACC cho biết.
“Với quy định hiện tại, một dự án phải mất ít nhất 2-3 năm, thậm chí có dự án 5-7 năm mới được chấp thuận, kéo theo thiệt hại lớn về kinh tế, thời cơ kinh doanh của doanh nghiệp qua đi”, ông Hiệp nhận xét.
Đề nghị rút ngắn thời gian thẩm định dự án
Thời gian vừa qua, VACC đã nhận được nhiều ý kiến phản ánh của chủ đầu tư, kêu ca về ách tắc ở khâu thẩm định dự án kéo dài, nên chủ đầu tư không có điều kiện để giải ngân triển khai dự án.
Vì vậy, VACC đề nghị giảm thời gian thẩm định ở Điều 59, Luật Xây dựng, trên cơ sở xem xét giảm bớt, phân cấp nội dung thẩm định ở Điều 58. Cụ thể, đề nghị sửa đổi điểm c, khoản 3, Điều 58, Luật Xây dựng: “Đánh giá yếu tố bảo đảm tính hiệu quả của dự án gồm tổng mức đầu tư, tiến độ thực hiện dự án; chi phí khai thác vận hành;…, phân tích rủi ro, hiệu quả tài chính và hiệu quả kinh tế - xã hội của dự án”.
“Công việc này để chủ đầu tư chịu trách nhiệm thẩm định, hoặc thuê tổ chức tư vấn có năng lực thẩm tra. Cơ quan nhà nước có thẩm quyền nên dành thời gian để thực hiện công tác hậu kiểm. Công chức nhà nước không nên làm công việc thuộc chức năng của nhà tư vấn”, VACC kiến nghị
Trên cơ sở đề nghị giảm bớt thời gian thẩm định (rút ngắn 5 ngày theo Luật Xây dựng hiện hành), VACC kiến nghị đổi mới công tác thẩm định dự án, cấp phép xây dựng qua mạng.
“Để giảm bớt thời gian thẩm định, cơ quan nhà nước có thể thực hiện thẩm định dự án qua mạng. Chúng tôi đề nghị đưa quy định này vào trong Luật Xây dựng. Thời gian đầu, Chính phủ ban hành Nghị định thực hiện thí điểm đối với các dự án nhóm B trở xuống, sau đó sẽ triển khai rộng rãi. Thực tế, TP.HCM đang kiến nghị cho thực hiện việc này”, ông Dương Văn Cận, Tổng thư ký VACC kiến nghị.
Ông Nguyễn Ngọc Dũng, Tổng giám đốc Tổng công ty Đầu tư phát triển nhà và Đô thị (Bộ Quốc phòng) cũng cho rằng, với việc áp dụng công nghệ thông tin vào quản lý và thực hiện cơ chế một cửa liên thông, hoàn toàn có thể rút ngắn thời gian cấp phép xây dựng xuống còn 20 ngày.
Bỏ “xin cho” trong cấp phép xây dựng
Theo Luật Xây dựng, nhà ở thuộc dự án phát triển đô thị, dự án phát triển nhà ở có quy mô dưới 7 tầng và tổng diện tích sàn dưới 500 m2, có quy hoạch chi tiết 1/500 đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt, được miễn giấy phép xây dựng. Tuy nhiên, trên thực tế, các công trình nhà ở riêng lẻ thấp tầng trong dự án, quy mô của mỗi nhà ở nhỏ và đáp ứng các quy định này, nhưng lại không được miễn giấy phép xây dựng. Vì vậy, doanh nghiệp đề nghị Sở Xây dựng miễn cấp giấy phép xây dựng cho các nhà ở thấp tầng trong dự án khi đáp ứng đủ các yêu cầu trên.
“Đề nghị sửa đổi khoản 2, Điều 89, Luật Xây dựng theo hướng bổ sung đối tượng được miễn giấy phép xây dựng, bao gồm công trình xây dựng thuộc dự án đã được phê duyệt quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 và đã được cơ quan chuyên môn về xây dựng thẩm định thiết kế xây dựng, hoặc được cơ quan nhà nước có thẩm quyền quyết định đầu tư và một số công trình khác, nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp và quy định rõ các trường hợp được miễn giấy phép để tránh trùng lặp”, ông Nguyễn Ngọc Dũng kiến nghị.
“Tôi cho rằng, thủ tục thẩm định dự án và cấp phép xây dựng nên nhập làm một và do một cơ quan nhà nước chịu trách nhiệm thực hiện. Hiện nay quy trình thẩm định và cấp phép đều trải qua các bước tương đối giống nhau, nhưng do 2 đơn vị thực hiện 2 lần, nhiều khi ý kiến của 2 đơn vị mâu thuẫn nhau, khiến doanh nghiệp không biết phải làm thế nào”, ông Hiệp nêu kiến nghị.
Các bản tin khác
- Đẩy mạnh mô hình hợp tác công-tư
- Chọn mua chung cư giá rẻ, những tiêu chí vàng không phải ai cũng biết
- Tránh mua hoặc xây nhà chữ T nếu muốn giàu sang
- Khởi động nghiên cứu tiền khả thi dự án cảng Liên Chiểu
- BÍ THƯ THÀNH ỦY NGUYỄN XUÂN ANH LÀM VIỆC VỚI SỞ XÂY DỰNG: Nâng tầm quy hoạch phát triển đô thị hiện đại, bền vững
- Hơn 70% căn hộ Coco Skyline Resort có chủ ngay sau ngày mở bán
- 15 kiểu nhà tuyệt đối không nên mua kẻo rước họa
- Bất động sản Đà Nẵng: Hút giới đầu tư các dự án ven sông Cổ Cò
- Bất động sản du lịch và giải trí - tại sao không?
- Luxury Beach - Đà Nẵng City sắp ra mắt khách hàng Hà Nội
- 9 sai lầm thường gặp khi mua bất động sản lần đầu
- Lý do bất động sản condotel hấp dẫn nhà đầu tư
- Bắt tay Indochina Capital, Kajima toan tính gì với bất động sản Việt Nam
- Người trẻ băn khoăn bài toán mua nhà
- Bất động sản Đà Nẵng: Phân khúc khách sạn, nghỉ dưỡng tiếp tục "nóng"
- Đà Nẵng xếp thứ 2 các đô thị ven biển về đầu tư biệt thự nghỉ dưỡng
- Hơn 80% khách hàng mua BĐS nghỉ dưỡng Đà Nẵng đến từ Hà Nội
- Bí mật của những “ông trùm” bất động sản du lịch giải trí
- Sun Group sắp chính thức giới thiệu dự án lớn tại trung tâm Hà Nội
- Smart Condotel - mô hình bất động sản thông minh tại Đà Nẵng