Đà Nẵng, Điện Bàn và Hội An sẽ sớm là một không gian đô thị bao trùm, giao thoa, vì thế việc thống nhất trong qui hoạch giữa 2 địa phương ngay từ bây giờ rất cần thiết. Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Trương Quang Nghĩa đã chia sẻ như vậy tại buổi làm việc giữa lãnh đạo Quảng Nam và Đà Nẵng chiều 28-3.
Lãnh đạo Thành ủy Đà Nẵng tặng quà lưu niệm cho Lãnh đạo Tỉnh ủy Quảng Nam. |
Với việc triển khai hàng loạt dự án kết nối quan trọng, không gian đô thị giữa Đà Nẵng và một phần Quảng Nam ngày càng được gắn kết, hình thành một không gian đô thị chung. Tiêu biểu trong đó là dự án khơi thông sông Cổ Cò hình thành tuyến du lịch đường sông dài 29 km từ Đà Nẵng tới Hội An. Dự án này hiện đã được Chính phủ thống nhất chủ trương hỗ trợ đầu tư nạo vét đoạn qua tỉnh Quảng Nam hơn 340 tỷ đồng, trên tổng vốn toàn dự án hơn 800 tỷ đồng.
Ông Đinh Văn Thu, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam cho biết, từ trước việc nạo vét sông hầu hết xã hội hóa bằng cách cho tư nhân khai thác cát, đến giờ mới có nguồn vốn từ ngân sách. Địa phương đã thiết kế, cắm mốc, qui hoạch xong tuyến du lịch 19 km sông Cổ Cò qua địa phận Quảng Nam. Trong năm 2018, việc khơi thông, nạo vét sẽ được triển khai rốt ráo. Tuy vậy, theo ông Thu, để có thể đưa tuyến du lịch đường sông này vào sử dụng nhanh nhất cũng phải tới năm 2020. Lý do vì ngoài nạo vét, khơi thông cần xây 4 cây cầu bắc ngang qua sông, trong đó 3 cây cầu hiện đang giao cho thị xã Điện Bàn tổ chức thi thiết kế. Ông Huỳnh Đức thơ, Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng cho biết, do đoạn tuyến ngắn, TP đã chủ động cho khơi thông, phá vỡ một con đập, nên tiến độ không đáng ngại. Điều lo nhất là 2 cây cầu bắc qua sông Cổ Cò hiện nay là cầu thấp, TP sẽ phải nghiên cứu nâng độ tĩnh không để đảm bảo cho du thuyền lớn có thể đi qua.
Theo Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Trương Quang Nghĩa, tuyến du lịch sông Cổ Cò có ý nghĩa lớn với 2 địa phương vì thế cần thuê tư vấn xứng tầm, qui hoạch bài bản, tránh tình trạng 3 cây cầu bắc ngang sông vừa xây xong đã lạc hậu. Tuyến du lịch này không chỉ là giao thông trên đường sông, mà còn là cảnh quan 2 bên sông, các tuyến đường bộ kết nối, các khu đô bị xung quanh, thậm chí cả đường sắt Đà Nẵng- Hội An. Do đó phải có qui hoạch sâu, bài bản, đúng tầm ngay từ ban đầu nếu không sẽ khó khớp nối. Ông Nghĩa nhấn mạnh, có qui hoạch đúng tầm mới phát triển bền vững được. Cùng quan điểm, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam Nguyễn Ngọc Quang cho biết cần phải thống nhất việc khớp nối qui hoạch toàn tuyến sông Cổ Cò từ Đà Nẵng tới Hội An qua đô thị Điện Nam- Điện Ngọc. Ngoài nạo vét khơi thông sông còn đi liền với giao thông 2 bên bờ, hệ thống công viên, cây xanh để có một tuyến du lịch đường sông đẳng cấp đúng nghĩa. Thậm chí những cây cầu bắc ngang sông cũng phải có sự thống nhất về địa điểm, tiêu chuẩn kỹ thuật, độ tĩnh không...
Liên quan tới dự án làng đại học 300 ha nằm giữa 2 địa phương, ông Đinh Văn Thu cho biết hiện nay nguồn vốn thực hiện chưa rõ từ đâu. Trong khi đó, với mặt bằng 190 ha ở Quảng Nam, phải giải tỏa 2.000 hộ dân, cần phải xây dựng khu tái định cư 35 ha, nhưng chưa có vốn. Ông Huỳnh Đức Thơ cũng nói rằng, Chính phủ, 2 địa phương rất quyết tâm với dự án này, nhưng vướng ở nguồn vốn giải phóng mặt bằng hơn 3 ngàn tỷ đồng chưa xử lý được. Ông Nguyễn Ngọc Quang cho rằng, 2 địa phương cần kiến nghị Trung ương, nếu Trung ương chỉ rõ sử dụng nguồn vốn nào để triển khai dự án thì 2 địa phương sẽ ứng vốn làm trước. Theo lãnh đạo Đại học Đà Nẵng, lúc qui hoạch làng đại học này cho 30 ngàn sinh viên của ĐHĐN, nhưng hiện nay ĐHĐN đã 47 ngàn sinh viên. Việc sớm triển khai dự án này là cần thiết. Hiện ĐHĐN đã làm xong đề án qui hoạch và gửi về Bộ Xây dựng thẩm định. Xác định nguồn vốn cho dự án này rất khó khăn, vì thế ông Trương Quang Nghĩa cho rằng, cần tính đến phương án đô thị đại học thông minh, nhiều tiện ích bên cạnh làng đại học 300 ha. Chính dự án vệ tinh này sẽ hỗ trợ đẩy mạnh dự án làng đại học, giống như cách làm của Singapore. Việc trước mắt, ông Nghĩa đề nghị 2 địa phương thống nhất việc đền bù giải tỏa, tránh tình trạng cùng một dự án 2 địa phương lại áp mức giá đền bù khác nhau.
Ngoài tuyến đường ven biển nối Đà Nẵng - Hội An, lãnh đạo Đà Nẵng cũng đề nghị Quảng Nam sớm đầu tư mở rộng tuyến đường Trần Đại Nghĩa (mặt cắt Đà Nẵng 48m nhưng qua địa phận Quảng Nam nhỏ hơn nhiều). “Đây là tuyến đường huyết mạch, lưu lượng phương tiện lớn, nếu làm được đoạn còn lại thì Đà Nẵng với Hội An gần như là một”- ông Thơ nói. Ông Đinh Văn Thu cho biết, Quảng Nam xác định đây là tuyến đường rất quan trọng, đi thẳng từ Đà Nẵng qua Hội An, Chu Lai tới Quảng Ngãi. Nếu so với đi QL1 thì tuyến đường này đi Quảng Ngãi gần hơn, lại không vướng trạm thu phí nào, vì thế lưu lượng xe sẽ rất lớn. Đặc biệt xe tải, container từ cảng Đà Nẵng sẽ đi tuyến đường này, giảm tải cho đường ven biển. Vì lý do đó, Quảng Nam cũng đang tích cực thực hiện công tác giải phóng mặt bằng, dự kiến tháng 7 này xong thì sẽ thi công ngay, khả năng cuối 2019 thì tuyến đường này sẽ là tuyến chính đi từ Đà Nẵng tới Hội An. Ông Thơ cho biết sắp tới Đà Nẵng sẽ mở tuyến xe buýt nhanh có trợ giá từ sân bay Đà Nẵng về Hội An nhằm tăng tính kết nối. Phía Quảng Nam cho biết tại khu vực cuối tuyến đường Lê Văn Hiến nối vào tới Hội An hiện còn khu đất hơn 30 ha được qui hoạch bến xe, nếu tuyến xe buýt nhanh từ Đà Nẵng tập trung về đây sẽ rất thuận tiện, vì thế sẽ cho triển khai sớm.
Tại buổi làm việc, lãnh đạo 2 địa phương cũng bàn đến việc quản lý nguồn nước hệ thống sông Vu Gia, Thu Bồn; phát triển các tuyến đường 14 G, B, D; chia sẻ kinh nghiệm về phát triển hạ tầng CNTT; xúc tiến thu hút đầu tư và quảng bá du lịch chung... Lãnh đạo 2 địa phương đã thống nhất thành lập Ban Điều phối gồm Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam và Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng, định kỳ 6 tháng cùng gặp gỡ giải quyết các vấn đề vướng mắc liên quan.
HẢI HẬU
Theo Báo CAĐN
Các bản tin khác
- Dự kiến giảm mạnh phí đăng ký doanh nghiệp
- Lấy ý kiến doanh nghiệp về 2 dự thảo luật
- Chấn chỉnh hoạt động giao dịch và kinh doanh bất động sản
- Cải tạo và nâng cấp 5 bãi tắm nước ngọt dọc biển
- Cải tạo cụm nút giao thông phía Tây cầu Rồng chống ùn tắc giao thông
- Các khách sạn ven biển Đà Nẵng bị cảnh báo về xả thải
- Dân Đà Nẵng lo không trả nổi nợ khi tiền sử dụng đất tính theo giá hiện hành
- Đà Nẵng đề xuất làm hầm qua sân bay để chống ùn tắc
- Cấm văn phòng thừa phát lại lập vi bằng mua nhà đất
- Xuân Thiều sẽ chuyển mình thành khu nghỉ dưỡng đẳng cấp phong cách “Made in Japan”
- Chủ tịch CLB bóng đá Tottenham Hostpur muốn đầu tư bến du thuyền tại Đà Nẵng
- Đà Nẵng công bố quy hoạch năm lối xuống biển qua khu resort
- Xu thế tất yếu
- Đồng thuận điều chỉnh quy hoạch phát triển không gian công cộng
- Đất nền Đà Nẵng rớt giá, giao dịch ảm đạm
- Xử lý hành chính để thực hiện quyết định thu hồi đất triển khai dự án ở Hòa Xuân
- Hướng dẫn chính sách về nhận quyền sử dụng đất để sản xuất, kinh doanh
- Giảm giao dịch, giá vẫn cao sau 'sốt' đất
- Nhiều thủ đoạn "thổi" giá bất động sản
- Tập đoàn Ise Foods (Nhật Bản) xúc tiến đầu tư tại Đà Nẵng