43 năm sau ngày giải phóng, nhất là sau khi trở thành đô thị trực thuộc Trung ương, Đà Nẵng có những bước tiến dài trong việc xây dựng một hình hài đô thị theo hướng hiện đại.
ửi tin qua Email In bài viết này
Đà Nẵng hôm nay. Ảnh: THANH TÌNH |
Từ không gian đô thị rộng mở
Nếu như trước đây phần nội thị với quy mô khoảng 5.600ha, đến nay ranh giới nội thành đã là 6 quận trung tâm với diện tích hơn 24.000ha. Nếu như ngày mới giải phóng, Đà Nẵng chỉ là thành phố nhỏ thuộc tỉnh mà không mấy ai biết đến thì giờ đây trở thành đô thị loại 1 trực thuộc Trung ương, là điểm đến duy nhất ở Việt Nam lọt vào danh sách 10 điểm đến đáng sống ở nước ngoài năm 2018 do tạp chí du lịch nổi tiếng Live and Invest Overseas (LIO) bình chọn.
Cây cầu Sông Hàn đã đi vào lịch sử thành phố, là dấu ấn khắc lên hình ảnh từ những khu làng chài Nại Hiên, Nam Thọ... nép mình bên bờ cát bỗng trỗi dậy với những khu du lịch và khu đô thị đẳng cấp quốc tế. Khu nhà chồ lụp xụp ven sông nay đã được thay bằng những ngôi nhà cao tầng chen nhau mọc lên.
Con đường Nguyễn Tất Thành được vạch ra ôm trọn vùng biển phía tây thành phố, tạo nên cung đường ven biển vừa thơ mộng vừa làm sống lại tiềm năng du lịch của cho một vùng quê nghèo như Hà Khê, Nam Ô...
Việc mở rộng đô thị đã tạo thêm không gian ở, khai thác quỹ đất, xây dựng đô thị có cơ cấu sử dụng đất khá hoàn chỉnh. Kết quả chỉnh trang đô thị từ năm 1997 đến nay đã thu hồi đất và triển khai hơn 1.300 dự án với tổng diện tích hơn 17.000ha.
Ngoài ra, thành phố đã phối hợp và đạt thỏa thuận với tỉnh Quảng Nam, tỉnh Thừa Thiên Huế về quy hoạch xây dựng vùng giáp ranh theo hướng phát triển liên kết vùng, mở rộng không gian phát triển kinh tế vượt ra khỏi địa phận hành chính, khơi sông Cổ Cò hay quy hoạch Bạch Mã - Lăng Cô - Hải Vân - Non Nước trở thành vùng trọng điểm của du lịch quốc gia tại miền Trung.
Hầu hết những vùng đất được khai phá, mở mang đã và đang tiếp tục được đầu tư xây dựng, không chỉ dừng lại ở mục tiêu tạo tiền đề cho phát triển kinh tế mà cấu trúc không gian đô thị Đà Nẵng vẫn giữ được hình hài nên thơ của một thành phố bên núi, bên sông hài hòa và sâu lắng.
Hạ tầng kỹ thuật tương xứng với đô thị hiện đại
Kiên trì với quan điểm lấy phát triển kết cấu hạ tầng, đặc biệt là hạ tầng giao thông làm khâu đột phá, hệ thống kết cấu hạ tầng kỹ thuật đô thị đã phát triển mạnh và khá đồng bộ.
Và đây chính là những con số biết nói: khi mới chia tách khỏi tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng (cũ), thành phố chỉ có trên 100 con đường, với tổng chiều dài gần 300km thì nay Đà Nẵng có gần 2.000 con đường trong đó nhiều trục cảnh quan xứng tầm một đô thị hiện đại với tổng chiều dài trên 1.200km; đã có 9 chiếc cầu bắc qua dòng sông Hàn thơ mộng; đặc biệt không chỉ những cây cầu phục vụ cho việc đi lại mà đã trở thành điểm nhấn kiến trúc đô thị có tính biểu trưng cao, tạo nên danh hiệu “thành phố với những chiếc cầu” tiêu biểu nhất Việt Nam.
Các trục đường cảnh quan rộng mở, trục Hoàng Sa-Võ Nguyên Giáp-Trường Sa, Võ Văn Kiệt, Phạm Văn Đồng… trở thành những tuyến cảnh quan ấn tượng ghi đậm dấu ấn trong lòng du khách. Các trục giao thông huyết mạch ĐT 605, ĐT 601, trục I Tây Bắc, đường Võ Chí Công, đường Hoàng Văn Thái, đường vành đai phía Nam… góp phần kết nối giao thông thông suốt, đưa những vùng đất xa xôi trước đây trở nên thật gần, chỉ hơn một giờ đi xe máy là có thể đến với phố thị.
Nếu như trước đây, đường phố Đà Nẵng hiu hắt với một vài con phố được thắp sáng bằng đèn cao áp, thì nay tỷ lệ chiếu sáng đạt trên 98% đường phố đô thị.
Nhiều cây cầu, những tòa nhà cao tầng và những tuyến đường phố chính dần được chiếu sáng bằng công nghệ đèn Led hiện đại. Để rồi thử một lần ngắm nhìn quang cảnh Đà Nẵng về đêm từ đỉnh Sơn Trà, chúng ta sẽ thấy bức tranh thành phố thực sự lung linh với nhiều sắc màu không thua kém gì những thành phố hiện đại trên thế giới.
Các công trình giao thông đầu mối như sân bay, bến cảng, ga đường sắt và đường quốc lộ đều được nâng cấp xứng tầm quốc tế. Dự án hầm đường bộ qua đèo Hải Vân, những nút giao thông hiện đại được triển khai (hầm chui Nguyễn Tri Phương - Điện Biên Phủ - Lê Độ, nút giao phía tây cầu Sông Hàn, cầu vượt ngã ba Huế…) đã giải quyết cơ bản cho bài toán tổ chức vận tải lâu dài của thành phố.
Nếu như trước đây, người dân canh cánh lo âu trước cảnh nắng bụi mưa lầy, thì nay mạng lưới thu gom nước thải gần như được phủ kín toàn bộ khu vực đô thị, được kết nối đến các công trình xử lý nước thải, đảm bảo ổn định điều kiện sinh hoạt cho người dân.
Đặc biệt dự án thu gom nước thải ven biển với quy mô nghìn tỷ đồng, trung tâm xử lý chất thải rắn với công nghệ tiên tiến nhất sắp được triển khai hứa hẹn mang lại những bãi tắm sạch, môi trường trong lành, xứng danh là thành phố có một trong những bãi biển quyến rũ nhất hành tinh.
Tất cả được đầu tư bằng những nỗ lực của chính quyền, huy động mọi nguồn lực xã hội và sự đồng thuận của người dân luôn khát khao với sự đổi mới, bảo đảm sự đồng bộ về hạ tầng kỹ thuật cho “thành phố đáng sống” với quy mô trên 2 triệu dân trong tương lai không xa.
Tiện ích đô thị không ngừng được nâng cao
Cùng với công tác quy hoạch mở mang quy mô đô thị, thành phố chú trọng đáp ứng điều kiện hạ tầng xã hội đảm bảo các vấn đề về an sinh xã hội. Nếu như trước đây, thành phố chỉ có vài cơ sở khám chữa bệnh công lập với quy mô và chất lượng thấp thì nay Đà Nẵng có 19 bệnh viện đa khoa và chuyên khoa, 11 bệnh viện và trung tâm y tế quận, huyện, 47 trạm y tế xã phường với gần 7.000 giường bệnh, nhiều cơ sở khám chữa bệnh đẳng cấp quốc tế, nhiều tiến bộ khoa học kỹ thuật hiện đại được áp dụng góp phần vào sự nghiệp chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân.
Toàn thành phố hiện có 354 ngôi trường với 159 thư viện đạt chuẩn, là địa phương đi đầu hoàn thành mục tiêu phổ cập cấp 1 và từng bước tiến đến chuẩn hóa các bậc giáo dục. Các công trình lĩnh vực văn hóa được chú trọng đầu tư như:
Bảo tàng Đà Nẵng, Bảo tàng Mỹ thuật, Nhà hát Tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh, Nhà Văn hóa Lao động, Cung Thiếu nhi, Bảo tàng Điêu khắc Chăm, Thư viện Khoa học tổng hợp, Khu liên hợp thể dục thể thao Hòa Xuân… là những dự án vừa tạo diện mạo đô thị mới đồng thời góp phần nâng tầm cho một thành phố đáng sống.
Nói đến thành công của chặng đường đã qua, không thể không nhắc đến thành quả của chủ trương “Nhà nước và nhân dân cùng làm”, chính nhờ sự đồng thuận của người dân mà đến nay thành phố đã có trên 300 khu dân cư, khu đô thị khang trang được đầu tư xây dựng đồng bộ hạ tầng kỹ thuật, đặc biệt hơn 10.600 căn hộ chung cư, nhà ở xã hội trong chương trình “Có nhà ở” đã mang lại thương hiệu cho thành phố.
Bên cạnh đó, thành phố đã thực hiện tái định cư cho hơn 110.000 hộ dân có liên quan đến giải tỏa. Tất cả góp phần đảm bảo điều kiện an cư, mở ra cơ hội cho mọi người dân lập nghiệp.
Hướng tới một siêu đô thị mang tầm cỡ quốc tế
Tự hào là vậy nhưng không tự mãn với những gì đạt được, nhìn về tương lai vẫn còn đó nhiều trăn trở, phía trước không chỉ là khát vọng mà cần lắm những tư duy đột phá, những viễn kiến mang tầm chiến lược.
Mặc dù Đà Nẵng đã được mở mang đủ tầm, đủ sức và đủ rộng, bộ khung hạ tầng mở ra các hướng với nhiều hoạch định, thì mục tiêu song hành đặt ra là công cuộc tái thiết đô thị, đòi hỏi hình hài kiến trúc đẹp hơn, mang lại cho nhân dân cuộc sống chất lượng hơn và thành phố phát triển bền vững hơn.
Để làm được điều đó rất cần tầm nhìn xa, giải pháp quy hoạch, xây dựng và quản lý đô thị một cách đồng bộ.
Đây không phải là một mục tiêu xa vời, bởi đã được thành phố trù tính thông qua một đề án mang tầm chiến lược “Đề án thành phố môi trường”.
Cùng với đó là việc cần sớm rà soát và điều chỉnh quy hoạch một cách thận trọng với những giải pháp khoa học. Song song với việc khai thác hiệu quả tài nguyên tự nhiên, xác lập mô hình đô thị phù hợp nhưng phải bảo đảm các tiêu chí của thành phố môi trường và khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu là những gì cần được chú trọng.
Hay như việc tạo dựng không gian đô thị hiện đại, tiện ích sống ngày càng cao nhưng đảm bảo phát huy và gìn giữ giá trị văn hóa bản địa là một bài toán khó rất cần lời giải từ các nhà hoạch định tương lai. Xây dựng kế hoạch, lộ trình thực hiện cụ thể đối với từng khu vực, sự linh hoạt để bảo đảm thích ứng với thị trường kinh tế nhưng phải kiên định với những mục tiêu, định hướng mang tính tổng thể đã được định hình từ quy hoạch chung.
Và hơn hết, thành phố cần xác định rõ định hướng phát triển trong mối tương quan tổng thể của vùng và quốc gia, tận dụng được sức mạnh liên kết vùng, vừa tạo động lực cho khu vực phát triển đồng thời tạo ra nhiều không gian kinh tế cho Đà Nẵng mở mang. Có như thế, 43 năm đi qua và những năm kế tiếp, Đà Nẵng sẽ thực sự nhích gần đến với mục tiêu trở thành siêu đô thị, sẽ là động lực của miền Trung-Tây Nguyên, sẽ xứng tầm với các đô thị lớn trong khu vực.
KTS TÔ HÙNG
Theo Báo Đà Nẵng
Các bản tin khác
- BĐS cận giang, xu hướng mới của giới thương lưu
- Khách hàng chen chân dự Lễ giới thiệu Tổ hợp Cocobay của Phú Quý Land
- Địa ốc Đà Nẵng được dự báo tăng giá
- Bất động sản du lịch tăng trưởng mạnh
- Dự án Hòa Bình Green Đà Nẵng cam kết lợi nhuận với nhà đầu tư
- Jungdo Unit muốn biến Đà Nẵng trở thành đô thị phức hợp thông minh
- Savills Việt Nam mở văn phòng tại Đà Nẵng
- Lộ diện những "tay chơi mới" làm nóng thị trường bất động sản
- Cấp sổ đỏ qua mạng, kê khai như thế nào?
- Đầu tư căn hộ cho thuê: Hấp dẫn nhưng rủi ro
- Việt kiều có được đứng tên quyền sử dụng đất?
- InterContinental Đà Nẵng được vinh danh là "Khách sạn 5 sao hàng đầu Việt Nam"
- "Nóng" khách sạn ven biển
- InterContinental Danang Sun Peninsula Resort được vinh danh là “Khách sạn 5 sao hàng đầu Việt Nam”
- Cuối năm, nhiều cơ hội cho người trẻ mua nhà
- Nhu cầu mua nhà phố tăng vọt vì biến động giá vàng
- Sunland mở bán đợt mới khu đô thị sinh thái Nam Hoà Xuân, chiết khấu 8%, giá chỉ 570 triệu/nền
- Đừng mơ bán nhà cho Tây nếu không nắm 6 điều này
- Lợi nhuận từ 12,5% một năm với Boutique Hotel Cocobay Đà Nẵng
- Kịch bản nào cho thị trường bất động sản nửa cuối 2016?