Gió thổi hiu hiu, nước xanh leo lẻo; rừng tre thâm thẫm, bãi cát sáng ngời; đã vui mừng gió thuận buồm xuôi, lại hớn hở gần ngày về nước. Tấc lòng khoan khoái, biết lấy chi cân... Bỗng chốc đã thấy núi Tam Thai trước mắt... Kế lên thuyền, mở neo chưa bao lâu, mặt trời đã về tối.
Thuyền do sông nhánh đi đường tắt, nước ròng cạn, bị thuyền lương ngáng đường, quân-nhân nhảy xuống bùn lầy, kéo đẩy không nhúc nhích. Nội-Giám giận đánh lung tung, quân-nhân nỗ lực vác thuyền đẩy đi. Qua canh hai, đến bờ Hội-An (tr. 146-147)(1).
Hình ảnh tuyến sông Cổ Cò trong định hướng quy hoạch chung xây dựng thành phố Đà Nẵng đến năm 2030 tầm nhìn 2050. (Nguồn: Viện Quy hoạch Xây dựng Đà Nẵng) |
Trên đây là đoạn trích từ tác phẩm nổi tiếng Hải ngoại kỷ sự của thiền sư Thích Đại Sán khi ông được Chúa Nguyễn Phúc Chu mời sang thăm năm 1695.
Sông Cổ Cò- cánh tay nối tiền cảng Đà Nẵng với cảng thị Hội An
Con sông mà Đại Sán mô tả là Lộ Cảnh Giang, nay là sông Cổ Cò. Mặc dù vào thời của Đại Sán sông đã có phần bị bồi lấp nhưng nó vẫn còn là một tuyến thủy lộ quan trọng nối Đà Nẵng và Hội An. Không chỉ có Đại Sán, các tác giả khác như Christoforo Borri hay John Barrow đều nhận ra vai trò quan trọng của sông Cổ Cò trong việc gắn kết Hội An và Đà Nẵng.
Điều thú vị là về mặt lịch sử, hai địa danh Hội An-Đà Nẵng thường được coi như một. Borri cho biết “Hội An và Đà Nẵng là hai cửa biển khác nhau nhưng ở gần nhau và giao thông với nhau dễ dàng, nên người Âu châu coi là một hải cảng duy nhất với hai ngã vào và gọi tên chung là hải cảng Quảng Nam (Port de la Province de Cacciam: hải cảng tỉnh Kẻ Chiêm)”(2), Một nguyên nhân cho sự nhận thức này có lẽ bởi Đà Nẵng đã là tiền cảng cho Hội An.
Bản đồ do của Le Floch de la Carriere vẽ cho thấy sông Cỏ Cò được ghi là Bras du Mer de Touranne a Fayfo - cánh tay nối tiền cảng Đà Nẵng với cảng thị Hội An. Như vậy về mặt lịch sử và địa lý, Đà Nẵng đã tồn tại trong mối quan hệ vùng với Hội An.
Hồi sinh dòng sông lịch sử
Trải qua thời gian và với sự bồi lắng, lũ lụt và xâm phạm của con người, dòng sông đã bị bồi lấp nhiều đoạn. Nhận thức về sự cần thiết phải hồi sinh lại dòng sông lịch sử để gắn hai thành phố trong mối quan hệ vùng, chính quyền hai địa phương Quảng Nam và Đà Nẵng từ năm 2013 đã thống nhất cùng khai thông tuyến sông Cổ Cò, biến con sông này thành một trục giao thông đường thủy quan trọng phục vụ nhu cầu du lịch.
Trong những năm vừa qua, các bản quy hoạch của Đà Nẵng và Quảng Nam đều đề cập đến việc nạo vét khơi thông con sông lịch sử này. Năm 2004-2005, thành phố Đà Nẵng đã lập quy hoạch chi tiết bình đồ tuyến sông với bề rộng 80-120m.Trong bản Quy hoạch chung thành phố Đà Nẵng thực hiện năm 2002 và trong Quy hoạch chung thành phố Đà Nẵng đến năm 2030 tầm nhìn 2050 thực hiện năm 2013, vai trò của tuyến sông Cổ Cò được khẳng định và đề cao.
Về phía tỉnh Quảng Nam, trong Quy hoạch chung khu đô thị mới Điện Bàn đến năm 2020 tầm nhìn 2030 ghi nhận vai trò của dòng sông này. Trong bản đồ định hướng này, tuyến sông cũng rất rõ ràng, thậm chí trong bản đồ khớp nối chi tiết quy hoạch khu đô thị mới Điện Nam - Điện Ngọc dòng sông được khẳng định rõ, phần đất đã đắp ven hồ sen của những dự án đô thị cũng được giải phóng để trả lại mặt nước cho dòng sông.
Ở cực phía nam của dòng sông, trong định hướng quy hoạch chung thành phố Hội An đến năm 2030 (3), sông Cổ Cò được ghi nhận là dòng sông quan trọng về môi trường và tuyến giao thông đường thủy kết nối toàn bộ vùng tây bắc thành phố Hội An.
Tuy nhiên, không chỉ nên xem dự án khơi thông dòng sông Cổ Cò thuần túy như là một dự án du lịch mà phải coi đây là một cơ hội để phát triển vùng đô thị phía bắc sông Thu Bồn. Tức là đặt lại Đà Nẵng trong mối quan hệ vùng như nó đã từng có với Hội An.
Thành phố mới ven sông Cổ Cò
Nếu để thành phố Đà Nẵng và Hội An tự tồn tại riêng lẻ sẽ không phát huy được thế mạnh của mình, đồng thời không thể giải quyết vấn đề kinh tế, xã hội và văn hóa mà hai đô thị đang gặp phải. Thế mạnh của Hội An là một đô thị có bản sắc, là thành phố di sản văn hóa thế giới được UNESCO công nhận.
Thế mạnh của Đà Nẵng là một thành phố có cơ sở dịch vụ, hạ tầng kỹ thuật hoàn chỉnh, có cảnh quan thiên nhiên đa dạng và hấp dẫn. Nhưng Đà Nẵng và Hội An không thể đứng riêng. Đà Nẵng cần đa dạng hóa hơn nữa cơ cấu kinh tế của mình, tránh việc phụ thuộc quá nhiều vào du lịch như hiện nay. Hội An ngược lại cần phải có nơi hấp thu bớt áp lực xây dựng.
Bản đồ do Floch de la Carriere vẽ mô tả Lộ Cảnh Giang năm 1745. |
Lời giải cho bài toán này là xây dựng tại một nơi nào đó giữa Hội An và Đà Nẵng, một nơi vừa hấp thu áp lực phát triển cho Hội An vừa là một động lực kinh tế cho Đà Nẵng và toàn vùng bắc sông Thu Bồn.
Xây dựng một thành phố mới ven sông nằm giữa hai đô thị Đà Nẵng và Hội An tạo ra một tác động qua lại và lan tỏa, giúp tạo nên động lực cho sự phát triển Vùng đô thị Đà Nẵng – Hội An.
Ở đây tôi cũng muốn nhấn mạnh, thành phố mới ven sông Cổ Cò không phải là một quận mới của Đà Nẵng hay Hội An, mà phải là một thành phố tách biệt, ngăn cách với Đà Nẵng và Hội An bằng một vành đai xanh.
Có duy trì được ba thành phố riêng biệt với giải cây xanh cách ly (green belt) mới đảm bảo được mức độ hỗ trợ qua lại của các thành phố (synergy). Tại thành phố mới này, công tác quy hoạch đô thị sẽ áp dụng những những phương pháp quy hoạch đô thị tiên tiến nhất như: quy hoạch theo định hướng giao thông công cộng (TOD), nhượng quyền phát triển (TDR), phát triển gọn (compact development), phát triển sử dụng đất hỗn hợp, vành đai xanh đô thị (UGB - urban green belt) v.v…
Một trong những phương pháp có thể giải quyết phần nào vấn đề bảo tồn bản sắc cho Hội An và cung cấp một đầu tàu kinh tế cho Đà Nẵng là phương pháp Nhượng quyền phát triển.
Vào cuối những năm 60, Công ty Đường sắt Penn Central muốn xây dựng một tòa nhà 53 tầng bên trên nhà Ga Penn Central của thành phố New York, đây là một công trình kiến trúc rất có giá trị lịch sử, một di tích cảnh quan được bảo vệ.
Tuy nhiên, thành phố New York cho rằng công trình cao tầng xây bên trên nhà ga Penn Central sẽ phá vỡ giá trị lịch sử và kiến trúc của nhà ga nên họ buộc Công ty Penn Central chuyển quyền phát triển sang khu đất bên cạnh, tức là xây dựng ngay tại khu đất bên cạnh.
Phương pháp Nhượng quyền phát triển có thể dùng được trong các trường hợp cần bảo tồn không gian lịch sử, không gian xanh hoặc đất nông nghiệp như trường hợp của Hội An. Mặc dù quá trình thực hiện nhượng quyền phát triển khá phức tạp trong ứng dụng, khái niệm của nó khá đơn giản.
Nói một cách ngắn gọn, muốn thực hiện Nhượng quyền phát triển cần có hai vùng: vùng nhận và vùng gửi quyền phát triển theo qui hoạch của thành phố. Quyền phát triển sẽ được chuyển từ vùng gửi sang vùng nhận.
Số lượng của các đơn vị trong vùng gửi được dựa trên khả năng xây dựng và dự trữ đất của vùng nhận. Vùng nhận được sẽ có mật độ xây dựng cao hơn phù hợp với mục đích phát triển kinh tế.
Bằng cách sử dụng phương pháp này, nhà nước thực hiện được công tác bảo tồn lịch sử đồng thời giữ nguyên mật độ xây dựng tại khu phố cổ Hội An. Một lợi ích khác là các hộ dân thu được lợi nhuận từ bán quyền phát triển.
Các nhà đầu tư vẫn đảm bảo được lợi ích kinh doanh của mình thông qua việc mua quyền phát triển và xây dựng tại vùng nhận. Cuối cùng, áp dụng phương pháp Nhượng quyền phát triển giúp cho việc tìm nguồn tài chính để bảo tồn không gian xanh và các công trình có giá trị lịch sử trong hoàn cảnh ngân sách đang ngày càng bị thu hẹp. Như vậy nhượng quyền phát triển là một biện pháp sử dụng thị trường cho mục tích bảo tồn.
Như vậy, thành phố mới trên sông Cổ Cò sẽ được coi như vùng nhận quyền phát triển trong khu phố cổ Hội An. Chỉ có khác ở đây vùng nhận là một thành phố mới, không phải nằm ở ngoại vi Đà Nẵng hay Hội An.
Về mặt chính sách, thành phố mới này có thể trở thành một Urban Enterprise Zone(4) (khu vực kinh tế đặc biệt), trong đó áp dụng các chính sách cởi mở hơn để nuôi dưỡng sự sáng tạo, trở thành một trung tâm sáng tạo của miền Trung.
Qua hình dung của tác giả, thành phố ven sông Cổ Cò này phải là thành phố cung cấp các dich vụ chất lượng cao, một thành phố dựa trên nền kinh tế tri thức trong đó có các trung tâm dịch vụ tài chính, nghỉ dưỡng, chăm sóc sức khỏe, công nghệ cao, các trường đại học, các viện nghiên cứu có chất lượng cao.
Nhìn nhận vấn đề đô thị của Đà Nẵng trong mối quan hệ vùng, để hiểu rằng, Đà Nẵng phải quay lại với Hội An như hai thành phố đã từng phát triển với nhau suốt chiều dài lịch sử. Từ mối quan hệ vùng này, sự ra đời của một đô thị ven sông Cổ Cò với chức năng của một đô thị hiện đại, giàu bản sắc, nơi cuộc sống có chất lượng cao nhất dường như là một tất yếu.
TS. Nguyễn Hồng Ngọc
(*)Khoa Kiến trúc, Trường Đại học Bách Khoa - Đại học Đà Nẵng
(1)Thích Đại Sán, Hải ngoại kỷ sự, (Huế: Viện Đại học Huế - Ủy ban phiên dịch sử liệu Việt Nam, 1963).
(2)Cristoforo Borri, Xứ Đàng Trong năm 1621, (Hồng Nhuệ Nguyễn Khắc Xuyên, Nguyễn Nghị dịch và chú thích), (TPHCM: TPHCM, 1998), 92, 91
(3)Đã được thông qua bởi Hội đồng Nhân dân thành phố Hội An
(4)Hall, Peter. 1991. Cities of Tomorrow: An Intellectual History of Urban Planning and Design in the Twentieth. Oxford: Blackwell
Các bản tin khác
- Elysia Complex City rót 10 tỷ xây công viên ven sông Hàn
- Người dân tăng mạnh vay vốn cho bất động sản
- Đầu tư quần thể bệnh viện quốc tế chất lượng cao
- Ồ ạt xin điều chỉnh quy hoạch
- Sun Group ưu đãi lớn dịp ra mắt Sun Premier Village Kem Beach Resort
- Nhà đầu tư ngoại đua thâu tóm dự án bất động sản
- Nhà đầu tư sốt sắng mua đất nền đẹp nhất Nam Đà Nẵng
- Đầu tư 4 cao ốc phục vụ khai thác Lễ hội pháo hoa quốc tế Đà Nẵng
- Đà Nẵng có khu nghỉ dưỡng lần thứ 4 được vinh danh sang trọng nhất Châu Á
- GIá bất động sản ở Tây Bắc Đà Nẵng tăng ổn định
- Print Địa ốc First Real mở bán thành công dự án Khu đô thị thương mại biển Sea View
- Nhân tố mới tại triển lãm bất động sản Việt Nam 2017
- DIFF 2017 . Ba đội Anh, Úc, Ý vào chung kết DIFF 2017
- Chuyên gia tiết lộ bí quyết lật tẩy giá đất tăng ảo
- Khai trương đoạn đường ẩm thực Lê Thanh Nghị
- Đón mùa du lịch với nhiều sản phẩm mới lạ
- Ra mắt dự án đẹp nhất khu Nam Đà Nẵng
- Những vấn đề cần quan tâm khi mua nhà tại dự án sắp bàn giao
- Bất động sản Việt Nam vẫn là “miền đất hứa”
- Quy hoạch du lịch Sơn Trà: Khai thác song hành cùng bảo tồn