Đà Nẵng là thành phố du lịch với lượng khách đến tham quan tăng mạnh qua từng năm, thế nhưng hiện nay thành phố đang thiếu những khu chợ đêm được quy hoạch và đầu tư xây dựng thực sự quy mô, bài bản.
Để giải bài toán này, năm 2018, UBND thành phố chỉ đạo các địa phương nhanh chóng triển khai phương án hình thành một số khu phố, chợ đêm nhằm tạo ra những “điểm nhấn” hấp dẫn, đặc sắc cho du khách; góp phần thúc đẩy du lịch thành phố phát triển bền vững và chuyên nghiệp hơn.
Với thành phố du lịch như Đà Nẵng, việc hình thành các khu chợ đêm là cấp thiết để tạo sản phẩm độc đáo, hấp dẫn du khách. Trong ảnh: Đường Trần Bạch Đằng (nằm ở khu phố du lịch An Thượng) luôn đông khách nước ngoài. |
Hoàn tất phương án quy hoạch các chợ đêm
Các quận: Sơn Trà, Ngũ Hành Sơn, Hải Châu, Thanh Khê là những địa bàn được thành phố ưu tiên quy hoạch các chợ đêm để phục vụ du lịch. UBND quận Hải Châu cho biết, đến thời điểm này quận đã thống nhất lựa chọn phương án đầu tư Phố đi bộ và chợ đêm Đà Nẵng.
Phương án này đang trình UBND thành phố phê duyệt, nhưng theo ông Lê Anh, Chủ tịch UBND quận Hải Châu, qua nhiều năm nghiên cứu và rút kinh nghiệm từ những khu chợ đêm bị “thất bại” trước đây như chợ đêm ở đường Hùng Vương, chợ đêm gần chợ Hàn, chợ đêm khu vực siêu thị Nguyễn Kim (đường Điện Biên Phủ)…, phương án quận chọn rất khả thi vì tính quy mô, chuyên nghiệp, sát với thực tiễn trong từng phân khúc xây dựng.
Theo tìm hiểu của phóng viên, Phố đi bộ và Chợ đêm Đà Nẵng dự kiến được hình thành với diện tích 21.000m2, kéo dài khoảng 1.000m, bắt đầu từ đoạn cầu Rồng (đối diện Công viên APEC) tới cầu Nguyễn Văn Trỗi với kinh phí khoảng 40 tỷ đồng, được quy hoạch các phân khu cụ thể.
Để bảo đảm chỗ đỗ xe cho khách đến tham quan tại Phố đi bộ và chợ đêm, phương án thiết kế đưa ra 5 điểm đậu, đỗ xe; bố trí khu đất trống 2.000m2 để làm điểm tập kết cho các gian hàng di động. Ngoài các thiết kế như trên, việc xử lý nước thải, vệ sinh công cộng, hệ thống điện chiếu sáng, lực lượng bảo vệ, PCCC… có từng phương án xử lý cụ thể.
Cùng với quận Hải Châu, UBND quận Sơn Trà xây dựng kế hoạch hình thành khu chợ đêm từ cách đây 2 năm. Sau nhiều lần điều chỉnh, đến nay về cơ bản quận đã hoàn tất phương án tối ưu. Chợ đêm Sơn Trà sẽ được hình thành tại khu vực gần cầu Rồng (trên 2 đoạn đường Mai Hắc Đế và Lý Nam Đế), qua 2 giai đoạn.
Giai đoạn 1, triển khai thí điểm ở 2 đoạn đường trên với tổng chiều dài 220m; giai đoạn 2 sẽ mở rộng thêm 150m trên đường Mai Hắc Đế, đoạn từ ngã ba Mai Hắc Đế - Phùng Khắc Khoan đến ngã tư Mai Hắc Đế - Triệu Việt Vương và thêm 30m trên đường Lý Nam Đế.
Chợ đêm có quy mô 152 gian hàng, thời gian hoạt động 18-24 giờ hằng ngày, trong đó có 56 gian hàng kinh doanh các mặt hàng thời trang, túi xách, giày dép; 28 gian hàng ẩm thực, đồ uống giải khát và 96 gian hàng đặc sản, hải sản khô, quà lưu niệm, sách báo, tranh, ảnh và các mặt hàng tổng hợp khác. Để tạo sức hấp dẫn cho du khách, đơn vị thiết kế ngoài việc bố trí hợp lý và phong phú các gian hàng, mặt hàng, còn chú trọng đầu tư trang trí khu vực này.
Đối với địa bàn quận Ngũ Hành Sơn, việc hình thành Khu phố du lịch An Thượng (phường Mỹ An) đang được người dân và du khách mong đợi. Theo tính toán, khu phố này kéo dài từ tổ dân phố 94 đến tổ 108 với 22 tuyến đường lớn, nhỏ được xây dựng trong 3 giai đoạn.
Giai đoạn 1, trong năm 2018 sẽ tập trung hoàn thiện cơ sở hạ tầng, chốt giữ trật tự, bãi đỗ xe, hình thành các quầy thông tin… Giai đoạn 2 bắt đầu từ năm 2019-2020, tiếp tục hoàn thiện cơ sở hạ tầng, phân luồng, tổ chức giao thông, đề xuất giải tỏa khu chung cư Bắc Mỹ An làm quảng trường. Giai đoạn 3 từ năm 2020-2025, đầu tư hạ tầng ở các tuyến đường còn lại và thu hút đầu tư bãi đỗ xe ngầm.
Theo Sở Du lịch thành phố, hằng năm khu An Thượng đón trên 267.000 lượt khách du lịch, trong đó khách nước ngoài chiếm đến hơn 30% và số lượng khách quay trở lại với tỷ lệ 80-90%.
Theo UBND quận Hải Châu, khu vực chân cầu Rồng (đoạn đối diện Công viên APEC) dự kiến sẽ được quy hoạch thành Phố đi bộ và chợ đêm Đà Nẵng. Ảnh: KHÁNH HÒA |
“Cú hích” mới cho du lịch
Có thể nói, nhu cầu hình thành các khu phố đi bộ và chợ đêm đang trở nên bức thiết đối với thành phố “xác định du lịch làm mũi nhọn phát triển” như Đà Nẵng. Trong khi các địa phương và ngành chức năng rốt ráo xây dựng các phương án về chợ đêm, nhiều người dân và du khách cũng mong muốn thành phố sớm có sản phẩm du lịch mới.
Lần thứ 3 đến Đà Nẵng trong vòng 5 năm, chị Võ Bích Hương (ở Hà Nội) cho rằng, Đà Nẵng không thể không có chợ đêm vì lượng khách du lịch đến ngày càng đông. Chợ đêm không chỉ là nơi vui chơi, giải trí về đêm mà còn là địa chỉ để khách du lịch chi tiêu, thưởng thức những nét ẩm thực, văn hóa đặc sắc của người Quảng. Qua đó, góp phần giúp thành phố và người dân khai thác hiệu quả nguồn thu từ du lịch.
Còn anh Võ Đình Nam (ở Bình Định) góp ý kiến, Đà Nẵng đi sau các tỉnh, thành phố khác trong xây dựng chợ đêm nên cần làm chỉn chu, chuyên nghiệp và thực sự có hiệu quả, tránh kiểu làm “đầu voi đuôi chuột”. Các mặt hàng thiết yếu được bày bán như quần áo, giày dép… phải bảo đảm chất lượng, nên ưu tiên hàng Việt Nam chất lượng cao; các loại đồ ăn, thức uống phải đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm.
Theo ông Lê Minh Hòa, Trưởng phòng Kinh tế quận Ngũ Hành Sơn, hiện quận đang phối hợp với phường Mỹ An và các sở, ban, ngành triển khai hoàn thành dự thảo thành lập ban quản lý chợ, ban hành các quy chế về ứng xử trong khu phố.
Đi kèm đó là kết hợp công tác tuyên truyền trên các website về địa điểm Phố An Thượng để khách du lịch có thông tin.
“Chúng tôi cũng triển khai tổ chức họp dân để thông báo chủ trương của thành phố và quận, cũng như tuyên truyền về văn minh thương mại, an toàn thực phẩm và định hướng ban đầu cho người dân bán hàng chuyên doanh trên các tuyến đường.
Dự kiến ngày 2-9-2018 sẽ khai trương phố đêm An Thượng. Đúng ra phải đợi hoàn tất cơ sở hạ tầng mới khai trương, nhưng giờ mình song hành cùng lúc giữa công tác tuyên truyền với thi công hạ tầng, chủ yếu là lót vỉa hè, trồng cây xanh và ngầm hóa hệ thống điện. Việc này đang tiến hành làm nhưng chắc phải sang năm mới có vốn”, ông Hòa nói.
Riêng quận Sơn Trà, với phương án đưa ra đến nay, UBND thành phố đã đồng ý về mặt chủ trương, chỉ chờ cho phép tổ chức đấu thầu để chọn nhà đầu tư để triển khai.
Bà Nguyễn Thị Phương Mai, Trưởng phòng Kinh tế quận Sơn Trà bày tỏ: “Quận chúng tôi rất mong Chợ đêm Sơn Trà được hình thành sớm, nhằm tạo sản phẩm du lịch mới mẻ, độc đáo và trở thành cú hích thúc đẩy du lịch trên địa bàn quận phát triển hơn nữa trong những năm tới”.
Trong khi đó, ông Lê Anh kỳ vọng công trình sớm được triển khai sẽ tạo “điểm nhấn” ấn tượng cho khu vực trung tâm của thành phố. Nếu khai thác hiệu quả sẽ góp phần giải quyết việc làm, tạo thu nhập cho các hộ dân, tiểu thương trên địa bàn quận cũng như toàn thành phố.
Trao đổi với đại diện Sở Công thương thành phố, được biết, sở đang tập hợp các phương án từ các quận và trình UBND thành phố phê duyệt lần cuối cùng.
Bài và ảnh: Hoàng Linh
Các bản tin khác
- Dự kiến giảm mạnh phí đăng ký doanh nghiệp
- Lấy ý kiến doanh nghiệp về 2 dự thảo luật
- Chấn chỉnh hoạt động giao dịch và kinh doanh bất động sản
- Cải tạo và nâng cấp 5 bãi tắm nước ngọt dọc biển
- Cải tạo cụm nút giao thông phía Tây cầu Rồng chống ùn tắc giao thông
- Các khách sạn ven biển Đà Nẵng bị cảnh báo về xả thải
- Dân Đà Nẵng lo không trả nổi nợ khi tiền sử dụng đất tính theo giá hiện hành
- Đà Nẵng đề xuất làm hầm qua sân bay để chống ùn tắc
- Cấm văn phòng thừa phát lại lập vi bằng mua nhà đất
- Xuân Thiều sẽ chuyển mình thành khu nghỉ dưỡng đẳng cấp phong cách “Made in Japan”
- Chủ tịch CLB bóng đá Tottenham Hostpur muốn đầu tư bến du thuyền tại Đà Nẵng
- Đà Nẵng công bố quy hoạch năm lối xuống biển qua khu resort
- Xu thế tất yếu
- Đồng thuận điều chỉnh quy hoạch phát triển không gian công cộng
- Đất nền Đà Nẵng rớt giá, giao dịch ảm đạm
- Xử lý hành chính để thực hiện quyết định thu hồi đất triển khai dự án ở Hòa Xuân
- Hướng dẫn chính sách về nhận quyền sử dụng đất để sản xuất, kinh doanh
- Giảm giao dịch, giá vẫn cao sau 'sốt' đất
- Nhiều thủ đoạn "thổi" giá bất động sản
- Tập đoàn Ise Foods (Nhật Bản) xúc tiến đầu tư tại Đà Nẵng