Nếu như trong những năm trước đây, với các doanh nghiệp và nhà đầu tư bất động sản “tiền mặt là vua”, thì trong bối cảnh hiện nay, vị thế đã thay đổi khi doanh nghiệp nào có quỹ đất lớn sẽ làm chủ cuộc chơi.
Chiến lược thâu tóm quỹ đất
Mùa đại hội đồng cổ đông của các doanh nghiệp địa ốc năm nay, ngoài các vấn đề về kế hoạch kinh doanh, cổ tức, thì việc doanh nghiệp đang nắm giữ bao nhiêu quỹ đất, kế hoạch phát triển quỹ đất ra sao trở thành vấn đề được cả lãnh đạo doanh nghiệp và cổ đông đặc biệt quan tâm.
Đa số các khu đất vàng tại TP.HCM đều đã có chủ |
Tại Đại hội đồng cổ đông thường niên 2018 của Công ty cổ phần Phát triển nhà Thủ Đức (TDH), ông Nguyễn Vũ Bảo Hoàng, Tổng giám đốc TDH cho biết, năm nay, doanh nghiệp đặt mục tiêu tổng doanh thu 2.272 tỷ đồng, tăng 18,4% so với năm 2017. Lợi nhuận sau thuế đạt khoảng 151 tỷ đồng, tăng gần 5%.
Theo ông Hoàng, trong bối cảnh lợi thế cạnh tranh trên thị trường bất động sảnphụ thuộc rất nhiều vào việc tích lũy và tạo dựng quỹ đất, năm 2018, doanh nghiệp dự kiến dành 1.000 - 1.500 tỷ đồng để săn quỹ đất tại TP.HCM và mở rộng ra nhiều tỉnh, thành phố khác.
Cụ thể, TDH sẽ tập trung mở rộng quỹ đất tại các thành phố lớn trong cả nước, chú trọng phát triển các dự án văn phòng căn hộ dịch vụ tại các quận trung tâm TP.HCM. Ngoài ra, doanh nghiệp cũng tăng cường liên doanh với các đối tác trong và ngoài nước phát triển các dự án phức hợp, căn hộ, văn phòng, không gian thương mại.
Liên quan đến việc nắm giữ quỹ đất của TDH, mới đây, Công ty cổ phần Ngoại thương và Phát triển đầu tư TP.HCM (FDC) thông báo Nghị quyết HĐQT về việc bầu lại các chức danh HĐQT, bổ nhiệm Tổng giám đốc và Phó tổng giám đốc Tài chính kiêm Kế toán trưởng. Theo đó, ông Nguyễn Vũ Bảo Hoàng, Tổng giám đốc của TDH chính thức ngồi vào chiếc ghế Chủ tịch HĐQT của FDC, còn ông Lê Chí Hiếu, Chủ tịch HĐQT TDH nguồi vào ghế Tổng giám đốc FDC.
Theo tìm hiểu của phóng viên Báo Đầu tư Bất động sản, sở dĩ có sự thay đổi lớn về nhân sự này là bởi, thời gian qua, TDH đã thâu tóm thành công FDC. Điều đáng chú ý, trong thương vụ này, theo phân tích của giới chuyên môn, FDC là một doanh nghiệp có quỹ đất khá dồi dào, trong đó đáng chú ý là “khu đất vàng” 2.282 m2 ngay mặt tiền đường Phùng Khắc Khoan (quận 1, TP.HCM) và hơn 29 ha đất tại huyện Cần Giờ (TP.HCM). Việc TDH thâu tóm FDC đồng nghĩa với việc sẽ có được quyền khai thác các khu đất này.
Một doanh nghiệp địa ốc khác cũng tích cực gia tăng quỹ đất là Công ty DRH Holdings (tiền thân là Công ty cổ phần Đầu tư Căn nhà Mơ ước).
Theo ông Phan Tấn Đạt, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc DRH Holdings, việc đổi tên từ Công ty cổ phần Đầu tư Căn nhà Mơ ước thành DRH Holdings là để phù hợp với mô hình kinh doanh mới của Công ty - là tập đoàn đầu tư đa ngành, trong đó tập trung vào hoạt động kinh doanh cốt lõi là phát triển bất động sản, sản xuất vật liệu xây dựng và phát triển khu công nghiệp, cơ sở hạ tầng.
Từ một doanh nghiệp chỉ đơn thuần với hoạt động môi giới, sau gần 3 năm tái cơ cấu, đến nay, DRH Holdings được biết đến là một doanh nghiệp phát triển nhiều dự án và đang nắm trong tay quỹ đất lớn. Có thể kể đến các dự án mà DRH Holdings đã và đang thực hiện như D-Vela tại quận 7 (TP.HCM), Central Garden tại Bình Dương, Metro Valley tại quận 9 (TP.HCM) và Aurora tại quận 8 (TP.HCM).
Ngoài những dự án kể trên, theo nguồn tin mà phóng viên Báo Đầu tư Bất động sản nắm được, hiện doanh nghiệp này đang thực hiện nhiều thương vụ mua lại (M&A) các quỹ đất khác, trong đó có quỹ đất hơn 70 ha tại tỉnh Bình Thuận (khu vực giáp ranh với Bà Rịa - Vũng Tàu).
Dự kiến, tại khu đất này, DRH Holdings sẽ triển khai một khu đô thị với tổng vốn đầu tư lên đến 3.000 tỷ đồng và được triển khai thành 2 giai đoạn. Trong đó, giai đoạn 1 dự kiến sẽ được thực hiện trong năm nay.
Với việc nắm quỹ đất lớn trong tay, năm 2018, DRH Holdings đã lên kế hoạch kinh doanh có sự tăng trưởng đột biến với chỉ tiêu doanh thu 1.100 tỷ đồng, tăng 749% so với thực hiện năm 2017. Lợi nhuận 180 tỷ đồng, tăng 130% so với năm 2017.
Cũng liên quan đến việc phát triển quỹ đất, mới đây, tại Đại hội đồng cổ đông Tập đoàn Novaland, nhiều cổ đông đã thắc mắc, các dự án của Công ty tại TP.HCM đã dần bàn giao hết trong năm 2018-2019, thì các năm sau, Công ty sẽ phát triển như thế nào đối với thị trường này?
Về vấn đề này, lãnh đạo Novaland cho biết, Công ty sở hữu tổng cộng hơn 7,1 triệu m2 diện tích đất, trong đó hơn 6,2 triệu m2 (87%) tập trung hầu hết tại các khu vưc trọng điểm của TP.HCM. Với tốc độ triển khai các dự án như hiện nay, quỹ đất này đủ để Công ty phát triển trong vòng 7 - 10 năm tới.
Quỹ đất càng nhiều, cơ hội càng lớn
Theo phân tích của giới chuyên môn, TP.HCM với dân số khoảng 13 triệu dân, về cơ bản sẽ vẫn là thị trường tiềm năng với các doanh nghiệp bất động sản. Tuy nhiên, điểm đáng lưu tâm với các doanh nghiệp là quỹ đất để phát triển dự án bất động sản tại Thành phố ngày càng thu hẹp. Do vậy, doanh nghiệp nào nắm giữ được càng nhiều quỹ đất, sẽ càng có nhiều cơ hội để phát triển.
Netland từ một đơn vị thông tin thị trường đã trở thành nhà phát triển dự án có trong tay quỹ đất lớn nhờ chiến lược M&A. |
Theo tìm hiểu của phóng viên Báo Đầu tư Bất động sản, quỹ đất hiện nay tại TP.HCM chủ yếu nằm trong tay các đại gia tên tuổi như Vingroup, Novaland, Hưng Thịnh, Đất Xanh, Phú Long, Khang Điền, TDH …
Tuy nhiên, sau giai đoạn thị trường phát triển mạnh, hiện cũng có khá nhiều doanh nghiệp địa ốc mới tham gia vào cuộc đua săn quỹ đất, đơn cử như Công ty Phúc Khang.
Theo bà Lưu Thị Thanh Mẫu, Tổng giám đốc Phúc Khang, trong một thị trường “đất chật, người đông”, thì doanh nghiệp nào nắm nắm quỹ càng lớn, càng có cơ hội phát triển. Tuy nhiên, theo bà mẫu, bên cạnh quỹ đất, cần phải có sự phát triển chuyên nghiệp để khai thác quỹ đất hiệu quả. Đó là một trong những ký do Phúc Khang bắt tay với Tập đoàn Mitsubishi để cùng nhau phát triển hiệu quả quỹ đất này.
Ngoài Phúc Khang, một doanh nghiệp mới nổi đáng chú ý hiện nay nữa là CTCP Dịch vụ thông tin bất động sản Netland.
Được thành lập năm 2014 với hoạt động tập trung vào việc kết nối thông tin trên thị trường bất động sản, nhưng năm 2017, thông qua các hoạt động M&A, Nestland đã trở thành một nhà phát triển có tiếng trên thị trường với quỹ đất lớn.
Trong đó, thương vụ khởi đầu là mua lại 95% cổ phần của Công ty Bất động sản Danh Khôi, một doanh nghiệp môi giới hàng đầu tại TP.HCM. Sau đó, Nestland thực hiện hàng loạt thương vụ M&A dự án và hợp tác phát triển hàng loạt dự án khác như Queen Pearl (Phan Thiết, Bình Thuận), Haborizon Nha Trang (quy mô 14,9 ha).
Tốc độ phát triển thần tốc của Netland đã thu hút được sự quan tâm của các tập đoàn quốc tế, trong đó có Sanei Architecture Planning Co., Ltd (Nhật Bản). Đây là tập đoàn đa ngành nghề, trong đó bất động sản và xây dựng là 2 lĩnh vực kinh doanh chính. Sau thời gian tìm hiểu và đàm phán, tháng 2/2018 vừa qua, tập đoàn đến từ Nhật Bản và Netland đã chính thức ký kết thỏa thuận hợp tác chiến lược.
Theo ông Lê Thống Nhất, Chủ tịch HĐQT Netland, hiện nay, Công ty đang nắm giữ quỹ đất lớn cho kế hoạch phát triển sắp tới. Chiến lược của Công ty trong thời gian tới là đẩy mạnh triển khai các dự án, đồng thời tập trung việc M&A để tạo quỹ đất cho các năm tiếp theo.
Các bản tin khác
- Khẩn trương thực hiện tái định cư tại quận Ngũ Hành Sơn
- Phiên họp lần thứ XV của Hội đồng thẩm định Đề xuất quy hoạch phát triển tổ chức hành nghề công chứng của các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương
- Bán rẻ căn hộ cũng khó
- Bắt giam một cò đất lừa đảo, chiếm đoạt tài sản
- Cảnh báo rủi ro trong giao dịch bảo đảm
- BẤT ĐỘNG SẢN ĐÃ CHẠM “ĐÁY”?
- Triển khai bảo đảm tiến độ các dự án tại các quận Sơn Trà, Ngũ Hành Sơn
- Đà Nẵng-Quảng Nam khơi thông sông Cổ Cò
- 1.723 tỷ đồng đầu tư đường Nguyễn Tất Thành nối dài và đường vành dai phía Nam
- Giá đất tái định cư các dự án trên địa bàn thành phố
- 420 tỷ đồng xây dựng hai cây cầu bắc qua sông Cổ Cò
- Thị trường bất động sản khó “tan băng”
- Thành lập Hội Công chứng TP.HCM
- Nhà đang thế chấp vẫn chứng tặng cho!
- Hệ số điều chỉnh giá đất áp dụng từ ngày 7/5/2012
- Giấy tờ giả ám ảnh công chứng viên
- Lãnh đạo thành phố tiếp đoàn công tác Hội đồng công chứng Tòa thượng thẩm Douai (Cộng hòa Pháp)
- Ngân hàng Nhà nước nới lỏng tín dụng: Dòng vốn đã chảy vào BĐS, VLXD?
- Rộ giấy tờ giả qua công chứng - Bài 3: Công an lơ là, bọn làm giả nhơn nhơn
- Rộ giấy tờ giả qua công chứng - Bài 2: Thiệt hại nặng, xử lý nhẹ