Nhiều dự án quy hoạch treo, thi công tiến độ kéo dài, dân thiếu đất tái định cư, ảnh hưởng đến cuộc sống, gây nhiều bức xúc trong người dân.
Từ nhiều năm nay, các dự án triển khai chồng chéo trên địa bàn xã Hòa Liên, huyện Hòa Vang, thành phố Đà Nẵng khiến vùng nông thôn vốn bình yên này thành một công trường xây dựng ngổn ngang bụi đất. Nhiều dự án quy hoạch treo, thi công tiến độ kéo dài, dân thiếu đất tái định cư, ảnh hưởng đến cuộc sống, gây nhiều bức xúc trong dân.
Kênh thoát lũ Hoà Liên thi công chậm, gây ngập lụt khu dân cư vào mùa mưa.
Gần 8 năm nay, hơn 80 hộ dân ở thôn Quan Nam 2, xã Hòa Liên, huyện Hòa Vang khổ sở vì quy hoạch “treo”. Nhà cửa xuống cấp, hư hỏng không được cơi nới, sửa chữa. Từ ngày các dự án san nền đổ đất bao quanh, khu vực này biến thành lòng chảo, thấp hơn xung quanh từ 1 mét rưỡi đến 2 mét. Mùa mưa, nước ngập úng dài ngày, cuộc sống của người dân vô vàn khó khăn.
Ông Đặng Văn Nẫm, người dân ở thôn Quan Nam 2, xã Hòa Liên cho biết, từ năm 2010, thành phố công bố giải tỏa để triển khai Dự án Khu dân cư Hòa Liên 4 mở rộng, nhưng từ đó đến nay khu vực này “án binh bất động”. Bà con quá mệt mỏi vì chờ giải tỏa quá lâu. Dân sống bằng nông nghiệp mà đất đai bị thu hồi nên đành phải làm thuê làm mướn kiếm sống qua ngày, nhà cửa xuống cấp hư hỏng không được sửa chữa.
Ông Nẫm phàn nàn: “Mỗi lần mưa bão bà con lại phải chạy lên cao lánh nạn. Nhà nước tìm cách giải quyết cho dân, chứ như hiện tại dân quá khổ. Dự án cứ treo như vậy, đến mùa lụt, mùa mưa tới là không có đường đi. Trước đây, đồng ruộng rộng, nước chảy thoát, chứ bao quanh là khu Trung Nam đổ đất hết còn lại khu này. Nhà đã hư hỏng nếu có bão, nước lớn người dân không biết phải làm sao”.
Dự án Khu dân cư Hòa Liên 4 tại thôn Quan Nam 2 bị treo nhiều năm nay chỉ là một trong rất nhiều dự án treo ở xã Hòa Liên, huyện Hòa Vang, thành phố Đà Nẵng, làm xáo trộn cuộc sống và sinh hoạt của người dân địa phương.
Từ năm 2004 đến nay, trên địa bàn xã Hòa Liên có 39 dự án triển khai với hơn 2.800 hộ dân bị ảnh hưởng, trong đó 1.350 hộ thuộc diện di dời hẳn, 13 thôn trong xã đều có dự án phải giải tỏa đền bù, có thôn phải giải tỏa trắng.
Ông Ngô Thành Tâm, Phó Chủ tịch UBND xã Hòa Liên, huyện Hòa Vang cho biết, một số dự án trọng điểm liên quan đến công tác giải tỏa đền bù lớn như: Kênh thoát lũ Hòa Liên, Khu công Nghệ cao, Công nghệ thông tin... Bức xúc của người dân lên tới đỉnh điểm khi tiến độ thi công Kênh thoát lũ Hòa Liên quá chậm, lòng kênh không nạo vét, quy hoạch không khớp nối, gây ngập lụt vào mùa mưa.
Rất nhiều hộ dân đã nhận 80% tiền đền bù nhưng chưa có đất thực tế để tái định cư. Theo ông Ngô Thành Tâm, mới đây Công ty Cổ phần Trung Nam, nhà đầu tư dự án Kênh thoát lũ đã cắt 178 lô đất thương mại ở khu đô thị Trung Nam - Thủy Tú để bố trí tái định cư cho dân.
Ông Ngô Thành Tâm nói: “Lúc trước, do quỹ đất chưa có, vẫn còn thiếu quỹ đất. Nếu dự án làm một lần còn dễ, nhưng làm nhiều dự án, có dự án mới, dự án cũ phải ảnh hưởng đến môi trường, chưa khớp nối dẫn đến ngập úng cục bộ, có phát sinh ảnh hưởng đến vấn đề kéo dài dự án. Mong muốn địa phương nhanh chóng khớp nối hạ tầng để thoát nước đảm bảo cuộc sống người dân”.
Hàng chục dự án hạ tầng đô thị đang triển khai đã biến xã Hòa Liên huyện Hòa Vang thành một công trường đầy bụi bặm, ngổn ngang bùn đất, ngập lụt. Thời gian gần đây, việc di dời 2 nhà máy thép gây ô nhiễm xảy ra ở xã Hòa Liên khiến vùng nông thôn này trở thành điểm nóng về quy hoạch đô thị, giải tỏa, đền bù tái định cư và ô nhiễm môi trường.
Tỉnh lộ 601 đoạn qua xã Hoà Liên bị băm nát.
Ông Huỳnh Đức Thơ, Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng cho rằng, vướng mắc trong công tác đền bù, giải tỏa tái định cư triển khai các dự án có trách nhiệm rất lớn của chính quyền các cấp.
Ông Huỳnh Đức Thơ cho hay: “Liên quan đến đền bù, giải tỏa, tái định cư triển khai các dự án có một phần thuộc về trách nhiệm rất lớn đến chính quyền các cấp, các ngành. Toàn bộ Khu công nghệ cao, Khu công nghệ thông tin, Kênh thoát lũ, Khu tái định cư Hòa Liên… ra dự toán là một nhưng đụng vào từ thời nào đã cấp sổ đỏ hết. Đất ruộng, đất rừng đều cấp, chia ra thửa bảy, tám chục mét nên bây giờ quá nhiều thửa, đụng vào là không có đất để mà cấp. Đó là mới đền bù chưa nói đến chuyện tái định cư”.
Quá trình đô thị hóa diễn ra nhanh chóng ở xã Hòa Liên, huyện Hòa Vang đã góp phần đổi thay diện mạo vùng nông thôn nghèo phía Tây thành phố Đà Nẵng. Thế nhưng, cũng từ đây, nảy sinh nhiều hệ lụy trong giải tỏa đền bù, tái định cư và tình trạng ô nhiễm môi trường, dịch bệnh làm xáo trộn cuộc sống người dân./.
Đình Thiệu (VOV)
Các bản tin khác
- Thị trường bất động sản: Lạc quan trong thận trọng
- Siết tín dụng bất động sản: Động thái cần thiết để thị trường phát triển bền vững
- Thế giới ước mơ và hạnh phúc qua màn trình diễn của đội Ý
- Bất động sản xoay chiều đầu tư
- Biệt thự trên không, khái niệm mới về nhà ở
- Chủ tịch nước Lệnh công bố 7 Luật
- Bất động sản miền Trung còn nhiều dư địa phát triển
- Nhà đầu tư ngoại nào đang dẫn đầu thị trường bất động sản Việt Nam?
- Gần 28 tỷ đồng xây bãi đỗ xe lắp ghép 6 tầng tại khu vực trung tâm thành phố
- GẶP MẶT NHÂN DỊP BÀ NGUYỄN VŨ MINH NGUYỆT ĐƯỢC PHONG TẶNG DANH HIỆU AHLLVTND
- Đà Nẵng qui hoạch lại 7 khu 'đất vàng' của các đại gia
- Doanh nghiệp chuyên doanh bất động sản đầu tiên ở Đà Nẵng lên sàn chứng khoán
- Đà Nẵng sẵn sàng cho tuần lễ GEF 6
- "Ma trận" sàn giao dịch bất động sản
- Bão vành đai (Bài cuối: Không nên đô thị hóa cưỡng bức)
- Đà Nẵng: Ra mắt liên minh doanh nghiệp bất động sản G3
- Rà soát các dự án đầu tư trọng điểm về giao thông
- Các tuyến đường thuộc dự án Khu dân cư bàu Gia Phước (Q. Sơn Trà): Chậm thi công do mặt bằng còn "vướng"
- Sẽ lập Tổng lãnh sự quán Hàn Quốc tại Đà Nẵng
- Giải mã tại sao Liên Chiểu thu hút các nhà đầu tư lớn