Trong thời gian qua, tình trạng “sốt” đất đã làm giá cả thị trường bất động sản biến động. Bên cạnh đó, không ít người kinh doanh mua nhà cấp 4 rồi sửa chữa lại để bán hoặc chờ giá lên rồi bán càng làm cho những người có nhu cầu mua nhà ở thực sự hoặc mua đất để làm nhà ở gặp nhiều khó khăn.
Tuy nằm trong kiệt đường Lê Đình Lý (Hải Châu) và chỉ có diện tích 40m2, ngôi nhà này được rao bán với số tiền tính bằng đơn vị tỷ đồng. Ảnh: Đ.H.L |
Giới đầu cơ đẩy giá lên cao
Anh Đoàn Duy Khánh, 35 tuổi, kỹ sư cầu đường, có nhà ở đường Tô Hiệu (phường Hòa Minh, Liên Chiểu) nhưng do công việc và con cái học hành ở trung tâm thành phố nên anh Khánh tìm mua nhà ở quận Hải Châu để đi lại cho thuận tiện. Dù đã tìm kiếm hơn một năm nay, anh Khánh vẫn không thể mua được căn nhà phù hợp.
Anh Khánh cho biết, thời gian gần đây do thị trường bất động sản nóng lên nên giá nhà cũng tăng cao. Chủ nhà thường có tâm lý chần chừ khi giá lên cao. Còn đối với những căn nhà qua tay “cò” thì tăng giá theo từng ngày.
Nếu không đặt cọc liền thì hôm sau quay lại cò nhà đất đã đẩy giá lên cao hơn. Chẳng hạn một ngôi nhà mặt tiền 1 mê 2 tầng ở đường Phan Huy Ôn (Hải Châu) có diện tích 64m2 rao bán 3,65 tỷ đồng mặc dù cách đây một năm chưa tới 2 tỷ đồng. Đây là một số tiền quá lớn đối với gia đình có thu nhập trung bình.
Cũng có hoàn cảnh gần giống anh Khánh, anh Bùi Xuân Tiến, 38 tuổi, kỹ sư công nghệ thông tin ở trọ đường Núi Thành (phường Hòa Cường Bắc, Hải Châu) chuyển công tác từ Huế vào Đà Nẵng.
Trong thời gian đầu anh Tiến cũng muốn mua nhà ở trong trung tâm thành phố để vợ con đi làm và đi học cho thuận tiện. Tuy nhiên, anh không thể tìm được căn nhà phù hợp sau nhiều lần đi xem. Anh cho biết, dù nhà trong kiệt rộng có diện tích khoảng 60m2 cũng có giá ít nhất 1,2-1,4 tỷ đồng.
Chị Ngọc Ánh, nhân viên kinh doanh của một công ty bất động sản ở Đà Nẵng cho biết, hiện nay những căn nhà nhỏ trong kiệt hẻm ở trung tâm thành phố vẫn còn nhiều. Nhiều người mua nhà cũng không dễ và gặp vô vàn cái khó khăn.
Tìm được ngôi nhà như ý mình và đặt cọc rồi nhưng đâu được gặp chủ. Chỉ toàn gặp “cò” mà họ thổi giá lên mỗi ngày, nay tăng 10 triệu đồng, mai tăng 50 triệu đồng, rồi sau dồn đủ tiền mua được thì chủ không bán. Do giá đất tăng nên giá nhà cũng tăng. Giá đất bây giờ không những cao hơn gấp 3-4 lần so với 2-3 năm trước đây mà có khi tăng 5-6 lần.
“Tại thị trường Đà Nẵng, đâu chỉ có người Hà Nội vào mua như mọi khi mà còn có cả các tỉnh lẻ. Họ vào đầu cơ, mua để ở, mua cho con cái. Tuy dự án làm ra 2-3 năm không có người ở, nhưng trong 5-10 năm tới người tăng lên thì thị trường bất động sản lại tiếp tục sôi động”, chị Ngọc Ánh khẳng định.
Theo các chuyên gia bất động sản, nguyên nhân giá đất cao vì từng khu vực đều bị giới đầu cơ đẩy giá. Cụ thể, ở khu vực biển Sơn Trà và Ngũ Hành Sơn giá tăng cao vì đó là khu du lịch có nhiều người nước ngoài, đặc biệt là Hàn Quốc vào thuê để kinh doanh dịch vụ du lịch.
Còn ở khu vực Liên Chiểu thì lợi dụng các thông tin về dự án di dời, thành phần môi giới lập nhóm mua phiếu bán lại, đẩy giá lên cao. Do nhiều yếu tố như thế, vô hình chung đẩy các khu khác lên theo làm cho những người mua nhà ở thật sự bị cuốn theo với giá cao hơn thực tế, hoặc cảm thấy lo ngại mình mua giá cao nên chần chừ và khó lựa chọn.
Còn một số các thành phần môi giới khác “treo” giá cao hơn so với giá chính chủ giao để ăn chênh lệch cũng làm ảnh hưởng đến giá cả. Và hiện tượng một mảnh đất hoặc nhà qua quá nhiều khâu trung gian môi giới dẫn đến làm giá cao hơn thực tế.
Chọn mua chung cư bình dân, đất vùng ven…
Anh Lê Xuân Thành, nhân viên Công ty CP Bất động sản Be Home, nhận định: “Giờ tôi cảm thấy tất cả các khu vực trung tâm thành phố đều quá cao so với tài chính của mọi người, các khu vực vùng ven như Hòa Vang cũng không khá hơn.
Dù xa thành phố nhưng giá đất đường 8m khu dân cư sau lưng UBND Hòa Tiến cũng tầm 800 triệu đồng 144m2. Hiện thị trường bất động sản đang đứng chứ không tăng như đầu năm nhưng để giảm thì rất khó xảy ra.
Nếu có giảm thì cũng chỉ vài chục đến trăm triệu, mà giảm như thế thì vẫn chưa đưa về giá trị thực của đất, có chăng chỉ giảm số nhỏ của giới đầu cơ và môi giới. Điều này càng gây khó khăn cho người có nhu cầu mua nhà ở thực sự”.
Để giải quyết nhu cầu về nhà ở, anh Bùi Xuân Tiến đã chọn mua đất ở khu vực xa trung tâm. Năm 2015, anh Tiến mua một lô đất ở khu đô thị Hòa Quý (Ngũ Hành Sơn) giá 410 triệu đồng. Đến nay, lô đất này đã lên khoảng 1,5 tỷ đồng nhưng anh không bán vì mục đích của anh mua đất là để làm nhà ở. Tháng 3-2018, anh Tiến đã bắt đầu xây nhà 2 mê khoảng 500 triệu đồng.
“Hiện khu vực Hòa Quý cũng có trường học cho con cái, còn sau này học lên cao hơn thì phương tiện công cộng của thành phố cũng sẽ phát triển nên mình không lo. Xu hướng phát triển của thành phố là mở rộng về phía đông nam, do đó sau này khu vực này sẽ mọc lên nhiều trung tâm vui chơi giải trí, mua sắm, du lịch. Hiện ở khu đô thị Hòa Quý, người dân cũng bắt đầu làm nhà nhiều hơn nên mình càng yên tâm về mặt an ninh”, anh Tiến lạc quan cho biết.
Trong khi đó, anh Ngọc Hải (43 tuổi) làm thợ cắt tóc ở đường Ông Ích Khiêm (phường Thanh Bình, Hải Châu) chia sẻ, anh về Đà Nẵng sinh sống cũng được hơn 10 năm sau một thời gian bôn ba ở Thành phố Hồ Chí Minh. Hiện anh vẫn ở trọ và làm thuê cho một chủ tiệm cắt tóc.
Anh vui mừng cho biết, lúc đầu anh cũng có ý định tìm mua một căn nhà có mặt đường rộng để mở tiệm cắt tóc nhưng giá quá cao. Cuối cùng anh quyết định mua một lô đất ở phường Điện Ngọc, thị xã Điện Bàn, Quảng Nam khoảng 300 triệu đồng và chỉ sau 4 tháng, lô đất này đã có giá 700-800 triệu đồng, và anh quyết định để xây nhà ở chứ không bán.
Theo anh Lê Xuân Thành, những người muốn an cư lập nghiệp mà không có tiền mua nhà trong thành phố thì có 2 cách lựa chọn: thứ nhất là mua xa trung tâm; thứ hai là mua chung cư bình dân nhưng điều này rất khó vì Đà Nẵng toàn xây chung cư cao cấp.
Chị Ngọc Ánh cũng cho rằng, những người chưa tìm được nhà ở thì có thể mua chung cư bởi có 2 lý do: thứ nhất là hợp với túi tiền; thứ 2 là được sống trong một cộng đồng văn minh và cũng không khó khăn khi phải tìm mua nhà.
Chung cư hiện nay có rất nhiều tiện ích sống rất tốt, rất phù hợp với những người có thu nhập thấp; lại thêm chính sách hỗ trợ vay vốn ngân hàng. Tuy nhiên dạo gần đây có nhiều vụ cháy chung cư nên tâm lý nhiều người vẫn còn hơi e dè. Dẫu vậy, chị Ngọc Ánh cũng cho biết mình đang dành tiền để mua chung cư vào thời gian tới.
ĐOÀN HẠO LƯƠNG
Theo Báo Đà Nẵng
Các bản tin khác
- “Chiến lược đại dương xanh” đã lấn sang thị trường bất động sản
- Cuộc đối đầu kỳ thú giữa shophouse và thương mại điện tử
- Tháo gỡ vướng mắc về tách thửa đất, cấp sổ hồng
- CEO Sun Group và những câu chuyện bây giờ mới kể
- "Bom tấn" Golden Bridge khiến du khách quốc tế khao khát check-in Đà Nẵng
- Cách thức xác định đối tượng mua nhà ở xã hội do doanh nghiệp đầu tư
- Bất động sản: Thời của trải nghiệm khách hàng lên ngôi
- "Cách mạng 4.0 đang tác động mạnh mẽ đến bất động sản Việt Nam"
- Yên bình bãi Tiên Sa
- Chờ khung pháp lý, "đứa con lai" condotel dần hạ nhiệt
- Đẩy nhanh tiến độ các dự án đầu tư xây dựng tại quận Liên Chiểu
- Đà Nẵng: Đấu thầu dự án khu đô thị 50ha từ việc chuyển đổi KCN Đà Nẵng
- Thị trường bất động sản: "Sẽ không biến động lớn đến 2019"
- Đề xuất phương án thu hồi dự án sân vận động Chi Lăng
- Chuyển đổi Khu công nghiệp Đà Nẵng thành đất ở đô thị: Cần đúng quy định pháp luật và phù hợp điều kiện cụ thể
- 15 NĂM THỰC HIỆN NGHỊ QUYẾT SỐ 33-NQ/TW CỦA BỘ CHÍNH TRỊ (KHÓA IX) Đà Nẵng - thành phố động lực của sự phát triển
- Đấu thầu xây dựng bãi đỗ xe công cộng nhiều tầng tại 18 vị trí khu vực trung tâm thành phố
- Khai thác thị trường bất động sản công nghiệp
- Cuối năm nay sẽ có văn bản pháp lý cho condotel
- Pháp lý cho condotel chưa rõ ràng