Sông Cổ Cò (TX Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam) từ lâu đã được xác định là chiếc cầu nối cho thương mại, du lịch, văn hóa giữa Quảng Nam và TP Đà Nẵng. Với việc hai địa phương ngồi lại với nhau trong một cuộc họp thống nhất vào cuối tháng 3 vừa qua, thì nay đã có một bức tranh quy hoạch chung: Đà Nẵng, Điện Bàn và Hội An sẽ sớm có một không gian đô thị bao trùm, giao thoa giữa hiện đại và truyền thống.
|
Phối cảnh một dự án ven sông Cổ Cò. |
Chờ ngày khai thông sông Cổ Cò
Từ năm 2002, sông Cổ Cò đã được qui hoạch nhưng vì nhiều lý do trong đó nguyên nhân về nguồn vốn đã khiến những dự án này không thể triển khai. Sau nhiều năm “lực bất tòng tâm” lãnh đạo hai địa phương đã quyết định bắt tay tập trung vào thực hiện. Đến giữa năm 2017, Ban Quản lý Khu kinh tế mở Chu Lai (Quảng Nam) đã tiến hành triển khai thực hiện dự án nạo vét sông Cổ Cò với chiều dài 14km. Trong đó, chiều dài qua địa bàn TP Hội An là 9,5km, chiều dài còn lại đi qua TX Điện Bàn. Bên cạnh đó TP Đà Nẵng cũng tiến hành nạo vét phía sông còn lại. Với dự án này, kinh phí từ T.Ư sẽ hỗ trợ 425 tỷ đồng, còn lại là nguồn vốn ngân sách tỉnh. Hiện nay việc khơi thông dòng Cổ Cò đang được ráo riết triển khai.
Ông Trần Úc - Chủ tịch UBND TX Điện Bàn cho biết việc khơi thông dòng Cổ Cò sẽ diễn ra từng bước cụ thể và sẽ khớp nối vào năm 2020. Việc dòng sông được khai thông sẽ mang ý nghĩa lịch sử với hai địa phương. Sông Cổ Cò là một dự án lớn, quan trọng nhất, có tác động đến sự phát triển của Đà Nẵng, Quảng Nam thời gian tới, vì sông Cổ Cò không chỉ là giao thông mà còn là sự kết nối phát triển đô thị, do đó 2 địa phương cần phối hợp quy hoạch đúng tầm mới phát triển bền vững được.
Theo tìm hiểu của P.V, trong năm qua tiến trình nạo vét sông Cổ Cò đã thực hiện được gần một nửa. 10km còn lại sẽ được triển khai trong năm nay sau đó sẽ triển khai 4 cây cầu qua sông để đảm bảo toàn tuyến của Quảng Nam sẽ có 8 cây cầu như trong quy hoạch, phấn đấu cuối năm 2020 sẽ nạo vét thông suốt được sông Cổ Cò trên toàn tuyến Quảng Nam - Đà Nẵng.
Bóng dáng đô thị
Mặc dù dự án chỉ vừa được khởi động lại nhưng khu vực P. Vĩnh Điện đã sửa soạn cho sự hình thành một khu đô thị. Trong cuộc họp mới đây nhất, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam Nguyễn Ngọc Quang cho biết, tỉnh đang nghiên cứu quy hoạch phát triển không gian đô thị hai bên sông Vĩnh Điện và đề nghị Đà Nẵng cùng hợp tác, xem đây như trục kết nối giữa TX Điện Bàn và Đà Nẵng. Thông tin này sau đó đã được các sàn giao dịch bất động sản tại khu vực Đà Nẵng sử dụng để quảng bá rầm rộ cho các dự án đất nền khu vực ven sông Cổ Cò. Đồng thời, giá đất cũng bị đẩy lên cao ngất ngưởng so với trước đó.
Đến P. Vĩnh Điện hôm nay không chỉ dòng sông Cổ Cò đang được “làm mới” mà hai bên bờ cũng đã dày đặc những dự án. Cổ Cò ngày nay soi bóng nhiều khu resort, dự án du lịch và khu đô thị hiện đại đã và đang hình thành, như khu đô thị Nam Việt Á, tổ hợp du lịch nghỉ dưỡng cao cấp Cocobay, sân golf Montgomerie Links, sân golf VinaCapital, khu đô thị Sea View, khu đô thị Công nghệ FPT, khu đô thị Phú Mỹ An.
Bà Nguyễn Thị Mai - Phó Giám đốc Cty Lữ hành Hội An tour cho biết, không chỉ riêng công ty của bà mà rất nhiều công ty lữ hành khác chờ đợi sự đổi thay này. “Lâu nay, du lịch đường sông phát triển mạnh nhưng chúng tôi vẫn chưa khai phá được, do chưa có đầu tư về hạ tầng. So với dòng Thu Bồn chảy lên khu vực Mỹ Sơn thì phía Cổ Cò ra Ngũ Hành Sơn - TP Đà Nẵng tiềm năng không hề thua kém, thậm chí có những ưu thế vượt trội. Để đi từ Đà Nẵng vào Hội An theo đường sông Vĩnh Điện bằng thuyền máy với vận tốc 17km/giờ, thời gian mất khoảng 6 tiếng đồng hồ. Tuy nhiên, nếu theo sông Cổ Cò, dự kiến quãng đường rút ngắn còn chưa đầy 2 giờ đồng hồ. Đây là lợi thế lớn nhất để doanh nghiệp lữ hành dễ dàng khai thác các tour đường sông đi về trong ngày, lượng khách du lịch Hội An và Đà Nẵng có thể được trao đổi với nhau”.
Mở “nút thắt” hạ tầng giao thông
Trong tháng 5 này, 2 công trình quan trọng mở “nút thắt” từ Hội An đến Điện Bàn, kết nối với TP Đà Nẵng đã sẵn sàng về đích. Đó là công trình đường dẫn phía bắc cầu Cửa Đại và dự án mở rộng Tỉnh lộ ĐT 608. Sau một thời gian gấp rút thi công, hiện nay 2 tuyến đường này cơ bản đã hoàn thành, có thể di chuyển, đưa vào khai thác. Ông Nguyễn Văn Bê (khối phố Hậu Xá, P. Thanh Hà, TP Hội An) chia sẻ: “Cùng với sự phát triển của du lịch Hội An thì lượng người đổ về đây cũng nhiều hơn. Có nhiều lúc chỉ cần một chiếc ô-tô du lịch vài chục chỗ chạy qua thì xe máy chỉ còn cách tấp sát vào lề để khỏi va chạm. Người và phương tiện lưu thông trên tuyến đường này đặc biệt vào ban đêm rất đông, nhất là người dân ở các địa phương lân cận như Điện Bàn, Duy Xuyên, Đại Lộc... đổ về phố cổ Hội An để vui chơi rất nhiều trong khi đó đường sá quá chật hẹp. Tuyến ĐT 608 mở rộng thì trước tiên đối với riêng người dân Hậu Xá chúng tôi rất là mừng”.
Theo ông Đinh Văn Thu, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam hiện nay việc kết nối giao thông phía đông với tuyến đường ven biển nối từ Đà Nẵng đi Hội An qua cầu Cửa Đại đến Chu Lai đã được hình thành và dự kiến đến năm 2019 sẽ hoàn thành. Bên cạnh đó tuyến đường phía tây với các trục đường 14B, 14D, 14G cũng đang được xem xét đầu tư để có thể kết nối trong Hành lang Kinh tế Đông - Tây. Cùng với tuyến giao thông nội thị thị xã Điện Bàn sẽ cơ bản hoàn thành trong năm nay thì việc hoàn thiện tuyến ĐT 608 và phía bắc cầu Cửa Đại sẽ kết nối với tuyến đường Lê Văn Hiến - Trần Đại Nghĩa của Đà Nẵng, góp phần giảm tải giao thông cho tuyến ven biển. Bên cạnh đầu tư mạnh cho hạ tầng giao thông thì để duy trì tuyến xe buýt và khuyến khích sử dụng phương tiện giao thông công cộng, 2 địa phương thống nhất kiến nghị Bộ Giao thông Vận tải cho phép miễn phí giao thông đường bộ đối với xe buýt trên tuyến đường QL 1A thuộc địa phận Quảng Nam - Đà Nẵng.
Từ thực tế trên cộng với sự vào cuộc ráo riết của hai địa phương đang nỗ lực hoàn thiện hạ tầng, tin rằng không gian đô thị chung giữa Quảng Nam và Đà Nẵng sẽ được hoàn thiện vào một ngày không xa.
ĐỒNG DAO
Theo Báo CA ĐN
Các bản tin khác
- Những công trình ấn tượng của Việt Nam nổi tiếng thế giới
- Đầu tư vào bất động sản năm 2018 lãi lớn
- Thị trường bất động sản 2019: Hướng tới nhu cầu mua để ở
- Người mua bất động sản hưởng lợi từ công nghệ 4.0
- Kinh nghiệm vay mua nhà cuối năm
- Đặt nền móng vững chắc cho đô thị Đà Nẵng
- Kịch bản nào cho bất động sản Việt Nam 2019?
- Thách thức của du lịch Đà Nẵng, nhìn từ “đỉnh ngập”
- Tổ tư vấn đưa ra 3 kịch bản dự báo kinh tế của năm 2019
- “Hiện tượng” nhà phố thương mại
- Phát huy nội lực, đưa Đà Nẵng phát triển nhanh, bền vững
- 6 câu hỏi nên đặt ra khi đầu tư căn hộ condotel
- Chợ bất động sản online ngày càng sôi động
- Bình yên Chùa Linh Ứng Sơn Trà
- Chờ thêm 2 đại gia Việt Nam được vinh danh tỷ phú USD toàn cầu
- Bất động sản Đà Nẵng: Vùng ven sẽ tăng giá sau đợt lụt trái mùa
- Intercontinental Danang Sun Peninsula Resort cùng lúc đón nhận 4 giải thưởng danh giá
- Đón sóng đầu tư bất động sản cuối năm cùng chuyên gia
- Xúc tiến mở tuyến đường ven biển phía đông các khu du lịch ở Ngũ Hành Sơn
- Giải phóng mặt bằng, bố trí tái định cư phải công khai, minh bạch