Chủ đề thu hút được quan tâm của giới đầu tư bất động sản hiện nay chính là thị trường sẽ tốt lên hay tiếp tục xấu hơn trong những tháng còn lại của năm 2012.
Hiện vẫn có nhiều ý kiến trái chiều về diễn biến của thị trường bất động sản trong những tháng cuối năm.
Kịch bản, dự báo cũng đã có nhiều, từ các chuyên gia, nhà quản lý và những người trong cuộc với nhiều quan điểm khác nhau. Nhưng có một điểm chung giữa các chủ thể nói trên chính là kỳ vọng thị trường sẽ có sự khởi sắc dần trong những tháng cuối năm, qua đó tránh được một sự đổ vỡ hàng loạt trên thị trường vốn đã kéo dài khó khăn trong suốt gần 3 năm qua.
Thị trường sẽ đi lên?
Theo nhìn nhận của các chuyên gia, từ nay đến Tết nguyên đán còn khoảng 5 tháng, khoảng thời gian đủ để các chủ đầu tư có dự án đã hoặc sắp hoàn thiện tung hàng ra thị trường, thu hút khách hàng có nhu cầu mua nhà thực sự, qua đó giúp họ vớt vát được một năm tài chính được cho là bi đát nhất trong vài ba năm trở lại đây.
Còn với những dự án dở dang, đang thiếu vốn, tình hình cũng không quá xấu như khoảng thời gian cuối năm 2011, bởi thực tế đến tháng 8, lạm phát cũng đã được coi là đảm bảo kìm giữ ở mức chấp nhận được, nên tín dụng có thể sẽ được nới lỏng nhất định, dòng vốn tín dụng, tài chính giải ngân cho nền kinh tế nói chung có thể cũng sẽ được nới hơn.
TS. Trần Kịm Chung (Viện CIEM) cho rằng, rất có thể trong những tháng cuối năm 2012, sẽ có một xung lực tốt được vận hành vào thị trường bất động sản. Nếu các điều kiện vĩ mô không xấu đi, nhiều khả năng thị trường sẽ đi lên, đặc biệt là thanh khoản ở các phân khúc nhà giá rẻ, diện tích nhỏ vừa phải.
Đặc biệt, theo quan sát của chuyên gia này, trong vòng 10 năm trở lại đây, thị trường bất động sản vẫn lên xuống theo một chu kỳ nhất định. Sau hơn 2 năm trầm lắng và có thể nói là “đã ở đáy” vào giữa năm 2012, thị trường sẽ phải đi lên theo quy luật, dẫu rằng có thể khác nhau từ địa bàn, phân khúc, loại hình hay từng doanh nghiệp cụ thể, song xu thế chung của thị trường phải tìm kiếm lối đi lên là khá rõ nét.
Tuy nhiên, trong thời gian từ nay đến cuối năm cũng là giai đoạn mang tính quyết định đối với không ít chủ đầu tư bắt buộc phải từ bỏ thị trường, bán lại dự án vốn đang phải quá lệ thuộc vào nguồn vốn từ ngân hàng, trong khi tiến độ vẫn dậm chân tại chỗ.
Tổng thư ký Hiệp hội bất động sản Việt Nam, Phan Thành Mai cho hay, trong vòng ba quý qua, lượng hàng tồn kho các căn hộ để bán liên tục tăng do khả năng hấp thụ của thị trường tại Hà Nội và Tp.HCM chỉ khoảng 7%.
Tuy nhiên, trong khi một số chủ đầu tư đã phải hạ giá nhằm cắt lỗ, để trả lãi và gốc các khoản vay từ trước thì vẫn có một số doanh nghiệp khác thực sự có năng lực về tài chính đã bắt đầu tìm kiếm các cơ hội để đón đầu một chu kỳ mới của thị trường sau khi suy thoái. Các doanh nghiệp này hoặc đã thoát ra trước cuộc khủng hoảng của thị trường hoặc đã tiếp cận được với nguồn vốn mới trong và ngoài nước.
Theo ông Mai, thị trường bất động sản theo quy luật của tự nhiên sau một chu kỳ suy thoái sẽ tới chu kỳ phục hồi. Doanh nghiệp nào duy trì và đón đầu được các cơ hội sẽ là những doanh nghiệp thành công trong giai đoạn mới.
Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Trần Nam nhìn nhận, với sự điều chỉnh linh hoạt về diện tích, giá cả của một số chủ đầu tư trong thời gian qua, từ nay đến cuối năm, thị trường sẽ có những chuyển biến nhất định vì nguyên nhân quan trọng nhất khiến cho thị trường đình trệ trong suốt thời gian dài vừa qua dường như đã được các chủ đầu tư nhận ra, đó chính là cung lệch cầu.
Muốn “ấm”, giá phải giảm nữa
Trên các diễn đàn bất động sản hiện nay, hầu hết ý kiến đều cho rằng, để người dân mạnh tay chi tiền mua nhà trong thời gian tới thì giá bán phải giảm thêm nữa, ít nhất là 20%. Bởi lẽ, hầu hết đều cho rằng, các doanh nghiệp bất động sản trong suốt thời gian dài vừa qua đã thu về những khoản “siêu lợi nhuận” từ việc bán căn hộ, lô đất với “giá trên trời”. Trên thực tế, những nhìn nhận đó ít nhiều cũng đã tác động đến tâm lý người cần mua nhà trong thời gian qua khiến cho họ vẫn lưỡng lự, nghe ngóng thị trường mà chưa vội xuống tiền.
Nói về nguyên nhân khiến thị trường trầm lắng như hiện nay, Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội Nguyễn Thế Hùng cũng phải thừa nhận là do niềm tin vào thị trường bị giảm sút, nhiều người bắt đầu nhận ra giá bất động sản ảo và hy vọng thị trường tiếp tục giảm sâu hơn nữa mới hợp lý.
Theo ông Hùng, giá bất động sản tại các quận trung tâm Hà Nội quá cao so với mặt bằng thu nhập của người dân cũng như mức độ phát triển của nền kinh tế. Nguyên nhân là do trong nhiều năm qua, tình trạng đầu cơ, đầu tư theo phong trào, hiệu ứng dây chuyền… đã khiến giá nhà đất bị đẩy lên cao và không thể duy trì được nữa. Trong khi đó, kinh tế vĩ mô thì vẫn tiếp tục suy giảm đà tăng, lạm phát cao khiến đại bộ phận người lao động có thu nhập thấp tại các đô thị như Hà Nội, Tp.HCM không có khả năng mua nhà để ở.
Vị này nhìn nhận, nếu diễn biến nền kinh tế chưa có nhiều khởi sắc thì xu hướng giảm giá bất động sản trong năm 2012 là tất yếu, thị trường có thể tiếp tục gặp khó khăn bởi những yếu tố khách quan lẫn chủ quan của nền kinh tế.
Trong khi đó, Phó giám đốc Công ty Địa ốc Đất Lành Nguyễn Văn Đực, cho rằng, tình hình kinh tế khó khăn ít có khả năng phục hồi trong năm 2013, do đó doanh nghiệp phải tự cứu mình bằng cách chấp nhận cắt lỗ, thậm chí đến 50% để tồn tại.
Theo ông, giải pháp hữu hiệu nhất để cứu thị trường, cứu doanh nghiệp là phải giảm giá bán, bán dự án giá thấp để giải quyết triệt để hàng tồn kho. Cùng với đó, các chủ đầu tư phải cơ cấu lại, làm nhỏ sản phẩm, diện tích xây dựng, giảm tầng xây dựng, tiết kiệm tối đa chi phí thì mới mong tình hình cải thiện hơn.
Tuy nhiên, theo giám đốc một doanh nghiệp bất động sản, việc giảm giá để cứu thị trường tưởng chừng dễ nhưng lại không hề đơn giản. Bởi lẽ, theo ông, khi làm dự án, hầu hết các doanh nghiệp đã dự tính với với giá bán khá cao, lợi nhuận lớn để ngân hàng duyệt cho vay vốn lớn. Nay doanh nghiệp muốn giảm giá, bán lỗ thì ngân hàng sẽ không chấp thuận vì sẽ không đảm bảo tài sản trả nợ.
“Để giảm bớt hàng tồn kho chúng tôi đã tính đến chuyện giảm giá bán, nhưng khi Công ty công bố giảm giá bán một dự án căn hộ tại Hà Đông liền bị ngân hàng “tuýt còi” vì họ cho rằng dự án đó đã cầm cố vay tiền nên giờ là tài sản của họ. Theo ước tính của ngân hàng, với mức giảm giá, có bán hết số căn hộ cũng chưa chắc đã đủ trả nợ vay nên họ không đồng ý cho chúng tôi giảm giá”, vị này cho hay.
Trang Anh
Theo Vneconomy
Các bản tin khác
- Thị trường BĐS Đà Nẵng sẽ là lựa chọn của nhiều nhà đầu tư trong thời gian tới
- Tọa đàm "Xúc tiến đầu tư BĐS Đà Nẵng"
- Chính phủ thống nhất mở rộng hạn điền, tích tụ ruộng đất
- Thủ tướng yêu cầu Đà Nẵng nghiên cứu kỹ lưỡng về dự án hầm sông Hàn
- Doanh nghiệp Hoa Kỳ tìm cơ hội đầu tư bất động sản tại Đà Nẵng
- Xây dựng hầm chui qua giao lộ Trần Thị Lý - Duy Tân
- Phân khúc bất động sản nào đang sinh lời tốt hàng đầu?
- Coco Ocean-Spa Resort- Condotel độc đáo xứng tầm đầu tư 2017
- Bổ sung, hoàn chỉnh quy hoạch hầm chui qua sông Hàn
- Savills lạc quan với thị trường khách sạn Đà Nẵng
- Tranh cãi việc có hay không Đà Nẵng ngưng xây hầm chui sông Hàn
- Ưu đãi đặc biệt cho bất động sản nghỉ dưỡng Sun Group tại Phú Quốc
- Thơ chế hài hước nhân ngày Quốc tế Phụ nữ 8/3
- Trao quyền kinh tế cho phụ nữ, GDP có thể tăng 10%
- Lịch sử và ý nghĩa ngày Quốc tế Phụ Nữ 8/3
- 10 LÝ DO NÊN MUA DỰ ÁN NAM HOÀ XUÂN SUNGROUP
- Bất động sản năm nay tiếp tục “cất cánh”?
- Cocobay ‘oanh tạc’ thị trường với Coco Ocean-Spa Resort
- Mở bán giai đoạn 2 khu đô thị Coco Riverside City - Sở hữu công viên sinh thái đầu tiên ở phía Nam Đà Nẵng
- Sắp xếp chuỗi nguồn cung bất động sản du lịch