Đô thị hóa bền vững phải là một quá trình hội tụ đủ các điều kiện và đã trở nên bức thiết. Việc xây dựng các khu đô thị (KĐT) trước và chờ dân đến ở để lấp đầy đang bộc lộ nhiều bất cập như lãng phí quỹ đất, hạ tầng, nguồn lực đầu tư... trong khi vấn đề sinh kế cho người dân trong khu vực giải tỏa bị mất đất sản xuất chưa được giải quyết căn cơ. Hình thức đô thị hóa cưỡng bức đó đến lúc cần xem xét thấu đáo hơn.
Đất trống trong các KĐT ở vùng ven Đà Nẵng, Hội An rất lớn, gây lãng phí về hạ tầng, nguồn lực đầu tư.
Lãng phí nhiều nguồn lực
Quanh các khu vực Điện Bàn, Duy Xuyên (Quảng Nam), Hòa Liên, Hòa Phước, Hòa Quý (Đà Nẵng) nhiều KĐT mới mọc lên với đường sá, cầu cống ngang dọc. Điều dễ nhận thấy là diện mạo hạ tầng cơ sở những khu vực vùng ven này thay đổi, nhưng câu hỏi đặt ra, nếu người dân tới các KĐT đó ở thì sẽ làm gì để sinh sống? Điều kiện việc làm tại chỗ chưa có, họ cũng không thể đi vài chục ki-lô-mét ra Đà Nẵng làm việc mỗi ngày, chưa kể Đà Nẵng cũng chưa phải là đô thị tạo cơ hội việc làm cao như TPHCM, Hà Nội. Đạo diễn Lê Ngọc Linh, người dành nhiều thời gian nghiên cứu sâu về vấn đề đô thị hóa vùng ven Đà Nẵng phục vụ cho loạt phim truyền hình dài tập của mình chia sẻ: Nếu các đô thị lớn dân cư tập trung đông đúc, ổn định việc làm, bức thiết phải lập lên các KĐT để an cư, thì Đà Nẵng ngược lại. Việc ồ ạt san lấp ruộng đồng làm KĐT rồi chờ dân đến ở dẫn tới nhiều hệ lụy về mặt đời sống xã hội. Đơn cử về văn hóa, văn minh, không phải xây một KĐT trên nền ruộng đồng, bốc dân cư vào ở là có văn hóa, văn minh của đô thị được. Ý thức, văn hóa của họ vẫn là làng xã nông nghiệp, sự đột ngột chuyển đổi sẽ vấp phải những va chạm, mâu thuẫn về mặt tâm lý, ứng xử, nói chung là văn minh. Việc chuẩn bị về tâm lý chưa đủ “độ chín”, sẽ khó thích nghi, và nảy sinh hậu quả. Chẳng hạn khi cầm một khoản lớn tiền đền bù mà chưa có một phương kế sử dụng, họ sẽ tiêu xài vào các mục đích thiếu bền vững, khi hết tiền thì không còn đất đai sản xuất, không có nghề nghiệp ổn định, phát sinh nhiều mâu thuẫn, phức tạp về ANTT. Chưa kể, tâm lý của lớp trẻ nông thôn khi tiếp xúc với một tập quán dân cư mới mà chưa được chuẩn bị kỹ, sẽ rơi vào hụt hẫng, vấp ngã.
Điều cốt lõi nhất của phương thức đô thị hóa cưỡng bức là chưa chuẩn bị đủ về cơ hội việc làm. Thành thử, các KĐT dẫu mọc lên với đường sá ngang dọc, sẽ khó thu hút được người dân tới sinh sống. Thực tế thì nhiều KĐT vùng ven Đà Nẵng, Quảng Nam dù hạ tầng đã làm xong vẫn lác đác những nóc nhà dựng lên. Quá trình lấp đầy sẽ rất lâu, thậm chí trong một thời gian dài sẽ là các KĐT “ma”. Khi càng kéo dài, hạ tầng càng xuống cấp, nguồn lực kinh tế đầu tư vào các KĐT này chưa hiệu quả ngay (làm cả con đường có khi chỉ có 1 nóc nhà), càng lâu càng lãng phí. Chưa kể KĐT thì để trống mà dân thì không còn đất sản xuất. Theo số liệu thống kê, Đà Nẵng có tốc độ đô thị hóa trong những năm qua cao nhất cả nước (87%), hơn cả TPHCM, Hà Nội. Vấn đề đặt ra là việc đô thị hóa quá “nóng”, bằng phương thức đất đổi đất, liệu đã đến lúc cần thay đổi chưa?
Ông Tô Văn Hùng - Trưởng Ban Đô thị, HĐND TP Đà Nẵng cho biết, một trong những chính sách mang đến thành công cho công cuộc tái thiết đô thị của Đà Nẵng phải kể đến chính là chính sách giải tỏa đền bù. TP đã giải tỏa hơn 110 ngàn hộ dân, bố trí tái định cư hơn 18.000 lô đất. Đây là một kết quả rất đáng được ghi nhận, thể hiện sự đúng đắn của chủ trương cũng như những lợi ích to lớn mà chủ trương này mang lại. Tuy nhiên, đến nay việc áp dụng hình thức đền bù giải tỏa theo phương thức đất đổi đất bộc lộ nhiều bất cập. Đơn cử như tổng số đất tái định cư hiện thành phố chưa khai thác trên 15 ngàn lô rải rác khắp TP, trong khi đó tại địa bàn xã Hòa Liên (Hòa Vang) lại thiếu đến hơn 1.400 lô đất để phục vụ tái định cư. Tình trạng một hộ dân sở hữu vài lô đất trong khi nhu cầu ở thì chỉ cần 1 lô là đủ, đất còn lại để hoang hóa, lãng phí xã hội là rất lớn. Bên cạnh đó, nhiều dự án thiếu đất để tái định cư, thu hồi các hộ dân đôi khi chỉ vài chục mét vuông đất nhưng lô đất đền bù thì phải theo quy định chung như đất trung tâm phải 100m2, đất Hòa Vang thì phải là 150m2, rồi thêm hạ tầng... như vậy lấy đâu ra đủ đất để phát triển đô thị. Đặc biệt, nếu tính đến chuyện tái thiết đô thị, các khu trung tâm TP cũ, dân cư chen chúc thì theo phương thức này coi như phá sản ý tưởng tạo lập không gian sống tiện ích hơn, hiện đại hơn. Do đó, phương thức phù hợp nhất là kết hợp giữa đền bù bằng đất kết hợp bằng tiền, tái định cư bằng căn hộ chung cư.
Và nhiều bất cập
Trong quá trình đô thị hóa ồ ạt, Hòa Liên một xã bán sơn địa, gần chục năm trước là vùng “rặt” nông thôn, khá cách biệt với trung tâm TP Đà Nẵng. Tuy vậy chỉ vài năm nay, xã này đã có gần 40 dự án, trong đó có nhiều dự án trọng điểm, cả các dự án đô thị lớn chưa từng có với hàng trăm héc-ta. Tính ra xã có 2,9km2 thì giải tỏa tới 2km2. Cả xã như một đại công trường, san lấp, xây dựng rầm rộ. Vì có quá nhiều dự án, nên phải giải tỏa, tái định cư (TĐC) nhiều. Theo đó, hàng loạt các khu TĐC mọc lên, dự án giải tỏa ở đâu, khu TĐC làm ngay ở đó. Điều này khiến địa phương không đủ đất TĐC, thiếu 1.400 lô. Mặt khác vì giải tỏa ở đâu, TĐC ở đó nên các khu TĐC làm lỗ chỗ, khó khớp nối về hạ tầng, nước thải, độ cao cốt nền, các tuyến đường... Hậu quả là ngập úng, ô nhiễm môi trường. Mới đây, thanh tra TP đã ra thông báo, chuyển tài liệu sang cơ quan điều tra về những sai phạm trong triển khai hạ tầng tại khu TĐC ở Hòa Liên. Vì nhiều vi phạm trong quá trình triển khai, cốt nền của khu TĐC thấp hơn 1m, khắc phục hậu quả phải mất hàng trăm tỷ đồng, nhưng cũng không được vì người dân đã xây nhà cửa, cũng có nghĩa là suốt đời họ sẽ phải sống chung với ngập lụt.
Trở lại các KĐT ở Điện Bàn (Quảng Nam) cũng lặp lại bóng dáng của cơn bão đô thị hóa vùng ven như Đà Nẵng. Nhìn từ trên cao, khu vực nam Điện Bàn như một bức tranh xôi đỗ, với những dự án lỗ chỗ, mỗi chủ đầu tư một khoảnh, thiếu đồng bộ, khớp nối. Tại buổi làm việc giữa Ban Thường vụ Đà Nẵng và Quảng Nam đầu năm 2018, lãnh đạo 2 địa phương đã đề cập tới việc thống nhất khớp nối trong quy hoạch để hình thành không gian đô thị chung giữa Đà Nẵng và một phần Quảng Nam. Cụ thể như thống nhất quy hoạch, cảnh quan ven dự án chung là tuyến du lịch sông Cổ Cò, làng đại học. Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam thừa nhận các khu đô thị ở Điện Bàn hiện lỗ chỗ, thiếu khớp nối, đồng thời cho biết sẽ giao cho một đơn vị lập quy hoạch tổng thể khoảng 1.500 ha dọc sông Vĩnh Điện làm khu đô thị. Ông cũng đề xuất Đà Nẵng kết hợp quy hoạch khu vực tiếp giáp để thống nhất trong ý tưởng, hình thành không gian đô thị chung.
TS Trần Du Lịch, Thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng cảnh báo, cứ phát triển đô thị phân lô, nhà ống, xe máy như hiện nay, 10 năm nữa Đà Nẵng sẽ giống như TPHCM, Hà Nội, là đối mặt với nạn ngập úng, kẹt xe và nhiều hệ lụy khác. Đến lúc, Đà Nẵng, Quảng Nam phải kiểm soát tốt vấn đề đô thị hóa vùng ven, đặc biệt về quy hoạch, đảm bảo không để lặp lại những bất cập như nhiều đô thị lớn đang mắc phải.
VĂN THI - HẢI HẬU
Theo Báo CA ĐN
Các bản tin khác
- Empire Group: Gừng không cần già vẫn cứ cay
- Sôi động TMS Luxury Hotel Da Nang Beach ngày mở bán
- Trung tâm Hội nghị Ariyana: Vườn nhiệt đới chào đón APEC 2017
- Condotel Cocobay chính thức cất nóc, dự kiến đón khách tháng 4/2018
- Mua đất "điện tử"
- Tuần lễ Cấp cao APEC 2017: Quảng bá giá trị văn hóa Đà Nẵng
- Chính phủ sẽ ban hành khung giá đất mới trong quý 2/2019
- Tổ hợp giải trí hơn 11.000 tỷ lớn nhất Đà Nẵng bây giờ ra sao?
- Khánh thành Bệnh viện Đa khoa quốc tế Vinmec Đà Nẵng
- 300 khách hàng dự khai trương nhà mẫu Sơn Trà Oceanview
- “Bay vào miền cổ tích” trung thu ở Sun World Danang Wonders
- Choáng với tổ hợp 5 sao dát vàng của đại gia Đường "bia"
- Quy định giá đất tái định cư một số dự án
- Dự án mở rộng tuyến tránh Nam Hải Vân-Hòa Liên: Đề nghị bổ sung gần 130 tỷ đồng giải phóng mặt bằng
- Hơn 1.600 phòng cao cấp Hoà Bình Green Đà Nẵng sẵn sàng phục vụ Tuần lễ cấp cao APEC tại Đà Nẵng
- Quảng cáo bất động sản xanh: Sự thật hay chiêu trò?
- Bất động sản Quảng Nam - Đà Nẵng chào đón dự án mới ngay khu kinh tế trọng điểm của Tỉnh
- Kiến trúc “lạ” tại dự án Coco Wonderland Resort
- Dự án Làng Đại học Đà Nẵng vẫn chưa thể triển khai
- Bảo vệ sông Cổ Cò