Sau khoảng thời gian tăng “nóng”, thị trường bất động sản (BĐS) Đà Nẵng đang chững lại. Tuy nhiên, có một nghịch lý diễn ra là “làn sóng” thành lập các sàn giao dịch BĐS lại tiếp tục tăng cao.
Các sàn, điểm giao dịch bất động sản mọc san sát nhau trên một con đường ở Hòa Xuân. |
Theo khảo sát của phóng viên, khu vực bên kia cầu Hòa Xuân, bao gồm từ phía đầu cầu Nguyễn Tri Phương kéo dài lên cầu Cẩm Lệ, rồi đi sâu vào các dự án Hòa Xuân mở rộng, Nam Hòa Xuân giai đoạn 1 và giai đoạn 2… đang là điểm “nóng” của các điểm giao dịch BĐS.
Cụ thể, đoạn đường Nguyễn Phước Lan tập trung dày đặc các điểm giao dịch BĐS với khoảng cách gần 500m có đến hơn 40 văn phòng giao dịch dự án, môi giới BĐS. Dù gắn mác là văn phòng, nhưng thực tế, đa phần chỉ là căn phòng nhỏ xíu, dựng tạm trên vỉa hè dẫn vào các dự án, phía trên lợp tôn, phía dưới vừa đủ kê một cái bàn, một máy tính xách tay và vài chiếc ghế làm văn phòng, trung tâm giao dịch…
Trong khi đó, tuyến đường 2 Tháng 9, tính từ vòng xoay Xô Viết Nghệ Tĩnh đến gần cầu Rồng dù chưa đầy 3km, nhưng có khoảng 20 sàn giao dịch và doanh nghiệp BĐS hoạt động. Đặc biệt, đoạn từ vòng xoay Xô Viết Nghệ Tĩnh đến ngã tư Phan Đăng Lưu với chiều dài 300m, nhưng có đến 7 sàn giao dịch nằm gần nhau.
Theo đánh giá của ông Nguyễn Văn Thường, Giám đốc sàn giao dịch BĐS Gia Phát, trào lưu thành lập sàn giao dịch trong thời gian qua là do thị trường BĐS sôi động, lượng mua bán giao dịch tăng đột biến nên để đáp ứng nguồn cầu này, nhiều sàn giao dịch, trung tâm môi giới đã thành lập.
Số liệu thống kê của Sở Xây dựng cho thấy, hiện nay, trên địa bàn thành phố Đà Nẵng có 38 sàn giao dịch BĐS (trong đó có 6 sàn giao dịch BĐS đã thông báo ngừng hoạt động). Tuy nhiên, trên thực tế, con số sàn giao dịch BĐS đang hoạt động lớn hơn nhiều.
Lý giải về con số nêu trên so với số sàn giao dịch hoạt động trên thực tế, ông Nguyễn Văn Thọ, một chuyên gia BĐS nhận định: “Sự chênh nhau cũng là điều dễ hiểu bởi để có một con số chính xác thì rất khó, bởi vì nhiều trung tâm, văn phòng môi giới mới thành lập chưa kịp đăng ký chức năng sàn giao dịch. Thậm chí, cũng có trường hợp nhiều “cò đất” thành lập sàn giao dịch cho “oai”, nhưng bản chất vẫn là “cò”.
Đa phần giám đốc của các sàn này xuất thân từ những người bán hàng cho các công ty phân phối hoặc chủ đầu tư trước đó. Các nhân viên của công ty, sau một thời gian hoạt động, người thì vài tháng, người thì vài năm rủ nhau thành lập các công ty BĐS, các sàn giao dịch. Do đó, hiện tại thị trường BĐS Đà Nẵng rất bát nháo mà người ngoài cuộc không biết đâu mà lần”.
Để tồn tại và bán được BĐS, nhiều sàn giao dịch mới thành lập không ngại tung nhiều chiêu trò như: mạo danh các sàn giao dịch lớn; ăn cắp hình ảnh của dự án khác ráp vào dự án của mình để giới thiệu đến khách hàng; kể cả chào bán các dự án chưa đủ pháp lý.
Luật sư Đỗ Pháp, Trưởng Văn phòng Luật sư Đỗ Pháp cho hay: “Để tránh rủi ro, các khách hàng trước khi ký hợp đồng góp vốn, hợp đồng mua bán cần phải lưu ý một số vấn đề như: phải kiểm tra kỹ tính pháp lý của dự án; ngoài ra, khách hàng cần chủ động đàm phán các phụ lục và điều khoản bồi thường khi điều kiện bất khả kháng xảy ra.
Và cuối cùng, trong trường hợp nhà đầu tư không hiểu pháp luật thì cần tham vấn luật sư để nắm rõ những điều khoản hợp đồng, điều kiện mua, điều kiện thanh toán, cam kết của nhà đầu tư, thủ tục chuyển nhượng, thủ tục hỗ trợ vốn từ ngân hàng (nếu có) và toàn bộ những thông tin pháp lý liên quan đến dự án.
Ông Bùi Xuân Định, Tổng Giám đốc Trung Nam Land cho rằng, trong bối cảnh thật giả lẫn lộn như hiện nay, khách hàng nên lựa chọn sản phẩm của những công ty BĐS uy tín, tài chính vững mạnh, có thương hiệu… để tránh những rủi ro có thể xảy ra trong quá trình đầu tư.
Với quan điểm này, ông Nguyễn Hữu Đức, Giám đốc kinh doanh Công ty CP bất động sản Protech chia sẻ: Khách hàng, nhà đầu tư cần có những lựa chọn đúng đắn trước khi “đặt cọc” dự án.
Theo đó, cần nắm rõ các thông tin về dự án, vị trí, giá trị dự án mang lại và đặc biệt là pháp lý dự án, cũng như lựa chọn chủ đầu tư, đơn vị phát triển và đơn vị phân phối dự án uy tín. Khách hàng cần phải được xem về giấy tờ về quyền sử dụng đất, hồ sơ dự án, thiết kế bản vẽ thi công đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt, giấy phép xây dựng đối với trường hợp phải có giấy phép xây dựng, giấy tờ về nghiệm thu việc hoàn thành xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật tương ứng theo tiến độ dự án.
Bài và ảnh: PHƯƠNG UYÊN
Theo Báo Đà Nẵng
Các bản tin khác
- BĐS cận giang, xu hướng mới của giới thương lưu
- Khách hàng chen chân dự Lễ giới thiệu Tổ hợp Cocobay của Phú Quý Land
- Địa ốc Đà Nẵng được dự báo tăng giá
- Bất động sản du lịch tăng trưởng mạnh
- Dự án Hòa Bình Green Đà Nẵng cam kết lợi nhuận với nhà đầu tư
- Jungdo Unit muốn biến Đà Nẵng trở thành đô thị phức hợp thông minh
- Savills Việt Nam mở văn phòng tại Đà Nẵng
- Lộ diện những "tay chơi mới" làm nóng thị trường bất động sản
- Cấp sổ đỏ qua mạng, kê khai như thế nào?
- Đầu tư căn hộ cho thuê: Hấp dẫn nhưng rủi ro
- Việt kiều có được đứng tên quyền sử dụng đất?
- InterContinental Đà Nẵng được vinh danh là "Khách sạn 5 sao hàng đầu Việt Nam"
- "Nóng" khách sạn ven biển
- InterContinental Danang Sun Peninsula Resort được vinh danh là “Khách sạn 5 sao hàng đầu Việt Nam”
- Cuối năm, nhiều cơ hội cho người trẻ mua nhà
- Nhu cầu mua nhà phố tăng vọt vì biến động giá vàng
- Sunland mở bán đợt mới khu đô thị sinh thái Nam Hoà Xuân, chiết khấu 8%, giá chỉ 570 triệu/nền
- Đừng mơ bán nhà cho Tây nếu không nắm 6 điều này
- Lợi nhuận từ 12,5% một năm với Boutique Hotel Cocobay Đà Nẵng
- Kịch bản nào cho thị trường bất động sản nửa cuối 2016?