Thị trường bất động sản (BĐS) khu vực miền Trung sẽ dịch chuyển theo hướng nào? Liệu có xảy ra tình trạng “sốt bong bóng” hay không?, và đặc biệt, khách hàng, nhà đầu tư làm thế nào mua được sản phẩm sát với tình hình thực tế nhất... là những vấn đề chính được đặt ra tại Hội thảo “Bất động sản miền Trung - thực trạng và định hướng phát triển” do Báo Công thương phối hợp với Hiệp hội BĐS Việt Nam tổ chưa tại Đà Nẵng ngày 28-6.
Hội thảo thu hút sự tham gia của hơn 200 đại biểu đến từ UBND, các sở, ngành liên quan, các chuyên gia tài chính, ngân hàng, chuyên gia BĐS cùng các doanh nghiệp, nhà đầu tư và đối tác BĐS khu vực miền Trung.
T.S Võ Trí Thành (ảnh) cho rằng, BĐS miền Trung còn rất nhiều tiềm năng, dư địa để phát triển. BĐS ở đây không chỉ là BĐS nghỉ dưỡng, BĐS du lịch, nó còn rất nhiều tổ hợp khác liên quan đến các khu vực công cộng, nhà ở... Để thị trường BĐS miền Trung phát triển bền vững, theo T.S Võ Trí Thành, có 2 nhóm giải pháp. Thứ nhất, chính quyền địa phương trong khu vực có thể đóng góp, kiến nghị với Trung ương để thay đổi những chính sách vĩ mô như chính sách tiền tệ, các luật liên quan đến quyền sở hữu, liên quan đến giao dịch BĐS (Luật nhà ở, Luật kinh doanh BĐS)... Nhóm chính sách thứ hai mà các tỉnh miền Trung có vai trò rất lớn và có thể chủ động được, đó là quy hoạch, các chính sách để hỗ trợ cho phía cung và phía cầu như môi trường kinh doanh, vấn đề minh bạch, vấn đề quy trình, chi phí giao dịch, về quỹ đất... |
Thị trường BĐS tăng trưởng ổn định
Theo ông Nguyễn Trần Nam, Chủ tịch Hiệp hội BĐS Việt Nam, mặc dù có nhiều biến động nhưng thực tế cho thấy thị trường BĐS tại Việt Nam nói chung, miền Trung nói riêng vẫn rất lạc quan. Lý do là bởi, đặc điểm của thị trường BĐS trong thời gian gần đây tăng mạnh nhờ BĐS du lịch. Đặc biệt tại miền Trung, BĐS du lịch tăng rất mạnh nhờ lợi thế có nhiều bãi biển đẹp, nhiều điểm đến hấp dẫn thu hút du khách, kéo theo đó thị trường BĐS du lịch tăng trưởng mạnh.
Đồng quan điểm, Tiến sĩ (T.S) Võ Trí Thành, nguyên Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương nhìn nhận, BĐS miền Trung có nhiều lợi thế để phát triển. Thứ nhất, đây là vùng đất có dải bờ biển dài, đẹp, cùng với đó là có rất nhiều di tích, những câu chuyện lịch sử hết sức thú vị. Chính lợi thế này là tiềm năng rất lớn cho phát triển BĐS liên quan đến du lịch. Thứ hai, miền Trung là vùng đất kết nối, là trung tâm kết nối các tuyến Đông - Tây ở khu vực Asean, phía Bắc, phía Nam và kết nối bản thân trong khu vực miền Trung. Sự kết nối này lại liên quan đến rất nhiều lĩnh vực như BĐS, phân phối logicstics, hàng không, đường bộ... Thứ ba là, miền Trung và đặc biệt là Đà Nẵng đang phấn đấu trở thành nơi “đáng sống” và “đáng sống” chính là nói đến vai trò của nhà ở, của BĐS, của các khu du lịch, khu làm việc, các khu công cộng..., tất cả đều liên quan đến BĐS.
Ông Nguyễn Văn Nam, Phó Giám đốc Sở Xây dựng (Đà Nẵng) cho biết, theo thống kê, tại Đà Nẵng hiện có khoảng hơn 50 dự án BĐS đã và đang triển khai; tổng số căn hộ, nhà ở liền kề, biệt thự khoảng hơn 50.000 căn. Cùng với sự nở rộ của các loại hình BĐS mới như Shophouse, Condotel (căn hộ khách sạn), căn hộ du lịch, Officetel (văn phòng – nhà ở), theo đánh giá của các nhà đầu tư, trong năm 2018, đất nền tại Đà Nẵng sẽ tiếp tục là phân khúc được ưa chuộng và nhiều khả năng sẽ bùng nổ giao dịch. Dự kiến có 2 khu vực sẽ “bùng nổ” dự án đất nền và nhà phố là khu Nam và Tây Bắc Đà Nẵng, bởi những nơi này hội tụ đủ các điều kiện tăng trưởng bền vững, các tuyến cầu tạo ra trục giao thông huyết mạch, mở rộng không gian đô thị về phía Nam. Nhờ đó, cư dân ở địa bàn này đi về các điểm làm việc, vui chơi giải trí ở khu vực trung tâm thành phố hay về phố cổ Hội An đều thuận tiện.
“Tuy tốc độ phát triển của các dự án BĐS ở nhiều địa phương trong cả nước đang có dấu hiệu chậm lại do tình hình biến động của thị trường BĐS cùng với mối quan ngại về sự ổn định của nền kinh tế vĩ mô và các chính sách của nhà nước về tài chính - tiền tệ, tuy nhiên, phần lớn các dự án BĐS tại Đà Nẵng vẫn đang được triển khai theo đúng tiến độ đã cam kết. Thị trường BĐS tại Đà Nẵng vẫn giữ được tốc độ tăng trưởng tương đối ổn định, tạo được niềm tin cho nhà đầu tư về tiềm năng và triển vọng của thị trường Đà Nẵng”, ông Nam khẳng định.
Làm gì để phát triển bền vững
Theo ông Nguyễn Hiền Ninh, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Đất Xanh Nam Miền Trung, khu vực miền Trung thời gian qua diễn ra hiện tượng sốt đất nền. Đây là điều khá bình thường và là kết quả tích cực của những chính sách phát triển kinh tế, dấu hiệu kinh tế khả quan của các địa phương. Tất nhiên, theo ông Ninh, việc tăng bất thường cũng tiềm ẩn các rủi ro. Đó là quy luật của kinh tế thị trường. “Vấn đề quan trọng ở đây là làm sao để duy trì được mức tăng và tăng trưởng ổn định. Kinh tế thị trường là thuận mua, vừa bán giữa 2 bên, người mua để giảm thiểu rủi ro cần tìm hiểu rõ về dự án khi mua, tính pháp lý, hạ tầng, vị trí, quy hoạch của chủ đầu tư. Để hạn chế rủi ro cho người mua thì các địa phương cần có sự kiểm soát, giám sát việc triển khai các dự án bảo đảm pháp lý và kinh doanh theo luật bất động sản”, ông Ninh nói.
Ngoài ra, theo ông Ninh, người mua cũng có thể lựa chọn các phân khúc sản phẩm khác để đầu tư thay vì chỉ là chạy theo đất nền. Hiện nay dòng sản phẩm nhà phố thông minh (shophouse) là dòng sản phẩm đa năng đang được ưa chuộng tại nhiều tỉnh thành, cùng với xu hướng phát triển kinh tế du lịch là mũi nhọn thì dòng sản phẩm biệt thự sông/biển cũng được nhiều khách hàng có tiềm lực tài chính quan tâm. Đây là 2 dòng sản phẩm mà giá trị vốn lãi sẽ được gia tăng theo thời gian, đồng thời sinh ra dòng tiền cho hiện tại và tương lai. Khi giao dịch các dòng sản phẩm này thì rủi ro cũng được hạn chế rất nhiều bởi tính pháp lý minh bạch.
Cũng theo ông Nguyễn Hiền Ninh, trong xu thế phát triển ngày càng cạnh tranh đòi hỏi tính khắt khe và chuyên nghiệp của thị trường để phát triển một cách bền vững, doanh nghiệp cần có phương án tài chính lành mạnh, am hiểu luật pháp, dịch vụ khách hàng chuyên nghiệp, tạo ra sản phẩm ưu việt, đa năng theo xu thế mới đáp ứng được các yêu cầu của khách hàng, phương thức kinh doanh linh hoạt, triển khai dự án tuân thủ luật pháp và giữ uy tín với khách hàng của mình, đồng thời không chỉ tạo ra giá trị cho doanh nghiệp mà phải tạo ra giá trị cho cộng đồng và xã hội.
Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký Hội Môi giới BĐS Việt Nam cho rằng, sàn giao dịch và môi giới BĐS ra đời là đáp ứng nhu cầu kết nối cung - cầu của thị trường. Tuy nhiên, nếu người làm môi giới và sàn giao dịch không tuân thủ pháp luật, tuân thủ các nguyên tắc nghiệp vụ về thị trường, về sản phẩm, khách hàng... tất yếu sẽ làm xuất hiện thị trường ảo, tạo nguy cơ bong bóng BĐS và gây rủi ro cao cho các nhà phân phối, tác động tiêu cực đến thị trường BĐS và rộng hơn là cả nền kinh tế.
D.HÙNG
Theo Báo CA ĐN
Các bản tin khác
- Người thuê nhà cần biết 5 thay đổi lớn từ 01/7/2021
- Cách tính tiền Bảo hiểm xã hội một lần năm 2021
- Nhiều quy định về nâng lương cán bộ, công chức sắp thay đổi?
- Đà Nẵng điều chỉnh giảm 10% giá đất so với hiện nay
- Từ 01/7/2021, đăng ký thường trú, tạm trú có thể bị thu hồi Sổ hộ khẩu
- Vì sao Chứng minh nhân dân không nên ép dẻo?
- Thủ tục sang tên xe máy mới nhất: Kinh nghiệm thực hiện từ A đến Z
- Cách ghi số và ký hiệu văn bản đúng chuẩn Nghị định 30
- Hướng dẫn mới nhất về cấp Giấy xác nhận số CMND từ 18/11/2019
- Từ 22/5, chính thức cấp bản sao điện tử cho người dân
- Trường hợp nào gây thiệt hại mà không phải bồi thường?
- Một năm, người lao động được nghỉ việc riêng mấy lần?
- Đất không có Sổ đỏ có được chia thừa kế không?
- Hôm nay (15/5), nhiều chính sách mới bắt đầu có hiệu lực
- Từ 20/4/2020: Giấy ủy quyền chỉ được chứng thực trong 4 trường hợp
- 6 giao dịch về nhà ở không cần đến Sổ đỏ
- Các Văn phòng Công chứng tuân thủ nghiêm chỉnh các quy định về phòng chống dịch Covid 19
- Đà Nẵng: Mức giá đất ở cao nhất là 98,8 triệu đồng/m2
- Có Sổ đỏ trong tay, người dân được hưởng lợi thế nào?
- Thủ tục cấp Sổ đỏ khi mua bán nhà đất bằng giấy viết tay