Thủ tục vay ngân hàng rườm rà khiến nhiều người buộc phải nhờ “cò” ngân hàng. Lợi dụng sự kém hiểu biết của người dân, các cò ép họ ký nhiều giấy tờ để rồi mất trắng nhà cửa.
Vòng xoáy tín dụng khiến nhiều làng quê không bình yên |
Hàng chục hộ dân xã Cần Kiệm, huyện Thạch Thất, Hà Nội đang bị mất trắng nhà cửa do nhẹ dạ, cả tin đưa sổ đỏ nhà đất cho cò ngân hàng để nhờ làm thủ tục vay tiền.
Để được vay tiền nhanh, dưới sự hướng dẫn của “cò”, người dân đã ký vào rất nhiều các loại giấy tờ mà không được đọc trong số đó có cả giấy tờ bán nhà, ủy quyền định đoạt tài sản... cho các cò. Hậu quả, chỉ vay có vài chục triệu đồng nhưng gần 20 hộ dân xã Cần Kiệm lại mất trắng căn nhà trị giá cả tỷ đồng.
Giao trứng cho ác
Năm 2008, ông Cấn Văn Đương (xã Cần Kiệm, Thạch Thất, Hà Tây cũ) có nhu cầu vay 50 triệu đồng để xây dựng xưởng gỗ. Qua quen biết, ông Đương đã gặp anh Nguyễn Văn Hiệp (người cùng xã). Anh Hiệp đã giới thiệu ông Đương gặp bà Lê Thị Dung (số CMND 171669546) – Giám đốc công ty TNHH TM DV điện máy Thanh An (công ty Thanh An) có trụ sở tại 109 Chùa Láng, Láng Thượng, Hà Nội để vay tiền.Căn cứ vào hợp đồng vay tiền giữa ông Đương và công ty Thanh An, số tiền vay là 50 triệu đồng, lãi suất 1,1%/tháng, thời hạn vay 48 tháng. Trong đó, hình thức đảm bảo tiền vay là ông Đương thế chấp cho công ty Thanh An ngôi nhà tại xã Cần Kiệm theo giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà và quyền sử dụng đất số S244705 do UBND huyện Thạch Thất cấp 23/09/2003.
Ông Đương cho biết, tại thời điểm đó do quá cần tiền và muốn vay được nhanh trong khi vay vốn ngân hàng rất khó, thủ tục rườm rà. Trong khi anh Hiệp lại có thể vay được nhanh, lãi suất thấp do vậy đã đồng ý. Điều kiện để được vay tiền là phải thế chấp sổ đỏ cho công ty Thanh An.
Sau khi giao sổ đỏ cho anh Hiệp đi làm thủ tục, anh Hiệp có đưa ông Đương ký vào nhiều loại giấy tờ. “Lúc đó, anh Hiệp chỉ bảo ký nhanh vào giấy tờ để lấy tiền. Các giấy tờ này chỉ là thủ tục để làm cho việc vay mượn dễ dàng hơn. Phần vì sốt ruột muốn vay tiền nhanh nên tôi ký ngay” ông Đương cho biết.
Tuy nhiên, chỉ sau 1 thời gian ngắn, khi nghe thông tin căn nhà của ông đã bị ngân hàng phát mại tài sản do công ty Thanh An không trả được nợ gốc và lãi đúng hạn. Ông Đương đã chạy đôn đáo đến ngân hàng để hỏi thì được cán bộ ngân hàng cho tôi biết trong số giấy tờ ông Đương đã ký vào giấy bán đất cho công ty Thanh An. Nghe xong, ông Đương thật sự choáng váng.
“Chị xem căn nhà và mảnh đất của tôi rộng gần 200 m2 làm sao có chuyện tôi ký giấy bán, thế chấp cả ngôi nhà để lấy 50 triệu đồng” ông Đương bức xúc.
Căn nhà ông Cấn Văn Đương (xã Cần Kiệm, Thạch Thất) đã bị phát mãi mặc dù khoản vay trị giá 50 triệu đồng |
Lừa cả họ hàng
Bà Kiều Thị Vân (xã Cần Kiệm) là người bà con họ hàng với Nguyễn Văn Hiệp cũng bị mắc bẫy. Năm 2007, bà Vân nhờ Hiệp đứng ra vay hộ 20 triệu đồng để lấy vốn cho con trai mở xưởng.Vì số tiền ít nên bà Vân chỉ có nhu cầu vay khoảng 2 tháng, Hiệp hứa là chỉ trong vòng 10 ngày sẽ giải quyết xong mọi thủ tục vay cho bà Vân. Tuy nhiên, quá thời hạn bà Vân xuống hỏi Hiệp nói là do mảnh đất nhà bà Vân bé quá không đủ điều kiện vay vì vậy phải gom thêm sổ đỏ khác. 2 tháng sau, Hiệp có đưa bà Vân cùng 4 hộ dân khác đến ký giấy tờ ở Văn phòng công chứng quận Hà Đông.
Bà Vân kể, “Anh Hiệp mang ô tô về đưa tôi đi ký, anh cho ngồi ở quán nước khoảng 11h30 thì lên phòng công chứng, công chứng bảo hết giờ rồi nên các bác ký nhanh. Tôi bảo cho tôi ngồi đây để đọc cái giấy xem thế nào thì Hiệp bảo bác cứ yên chí cháu làm đầy đủ rồi bác cứ ký vào đó là lấy được tiền. Vì vậy, nó giở đến đâu tôi ký đến đó. Ngay ngày hôm sau, Hiệp đem 20 triệu đồng và trích luôn phần hoa hồng là 1,2 triệu đồng cộng tiền lãi hai tháng hơn 1 triệu đồng".
Sau đó 2 tháng, có một cán bộ ngân hàng đến gửi giấy nói công ty Thanh An vay tiền nhiều tháng nhưng không trả lãi, giờ ngân hàng đưa giấy thông báo. Tôi nhìn giấy thì thấy số tiền vay lên đến 120 triệu đồng trong khi tôi chỉ vay 20 triệu đồng. Tá hỏa, tôi đến gặp Hiệp đề nghị trả 20 triệu đồng cộng lãi suất với điều kiện trả lại sổ đỏ cho tôi. Nhưng Hiệp chỉ bảo, sổ đỏ công ty cầm, hiện công ty ở đâu nó cũng không nắm được.
Ẵm ngân hàng 5 tỷ đồng
Ông Kiều Văn Tưởng – Phó chủ tịch UBND xã Cần Kiệm cho biết, qua nắm bắt tình hình thực tế, năm 2007-2008, công ty Thanh An có thực hiện dịch vụ cho người dân vay tiền dưới hình thức thủ tục đơn giản, lãi suất hợp lý. Đổi lại, công ty Thanh An chỉ cần thế chấp sổ đỏ. Bản thân, công ty đã cho hơn 20 hộ vay với các khoản vay có giá trị từ 15 đến 50 triệu đồng/hộ. Tổng tiền công ty Thanh An cho vay khoảng 500 triệu đồng.Sau khi thu gom sổ đỏ các hộ dân, công ty này mang ngân hàng thế chấp vay 5 tỷ đồng. Đến lúc, ngân hàng thúc nợ công ty để thu hồi vốn nhưng không thấy công ty này đâu nữa. Vì vậy, ngân hàng đã khởi kiện ra tòa và phát mại tài sản.
Trong quyết định thi hánh án theo đơn yêu cầu của Cục thi hành án dân sự Thành phố Hà Nội, công ty TNHH thương mại và dịch vụ tổng hợp điện máy Thanh An – địa chỉ Cầu Diễn, Từ Liêm sẽ phải thanh toán cho ngân hàng công thương số tiên 4,991 tỷ đồng. Trong trường hợp, công ty Thanh An không thanh toán được thì Thi hành án dân sự phát mại các tài sản để thu nợ trong đó riêng xã Cần Kiệm có 15 trường hợp các hộ dân đã ký hợp đồng thế chấp quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền trên đất cho công ty Thanh An.
(Theo VnMedia)
Các bản tin khác
- “Chiến lược đại dương xanh” đã lấn sang thị trường bất động sản
- Cuộc đối đầu kỳ thú giữa shophouse và thương mại điện tử
- Tháo gỡ vướng mắc về tách thửa đất, cấp sổ hồng
- CEO Sun Group và những câu chuyện bây giờ mới kể
- "Bom tấn" Golden Bridge khiến du khách quốc tế khao khát check-in Đà Nẵng
- Cách thức xác định đối tượng mua nhà ở xã hội do doanh nghiệp đầu tư
- Bất động sản: Thời của trải nghiệm khách hàng lên ngôi
- "Cách mạng 4.0 đang tác động mạnh mẽ đến bất động sản Việt Nam"
- Yên bình bãi Tiên Sa
- Chờ khung pháp lý, "đứa con lai" condotel dần hạ nhiệt
- Đẩy nhanh tiến độ các dự án đầu tư xây dựng tại quận Liên Chiểu
- Đà Nẵng: Đấu thầu dự án khu đô thị 50ha từ việc chuyển đổi KCN Đà Nẵng
- Thị trường bất động sản: "Sẽ không biến động lớn đến 2019"
- Đề xuất phương án thu hồi dự án sân vận động Chi Lăng
- Chuyển đổi Khu công nghiệp Đà Nẵng thành đất ở đô thị: Cần đúng quy định pháp luật và phù hợp điều kiện cụ thể
- 15 NĂM THỰC HIỆN NGHỊ QUYẾT SỐ 33-NQ/TW CỦA BỘ CHÍNH TRỊ (KHÓA IX) Đà Nẵng - thành phố động lực của sự phát triển
- Đấu thầu xây dựng bãi đỗ xe công cộng nhiều tầng tại 18 vị trí khu vực trung tâm thành phố
- Khai thác thị trường bất động sản công nghiệp
- Cuối năm nay sẽ có văn bản pháp lý cho condotel
- Pháp lý cho condotel chưa rõ ràng