Trước sức “nóng” ngày một gia tăng của thị trường bất động sản (BĐS), việc siết tín dụng BĐS là động thái cần thiết để ổn định thị trường, tránh tình trạng “bong bóng” như những năm trước đây. Theo một số doanh nghiệp BĐS và ngân hàng, điều này vừa cần thiết để hệ thống tài chính ngân hàng có thể ổn định, phát triển bền vững, tránh nợ xấu tăng; vừa thanh lọc lại thị trường BĐS, đào thải những dự án kém khả thi và tạo điều kiện để những dự án tốt phát triển.
Việc siết tín dụng ngân hàng giúp cho thị trường BĐS phát triển bền vững, các nhà đầu tư sẽ cân nhắc lựa chọn sản phẩm và dự án có pháp lý rõ ràng để thuận tiện hơn khi sử dụng tín dụng ngân hàng và việc đầu tư cũng ít rủi ro hơn (ảnh minh họa). |
Ông Nguyễn Trần Nam - Chủ tịch Hiệp hội BĐS Việt Nam, nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng cho rằng, thời gian gần đây, thị trường BĐS có sự đột biến, gây ra rất nhiều tiêu cực khi giá cả tăng quá phi lý. Điều này dẫn đến những khó khăn cho các nhà đầu tư trong đền bù, giải phóng mặt bằng, lập kế hoạch sản xuất kinh doanh. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, tình hình đã giảm nhiệt. Nguyên nhân theo ông Nam, thứ nhất là năm nay theo dự báo kinh tế Việt Nam giảm dần theo chiều từ quý I sang quý IV (ngược lại các năm trước đây). Tuy chưa có số liệu chính thức, nhưng theo số dự báo thì quý II đạt dưới 7%, thấp hơn quý I. Thứ hai, đầu tháng 6-2018, thị trường chứng khoán có dấu hiệu rút vốn, giảm, kéo theo giá trị cổ phiếu của các đại gia BĐS giảm mạnh. Theo quan sát của ông Nam, các đại gia BĐS đang có động thái chuyển dịch sang đầu tư ở lĩnh vực khác như hàng không, sản xuất ô-tô, điện thoại... nên dòng vốn trong lĩnh vực này bị san sẻ, giảm bớt. Đó là chưa kể, từ đầu năm 2017, Chính phủ tiếp tục thực hiện chủ trương giảm tín dụng vào thị trường BĐS. Từ năm 2016 trở về trước, tốc độ tăng trưởng tín dụng BĐS luôn gấp 1,5 lần so với tốc độ tăng trưởng tín dụng trung bình (tăng trưởng tín dụng trung bình tăng 12% thì tăng trưởng tín dụng BĐS khoảng 18-19%). Tuy nhiên, đến năm 2017 thì ngược lại, tín dụng BĐS giảm xuống còn 12-13%, dự báo trong năm nay giảm tiếp. “Về phía tích cực, động thái này giúp giảm nhiệt thị trường BĐS đang nóng một cách bất hợp lý như thời gian qua”, ông Nam phân tích. Đồng thời cho rằng thị trường BĐS thời gian tới vẫn rất lạc quan.
Còn theo ông Nguyễn Hiền Ninh - Tổng Giám đốc Công ty CP Đất Xanh Nam Miền Trung, trong những năm gần đây, thị trường BĐS tại Đà Nẵng nói riêng, cả nước nói chung có những tín hiệu khởi sắc. Các địa phương đua nhau đưa ra hàng loạt các ưu đãi để mời gọi các nhà đầu tư; bên cạnh đó, các chính sách tài chính cũng được hỗ trợ nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các dự án BĐS nối gót ra đời. “Đánh hơi” được tiềm năng trong lĩnh vực này, các tổ chức tín dụng cũng đồng loạt đưa ra các chính sách thu hút nhà đầu tư. “Nhiều ngân hàng thương mại xem việc cho vay BĐS là miếng bánh ngon và sinh lời mạnh, vì vậy họ cũng chạy đua cùng khách hàng với nhiều gói cho vay BĐS thời hạn đa dạng từ 5 năm, 10 năm, thậm chí có ngân hàng cho vay thời hạn tới 25 năm với lãi suất hấp dẫn, thời hạn trả lãi và trả tiền gốc cũng linh hoạt không kém. Chính những chính sách này đã góp phần làm cho tín dụng cho vay vào thị trường địa ốc khá cao”, ông Ninh chia sẻ.
Để đảm bảo tín dụng cho vay trong lĩnh vực BĐS và hạn chế các rủi ro, mới đây, NHNN có văn bản yêu cầu các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cần theo sát và đánh giá tiến độ của các dự án, năng lực tài chính, khoản tín dụng và tài sản bảo đảm để có biện pháp hạn chế rủi ro.
“Việc siết tín dụng BĐS là một động thái cần thiết để ổn định thị trường, tránh bong bóng BĐS. Điều này vừa là cần thiết để hệ thống tài chính ngân hàng có thể ổn định, phát triển bền vững, tránh nợ xấu tăng; vừa là thanh lọc lại thị trường BĐS, đào thải những dự án kém khả thi và tạo điều kiện để những dự án tốt phát triển”, ông Ninh phân tích.
Cũng theo ông Ninh, thực tế, việc siết tín dụng vào BĐS không ảnh hưởng quá nhiều đến các dự án đang triển khai nếu các dự án này có phương án tài chính khả thi và tiến độ triển khai như cam kết. Doanh nghiệp BĐS để làm chủ dự án hoặc đầu tư dự án đòi hỏi phải có nguồn lực tài chính, kinh nghiệm và năng lực triển khai... Vì vậy, việc hạn chế tín dụng về BĐS về bản chất sẽ không có tác động nhiều đến các doanh nghiệp có phương án tài chính tốt với định hướng phát triển bền vững, điều đó cũng làm cho việc triển khai xây dựng và phát triển dự án được ổn định hơn. Đối với nhà đầu tư thứ cấp, họ sẽ cân nhắc lựa chọn các sản phẩm và dự án có pháp lý rõ ràng, chủ đầu tư uy tín, điều đó sẽ thuận tiện hơn khi sử dụng tín dụng ngân hàng và việc đầu tư cũng ít rủi ro hơn.
“Trong xu thế phát triển ngày càng cạnh tranh đòi hỏi tính khắt khe và chuyên nghiệp của thị trường, để phát triển theo xu hướng đó một cách bền vững, doanh nghiệp cần có phương án tài chính lành mạnh, am hiểu luật pháp, dịch vụ khách hàng chuyên nghiệp, tạo ra sản phẩm ưu việt, đa năng, phương thức kinh doanh linh hoạt, triển khai dự án tuân thủ luật pháp và giữ uy tín với khách hàng của mình; đồng thời không chỉ tạo ra giá trị cho doanh nghiệp mà phải tạo ra giá trị cho cộng đồng và xã hội”, ông Ninh nói.
Mặc dù các ngân hàng đã thận trọng hơn trong việc cho vay BĐS nhưng để có sự chọn lọc hơn nữa khi giải ngân và để đảm bảo dòng vốn vào lĩnh vực này không quá ồ ạt, tránh xảy ra tình trạng “vỡ bong bóng” như 10 năm trước đây, gây hệ lụy xấu cho hệ thống ngân hàng, ngay từ đầu năm 2018, NHNN đã ban hành nhiều văn bản yêu cầu các ngân hàng thực hiện nghiêm túc tốc độ tăng trưởng, chú trọng chất lượng tín dụng, đồng thời lưu ý các ngân hàng kiểm soát tốt lĩnh vực cho vay tiêu dùng thông qua giám sát chặt chẽ sử dụng nguồn vốn này để tránh trường hợp khách hàng vay tiêu dùng nhưng thực chất là để đầu tư, kinh doanh BĐS, chứng khoán... Theo lãnh đạo một chi nhánh ngân hàng trên địa bàn Đà Nẵng, từ tháng 5 trở lại đây, một số ngân hàng thương mại cũng rục rịch điều chỉnh lãi suất cho vay liên quan đến nhà đất với mức tăng thêm từ 1-2 điểm phần trăm so với trước đó, dao động từ 11-12,5%/năm. Giá trị cho vay với một số dự án hoặc nhà ở các khu vực tăng nóng cũng được các ngân hàng giảm xuống, còn từ 30-40% giá trị. Đây là tín hiệu khá tích cực, tuy vậy, để giảm rủi ro cho hệ thống ngân hàng, các ngân hàng vẫn cần cẩn trọng hơn khi cho vay vào lĩnh vực BĐS, điều này cũng góp phần làm cho thị trường BĐS phát triển bền vững hơn.
D.H
Theo Báo CAĐN
Các bản tin khác
- Vốn ngoại đổ vào địa ốc
- Trên 96% diện tích đất đã được cấp GCN quyền sử dụng đất
- Kinh doanh BĐS: Phục vụ "thượng đế" còn lắm gian nan
- Khó có 'bong bóng' nhà đất
- Bất động sản cao cấp và nhân tố không gian xanh
- Sếp lớn bất động sản nói gì về triển vọng thị trường?
- Xã hội hóa đầu tư khu Liên hợp thể thao
- Chưa vội định đoạt số phận sân Chi Lăng trong 5 năm tới
- Đà Nẵng mới chỉ bán được 24 căn hộ chung cư 12 tầng Nại Hiên Đông
- Ôtô Toyota, Honda chỉ còn 300 triệu?
- Bồi thường thu hồi đất: Khác gì so với trước?
- Giá đất tái định cư một số khu dân cư trên địa bàn 2 quận Ngũ Hành Sơn và Liên Chiểu
- Giao dịch bất động sản giảm nhẹ trong tháng 9
- Thấp thỏm chờ di dời ga Đà Nẵng (2)
- Những chính sách có hiệu lực từ tháng 10-2015
- Sở Xây dựng TP.HCM thống nhất giảm nhiều thủ tục cho Việt kiều mua nhà
- Lý do người Đà Nẵng thích mua đất nền
- Ngũ Hành Sơn - Sự chuyển mình mạnh mẽ
- Hoà Xuân, “điểm nóng” mới của bất động sản Đà Nẵng
- Giá đất tái định cư tại dự án Khu dân cư Bàu Mạc