Cho vay tiêu dùng tại các công ty tài chính đang chứng kiến sự bùng nổ trong những năm gần đây nhờ những tiện ích như: nhanh chóng, không cần tài sản thế chấp, và có nhiều sản phẩm đáp ứng nhu cầu thiết yếu. Tuy nhiên, nhiều người vẫn chưa hiểu rõ về các hình thức vay mà công ty tài chính đang cung cấp.
Cho vay tiêu dùng hiện tập trung vào phân khúc sửa chữa và mua nhà để ở; mua đồ dùng, trang thiết bị gia đình; mua phương tiện đi lại. |
Vay tiêu dùng ngày càng phổ biến
Vay tiêu dùng đang trở thành một xu hướng và bùng nổ tại Việt Nam trong tương lai, dự báo có thể vượt mốc 10% GDP vào năm 2020. Cùng với đó, nhu cầu tiêu dùng của người Việt Nam ngày càng cao cũng là nhân tố chính tác động mạnh mẽ tới thị trường cho vay tiêu dùng.
Thực tế, cho vay tiêu dùng tiếp tục xu hướng tăng trưởng mạnh trong những năm gần đây nhờ nhu cầu của người dân ngày càng gia tăng. Theo số liệu của Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia, cho vay tiêu dùng cuối năm 2016 đạt 646.000 tỷ đồng, tăng 48% so với đầu năm, chiếm 13,1% tổng cho vay.
Cho vay tiêu dùng hiện tập trung vào phân khúc sửa chữa và mua nhà để ở (49,4%); mua đồ dùng, trang thiết bị gia đình (23,4%); mua phương tiện đi lại (10,4%). Dự báo đến năm 2020, chỉ số tiêu dùng của người Việt Nam sẽ tăng 40% so với năm 2016.
Loại hình sản phẩm đa dạng
Nói đến thị trường cho vay tiêu dùng là nói đến các sản phẩm cho vay tiêu dùng cá nhân. Tại các khu vực, quốc gia khác nhau, sự phát triển của các sản phẩm cũng khác nhau do phụ thuộc bởi nhiều yếu tố… nhưng tất cả đều hướng tới mục tiêu phục vụ nhu cầu của khách hàng.
Khảo sát chung cho thấy, cơ cấu sản phẩm cho vay tiêu dùng tại Việt Nam hiện nay khá đa dạng. Các công ty tài chính với sự am hiểu thị trường, đã đưa ra rất nhiều loại hình sản phẩm cho vay tiêu dùng để đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng từ phía khách hàng.
Tuy nhiên, về cơ bản có thể chia cho vay tiêu dùng thành 3 nhóm chính bao gồm cho vay mua sắm, vay tiền mặt và cho vay qua hình thức phát hành thẻ tín dụng.
Trong đó, sản phẩm vay mua sắm các mặt hàng tiêu dùng như đồ điện tử, điện máy, xe máy đang ngày càng được nhiều người lựa chọn. Ưu điểm của loại sản phẩm này là khách hàng sẽ được sở hữu và sử dụng sản phẩm ngay. Lãi suất cho vay hiện được các công ty tài chính giữ ở mức khá hợp lý từ 20-30%/năm. Thậm chí nhiều nơi còn có những chương trình ưu đãi với lãi suất 0%, thường khá phổ biến với khách hàng khi mua các sản phẩm điện tử, điện máy.
Đối với sản phẩm vay tiền mặt, đúng như tên gọi, khách hàng sẽ được các công ty tài chính cho vay tiền mặt nhằm đáp ứng các nhu cầu chi tiêu đa dạng như du lịch, khám bệnh, bổ sung vốn sửa sang nhà cửa. Lãi suất vay tiền mặt thường cao hơn vay mua sắm, có thể lên tới 40% /năm, do yếu tố rủi ro của khoản vay cao hơn.
Cũng là một sản phẩm cho vay tiêu dùng đang ngày càng được ưa chuộng, vay tiêu dùng qua hình thức phát hành thẻ tín dụng giúp đáp ứng nhu cầu vay khác nhau từ mua sắm hằng ngày, chi tiêu đột xuất đến việc sử dụng như một nguồn vốn kinh doanh nhỏ do có thể rút tiền mặt. Tuy nhiên, lãi suất của nhóm sản phẩm này cao hơn một chút, thường ở mức từ 37- 49%/năm.
Ngoài ra, các công ty tài chính cũng thường kết hợp với đối tác như các nhà sản xuất, đơn vị bán lẻ để thiết kế những sản phẩm tiện ích với mức lãi suất thấp nhất phục vụ khách hàng. Theo đó, nhiều công ty tài chính kết hợp với các đối tác áp dụng các chương trình cho vay trả góp lãi suất ưu đãi, có thể thấp nhất là 0%/năm, kỳ hạn vay từ linh hoạt 4 - 12 tháng. Thông thường với khoản vay này, khách hàng chỉ phải trả trước 30 - 40% cho khoản vay và hưởng lãi suất ưu đãi.
Khách hàng cần chú ý những gì?
Đi cùng với sự linh hoạt, dễ dàng tiếp cận hơn vay ngân hàng, vay tiêu dùng cũng thường có mức lãi suất cao hơn và một số ràng buộc nhất định. Do vậy, giới chuyên gia thường khuyến cáo người tiêu dùng cần nghiên cứu kỹ hợp đồng trước khi đặt bút ký, trong đó đặc biệt lưu ý về thời hạn vay, lãi suất và hình thức trả nợ.
Người vay vốn tín chấp cần cân nhắc thật kỹ trước những điều kiện vay vốn, các loại khoản phí như thanh toán trước hạn, phí chậm thanh toán… Đặc biệt, người đi vay cần hỏi thật kỹ các thông tin liên quan tới việc trả nợ để đảm bảo trả nợ đầy đủ và đúng hạn, tránh việc để lại “vết đen” trong lịch sử tín dụng của bản thân.
Phương Anh
Theo Báo Đà Nẵng
Các bản tin khác
- Đầu tư theo kênh nào để sinh lời?
- Đà Nẵng: Cấm chủ đầu tư bán nhà đất dưới mọi hình thức khi dự án chưa đủ thủ tục pháp lý
- 5.581 tỷ đồng xây dựng cảng Liên Chiểu giai đoạn 1
- Ô tô Indonesia 300 triệu, xe Thái 400 triệu đổ về Việt Nam
- Du lịch Đà Nẵng 2017 kỳ vọng bùng nổ với lễ hội pháo hoa
- Đà Nẵng siết chặt hoạt động quản lý đất đai, nhà ở, căn hộ
- NGHỊ QUYẾT HĐND THÀNH PHỐ: Đặt, đổi tên một số đường trên địa bàn thành phố Đà Nẵng năm 2016
- Kinh nghiệm chọn mua chung cư
- Đà Nẵng sẽ đầu tư 9.677 tỷ đồng tái cấu trúc phát triển đô thị
- Bất động sản làm tăng áp lực lên hạ tầng của Đà Nẵng
- WB và ADB ủng hộ dự án di dời ga đường sắt Đà Nẵng
- Khẩn trương giải quyết việc đền bù, giải tỏa dự án Trung tâm thương mại Chợ Cồn và công viên thành phố
- Nghiên cứu khả thi dự án Di dời ga đường sắt và Tái phát triển đô thị TP Đà Nẵng do Tư vấn quốc tế của WB thực hiện
- Đấu giá lô đất lớn góc đường Ngô Quyền–Võ Văn Kiệt
- Dự án KCN Hòa Khánh mở rộng: Chia lô cho công nhân xây nhà ở
- Nhiều điểm mới trong quy chế cho vay mới
- Xác định khu vực tổ chức, cá nhân nước ngoài được sở hữu nhà ở tại Đà Nẵng
- Không lo tiền bị 'chôn' trong bất động sản
- Đà Nẵng đáng sống, cần thêm “đáng đầu tư”
- Đà Nẵng quy định diện tích tối thiểu căn hộ là 45m2