Cho vay tiêu dùng tại các công ty tài chính đang chứng kiến sự bùng nổ trong những năm gần đây nhờ những tiện ích như: nhanh chóng, không cần tài sản thế chấp, và có nhiều sản phẩm đáp ứng nhu cầu thiết yếu. Tuy nhiên, nhiều người vẫn chưa hiểu rõ về các hình thức vay mà công ty tài chính đang cung cấp.
Cho vay tiêu dùng hiện tập trung vào phân khúc sửa chữa và mua nhà để ở; mua đồ dùng, trang thiết bị gia đình; mua phương tiện đi lại. |
Vay tiêu dùng ngày càng phổ biến
Vay tiêu dùng đang trở thành một xu hướng và bùng nổ tại Việt Nam trong tương lai, dự báo có thể vượt mốc 10% GDP vào năm 2020. Cùng với đó, nhu cầu tiêu dùng của người Việt Nam ngày càng cao cũng là nhân tố chính tác động mạnh mẽ tới thị trường cho vay tiêu dùng.
Thực tế, cho vay tiêu dùng tiếp tục xu hướng tăng trưởng mạnh trong những năm gần đây nhờ nhu cầu của người dân ngày càng gia tăng. Theo số liệu của Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia, cho vay tiêu dùng cuối năm 2016 đạt 646.000 tỷ đồng, tăng 48% so với đầu năm, chiếm 13,1% tổng cho vay.
Cho vay tiêu dùng hiện tập trung vào phân khúc sửa chữa và mua nhà để ở (49,4%); mua đồ dùng, trang thiết bị gia đình (23,4%); mua phương tiện đi lại (10,4%). Dự báo đến năm 2020, chỉ số tiêu dùng của người Việt Nam sẽ tăng 40% so với năm 2016.
Loại hình sản phẩm đa dạng
Nói đến thị trường cho vay tiêu dùng là nói đến các sản phẩm cho vay tiêu dùng cá nhân. Tại các khu vực, quốc gia khác nhau, sự phát triển của các sản phẩm cũng khác nhau do phụ thuộc bởi nhiều yếu tố… nhưng tất cả đều hướng tới mục tiêu phục vụ nhu cầu của khách hàng.
Khảo sát chung cho thấy, cơ cấu sản phẩm cho vay tiêu dùng tại Việt Nam hiện nay khá đa dạng. Các công ty tài chính với sự am hiểu thị trường, đã đưa ra rất nhiều loại hình sản phẩm cho vay tiêu dùng để đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng từ phía khách hàng.
Tuy nhiên, về cơ bản có thể chia cho vay tiêu dùng thành 3 nhóm chính bao gồm cho vay mua sắm, vay tiền mặt và cho vay qua hình thức phát hành thẻ tín dụng.
Trong đó, sản phẩm vay mua sắm các mặt hàng tiêu dùng như đồ điện tử, điện máy, xe máy đang ngày càng được nhiều người lựa chọn. Ưu điểm của loại sản phẩm này là khách hàng sẽ được sở hữu và sử dụng sản phẩm ngay. Lãi suất cho vay hiện được các công ty tài chính giữ ở mức khá hợp lý từ 20-30%/năm. Thậm chí nhiều nơi còn có những chương trình ưu đãi với lãi suất 0%, thường khá phổ biến với khách hàng khi mua các sản phẩm điện tử, điện máy.
Đối với sản phẩm vay tiền mặt, đúng như tên gọi, khách hàng sẽ được các công ty tài chính cho vay tiền mặt nhằm đáp ứng các nhu cầu chi tiêu đa dạng như du lịch, khám bệnh, bổ sung vốn sửa sang nhà cửa. Lãi suất vay tiền mặt thường cao hơn vay mua sắm, có thể lên tới 40% /năm, do yếu tố rủi ro của khoản vay cao hơn.
Cũng là một sản phẩm cho vay tiêu dùng đang ngày càng được ưa chuộng, vay tiêu dùng qua hình thức phát hành thẻ tín dụng giúp đáp ứng nhu cầu vay khác nhau từ mua sắm hằng ngày, chi tiêu đột xuất đến việc sử dụng như một nguồn vốn kinh doanh nhỏ do có thể rút tiền mặt. Tuy nhiên, lãi suất của nhóm sản phẩm này cao hơn một chút, thường ở mức từ 37- 49%/năm.
Ngoài ra, các công ty tài chính cũng thường kết hợp với đối tác như các nhà sản xuất, đơn vị bán lẻ để thiết kế những sản phẩm tiện ích với mức lãi suất thấp nhất phục vụ khách hàng. Theo đó, nhiều công ty tài chính kết hợp với các đối tác áp dụng các chương trình cho vay trả góp lãi suất ưu đãi, có thể thấp nhất là 0%/năm, kỳ hạn vay từ linh hoạt 4 - 12 tháng. Thông thường với khoản vay này, khách hàng chỉ phải trả trước 30 - 40% cho khoản vay và hưởng lãi suất ưu đãi.
Khách hàng cần chú ý những gì?
Đi cùng với sự linh hoạt, dễ dàng tiếp cận hơn vay ngân hàng, vay tiêu dùng cũng thường có mức lãi suất cao hơn và một số ràng buộc nhất định. Do vậy, giới chuyên gia thường khuyến cáo người tiêu dùng cần nghiên cứu kỹ hợp đồng trước khi đặt bút ký, trong đó đặc biệt lưu ý về thời hạn vay, lãi suất và hình thức trả nợ.
Người vay vốn tín chấp cần cân nhắc thật kỹ trước những điều kiện vay vốn, các loại khoản phí như thanh toán trước hạn, phí chậm thanh toán… Đặc biệt, người đi vay cần hỏi thật kỹ các thông tin liên quan tới việc trả nợ để đảm bảo trả nợ đầy đủ và đúng hạn, tránh việc để lại “vết đen” trong lịch sử tín dụng của bản thân.
Phương Anh
Theo Báo Đà Nẵng
Các bản tin khác
- Xu hướng đầu tư biệt thự biển năm 2017
- Hầm qua sông Hàn vì mai sau
- Phê duyệt giá khởi điểm để tổ chức đấu giá 50 lô đất
- Cuối năm nên gửi tiết kiệm, đầu tư bất động sản, vàng hay chứng khoán?
- Đà Nẵng - dấu ấn 20 năm đổi mới Khởi sắc diện mạo đô thị
- Xây hầm qua sông Hàn từ tư duy giao thông đi trước
- Phương án hỗ trợ do giảm mặt cắt đường sau khi hình thành Nút giao Điện Biên Phủ - Nguyễn Tri Phương
- Tận hưởng Thiên đường giáng sinh 2016 tại Asia Park
- Hội thảo "Đà Nẵng-20 năm quy hoạch và phát triển đô thị": Khuyến nghị chưa vội xây hầm chui qua sông Hàn
- TPP sẽ xoay chuyển bất động sản Việt Nam
- Cận cảnh khu nghỉ dưỡng 5 sao+ quốc tế vừa khai trương tại Phú Quốc
- Sun Group mời khách hàng ra đảo Ngọc đón bình minh rạng rỡ
- 20 năm nhìn lại công tác quản lý quy hoạch, xây dựng đô thị TP Đà Nẵng
- Sân vận động Hòa Xuân: "Ngôi nhà mới" của bóng đá Đà Nẵng
- VinaCapital đầu tư 650 tỷ đồng phát triển khu biệt thự biển
- Bất động sản nghỉ dưỡng “bình dân” dậy sóng
- Đà Nẵng sẽ xây hầm vượt sông Hàn
- Tại sao phải công chứng các hợp đồng, giao dịch bất động sản?
- Mùa cao điểm bắt đầu, Ngân hàng Nhà nước đảo chiều cho vay
- Đà Nẵng đề nghị xây dựng tuyến hành lang kinh tế Đông-Tây 2 từ nguồn vốn ODA