Tại kỳ họp HĐND thành phố ngày 12-7-2018, Chủ tịch UBND thành phố Huỳnh Đức Thơ cho biết, chính quyền thành phố sẽ thương thảo, tìm giải pháp khả thi để lấy lại sân vận động Chi Lăng nhằm phục vụ lợi ích cộng đồng.
Nhiều hạng mục trong sân vận động Chi Lăng đang bị hoang phế, xuống cấp. |
Dự án Khu đô thị phức hợp thương mại-dịch vụ Thiên Thanh - Đà Nẵng (gọi tắt là dự án sân vận động-SVĐ Chi Lăng) do Công ty TNHH Tập đoàn Thiên Thanh (Tập đoàn Thiên Thanh) làm chủ đầu tư. Sau nhiều năm, tập đoàn này không triển khai dự án mà đem nhiều bất động sản (BĐS) tại dự án đi thế chấp và đến nay các cá nhân, tập thể liên quan vi phạm pháp luật đang bị xử lý.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, con số thi hành án trên 3.646 tỷ đồng từ Phạm Công Danh và Tập đoàn Thiên Thanh ở Đà Nẵng không chỉ dựa trên kết quả thi hành án từ các BĐS thuộc dự án SVĐ Chi Lăng, mà còn có các BĐS khác như khu đất dự án số 209 đường Trường Chinh…
Kết quả thực hiện thi hành án đối với dự án SVĐ Chi Lăng của Phạm Công Danh và Tập đoàn Thiên Thanh có tính quyết định về phương án thương thảo “thu hồi” lại SVĐ Chi Lăng.
Cục Thi hành án dân sự thành phố Đà Nẵng cho biết, cơ quan này đang gửi văn bản đến các tổ chức và cá nhân có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan để phối hợp triển khai xử lý theo đúng quy định pháp luật.
Tuy nhiên, vấn đề xử lý tài sản vụ án đối với các lô đất ở SVĐ Chi Lăng có tính chất phức tạp chứ không đơn thuần như đất đai trong các vụ án khác, bởi dự án SVĐ Chi Lăng là một tổ hợp được quy hoạch thành một khối liên hoàn.
Hiện dự án SVĐ Chi Lăng phân ra 14 lô đất, nhưng chỉ có 11 lô đất là tài sản thi hành án do Cục Thi hành án dân sự Thành phố Hồ Chí Minh ủy thác và có nhiều ngân hàng thụ hưởng kết quả thi hành án. Mặt khác, khu vực dự án cũng có nhiều BĐS chưa được đền bù giải tỏa hoặc đã giải tỏa, đền bù và bố trí tái định cư, nhưng chưa bàn giao mặt bằng.
“Vụ việc thi hành án tài sản thế chấp ngân hàng tại dự án SVĐ Chi Lăng đang trong giai đoạn xác minh thực hiện thi hành án. Cụ thể, phải xem xét toàn bộ tình trạng pháp lý, xác định tài sản của từng chủ thể có quyền và nghĩa vụ liên quan.
Khi có đầy đủ thông tin BĐS và bảo đảm cơ sở pháp lý thì mới đề xuất hướng xử lý tài sản theo Luật Thi hành án dân sự. Đó là định giá, phát mãi tài sản”, ông Lâm Hồng Anh, Phó Cục trưởng Cục Thi hành án dân sự thành phố Đà Nẵng cho hay.
Trả lời câu hỏi của phóng viên Báo Đà Nẵng về quyền tham gia giải quyết tài sản BĐS qua thi hành án ở dự án SVĐ Chi Lăng, ông Trần Phước Thu, Cục trưởng Cục Thi hành án dân sự thành phố Đà Nẵng cho rằng, về quy định pháp luật, mọi cơ quan, tổ chức, đoàn thể, công dân nếu có đủ điều kiện tài chính bảo đảm đều được tham gia mua tài sản qua đấu giá tài sản thi hành án.
Trong trường hợp cụ thể, đối với các BĐS ở dự án SVĐ Chi Lăng có liên quan trực tiếp đến quy hoạch phát triển đô thị Đà Nẵng mà chính quyền thành phố là cơ quan quản lý Nhà nước về lĩnh vực đô thị, công tác thi hành án phải được thực hiện đồng bộ đối với các BĐS.
Chính quyền Đà Nẵng xúc tiến các thủ tục thương thảo để lấy lại sân vận động Chi Lăng. Ảnh: TRIỆU TÙNG |
“Rất khó, rất ít cơ hội cho tổ chức, cá nhân nào (ngoài chính quyền thành phố Đà Nẵng) tham gia mua tài sản qua đấu giá tài sản thi hành án đối với dự án SVĐ Chi Lăng, vì không thực hiện đấu giá riêng lẻ. Đồng thời, đối tượng tham gia đấu giá phải thực hiện các quy định về mục đích sử dụng đất, tuân thủ quy hoạch theo Luật Đô thị.
Trong khi đó, chính quyền thành phố xác định rõ mục đích tham gia đấu giá là đưa các BĐS vào phục vụ cộng đồng, thực hiện đầu tư phát triển đô thị, phát triển kinh tế-xã hội cho địa phương. Để thương thảo, thu hồi các BĐS thuộc dự án SVĐ Chi Lăng, chính quyền thành phố cần có thời gian nghiên cứu phương án khả thi”, ông Thu đề cập.
Hiện nay, Chủ tịch UBND thành phố Huỳnh Đức Thơ đã chỉ đạo Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Xây dựng cùng các sở, ngành liên quan thực hiện rà soát toàn diện dự án SVĐ Chi Lăng, trọng tâm là xác định các chủ thể có quyền sử dụng đất, đền bù giải tỏa, bố trí tái định cư, tình hình sử dụng đất hiện trạng.
Đây là bước đi đầu tiên trong việc xây dựng các giải pháp thương thảo thu hồi dự án SVĐ Chi Lăng. Theo Cục Thi hành án dân sự thành phố, các sở, ngành liên quan của thành phố đang có sự phối hợp tốt để sớm có cơ sở pháp lý thực hiện thi hành án.
“Cục Thi hành án dân sự thành phố sẽ có báo cáo sớm với Tổng cục Thi hành án dân sự (Bộ Tư pháp) và cấp lãnh đạo địa phương để có phương án xử lý tốt nhất, vừa bảo đảm đúng quy định pháp luật, vừa đáp ứng nguyện vọng của nhân dân thành phố cũng như yêu cầu phát triển đô thị của Đà Nẵng”, ông Thu nói.
Cũng liên quan đến dự án SVĐ Chi Lăng, Ban cán sự Đảng UBND thành phố vừa có Báo cáo số 303/BC-BCSĐ ngày 4-7-2018 thống nhất với đề xuất của Sở Xây dựng về việc hình thành trục thương mại-dịch vụ bắt đầu từ Vĩnh Trung Plaza, chợ Cồn, Trung tâm thương mại tại khu đất SVĐ Chi Lăng, khu vực dọc đường Hùng Vương kéo dài đến quảng trường Trung tâm, chợ Hàn, đường Trần Phú-Bạch Đằng; đồng thời xem xét mở rộng quảng trường ra các dự án đang chậm triển khai ở khu vực.
Ông Trần Phước Thu, Cục trưởng Cục Thi hành án dân sự thành phố Đà Nẵng: Ủng hộ chủ trương này vì hợp lòng dân Vừa qua, lãnh đạo thành phố Đà Nẵng có đặt vấn đề thương thảo lấy lại toàn bộ SVĐ Chi Lăng để đầu tư thành một dự án hoàn chỉnh. Về phía Cục Thi hành án, chúng tôi hoàn toàn ủng hộ chủ trương này vì đây là chủ trương hợp lòng dân. Chúng tôi vừa thực hiện nhiệm vụ chuyên môn, nhưng cũng thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị ở địa phương. Trong quá trình xử lý thi hành án, Cục Thi hành án dân sự thành phố luôn chủ động tham mưu, đề xuất với UBND thành phố về phương án thuận lợi để vừa giải quyết việc thi hành án theo đúng quy định pháp luật, vừa bảo đảm được tổng thể quy hoạch phát triển đô thị thành phố. Luật sư Đỗ Pháp, Đoàn Luật sư thành phố Đà Nẵng: Thương lượng thu hồi qua thi hành án rất thuận lợi cho Đà Nẵng Muốn thương thảo lấy lại SVĐ Chi Lăng, trước mắt Đà Nẵng phải làm việc với Cục Thi hành án dân sự thành phố. Khi đơn vị này đưa SVĐ Chi Lăng ra bán đấu giá để bảo đảm cho việc thi hành án, Đà Nẵng thương thảo để ưu tiên cho địa phương cơ hội chuộc lại tài sản. Qua diễn tiến mới của vụ việc, chính quyền thành phố Đà Nẵng có điều kiện xác định nguồn gốc tài sản thuộc quyền sở hữu của cá nhân, tổ chức liên quan. Từ đây, lãnh đạo địa phương thương thảo trực tiếp với chủ sở hữu để có biện pháp tháo gỡ. Sau khi thương thảo, nếu Cục Thi hành án dân sự thành phố và các ngân hàng ủng hộ, tạo điều kiện thì Đà Nẵng phải tính đến việc huy động nguồn vốn để bảo đảm cho việc chuộc lại SVĐ Chi Lăng. Nguồn vốn thương thảo để thực hiện bằng nhiều nguồn tài chính hợp pháp; trong đó, các nguồn vốn có phát sinh qua chuyển quyền sử dụng đất khi thực hiện chấp thuận dự án đầu tư Khu đô thị Phức hợp sân vận động Chi Lăng giữa chính quyền thành phố với Tập đoàn Thiên Thanh. |
Bài và ảnh: Triệu Tùng
Theo Báo Đà Nẵng
Các bản tin khác
- Quy hoạch đô thị: Gian nan!
- Tránh mắc bẫy khi vay tiêu dùng trả góp
- Đà Nẵng sắp tổ chức đấu giá 158 lô đất khu vực Cẩm Lệ - Hoà Vang
- Đấu giá chuyển quyền đất ở tái định cư
- Năm 2016, xu hướng BĐS xanh lên ngôi
- Phương án đấu giá quyền sử dụng đất đối với 158 lô đất địa bàn phường Hoà Xuân và xã Hoà Châu
- Giá 11 lô đất thuộc Khu thương mại dịch vụ đường Trường Sa
- Trong 10 năm tới bất động sản ven biển có thể tăng giá gấp đôi
- Rộng cửa đón người mua nhà ở xã hội
- Bất động sản Đà Nẵng: Phân khúc đất nền hồi sinh
- InterContinental Đà Nẵng có nhà hàng lọt top "10 nhà hàng tuyệt nhất thế giới" của CNN
- Tổng thu thuế nội địa năm 2015 đạt trên 12.000 tỷ đồng
- Ô tô giảm giá 2018: Tàn giấc mộng
- Liên kết sàn giao dịch bất động sản liệu có bền vững?
- Những tư vấn trước khi mua nhà
- Ra mắt BCH Hội Môi giới BĐS Việt Nam tại miền Trung
- Khéo ăn thì no, khéo co thì ấm!
- Ra mắt Hiệp hội Bất động sản khu vực miền Trung
- Đà Nẵng triển khai 7 sản phẩm du lịch mới trong năm 2016
- Đẩy nhanh quá trình đô thị hóa