Khi đọc bài viết của bạn Bảo An “Vợ chồng trẻ có 800 triệu nên mua nhà đất hay chung cư ở Hà Nội?”, tôi nhớ lại tình cảnh của mình 6 năm về trước. Với kinh nghiệm của một người đã từng kinh qua cả nhà đất và chung cư, tôi xin đưa ra chút ít lời khuyên cho bạn.
Mấy năm trước đây, có lẽ vợ chồng tôi cũng giống vợ chồng bạn bây giờ, đều là người tỉnh lẻ lên Hà Nội sống và làm việc, sau một thời gian tích lũy thì có chút tiền tiết kiệm, bắt đầu suy tính đến chuyện mua nhà để “an cư lạc nghiệp". Lúc ấy, thực chất vợ chồng tôi chỉ có 600 triệu. Vợ chồng tôi muốn vay mượn thêm ngân hàng để mua chung cư trả góp nhưng bố mẹ chồng không ủng hộ với lý do “chung cư là nhà trên trời, có phải đất của mình đâu, nhà đất mới là nhà của mình, đến đời con đời cháu vẫn được sở hữu nó”.
Thú thực, lúc đó vợ chồng tôi chưa quyết đoán với lựa chọn của mình, lại gặp ngay sự phản đối của cha mẹ chồng - người đã cho chúng tôi số tiền không nhỏ để mua nhà, nên vợ chồng tôi bị lung lay. Sau cùng, chúng tôi quyết định mua một mảnh đất ở Gia Lâm vì giá cả hợp lý, đặc biệt là rất tiện đường để hàng tháng vợ chồng tôi đưa con nhỏ về quê thăm ông bà nội (bố mẹ chồng tôi ở Hưng Yên). Số tiền còn thừa ra khi mua đất, chúng tôi xây tạm một căn nhà cấp 4 nhỏ để ở.
(Ảnh minh hoạ). |
Những ngày đầu về sống ở nhà mới, cuộc sống của gia đình tôi hoàn toàn đảo lộn. Trước đây, hai vợ chồng ở nhà thuê tại nội thành, ngay gần chỗ làm (vợ chồng tôi đều làm ở khu vực trung tâm). Còn bây giờ, quãng đường đi làm lên tới hơn 20km nên sáng nào hai vợ chồng cũng phải dậy rất sớm để vệ sinh cá nhân, cho con nhỏ ăn uống rồi đi gửi mẫu giáo. Ấy vậy mà hai vợ chồng vẫn thường xuyên rơi vào cảnh muộn giờ làm.
Chuyện đón con cũng vô cùng phiền hà. Trường mẫu giáo cách nhà tôi không xa nhưng chưa đến 5 giờ chiều là người dân xung quanh đã đón con về hết. Trong khi đó, 5 giờ chiều vợ chồng tôi mới tan làm, vượt hơn 20km về đón con thì đã muộn. Không muốn nhờ vả làm phiền hàng xóm, chúng tôi đành phải thuê riêng một người trong làng đón con giúp. Tính ra như thế lại phát sinh thêm một khoản chi phí.
Không thể phủ nhận cuộc sống ở ngoại thành có rất nhiều ưu điểm như không khí trong lành, yên tĩnh, hàng xóm hiền lành, thân thiện... Tuy nhiên, do sinh hoạt của người dân nơi đây vẫn đậm chất làng quê nên các yếu tố dịch vụ, tiện ích chưa được chú trọng lắm. Xung quanh nhà tôi không có nhiều chỗ vui chơi cho trẻ nhỏ, những ngày cuối tuần, hai vợ chồng thường phải cố gắng đưa con đi các trung tâm thương mại ở xa để cháu có chỗ chơi. Đi đi lại lại quãng đường dài, con trẻ cũng vất vả, nhìn con ngồi trên xe máy ngủ gà ngủ gật mà thấy rất thương!
Đỉnh điểm dẫn đến việc vợ chồng tôi quyết định bán nhà là do bị trộm cắp. Dịp nghỉ lễ 30/4 - 1/5, vợ chồng tôi đưa con về quê ngoại chơi. Đến khi về lại nhà, chúng tôi phát hiện căn nhà bị trộm lục tung, hai chiếc xe máy đã “không cánh mà bay”. Rất may là tiền vàng có giá trị vợ chồng tôi không cất ở nhà nên không bị mất.
Sau khi trải nghiệm hơn 1 năm “đáng nhớ” ở căn nhà ngoại thành, chúng tôi trở về cuộc sống đi thuê trọ, quyết định cố gắng làm lụng thêm vài năm, dành dụm tiền để mua một căn chung cư trong nội thành. Đến cuối năm vừa rồi, vợ chồng tôi cũng vay mượn thêm để mua được một căn chung cư trong nội thành.
Chuyển về nhà mới ở, tôi thấy đây đúng là cuộc sống mà mình mơ ước. Mỗi ngày, tôi chỉ phải đi 5km để đến chỗ làm. Môi trường sống ở chung cư rất sạch sẽ, không có ruồi muỗi, lại nhiều tiện ích phục vụ cho cuộc sống. Tầng trệt tòa nhà có siêu thị nên rất tiện lợi cho việc mua sắm thực phẩm, đồ đạc gia dụng...
Con gái tôi giờ đang học tiểu học, quãng đường đi học của cháu cũng rất gần, thuận lợi cho vợ chồng tôi đưa đón. Việc tôi hài lòng nhất khi ở chung cư là vấn đề an ninh. Tòa nhà có bảo vệ lại có camera giám sát 24/7 nên rất an toàn.
Hiện nay tôi thấy cũng có nhiều gói vay cho người mua nhà khá hợp lý để áp lực trả nợ không quá nặng nề. Kể ra câu chuyện của bản thân mình để bạn Bảo An có thêm cái nhìn để đưa ra quyết định của mình. Chọn mua chung cư trong nội đô đối với vợ chồng tôi thấy khá hài lòng.
Theo Vietnamnet
Hải Hà(Hà Nội)
Các bản tin khác
- Bán 100 căn hộ chung cư thu nhập cho cán bộ công chức
- BỘ TRƯỞNG BỘ TƯ PHÁP HÀ HÙNG CƯỜNG: TP.HCM là điển hình về xã hội hóa công chứng
- Bong bóng bất động sản còn tiếp tục xì hơi
- Cuối năm, căn hộ sẽ còn giảm giá?
- Một số vấn đề về công tác quản lý Đăng ký và Công chứng theo quy định của pháp luật Tây Ban Nha, kinh nghiệm cho Việt Nam trong quá trình nghiên cứu sửa đổi, bổ sung Luật công chứng năm 2006
- Rắc rối số nhà
- MUA LẠI PHIẾU ĐẤT TÁI ĐỊNH CƯ VẪN ĐƯỢC HỖ TRỢ VAY VỐN
- Nhà băng vào cuộc đua giảm lãi suất
- Gắn mác vỡ nợ để bán nhà đất
- Hơn 714 tỷ đồng đền bù giải tỏa và tái định cư Dự án Phát triển bền vững TP Đà Nẵng
- Bất động sản “đóng băng”: Từ ông chủ trở thành nhân viên... giữ xe
- Chuyển giao sơ đồ quỹ đất để bố trí tái định cư cho các hộ giải toả
- Hưởng lợi từ xã hội hóa dịch vụ công chứng
- Hộ tái định cư vay vốn ngân hàng trả nợ tiền sử dụng đất như thế nào?
- Phê duyệt phương án bồi thường, tái định cư dự án khu ký túc xá sinh viên tập trung phía tây tại KCN Hòa Khánh
- Đà Nẵng: Doanh nghiệp được hỗ trợ vay vốn để tiếp tục triển khai dự án
- Rắc rối vì không biết người ủy quyền đã chết
- ĐỀ NGHỊ CÁC NGÂN HÀNG NHANH CHÓNG GIẢM LÃI SUẤT
- Thị trường BĐS đang diễn ra quá trình "chọn lọc tự nhiên"
- Đà Nẵng: Không cho chia nhỏ các lô đất lớn